VNCH hai hôm trước giờ buông súng
- 4 tháng 10 2016
Vừa được giải mật hôm 24/08/2016, tài liệu này đặt Nam Việt Nam vào vị trí đầu tiên trong bản báo cáo gửi lên Tổng thống.
Sau Nam Việt Nam mới đến mục về Jordan, Bồ Đào Nha, Cyprus, Thái Lan – Campuchia rồi đến một ghi nhớ về Triều Tiên và Trung Quốc.
Mục về Thái Lan thực ra cũng liên quan đến cuộc chiến Đông Dương, ghi lại lo ngại của chính quyền ở Bangkok sau khi chế độ Lon Nol tan rã và phe Khmer Đỏ đang hoạt động ráo riết ở vùng biên giới.
Việt Cộng ‘không bình luận’
Riêng về Nam Việt Nam, cả hai trang dài nói về kế hoạch “chính phủ Dương Văn Minh sẽ tuyên thệ hôm nay” theo giờ Sài Gòn.Nhưng CIA đã đánh giá chính quyền Dương Văn Minh sẽ chẳng làm được gì trước sức tấn công của lực lượng cộng sản:
“Minh dự trù sẽ tuyên thệ hôm nay. Tin tức nói ông ta có kế hoạch công bố các bổ nhiệm vào nội các hôm nay hoặc ngày mai. Chính phủ mới của ông ta cũng không làm được gì hơn là dàn xếp để đầu hàng (nguyên văn, arrange for surrender) dưới vẻ như một ‘giải pháp chính trị’.
“Phản ứng ban đầu trước việc bổ nhiệm ông ta là ‘không bình luận’. Một phát ngôn viên cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời của Việt Cộng (nguyên văn: the Viet Cong’s Provisional Revolutionary Government) tại Sài Gòn, khi được báo chí hỏi hôm Chủ Nhật, đã chỉ nói những người cộng sản nhấn mạnh ba điều kiện: “loại bỏ Thiệu, người Mỹ rút quân toàn bộ, loại bỏ bộ máy chiến tranh”.
Yêu cầu cuối cùng này cũng được Đài Phát thanh Giải Phóng của Việt Cộng loan tải lần đầu hôm Thứ Bảy, và như kêu gọi tân Chính phủ của Minh hãy ra lệnh nhanh chóng cho quân lực VNCH “hạ súng” và chấm dứt chống cự.”
"Lực lượng cộng sản đang gây sức ép mới lên tuyến phòng phủ ngoại ô Sài Gòn và Biên Hòa, Vũng Tàu, Tân An có thể sẽ thất thủ nhanh chóng. Tây Ninh ở về phía Tây Bắc Sài Gòn và gần biên giới Campuchia, cũng bị tấn công đêm qua. Quân Bắc Việt mở đợt công kích mới vào hôm Thứ Bảy bằng ít nhất hai sư đoàn đánh vào phía Đông Sài Gòn. Các đơn vị này đã cắt Đường 15 giữa Vũng Tàu và Sài Gòn, sau đó di chuyển lên phía Bắc và Nam về cả hai đô thị này.
"Trận đánh vào Sài Gòn hôm Chủ Nhật bắt đầu bằng sáu đợt pháo kích. Quân Bắc Việt mở rộng các điểm đã chiếm cứ ở phía Đông Nam thành phố, và tràn ngập Phước Tuy, tiến ngày càng sát Vũng Tàu. Họ cũng vào sát căn cứ hậu cần của chính quyền ở Long Bình..."
Sau đó, ở một đoạn cuối về tình hình Nam Việt Nam, CIA ghi nhận tin rằng Bộ tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa của quân lực VNCH "có kế hoạch rút khỏi đó để về bảo vệ Sài Gòn vào sáng nay. Sức ép lên Biên Hòa đã tạo ra một số phản ứng hoảng loạn và một số quân chính phủ nghe nói là đã gây ra cướp bóc tại Biên Hòa. Quân cộng sản hoạt động dọc Đường số 1 vào sáng nay đã làm gián đoạn giao thông giữa Biên Hòa và thủ đô."
Trên thực tế, không cần phải có đánh giá của CIA hai ngày trước khi chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng, ông Ford mới biết về số phận của Sài Gòn.
Các tài liệu của Hoa Kỳ ghi nhận ngay hôm 23/04/1975, phát biểu tại Đại học Tulane, Tổng thống Gerald Ford đã nhận định rằng "cuộc chiến Việt Nam coi như đã hết" với Hoa Kỳ.
Những tài liệu này, như trên trang history.com về nhiệm kỳ của ông Ford và Nam Việt Nam cũng ghi nhận về chiến dịch Hồ Chí Minh và vai trò của Tướng Văn Tiến Dũng:
"Sư đoàn 18 của Nam Việt Nam đã chống cự anh dũng tại Xuân Lộc, 40 dặng về phía Đông Bắc Sài Gòn, trong đó, các quân nhân Nam Việt Nam đã phá tan ba sư đoàn của Dũng."
"Nhưng cuối cùng thì quân Nam Việt Nam đã thua trước sức vượt trội về quân số của lực lượng miền Bắc".
"Sau khi Xuân Lộc thất thủ 21/04, và bài phát biểu của ông Ford tại ĐH Tulane, điều đã rõ là Bắc Việt Nam sẽ toàn thắng..."
Điều đáng chú ý là trong mục số 5 của phúc trình lên
Tổng thống Ford cùng ngày, CIA mô tả chính quyền Vương quốc Thái Lan
đang có các toan tính nhằm xóa bỏ "quan hệ với chính quyền Campuchia
thời Sihanouk" để chuẩn bị cho tình hình mới.
Lo lắng trước các diễn biến chấn động Đông Dương, Thái Lan tìm cách vận động "Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc để hạn chế sự thống trị của Bắc Việt Nam" tại Campuchia.
Các chuyển biến tiếp theo cho thấy sau ngày 30/04/1975, một cuộc chiến mới, còn gọi là Chiến tranh Đông Dương lần 3, bắt đầu hình thành tại bán đảo Đông Dương.
Các bạn đọc thêm một số bài về biến cố 30/04/1975 tại đây và các ý kiến bạn đọc BBC tại đây.
Lo lắng trước các diễn biến chấn động Đông Dương, Thái Lan tìm cách vận động "Hoa Kỳ, Liên Xô và Trung Quốc để hạn chế sự thống trị của Bắc Việt Nam" tại Campuchia.
Các chuyển biến tiếp theo cho thấy sau ngày 30/04/1975, một cuộc chiến mới, còn gọi là Chiến tranh Đông Dương lần 3, bắt đầu hình thành tại bán đảo Đông Dương.
Các bạn đọc thêm một số bài về biến cố 30/04/1975 tại đây và các ý kiến bạn đọc BBC tại đây.
Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/10/161004_cia_us_president_south_vn_28_april_1975
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét