Ông Vũ Bá Hoan có mẹ trong chương trình Hospice. Mẹ ông mất cách đây 10 năm lúc bà cụ 99 tuổi. Ông xác nhận:
“Bà cụ tôi vẫn nằm trong viện dưỡng lão nhưng lúc đó, lúc cuối đời,
bà cụ sắp sửa đi, bác sĩ biết là chữa không được, nên bác sĩ, y tá của
Hospice đến chăm sóc giúp bà cụ ra đi thoải mái, dễ dàng không thấy đau
đớn.”
Tuy nhiên, cũng có những người không chấp nhận thực tế là người thân
của mình sắp mất với quan niệm là còn nước còn tát, như trường hợp cô
Ann Phạm. Bố cô mất lúc hơn 90 tuổi.
“Hospice rất ngạc nhiên, họ nói ông già tôi chịu khoảng một tuần lễ
là sẽ chết. Rồi họ cho những người lại kiếm chỗ mai táng nhưng ông già
tôi kéo được 2 tháng, chính tay tôi săn sóc ổng. Lần thứ hai tôi đổi
công ty khác tôi nghĩ là tốt hơn. Công ty này để người săn sóc ông bố
tôi cả đêm ở trong nhà. Tôi mệt quá tôi ngủ. Tôi không hiểu suốt cả đêm
đó họ cho uống thuốc gì, có lẽ có chất morphine gì đó. Chỉ có hai ngày
ông bố tôi càng yếu, ông bị ho. Rồi sáng đó, họ cho uống thêm một chút
nữa thì tim ông ngừng đập.”
Cô Lê Thi, người chăm sóc bệnh nhân trong các Viện Dưỡng Lão và
Hospice đã 15 năm nay tại thành phố Charlotte, tiểu bang North Carolina,
cho rằng:
“Cái đó là tùy vào mỗi một trường hợp và trong di chúc của ông cụ đó
ông muốn cái gì. Tôi biết có nhiều người không muốn sống. Tôi chăm sóc
một cụ bị ung thư. Mỗi lần tôi đi vào thay đồ hay thay tã cụ đều nắm tay
tôi và nói cụ muốn chết. Cụ nói với tôi rằng tôi không biết cụ đau đớn
như thế nào đâu, nhưng người con của cụ được ủy nhiệm toàn quyền quyết
định sự chết và sự sống của cụ theo di chúc của cụ. Người con của cụ
không muốn cho cụ chết thì chúng tôi phải chăm sóc.”
Hospice cung cấp dịch vụ 24/24, 7 ngày một tuần. Hiện có 3 loại
Hospice. Một là chăm sóc tại nhà. Cơ sở Hospice sẽ gởi người đến tận
nhà, nhưng trong trường hợp này phải có một người trong gia đình đứng
làm người săn sóc chính. Ngoài ra, có một số viện dưỡng lão cũng có khu
dành riêng cho Hospice. Một dạng nữa là có những cơ sở Hospice biệt lập,
chuyên về Hospice.
Giáo sư Lễ cho biết thêm:
“Thật ra họ không chú trọng đến việc chữa trị, chỉ làm sao cho người
bệnh được có một khoảng thời gian thỏa mái cuối đời thôi. Thường thường
trong việc chăm sóc có một toán chuyên viên gồm có bác sĩ để theo dõi,
để kiểm soát chương trình chăm sóc. Có y tá để chích thuốc, để cho thuốc
giảm đau. Có phụ tá lo về vệ sinh cá nhân. Có nhân viên xã hội để
khuyến khích, giúp đỡ gia đình tìm các phương tiện tài trợ hay giúp đỡ
gia đình trong việc an táng. Có đại diện tôn giáo. Có nhân viên vật lý
trị liệu để xoa bóp hay tập cho người bệnh. Có cố vấn về tang lễ để giúp
việc tang lễ. Ngoài ra còn các tình nguyện viên để giúp đỡ. Nếu ở nhà
thì họ có thể giúp đỡ đi mua sắm, mua thức ăn, làm công việc nhà hay nấu
ăn.”
Điều kiện vào Hospice không phân biệt tuổi tác, miễn là có hai bác sĩ
chứng nhận là bệnh nhân không còn điều trị được nữa và bệnh viện yêu
cầu đem về. Khi bệnh viện từ chối không chữa trị nữa thì công ty bảo
hiểm y tế không trả viện phí, do đó phải đem bệnh nhân về nhà. Và khi
đem về nhà cũng không sử dụng chương trình chăm sóc tại nhà (home care)
được. Nếu có Medicare thì được sử dụng trong 20 ngày. Sau 20 ngày,
Medicare không chi trả nữa. Tuy nhiên, nếu vào chương trình Hospice thì
Medicare trả.
Giáo sư Lễ giải thích rõ về chi phí Hospice:
“Chi phí của Hospice rất cao, nhưng nếu săn sóc tại nhà thì Medicare
đài thọ chi phí, còn Medicaid thì tùy tiểu bang, nhưng đa số tiểu bang
có đài thọ. Nhưng nếu tại cơ sở Hospice thì Medicare không trả tiền
phòng và tiền ăn, chỉ trả những chuyện khác thôi. Cũng có nhiều công ty
bảo hiểm sức khỏe có đài thọ khoảng này. Ngoài ra, các nhân viên xã hội
có thể giúp gia đình tìm các nguồn tài trợ khác. Thường thường họ cũng
giúp được chớ không phải khó khăn lắm.”
Những người bệnh đến giai đoạn cuối của cuộc đời và chỉ còn sống
trong một thời gian ngắn, nếu còn sáng suốt thì tự lựa chọn, hoặc do
thân nhân trong gia đình chọn hay ủy nhiệm cho luật sư chọn được chăm
sóc Hhospice tại nhà hay trong viện dưỡng lão.
Cô Lê Thi tiếp lời:
“Hospice sẽ đem một cái giường dành cho người sắp mất, còn sống một
hai tháng nữa. Đây là một cái giường đặc biệt có thể nâng lên hạ xuống
tùy theo trường hợp của từng người. Có những người không thể nằm ngủ
được, phải ngủ ngồi vì lưng hay cổ có vấn đề. Hoặc những người ăn bằng
ống chuyền vào bụng thì bắt buộc phải ngồi lên để bơm thức ăn vào.
Giường bình thường, giường gỗ không sử dụng được. Hospice có thể đem
giường đến nhà hoặc viện dưỡng lão. Đó là quyền lựa chọn của mình, người
ta không bắt buộc mình. Nếu đầu óc của mình còn minh mẫn hoặc tất cả
những gì mình viết trong di chúc thì người ta cứ như vậy, người ta làm
theo.”
Thường người ta cho rằng những người vào Hospice hay được chăm sóc
Hospice chỉ sống được một thời gian ngắn từ 3 đến 6 tháng, nhưng theo cô
Thi, nhiều khi việc này tùy thuộc vào tinh thần của người bệnh:
“Tôi chăm sóc một cụ đó, cụ không ăn được nữa, và Hospice nói cụ chỉ
sống được 3 tháng, nhưng mà rồi tui thấy bà sống 2 năm, rất là vui vẻ.
Việc này tùy thuộc vào tinh thần của người đó đối diện với hoàn cảnh.
Tôi cũng chăm sóc một bà cụ không đi được nữa, bà chỉ nằm một chỗ, nhưng
bà vẫn vui vẻ. Tôi hỏi bí quyết nào, cách nào mà tôi thấy lúc nào bà
cũng vui vẻ, mặc dù bà không đi được, nhiều khi bà phải chờ đợi để được
chăm sóc. Bà nói bà cầu nguyện, bà có Chúa, Chúa biết điều gì tốt nhất
cho bà.”
Khái niệm về Hospice được du nhập từ Anh quốc vào Mỹ trong những năm
1970 và phát triển rất nhanh. Theo phúc trình năm 2012 của Tổ chức
National Hospice and Palliative Care, có đến 66% bệnh nhân sử dụng
Hospice tại nhà và 26,1% nằm trong các cơ sở Hospice. Thống kê này cho
thấy cứ ba người Mỹ thì có một người lìa đời qua dịch vụ này.
Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/hospice-noi-nghi-chan-cuoi-doi/3924333.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét