Thiện Ý
Cho đến lúc chúng tôi viết xong bài này, là đúng một tháng, cuốn phim 10 tập “THE VIETNAM WAR”
của hai nhà đạo diễn Mỹ là Kenn Burnes và Lynn Novick đã được trình
chiếu rộng rãi trên các phương tiện truyền thống đại chúng. Đối với khán
giả các giới Việt Nam trong và ngoài nước, đã có những cảm nhận khác
nhau, đưa đến các cuộc tranh cãi trong chốn riêng tư hay qua các bài
viết về nội dung, ý nghĩa, tính trung thực và khách quan hay không của
bộ phim này.
Trong bài trước “The Vietnam War là chiến tranh gì?”, được đăng tải trên diễn đàn này của Đài VOA, người viết đã định danh, định hình là “Cuộc Nội Chiến Ý Thức Hệ Quốc-Cộng” giữa người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (chủ nghĩa quốc gia: Nationalism) và người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (chủ nghĩa cộng sản: Communism) trong bối cảnh cuộc “Chiến Tranh Ý Thức Hệ Toàn Cầu” (The Global War Of The Ideology) giữa cộng sản chủ nghĩa (Communism) đứng đầu là Liên Xô với phe các nước xã hội chủ nghĩa; và tư bản chủ nghĩa (Capitalism) đứng đầu là Hoa Kỳ với phe các nước tư bản chủ nghĩa.
Trong bài viết này, người viết sẽ định tính và định lượng “The Vietnam War là chiến tranh của ai, do ai và vì ai?”.
I/- THE VIETNAM WAR LÀ CHIẾN TRANH CỦA AI?
Theo cách định danh, định hình của chúng tôi (bên cạnh cách định danh, định hình khác như chúng tôi đã trình bày) thì The Vietnam War là cuộc chiến giữa “Hai phe, bốn bên”.
Hai phe đó là: Phe xã hội chủ nghĩa (XHCN) đứng đầu là Liên Xô và các nước XHCN (hay cộng sản) trong đó có bên cộng sản Bắc Việt (gọi tắt là Việt cộng); và phe tư bản chủ nghĩa (TBCN)đứng đầu là Hoa Kỳ và các nước tư bản chủ nghĩa, trong đó có bên quốc gia Nam Việt (gọi tắt là Việt quốc). Cả hai phe cùng thực hiện “cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu” giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa dưới hình thái một “cuộc Chiến tranh nóng” (The Hot War) hay “Chiến tranh cục bộ” tại chiến trường Việt Nam.
Bốn bên đó là: Bên Liên Xô, Trung Quốc với các nước XHCH (bên ngoài gián tiếp tham chiến) và bên Việt cộng (bên bản xứ trực tiếp tham chiến) thuộc phe XHCN.- Bên Hoa Kỳ với các nước đồng minh TBCN (bên ngoài tham chiến gián tiếp lúc đầu (1954-1963), sau trực tiếp tham chiến) và bên Việt quốc (bên bản xứ trực tiếp tham chiến) thuộc phe TBCN.
Như vậy có thể coi “The Việt Nam War” là “ngoại chiến”(chiến tranh ngoài nước) của các nước Liên Xô, Trung quốc với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa; cũng là “ngoại chiến” của Hoa Kỳ với các nước đồng minh trong phe tư bản chủ nghĩa. Đồng thời “The Vietnam War” là “Nội chiến”
của hai bên người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản và người Việt Nam
theo ý thức hệ quốc gia. Chính vì vậy chúng tôi đã định danh, định hình
chiến tranh Việt Nam là một “Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng”.
Cuộc nội chiến này diễn ra trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ý thức
hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là như thế.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, dù hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, có thể bề ngoài cùng chung mục tiêu, lý tưởng (của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản) , nhưng khác biệt lợi ích và ý đồ giữa các bên tham chiến muốn thành đạt thông qua “The Vietnam War”. Bởi lẽ nếu hai “cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu” và “cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng” tại Việt Nam là một, thì sau ngày 30-4-1975, “bên thua cuộc” Việt quốc đã không còn lý do tiếp tục chống lại “bên thắng cuộc”
Việt cộng cho đến nay và vẫn đang tiếp tục cho đến khi nào giành được
mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa quốc gia là dân chủ hóa đất nước. Và mặc
dù cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản
chủ nghĩa (hay là cuộc Chiến tranh Lạnh theo cách gọi của Tây phương) đã chấm dứt 27 năm rồi (1990-2017).
II/- THE VIETNAM WAR LÀ CHIẾN TRANH DO AI ?
“Cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu” hình thành sau Thế Chiến II diễn ra dưới hai hình thái “Chiến tranh Lạnh ” (The Cold War) giữa các cường quốc giầu mạnh (Chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, chạy đua vũ trang…) và “Chiến tranh Nóng” (The Hot War) nơi các nước nghèo yếu như Việt Nam (chiến tranh tâm lý, khủng bố, chiến tranh vũ trang…(1)).
Phe cộng sản, đứng đầu là Liên Xô thì phất cao ngọn cờ “Cách mạng vô sản” để lôi kéo các nước nghèo đi vào quỹ đạo của mình, để cùng thực hiện mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa xã hội (Chính
trị độc tài toàn trị- Kinh tế chỉ huy hoạch định cứng rắn, tài sản công
hữu, tiến tới xã hội cộng sản không còn giai cấp…(2)
Phe thư bản đứng đầu là Hoa Kỳ thì phất cao ngọn cờ “ tự do dân chủ” để lôi kéo các nước nghèo đi vào quỹ đạo của mình để cùng thực hiện mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa tư bản (Chính
trị dân chủ pháp trị, kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, tôn trọng
quyền tư hữu trong một xã hội tự nhiên vốn có giai cấp, cộng đồng đồng
tiến...(3).
Sự cạnh tranh giữa hai phe cộng sản và tư bản để “lấn đất dành đồng chí hay bảo vệ đồng minh giữ đất” đã
đưa đến các cuộc chiến tranh cục bộ nơi các nước thường là những nước
nghèo, mới thoát ách thống trị của các đế quốc thực dân.Các cuộc chiến
tranh cục bộ này thường là các cuộc nội chiến ý thức hệ do có sự xung
đột giữa ý thức hệ vốn có từ trước của những người trong nước (chủ nghĩa quốc gia) với ý thức hệ cộng sản (chủ nghĩa cộng sản) mới du nhập. Thực tế tựa hồ như có sự phân công: Phe cộng sản thường ở thế tấn công, phát động chiến tranh lấn chiếm lãnh thổ, cướp chính quyền. Phe tư bản thì thường ở thế phản công, ngăn chặn, đẩy lùi để bảo vệ lãnh thổ, chính quyền với tổ chức xã hội hiện hữu nơi các nước có hiểm họa cộng sản (Chủ thuyết Domino)
Việt Nam cũng như một số nước nghèo yếu ( như Miên, Lào, Đại Hàn, một số nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin…)
có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý
thức hệ toàn cầu. Vì trước đó, chủ nghĩa cộng sản đã du nhập Việt Nam,
với đảng CSVN chính thức có mặt trên chính trườngViệt Nam từ ngày
3-2-1930 tạo ra mâu thuẫn đối kháng với chủ nghĩa quốc gia (quân chủ chuyên chế rồi dân chủ tự do…). Nói cách khác, nếu chủ nghĩa cộng sản không du nhập, đã không có đảng CSVN, đã không có cuộc “nội chiến ý thức hệ quốc-cộng” kéo dài nhiều thập niên qua, trước cũng như sau cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Do đó, dù muốn dù không Việt Nam đã được chọn là chiến trường thực hiện hình thái “Chiến tranh nóng”
cao độ, để qua đó các cường quốc đứng đầu hai phe cộng sản và tư bản
tranh dành lãnh địa, lôi kéo Việt Nam đi vào quỹ đạo của mình, nhân danh
mục tiêu lý tưởng tối hậu của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản.
Một số người Việt Nam, hàng đầu như Ông Hồ Chí Minh, đã bị mê hoặc của lối mời chào này, quy tụ thành “Đảng Cộng sản Việt Nam” ( đảng CSVN ra đời năm1930), nằm trong hệ thống các đảng cộng sản quốc tế, nên đã tự nguyện, chủ động tiến hành “Cách mạng vô sản” dưới ngọn cờ “chống ngoại xâm, giành độc lập” (thời kỳ kháng chiến chống pháp)hay “Chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”(Thời kỳ chến tranh ý thức hệ toàn cầu)
để cướp chính quyền Miền Nam, cộng sản hóa Việt Nam, mở mang bờ cõi cho
phe xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa. Vì vậy, để thực hiện cuộc
chiến tranh này, bên Việt cộng đã được Liên Xô, Trung Quốc và “Các nước xã hội chủ nghĩa anh em” chi
viện dồi dào mọi mặt về của, về người, như vũ khí, lương thực, y tế và
cả nhân lực cố vấn, chuyên gia, hậu cần hay ngụy trang tham gia chiến
đấu, để “giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước” dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản hóa cả nước..
Hiệp Định Genève 1954 chia đôi Việt Nam đã chấm dứt chế độ thuộc địa
của thực dân Pháp kéo dài gần 100 năm (1858-1954). Vì Hiệp định này chỉ
là sự ký kết giữa chính quyền thực dân Pháp và Việt Minh (tức Việt cộng)
sau khi căn cứ chiến lược Điện Biên Phủ bị thất thủ, nên việc giao Miền
Bắc Việt Nam từ vỹ tuyến 17 cho Việt cộng chỉ có ý nghĩa như là Pháp bị
mất một nửa thuộc địa Việt Nam cho phe xã hội chủ nghĩa, để sau đó, một nửa nước Miền Bắc Việt Nam trở thành “tiền đồn cho phe xã hội chủ nghĩa”, có nhiệm vụ phát động cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam, đưa Việt Nam vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, có chung một “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô” (có sự cạnh tranh ngôi vị của Trung Quốc).
Một nửa Miền Nam Việt Nam Pháp đã đến lúc không thể
tiếp tục kéo dài chế độ thuộc địa,buộc phải trao trả độc lập hoàn toàn,
sau khi đã trao trả độc lập từng phần từ năm 1949, cho chính quyền quân
chủ Việt Nam với vua Bảo Đại, là vị vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn đã
trị vì trước và sau khi bị thực dân Pháp xâm chiếm đô hộ. Và vì vậy,
chính quyền quốc gia quân chủ và sau đó chính quyền dân chủ Việt Nam
Cộng Hòa coi mình là một chính quyền chính thống của quốc gia Việt Nam,
tiếp nhận nền độc lập từ tay thực dân pháp. Thế nhưng sau đó lại rơi vào
thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu. Miền Nam Việt nam
đã trở thành “Tiền đồn cho phe tư bản chủ nghĩa” hay còn gọi là “Tiền đồn thế giới tự do” đứng đầu là Hoa Kỳ với các nước phe tư bản chủ nghĩa, viện
trợ mọi mặt cho chính quyền và nhân dân Miền Nam, trực tiếp tham chiến
chống cộng,để cùng ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh thôn tính Miền
Nam, nhuộm đỏ đất nước của Việt cộng, được Liên Xô, Trung Quốc và các
nước phe xã hội chủ nghĩa chi viện toàn diện.
Đến đây có thể trả lời cho câu hỏi “THE VIETNAM WAR” là chiến tranh do ai gây ra:
Rằng chính Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở thế tiến công đã gây ra
cuộc chiến, khi chủ mưu và hổ trợ cho đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Bắc
Việt khởi động cuộc chiến tranh Việt Nam, với vũ khí, lương thực đạn
dược, các phương tiện giết người của Liên Xô, Trung quốc và các nước
trong phe xã hội chủ nghĩa. Vậy các bên khởi động cũng như bị động tham
gia cuộc chiến tranh Việt Nam là vì ai?
III/- THE VIETNAM WAR LÀ CHIẾN TRANH VÌ AI?
Như ở phần (I) chúng tôi đả viết: “dù hai cuộc chiến này cùng diễn ra
trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, có thể bề ngoài cùng chung mục tiêu, lý tưởng, nhưng khác biệt lợi ích và ý đồ giữa các bên tham chiến muốn thành đạt thông qua “The Vietnam War”.
Vậy THE VIETNAM WAR là chiến tranh vì ai? - Chúng tôi thử nhận định qua bốn bên trong hai phe tham gia trực tiếp hay gián tiếp cuộc chiến Việt Nam là vì ai?
Đối với hai bên ngoại chiến đứng đầu phe XHCN là Liên Xô ( thêm Trung Quốc) và đứng đầu phe TBCN là Hoa Kỳ,
thì cả hai bên tham gia chiến tranh Việt Nam gián tiếp hay trực tiếp
đều vì quyền lợi quốc gia của họ, dưới chiêu bài khác nhau. Bên Liên Xô (cũng như Trung Quốc)
và bên Hoa Kỳ và một số nước đồng minh khi tham chiến đều nhằm thành
đạt các lợi ích chính trị,quân sự kinh tế và các lợi ích khác của chính
quốc gia của họ, thông qua cuộc chiến Việt nam. Cả hai bên ngoại chiến
đều nhân danh những lý tưởng cao đẹp khi tham chiến là để giúp hai bên
nội chiến đồng chí (Việt cộng) hay đồng minh (Việt quốc) thắng cuộc để thực hiện mục tiêu lý tưởng chung.
Chẳng hạn về chính trị cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều thông qua chiến tranh
Việt Nam để tạo ảnh hưởng, lôi kéo Việt nam vào quỹ đạo của mình. Liên
Xô thì có tham vọng cộng sản hóa toàn cầu để trở thành bá chủ. Hoa Kỳ
thì tham gia chiến tranh Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi các
cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh địa, thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn
cầu của Liên Xô
Chẳng hạn về quân sự, kinh tế …các cường quốc trong hai phe cộng sản
và tư bản nhờ chiến tranh Việt Nam đã tiêu thụ được lượng vũ khí đạn
dược và các khí tài quân sự tồn đọng sau Thế Chiên II và là nơi thử
nghiệm thêm nhiều loại vũ khí mới. Một điển hình là sau Hiệp Định Genève
chia đồi Việt Nam, quân đội VNCH ở Miền Nam ở thế thủ, trong thời gian
đầu đã chỉ được Hoa Kỳ trang bị các loại súng cá nhân từ thời Thế Chiến
II như súng Garant (mỗi khi bắn phải lên cò từng viên), hay
súng liên thanh Carbin M.1 hay M.2. Mãi cho đến khi quân đội CSBV được
Liên Xô, Trung Quốc trang bị cho vũ khí cá nhân AK, thì quân đội VNCH
mới được Hoa Kỳ trang bị cho AR.15 hay 16. Nghĩa là quân đội VNCH được
trang bị vũ khí các loại tối tân theo kiểu “nước lên, thuyền lên”.
Bên Việt cộng đóng vai trò tấn công trong cuộc chiến được Liên Xô,
Trung Quốc trang bị các loại vũ khí tối tân đến đâu thì quân đội VNCH ở
thế thủ cũng được Hoa Kỳ và đồng minh trang bị vũ khí tối tân đến đó.
Vì vậy, theo nhận định của chúng tôi, một khi thấy “The Vietnam War”
không còn lợi ích, các cường quốc đứng đầu hai phe đã tìm cách chủ động
đưa cuộc chiến Việt Nam đi đến kết thúc.Vì vậy chúng tôi từng nhận định
rằng, thực tế “The Vietnam War” chấm dứt như thế “không phải là thắng lợi của phe này ( Phe XHCN và Việt cộng) đối với phe kia (Phe TBCN và Việt quốc) mà chỉ là vì nhu cầu phải thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực mà thôi” (4)
Đối với bên nội chiến Việt cộng ở Miền Bắc thì phát động chiến tranh nhân danh lợi ích ngụy dân tộc “kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước” để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì “độc lập- tự do-Hạnh phúc” của nhân dân. Đồng thời, nhân danh quyền lợi giai cấp vô sản, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cộng sản làm “Chiến tranh cách mạng” để nhuộm đỏ Việt Nam và các nước Đông Dương (Việt-Miên-Lào…), cộng sản hoá tòan cầu để thực hiện mục tiêu lý tưởng cộng sản tối hậu (một thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, xã hội cộng sản viên mãn như “Thiên đường cộng sản”).
Do đó đã được Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe XHCN chi viện
vũ khí đạn dược, lương thực dồi dào để giành chiến thắng bằng bạo lực
cách mạng.
Đối với bên nội chiến Việt quốc ở Miền Nam thì buộc
lòng phải tham gia một cuộc chiến tự vệ vì lợi ích dân tộc, để bảo vệ
phần đất Miền Nam và chế độ dân chủ VNCH vì lý tưởng tự do dân chủ, với
sự trợ giúp nhiều mặt của Hoa kỳ và đồng minh. Mục tiêu lý tưởng của
Việt quốc là dân chủ hóa cả nước, không phải bằng bạo lực chiến tranh
thôn tính, mà bằng ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị giầu mạnh văn
minh tiến bộ ở Miền Nam trên chế độ độc tài toàn trị cộng sản nghèo yếu,
lạc hậu ở Miền Bắc. (như thực tế nước Đức đã thống nhất bằng sự ưu
thắng của chế độ dân chủ Tây Đức giầu mạnh, trên chế độ độc tài cộng sản
Đông Đức …)
Vậy thì, một cách khách quan và công bằng, chúng tôi cho rằng cả hai bên nội chiến phát động chiến tranh từ Miền Bắc (Việt cộng) hay chiến tranh tự vệ ở Miền Nam (Việt quốc)
đều có ý hướng muốn thống qua cuộc chiến giành chiến thắng để có điều
kiện thực hiện mục tiêu lý tưởng tối hậu của mình trên cả nước, theo chủ
nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa quốc gia. Vì tự tin rằng đó là điều tốt
đẹp cho nhân dân, đất nước và dân tộc.
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng hai bên Việt quốc cũng như Việt cộng, dù ở
thế chẳng đặng đừng phải làm công cụ cho hai phe ngoại bang trong cuộc
chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, nhưng không người Việt quốc gia chân
chính nào ở Miền Nam nghĩ rằng mình tham gia cuộc chiến chống cuộc chiến
tranh xâm lấn của CSBV là “đánh thuê cho Mỹ”, mà là để
bảo vệ phần đất Miền Nam vì lý tưởng tự do dân chủ của chủ nghĩa quốc
gia. Trái lại, cũng như những người Việt cộng sản chân chính, không ai
nghĩ rằng “Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc”
như Cố Tổng Bí Thư đảng CSVN Lê Duẩn đã phải tuyên bố khi Việt Nam bị
Trung Quốc bức bách sau chiến tranh; mà hầu hết thực tâm tham gia cuộc
chiến là say mê vì lý tưởng cộng sản mà họ tin là cao đẹp, có thể hiện
thực. Chẳng thế mà trong thời kỳ chiến tranh, cố Thủ tướng Việt cộng
Phạm Văn Đồng đã ra công hàm năm 1958 tán đồng tuyên bố chủ quyền Biển
Đông của Trung Quốc, có lẽ vì cả tin cho rằng “không còn biên giới quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản,” thì các hải đảo ở Biển đông là của Việt Nam hay Trung Quốc cũng thế thôi?-
Tựu chung, cuộc chiến tranh “cốt nhục tương tàn” (1954-1975)
và sau khi cuộc chiến tranh này đã kết thúc 42 năm rồi (1975-2017) đã
cho thấy cuộc chiến tranh ấy đã không đem lại những điều tốt đẹp gì cho
nhân dân, đất nước và dân tộc như mong đợi của cả đôi bên Việt Quốc cũng
như Việt Cộng. Thực tế chẳng cần nói ra thì ai cũng biết, cuộc chiến ấy
đã chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài
cho dân, cho nước. Trong khi mục tiêu lý tưởng tối hậu của “bên thắng cuộc” cũng như “bên thua cuộc” vẫn chưa bên nào đạt được.
“Bên thắng cuộc” (Việt cộng) thì đã có điều
kiện và cơ hội thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình là xây dựng chủ
nghĩa xã hội sau chiến tranh. Thế nhưng đã thất bại hoàn toàn sau 10 năm
đầu thử nghiệm triệt để chủ nghĩa xã hội(1975-1985) qua “đổi mới” 10 năm (1985-1995) vẫn không thành, phải “mở cửa” bắt tay với cựu thù “Đế quốc Mỹ”
để cho các nước tư bản tràn vào đầu tư. Từ đó và nhờ đó đảng CSVN đã
thoát hiểm, kinh tế Việt Nam cất cánh để có bộ mặt xã hội phát triển
phồn vinh như hôm nay. Đời sống nhân dân ngày được nâng cao, dù sự cách
biệt giầu nghèo còn sâu sắc; nhân dân từng bước đã được trả lại các
quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền.
“Bên thua cuộc” (Việt quốc) thì tiếp tục
đẩy mạnh các hình thức “chống cộng” vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước,
tạo lực đẩy, lực xoay cùng chiều về phía dân chủ, làm tăng tốc dân chủ
hóa để sớm kết thúc giai đoạn cuối cùng của tiến trình dân chủ hóa Việt
Nam một cách hòa bình.
Thiết tưởng, đảng và nhà cầm quyền hiện nay, mà thực chất cũng như
thực tế không còn là cộng sản nữa, đã đến lúc phải thức thời, mạnh dạn
vất bỏ “cái mặt nạ cộng sản” đi và công khai khẳng định con đường đưa đất nước đến phôn thịnh, văn minh tiến bộ và dân chủ là “con đường phát triển theo kinh tế thị trường, định hướng tư bản chủ nghĩa”, không nên tiếp tục lừa bịp nhân dân bằng “con đường kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Vì đó là chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.
Thiện Ý
Houston, ngày 17-10-2017
* Ghi chú: (1), (2), (3) và (4)
Xin vào: luatkhoavietnam.com, Mục “Diễn Đàn”, Tiểu mục Tác giả-Tác
phẩm” để đọc thêm “Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới” của Thiện
Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005- Vào Tiểu mục “Thuyết
trình-Phỏng vấn” để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-war-cua-ai-do-vi-burns/4092362.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét