Sáu mươi năm trước, vào ngày 26/10/1956 ở miền Nam Việt Nam, từ Vĩ
tuyến 17 đến Mũi Cà Mau, một bản Hiến pháp được ban hành để khai sinh ra
một quốc gia mới là Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
Từ tiến trình thành lập, sau khi người Pháp rút ra khỏi Đông Dương
qua Hiệp định Geneve 1954, đất nước này đã trải qua nhiều biến động
chính trị, chịu đựng chiến tranh nhưng cũng có nhiều nỗ lực xây dựng
trong hai thập niên, cho đến ngày 30/41975 thì bị xóa tên, khi xe tăng
và bộ đội cộng sản từ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến vào Thủ đô Sài Gòn
và lãnh đạo cuối cùng của VNCH ra lệnh buông súng đầu hàng.
Sau ngày 30/4/1975 thế giới ít còn ai nhắc đến VNCH với những gì đã được vun trồng trên mảnh đất này.
Hơn bốn mươi năm sau, VNCH được đưa ra xem xét lại tại Đại học Berkeley qua hội thảo chủ đề:
Nation-Building in War: The Experience of Republican Vietnam, 1955-1975 – Kiến quốc thời Việt Nam Cộng hòa 1955-1975 tổ chức trong hai ngày 17 và 18/10/2016 vừa qua.
Cũng cần nhắc lại, tháng 8/1963 bà Ngô Đình Nhu đã đến Đại học
Berkeley với mục đích giải độc cho những điều truyền thông Mỹ đưa ra
không đúng về chính phủ Ngô Đình Diệm. Từ giữa thập niên 1960 đến thập
niên 1970 đại học này là trung tâm của phong trào phản đối chiến tranh
tại Việt Nam. Năm 1970 thủ lãnh sinh viên Đoàn Văn Toại đã đến đây nói
lên quyền tự quyết của sinh viên và của người dân miền Nam.
Giáo sư Peter Zinoman, bên trái, và Giáo sư Tường Vũ (ảnh Bùi Văn Phú)
Trong phần khai mạc hội thảo, Giáo sư Tường Vũ cho biết ban tổ chức
đã có mời Giáo sư Châu Tâm Luân đại diện cho Thành phần Thứ Ba nhưng ông
từ chối; có mời Chánh án Nguyễn Trọng Nho, cựu lãnh đạo sinh viên, và
ông đã nhận lời nhưng giờ chót lại rút lui và cũng mời Kỹ sư Võ Long
Triều nhưng ông đã qua đời.
Sau đó hội nghị bàn đến lịch sử qua nhiều góc cạnh từ chính trị, kinh
tế, giáo dục đến văn hoá, báo chí, xã hội với diễn giả là những cựu
giới chức, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ đã sinh sống, đã một thời là những
lãnh đạo của VNCH, cùng một số những nhà nghiên cứu trẻ có quan tâm đến
một đất nước mà nay đã không còn.
Người tham dự hội thảo đã nghe cựu Bộ trưởng Nội vụ Lâm Lễ Trinh, cựu
giám đốc Viện Hối đoái Huỳnh Văn Lang, và cũng là Tổng Thư ký Đảng Cần
Lao, nói về những nỗ lực của ông Ngô Đình Diệm để đưa đến sự ra đời quốc
gia VNCH, từ thương thuyết, đối đầu với những giáo phái Cao Đài, Hòa
Hảo, với Hoàng đế Bảo Đại, và với nhóm Bình Xuyên. Theo hai diễn giả,
nhờ có sự yểm trợ của Hoa Kỳ ông Diệm mới có thể đứng vững trong những
năm đầu lập quốc.
Ông Huỳnh Văn Lang nói nhiều về những chống đối mà chính phủ của ông
Diệm gặp phải, từ Nhóm Tự Do qua bản Tuyên ngôn Caravelle công bố ngày
26/4/1960 phản đối những chính sách đàn áp của chính phủ mà ông Lang cho
đó là những điều vu khống, vì ông Ngô Đình Diệm không bao giờ chủ
trương tiêu diệt các đảng phái chính trị đối lập hay tôn giáo.
Ông Lang bênh vực chính quyền Ngô Đình Diệm và cho rằng những người
bị giam tù là vì tham gia đảo chánh 11/11/1960, trong đó có nhà văn Nhất
Linh, một lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng, đã tự tử để phản đối.
Ông cũng nhận định phong trào tranh đấu của Phật giáo Ấn Quang không có
mục đích tôn giáo mà vì chính trị và có bàn tay của Mỹ nhúng vào.
Nhiều diễn giả nói về nền kinh tế VNCH. Cựu Bộ trưởng Thương mại và
Kỹ nghệ Nguyễn Đức Cường, thay mặt giáo sư Vũ Quốc Thúc từ Pháp, nói về
sự thành hình của hệ thống ngân hàng, và sau đó ông nói đến những chính
sách phát triển kỹ nghệ tại miền Nam do ông đề xuất. Cựu Thứ trưởng Bộ
Canh nông Trần Quang Minh, thay mặt Bộ trưởng Cao Văn Thân đang ở
Canada, nói về các chính sách cải cách điền địa, luật “Người Cày Có
Ruộng” cấp đất canh tác cho nông dân được Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký
ban hành ngày 26/3/1970.
Cựu Tổng trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc (ảnh Bùi Văn Phú)
Cựu Bộ trưởng Kinh tế Phạm Kim Ngọc nhìn lại những khó khăn khi đưa
ra cải cách kinh tế với thuế trị giá gia tăng (TVA) và chính sách thắt
lưng buộc bụng tiến tới tự túc trong giai đoạn 1969-1973 là khi có chính
sách Việt Nam hóa để người Mỹ từ từ rút lui. Ông xác nhận những đề xuất
của ông vấp phải nhiều chống đối từ giới đối lập trong Quốc hội.
Trong khi đó, những nhà nghiên cứu trẻ lại quan tâm đến nhiều khía cạnh khác của VNCH.
Kevin Li là sinh viên ban tiến sĩ khoa Sử Đại học Berkeley có bài
nghiên cứu về giai đoạn 10 năm của miền Nam, từ 1945 cho đến khi nền Đệ
Nhất Cộng hòa ra đời, với hoạt động của Bình Xuyên và Ủy ban Kháng chiến
Nam Bộ với những nhân vật không cộng sản như Bảy Viễn, Nguyễn Bình,
Nguyễn Văn Trấn, Trần Văn Ân, Lâm Ngọc Đường…
Những nhà nghiên cứu trẻ trò chuyện với khách tham dự hội thảo: Ryan Nelson, bên phải, Simon Toner và Kevin Li (ảnh Bùi Văn Phú)
Ryan Nelson là sinh viên ban tiến sĩ Sử Đông Nam Á tại Đại học
Berkeley bàn về ba thất bại của các chương trình cải cách xã hội tại
miền Nam trong giai đoạn có quân đội Mỹ tham chiến qua những tranh biếm
họa đăng trên các báo Việt ngữ, cũng như báo tiếng Anh xuất bản tại Sài
Gòn. Trước đây Ryan Nelson đã viết một tiểu luận về cuộc đời của Dân
biểu Trần Văn Văn.
Bài tham luận của Simon Toner, tiến sĩ Quốc tế sử từ Đại học Kinh tế
Chính trị London và hiện là nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học
Columbia, thì cho rằng nền kinh tế VNCH không thể tự túc được, nếu không
có viện trợ Mỹ sẽ không đứng vững trong hoàn cảnh chiến tranh thời bấy
giờ.
Những giáo sư, nhà nghiên cứu trẻ gốc Việt tham gia hội nghị là ba phụ nữ: Nu-Anh Tran, Van Nguyen-Marshall và Nguyen Diu Huong.
Nu-Anh Tran tốt nghiệp ban tiến sĩ Sử Đại học Berkeley năm 2013 và
hiện là giáo sư Đại học Connecticut. Bà nghiên cứu về đời sống chính
trị, xã hội và về giới trí thức Huế giai đoạn 1954-63.
Tiến sĩ Van Nguyen-Marshall từ Đại học Trent, Canada có bài tham luận
về chương trình tìm kiếm xác nạn nhân trên Đại lộ Kinh hoàng sau trận
chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, với hơn 1.800 xác nạn nhân dọc bên quốc lộ
được tìm thấy và chôn cất. Đây là một dự án nhân đạo do nhật báo
Sóng Thần, với chủ nhiệm là nhà văn Trùng Dương, đứng ra tổ chức nhưng ít được công luận biết đến.
Nguyen Diu Huong hiện là sinh viên ban tiến sĩ Sử tại Đại học
Washington. Bài nói chuyện của bà đề cập đến những thay đổi xã hội và
văn hóa ở Huế trong thập niên 1950 và 60.
Giáo sư John Schafer, bên trái, và hiền thê Cao Thị Như Quỳnh và Ryan Nelson (ảnh Bùi Văn Phú)
Cũng liên quan đến Huế, có bài tham luận của giáo sư đã nghỉ hưu John
C. Schafer từ California State University, Humbolt, tựa đề “Ngô Kha” là
một nhân vật nổi tiếng trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế vào
thập niên 1960. Theo giáo sư Schafer, nhiều Ca khúc Da vàng của Trịnh
Công Sơn như “Ta quyết phải sống”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”, “Việt Nam ơi
hãy vùng lên” với những ca từ với ý từ hai trường thi của Ngô Kha là
“Trường ca Hòa bình” và “Ngụ Ngôn của người đãng trí”. Cái chết mất tung
tích của Ngô Kha, sau khi bị cảnh sát VNCH bắt đi, đến nay vẫn còn là
một điều bí ẩn.
Nhà văn Nhã Ca, bên phải, và Giáo sư Van Nguyen-Marshall (ảnh Bùi Văn Phú)
Bài nói chuyện của nhà văn Nhã Ca gợi lại không khí sinh hoạt văn
chương nghệ thuật sống động tại miền Nam trong 20 năm. Nghe Nhã Ca như
thấy lại được Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Đình Toàn; nghe lại
được thi văn Tao Đàn, nhạc Pham Duy, Trịnh Công Sơn, xem được tranh Đinh
Cường, đọc lại
Sáng Tạo, Văn mà không sợ bị kiểm duyệt.
Cựu Trung tá Bùi Quyền và diễn viên điện ảnh Kiều Chinh (ảnh Bùi Văn Phú)
Diễn viên điện ảnh Kiều Chinh đưa người tham dự đến với điện ảnh miền Nam, từ những phim đầu đời
Ánh sáng miền Nam, Chúng tôi muốn sống đến
Người tình không chân dung, Hè muộn;
từ những hãng phim nhà nước đến phim trường tư nhân của Mỹ Vân, Alpha
Phim đã đưa Việt Nam vào dòng sinh hoạt điện ảnh quốc tế mà Kiều Chinh
đã nhiều lần đại diện VNCH tham gia.
Nhà báo Vũ Thanh Thủy, bên phải, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước và Tiến sĩ Võ Kim Sơn (ảnh Bùi Văn Phú)
Về giáo dục có Tiến sĩ Võ Kim Sơn và Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước nói về
cách tổ chức và triết lý giáo dục nhân bản và mang tính thực tiễn của
miền Nam.
Nhìn về người lính trong chiến tranh có Vũ Thanh Thủy, nguyên là
phóng viên chiến trường, đã tham gia nhiều cuộc hành quân để thấy sự
dũng cảm của người lính VNCH từ các tướng lãnh như Đỗ Cao Trí, Nguyễn
Viết Thanh xuống đến hàng binh sĩ. Theo bà, sự dũng cảm đó đã không được
truyền thông quốc tế đưa tin một cách trung thực mà nhiều khi còn bị
xuyên tạc.
Cựu Trung tá Bùi Quyền có bài nói về phản ánh của một người lính từ
chiến trường là những hi sinh vì lý tưởng quốc gia, muốn được người dân
tin và thương mến, nghĩa là thắng được “con tim và khối óc” của họ,
nhưng đã thất bại trong mặt trận chiến tranh tâm lý vì tuyên truyền của
cộng sản.
Giáo sư Tường Vũ giới thiệu cựu Trung tá Bùi Quyền, bên trái, và cựu Đại tá Trần Minh Công trên bàn hội thảo (ảnh Bùi Văn Phú)
Cựu Đại tá Trần Minh Công, nguyên Viện trưởng Học viện Cảnh sát Quốc
gia nói về việc huấn luyện sĩ quan cảnh sát các cấp theo tôn chỉ luôn
luôn trọng luật pháp vì là một quốc gia pháp trị, không phải muốn bắt ai
cũng được mà phải có bằng chứng hay có án lệnh từ tòa. Ông cũng đề cập
đến tấm hình Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn một cán bộ đặc công Việt Cộng
ngay trên đường phố trong cuộc Tổng Tấn công Mậu Thân mà truyền thông
thế giới chỉ biết một nửa sự thực. Sau này nhà báo Eddie Adams, người
chụp tấm ảnh đó, đã hối hận vì không nói lên toàn bộ sự thật và đã xin
lỗi Tướng Loan.
Về trường hợp cố vấn cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là Huỳnh Văn
Trọng bị bắt vì là gián điệp cộng sản, theo Đại tá Công thì tư lệnh cảnh
sát cũng rất nhức đầu về vụ này, không thể bắt người không có bằng
chứng, cho đến khi người Mỹ đưa bằng chứng ông Trọng là gián điệp cộng
sản cho an ninh Việt Nam khi đó ông mới bị bắt.
Nhà báo kỳ cựu Phạm Trần nói chuyện về tự do báo chí qua Skype từ
Virginia. Ông nhận định là trong 9 năm Đệ Nhất Cộng hòa không có tự do
báo chí theo tiêu chuẩn Tây Phương. Với Hiến pháp Đệ Nhị Cộng hòa ban
hành ngày 1/4/1967 báo chí miền Nam được tự do nhiều, tuy có hình thức
kiểm duyệt là “tự ý đục bỏ” trên những trang báo. Ông cũng cho rằng vì
có tự do báo chí nên nhiều tờ báo đã bị cộng sản xâm nhập, như các tờ
Tin Sáng của Ngô Công Đức và
Điện Tín của Hồng Sơn Đông.
Cựu nhân viên ngoại giao Mỹ ông David Brown và ông Hoàng Đức Nhã (ảnh Bùi Văn Phú)
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi và cũng là Cố
vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đã trình bày những
nỗ lực xây dựng một nền dân chủ với bản Hiến pháp mới ban hành năm
1967, trong đó các quyền tự do của công dân được bảo đảm và Việt Nam
Cộng hòa đang trên đường tiến đến một nền dân chủ pháp trị.
Ông Nhã cũng nhắc lại những phản đối của lãnh đạo VNCH khi bị Hoa Kỳ
ép buộc ký kết Hiệp định Paris 1973 để người Mỹ rút lui và bỏ rơi miền
Nam.
Trong các bài nói chuyện, Đại tá Trần Minh Công và Cố vấn Hoàng Đức
Nhã đều nhấn mạnh đến điểm là vì lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa chủ trương
xây dựng một nền dân chủ pháp trị, nên phía cộng sản đã lợi dụng tự do
để xâm nhập và phá hoại, trường hợp nhà báo Phạm Xuân Ẩn là cụ thể.
Trò chuyện với ông Hoàng Đức Nhã bên lề hội nghị, khi hỏi về trường
hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có phải là cộng sản hay không, ông Nhã nói
rằng vì là một nhà nước pháp trị nên không thể bắt giam vô cớ, hơn nữa
Trịnh Công Sơn đâu có hoạt động cho cộng sản, nhạc của ông ấy đâu có vi
phạm thuần phong mỹ tục mà phải cấm hay bắt.
Về chuyện Dinh Độc Lập bị người Mỹ cài nghe lén, ông Nhã nói chắc
chắn người Mỹ có làm điều đó và cả cộng sản nữa. Họ tinh vi lắm. Ông kể
nhiều khi trong buổi họp, muốn nói gì với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu
ông phải viết ra giấy. Hay khi có chuyện quan trọng, ông và tổng thống
thường ra đứng trước hành lang dinh, hay rủ nhau đi câu cá trên sông để
bàn về các chiến lược, chính sách.
Chương trình hội thảo kết thúc với phần giới thiệu tác phẩm
South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After [Nxb. Praeger 2016] của Giáo sư Nathalie Huynh Chau Nguyen đến từ Đại học Monash, Melbourne, Úc.
Hai ngày hội thảo đã đem đến cho giới thức giả cùng sinh viên nhiều
hiểu biết hơn, cũng như còn nhiều thắc mắc về một nền cộng hòa trên quê
hương Việt Nam, mà theo Giáo sư Tường Vũ thì tư tưởng cộng hòa đã du
nhập vào Việt Nam từ những năm 1910, trước cả chủ thuyết cộng sản.
Sẽ còn nhiều đề tài liên quan đến VNCH cần được nghiên cứu vì hội
thảo tại Đại học Berkeley năm nay, cũng như hội thảo tại Đại học Cornell
do Giáo sư Keith Taylor tổ chức năm 2012 cũng mới chỉ nhìn lại những
thành tựu và thất bại trong một số lãnh vực ở một nơi đã từng là quốc
gia của 15 triệu người dân với đầy đủ các định chế công quyền và pháp
lý.
Đề xướng cho hội thảo năm nay là Giáo sư Tường Vũ từ Đại học Oregon,
tiến sĩ chính trị học từ Đại học Berkeley, và Giáo sư Peter Zinoman của
khoa Sử Đại học Berkeley. Việc tổ chức có sự giúp sức của nhiều người:
Giáo sư Nữ-Anh Trần từ Đại học Connecticut, ông Hoàng Đức Nhã, nhà văn
Trùng Dương; Trần Hạnh, Nguyễn Nguyệt Cầm là các giảng viên Việt ngữ tại
Đại học Berkeley và Alex-Thái D. Võ, sinh viên tiến sĩ khoa Sử Đại học
Cornell.
Trong hội thảo, một người tham dự thắc mắc là VNCH có những cơ cấu tổ
chức đầy đủ như thế, hội thảo này có nhằm mục đích để bênh vực cho luận
điểm của một số người Việt tại Hoa Kỳ khi so sánh với những yếu kém tại
Việt Nam ngày nay.
Kevin Li, sinh viên tiến sĩ khoa Sử, trả lời việc nghiên cứu là mang tính học thuật và không có mục đích nào khác.
*
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét