Hoa Kỳ được thế giới mặc nhiên tôn vinh làm bá chủ
Nguyễn Cao Quyền (Danlambao)
- Trong những năm gần đây, dư luận chung cho rằng cán cân quyền lực
đang chuyển dần từ Mỹ sang một số nước đang nổi trong đó có Trung Quốc.
Báo cáo Global Trend 2015 của News Week cũng cho rằng một trật tự thế
giới hậu Hoa Kỳ đang xuất hiện, không phải vì Mỹ đã suy yếu mà vì các
nước khác đang lớn mạnh. Báo cáo này cho rằng vào đầu năm 2025 Mỹ sẽ
không còn giữ vị thế siêu cường duy nhất mà chỉ còn là một nước thứ nhất
giữa các quốc gia ngang hàng (first among equals).
Nhận định trên đây có nhiều phần không chính xác nên cần được góp ý thêm
trong những đoạn viết tiếp theo. Xin mời qúy độc giả tiếp tục theo
dõi.
Sức lớn mạnh mau chóng của Trung Quốc đang được thế giới quan tâm
Được quan tâm nhiều nhất trong số các nước đang nổi ấy là Trung Quốc.
Trước sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc, nhiều nhà phân tích cho
rằng Trung Quốc sẽ thống trị thế giới sau Hoa Kỳ. Một trong những nhà
phân tích đó là tác giả người Anh tên Martin Jacques với tác phẩm “When
China Rule The World” xuất bản năm 2009.
Martin cho rằng việc đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Tiêu chí đầu tiên
để Martin Jacques khẳng định như vậy là mức tăng trưởng kinh tế của Hoa
Lục. Ngoài sức mạnh kinh tế tác giả còn nêu ra một số yếu tố khác như
văn hóa, văn minh… Tác giả cho rằng vào giữa thế kỷ này Bắc Kinh sẽ trở
thành thủ đô của thế giới.
Tác giả cũng cho rằng hầu hết các nước Á Châu sẽ chấp nhận sự bá chủ của
Trung Quốc và như vậy hệ thống chư hầu (tributary system) có thể coi
như đã quay lại Á Châu ngay từ lúc này. Trung Quốc giờ đây đã có thể
thách thức trật tự thế giới do các nước Phương Tây thiết lập.
Lập luận quá đơn giản và thiếu dẫn chứng của Martin Jacques không mang
lại nhiều thuyết phục nên chúng ta lại phải đào sâu thêm thực chất của
vấn đề.
Thật ra Trung Quốc không có triển vọng nào để mong đợi
Một tác giả người Anh khác, trái lại đã bác bỏ hoàn toàn lập luận của
Martin Jacques. Tác giả này tên Will Hutton với tác phẩm “The writing
on the Wall: China and the West in the 21st Century” xuất bản năm 2007.
Theo Hutton, Trung Quốc chẳng có triển vọng nào để thống trị thế giới vì
nước này đang phải đối diện với sự nhập nhằng về bản sắc và những yếu
kém về kinh tế, nên chính những điều này không cho phép Trung Quốc áp
đặt sức mạnh cứng và sức mạnh mềm lên các nước khác.
Thể chế chính trị độc đoán của Trung Quốc không phải là điểm mạnh mà là
một nhược điểm vì nó không có cơ chế kiểm soát và cân bằng quyền lực.
Kinh tế của Trung Quốc vừa mạnh nhưng lại vừa yếu. Mô hình kinh tế hiện
tại của nước này chủ yếu dựa trên xuất khẩu và tiết kiệm không thể tồn
tại mãi mãi. Để thay đổi, Trung Quốc cần có một sự thay đổi về chính
trị.
Người Trung Hoa không tin tưởng vào tương lai vì họ biết rằng Đảng CSTQ
không thể mãi mãi duy trì quyền lực. Will Hutton cho rằng, vì những lý
do trên, trong tương lai Hoa Kỳ và Phương Tây vẫn dẫn đầu.
Và Trung Quốc cũng chẳng mang được cái gì mới lạ cho nhân loại
Trong số những người phủ nhận quan điểm cho rằng trật tự thế giới hiện
tại sẽ bị đe dọa bởi sự lớn mạnh của Trung Quốc, còn có một giáo sư đại
học Princeton người Mỹ tên là John Ikenberry.
Ông này cho rằng Trung Quốc chẳng mang đến cho hệ thống tổ chức và điều
hành thế giới một cái gì mới mẻ và đặc trưng. Do đó những dự đoán là
Trung Quốc sẽ khởi xướng một trật tự thế giới mới là sai lầm.
Một bài viết khác của tác giả Mixin Pei, người Trung Hoa đăng trên tuần
báo Newsweek ngày 8/12/2009 cũng cho rằng viễn cảnh Trung Quốc tạo ra
một trật tự thế giời mới để từ đó leo lên làm bá chủ nhân loại là xa
vời.
Một trong hai lý do quan trọng mà Mixin Pei đưa ra là những khó khăn
kinh tế hiện tại của nước này. Mọi chuyện không phải là xuôi chảy và
đơn giản như mọi người tưởng tượng. Vấn đề thứ hai được đặt ra là nếu
Trung Quốc thực sự mạnh thì tại sao Bắc Kinh lại không đóng một vai trò
quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế. Câu trả lời là điều mà Bắc
Kinh ưu tiên quan tâm hiện tại là làm sao ổn định được tình hình chính
trị trong nước. Vì những lý do trên nên Mixin Pei cho rằng Trung Quốc
sẽ không thể thống trị thế giới trong tương lai như Martin Jacques dự
báo.
Như vậy phải lý giải ra sao?
Với sự sụp đổ của mô hình cộng sản thế giới vào những năm đầu của thập
kỷ 1990 mô hình của Mỹ đã trở thành vĩ đại và được ưa chuộng khắp nơi
trên thế giới. Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ đã ngự trị thế giới không phải chỉ
vì sức mạnh kinh tế mà còn về nhiều mặt khác như khoa học, kỹ thuật,
văn minh, văn hóa… nói tóm lại là vì vị thế “bá chủ” của nước này.
Về phương diện kinh tế. Hoa Kỳ tượng trưng cho 25% của sức sản xuất thế
giới. GDP của Hoa Kỳ cao gấp rưỡi GDP của Nhật Bản. Với sức sản xuất
vô địch như vậy Hoa Kỳ đương nhiên là quốc gia mạnh nhất hoàn cầu về
phương diện mậu dịch. Nhờ những xí nghiệp đa quốc gia mang quốc tịch
Mỹ, Hoa Kỳ đầu tư khắp nơi khắp chốn trên mặt địa cầu. Đồng đô la Mỹ
được ưa chuộng trong mọi giao dịch quốc tế.
Hoa Kỳ đồng thời cũng là một mô hình văn hóa được cả thế giới ưa thích.
Tiếng Anh được thông dụng khắp hang cùng ngõ hẻm. Phim ảnh âm nhạc và
cách sống văn minh được cả thế giới bắt chước.
Vì có sức mạnh và một nền văn minh lan tỏa khắp thế giới Hoa Kỳ được thế
giới mặc nhiên tôn vinh làm bá chủ. Hoa Kỳ chinh phục thế giới không
bằng vũ lực như đế quốc cộng sản ngày nay hay những đế quốc La Mã, Mông
Cổ, Trung Quốc, Anh Quốc thời xưa, mà bằng sức mạnh của dân chủ tự do.
Và phải kết luận thế nào?
Để có thể làm bá chủ thế giới, một cường quốc cần hội đủ năm điều kiện
sau đây. Nếu nhận xét một cách thực tế và khoa học thì phải nói rằng
Trung quốc còn lâu, và cũng có thể là không bao giờ, trở thành bá chủ
của thế giới.
Điều kiện kinh tế: Gần đây nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng
trưởng một cách nhanh chóng. Tuy nhiên đó chỉ là một sự tăng trưởng về
kích thước chứ không phải là một sự tăng trưởng về chất lượng và ngay cả
về kích thước thì số lượng tăng trưởng ấy cũng chỉ đủ để chạy vào túi
những người thuộc giai cấp lãnh đạo.
Chúng ta cần để ý rằng hiện tượng nói trên không xảy ra ở nước Mỹ.
Không xảy ra ở Mỹ vì ở Mỹ nền kinh tế quốc doanh không có chỗ đứng, trừ
một vài lãnh vực thật cần thiết. Tại Mỹ nền kinh tế tự do là cơ sở căn
bản cho hệ thống tài chánh toàn cầu. Hơn 80% của khối lượng trao
đổi tài chánh thế giới được thực hiện bằng đồng đô la Mỹ, và chừng nào
đồng đô la ấy còn được thế giới tin cậy thì uy tín kinh tế của Mỹ chưa
thể bị ai đánh bại.
Điều kiện quân sự: Sức mạnh và sự tân tiến của quân đội Hoa Kỳ
hiện nay vẫn chưa bị nước nào qua mặt. Ngân qũy quốc phòng của Mỹ là
37% ngân qũy quốc phòng của tất cả các quốc gia trên thế giới và tỷ lệ
này sẽ không suy xuyển trong thời gian.
Ngân sách quốc phòng Mỹ vào lúc này vẫn là bốn lần ngân sách quốc phòng
của Trung Quốc. Quân lực của Mỹ được dàn trải rộng khắp trên mặt địa
cầu và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Gần đây Hoa Kỳ có cắt bớt tài khoản dành cho quân số thì những tài khoản
này lại được dùng để làm mạnh thêm cho các binh chủng hải quân và không
quân chứ không phải là những dấu hiệu suy nhược. Trung Quốc làm sao
theo nổi Mỹ về phương diện này trong thời gian trước mắt.
Điều kiện chính trị: Sức mạnh chính trị của một quốc gia phải
được lượng định theo nhiều chiều kích. Đối với nước Mỹ ngoại viện là
chất xi-măng gắn liền Washington với các thủ đô khác trên thế giới. Từ
lâu, ngoại viện Mỹ đã trở thành quen thuộc trên khắp nẻo đường của nhân
loại và đã đánh bại được nhiều cảnh nghèo đói khổ cực.
Muốn có một chính sách ngoại giao tốt đẹp không phải nước nào cũng làm
được. Điều kiện trước tiên cần phải có là sự ổn định trong nước. Vì Mỹ
là một nước tự do dân chủ lâu đời nên sự ổn định là một vấn đề tự
nhiên. Năm mươi triệu dân Mỹ hiện nay là người sinh trưởng ở nước
ngoài. Con số này là vô địch. Ai cũng nhìn về nước Mỹ như một thiên
đường hạ giới.
Điều kiện khoa học tiên tiến: Trong 9 công ty có trình độ kỹ nghệ
cao của thế giới thì 8 công ty là của Mỹ. Nếu ta chú ý đến trình độ
kỹ thuật siêu đẳng của công nghệ thì phải thấy con số 8 nói trên là qúy
trọng.
Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng Hoa Kỳ cho đến nay lúc nào cũng là quốc gia
sản xuất nhiều dầu hỏa và khí đốt nhất thế giới. Các đại học và định
chế khoa học của Mỹ được cả thế giới ngưỡng mộ và lúc nào cũng cung cấp
cho nước Mỹ đầy đủ những điều kiện cần thiết để phát triển. Hơn 30% số
tiền nghiên cứu khoa học của thế giới đã được chi tiêu tại Hoa Kỳ.
Điều kiện văn hóa và văn minh: Có thể nói là Hoa Kỳ có một trình
độ văn hoá và văn minh tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Con số người
di cư, bỏ quê cha đất tổ, bỏ nơi chôn rau cắt rốn, đến Hoa Kỳ sinh sống
chứng tỏ kịch bản này.
Sự phát triển văn minh và văn hóa của Hoa Kỳ là một sức mạnh không nước
nào bì kịp. Thử nhắm mắt lại để tưởng tượng sức mạnh vô địch này rồi
đem so sánh với những gì đã và đang xảy ra ở Trung Quốc, thì có thể tin
rằng còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp Hoa Kỳ còn việc có thể thay thế được
Hoa Kỳ hay không thì quả là một điều “vô vọng”./.
18.11.2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét