Tranh chấp Biển Đông đã được đề cập đến trong những phát biểu của hai nhân vật hàng đầu trong chính phủ sắp tới của Mỹ.
Hôm 11/1, trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách là tổng thống đắc
cử, ông Donald Trump vài lần nhắc đến Trung Quốc về vấn đề thương mại và
tấn công trên mạng. Ông nói Mỹ đã chịu thua thiệt hàng trăm tỷ đôla mỗi
năm về thương mại và mất cân đối thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh
đó, ông nói Trung Quốc đã xâm nhập trên mạng vào 22 triệu tài khoản ở
Mỹ.
Người sẽ trở thành tổng thống thứ 45 của Mỹ vào tuần sau cũng nói đến
Biển Đông một cách ngắn gọn khi cho rằng nước Mỹ đã bị một số nước chơi
xấu.
Ông Trump nói: “Nga và các nước khác, trong đó có Trung Quốc là nước
đã hoàn toàn lợi dụng chúng ta về mặt kinh tế, hoàn toàn lợi dụng chúng
ta ở Biển Đông bằng cách xây pháo đài lớn của họ”.
Ông cho rằng với nội các mới là những người thông minh và thành công,
nước Mỹ sẽ có những thỏa thuận tốt hơn và sẽ được tôn trọng hơn: “Nga,
Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, tất cả các nước sẽ tôn trọng chúng ta hơn,
hơn nhiều so với các chính quyền trước đây”.
Cũng trong ngày 11/1, đã diễn ra phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại
Thượng viện về phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng Mỹ. Ông Rex Tillerson,
ngoại trưởng đề cử, nói Trung Quốc phải bị chặn đường tiếp cận các đảo
nhân tạo mà họ xây lên ở Biển Đông có tranh chấp. Ông so sánh hoạt động
của Trung Quốc với hành động của Nga đoạt lấy Crimea.
Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một tư thế mạnh mẽ hơn đối với Trung
Quốc, ông Tillerson trả lời: “Chúng ta sẽ phải gửi tới Trung Quốc một
tín hiệu rõ ràng rằng trước hết, việc xây đảo phải dừng lại, và thứ nhì
là việc quý vị tiếp cận các đảo đó sẽ không được cho phép”.
Vị cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành của hãng Exxon Mobil
không nói cụ thể có thể là gì để chặn việc Trung Quốc tiếp cận các đảo
mà họ đã xây kiên cố cũng như đã trang bị vũ khí, đường băng ở Biển
Đông.
Các nhà quan sát cho rằng phát biểu của ông Tillerson sẽ làm Bắc Kinh
tức giận và mở đường cho khả năng xảy ra đối đầu nghiêm trọng với Bắc
Kinh.
Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada, nhà nghiên cứu về chính trị Việt Nam
và quan hệ quốc tế, nhận định với VOA rằng chính quyền tới đây của ông
Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách xoay trục sang châu Á và có thể
làm cho Việt Nam trở thành một điểm nóng. Ông nói:
“Có nhiều chỉ dấu là ông Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục cái
chiến lược đó nhưng có thể là với một cái tên khác. Đồng thời cái giai
đoạn mà ông Donald Trump lên sẽ là cái giai đoạn tăng tốc trong một
chiến lược 4 năm. Tổng thống Obama đã nói trước đây tới năm 2020 sẽ đưa
60% khí tài cũng như lực lượng quân đội của Mỹ sang khu vực Á châu Thái
Bình Dương. Tôi thấy rằng tiến trình đó sẽ được tăng tốc rất là nhanh.
Có thể là trong vòng 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tức là 2017, 2018 là có thể
đã thực hiện được vấn đề đó. Cục diện của tình hình với chính sách đối
đầu về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chiến lược của Hoa Kỳ là
tăng sự hiện diện của mình trong khu vực, điều đó cho thấy rằng Việt
Nam sẽ là một điểm nóng trong thời gian sắp tới”.
Một nhà nghiên cứu khác, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nói
với VOA rằng cả Tổng thống đắc cử Trump lẫn Ngoại trưởng đề cử Tillerson
đều “nắm rất chắc” những vấn đề liên quan đến Việt Nam, khu vực và Biển
Đông. Ông Trường tin tưởng họ sẽ “kế thừa, phát triển và đảm bảo những
lợi ích của nước Mỹ, trong đó có quan hệ với Việt Nam”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét