Thứ Tư, 7 tháng 9, 2016

Những tranh luận và giá trị của Hiệp định Paris 1973 (Lê Quế Lâm)

Những tranh luận và giá trị của Hiệp định Paris 1973 (Lê Quế Lâm)

Chọn cỡ chữ
“…Tôi kỳ vọng giới lãnh đạo CSVN nhận thức được đất nước hiện nay đang bị Hán hóa không thể nào tránh khỏi chỉ vì chủ nghĩa xã hội. Vì thế những người CSVN có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hãy sớm từ bỏ XHCN…”


Sắp đến ngày kỷ niệm 40 năm HĐ Paris 27/1/1973 (1973-2013) ông Nguyễn Quốc Khải cho phổ biến trên Đài RFA (Á Châu Tự Do) ngày 17/12/2012 bài viết “Khoảng Cách Chạy Tội: Sự Thực Phũ Phàng Về Hiệp Định Paris 1973”. Ông cho rằng Mỹ đã hy sinh VNCH, đi đêm với TC để đánh Nga. Dựa vào những tài liệu được bạch hóa, ghi âm những trao đổi giữa Nixon-Kissinger với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai trong năm 1971-1972, cho thấy HK đã có dụng tâm bỏ VNCH ngay từ đó. Với lập luận trên, tác giả tấn công chủ trương Phục hồi HĐ Paris 1973 của ông Nguyễn Ngọc Bích, Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời VNCH, một hình thức của chính phủ lưu vong. Ông Khải cho đó “là một ý tưởng “hoang tưởng” nếu không nói là “bệnh hoạn”, trong khi nước Mỹ muốn quên HĐ Paris 1973 khốn nạn do chính họ dựng lên”.

Ông Nguyễn Quốc Khải cho biết Ủy ban Lãnh đạo Lâm thời VNCH của ông Nguyễn Ngọc Bích được thành lập vào tháng 10/2012 đã gửi thỉnh nguyện thư gồm trên 30,000 chữ ký, kêu gọi LHQ tái nhóm một Hội nghị Quốc tế khẩn cấp về VN để “phục hồi HĐ Paris 1973 nhằm trả lại danh dự và công bằng cho 40 triệu quân, dân, cán, chính VNCH”. Thỉnh nguyện thư này gián tiếp xác nhận UBLĐLTVNCH là một chính phủ lưu vong và có “một quốc gia VNCH ngoài lãnh thổ”. Ông Nguyễn Ngọc Bích là cựu Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã trước 1975. Nay là Chủ tịch Nghị-hội Toàn quốc Người Việt tại HK.
Nhân dịp này, ông Khải có viết bài “Mạn đàm về chính phủ lưu vong”, và trích dẫn ý kiến của Linh mục Phan Văn Lợi khi thấy có tên trong danh sách thành phần của một chính phủ lưu vong: “Không thể có chuyện đùng một cái thành lập “chính phủ lâm thời” như ảo thuật được. Trong 36 năm qua hình như đã có một số “chính phủ lâm thời” mờ mờ ảo ảo đã làm người Việt chúng ta tốn công sức và tiền của khá nhiều rồi”. Ông Khải đề nghị các tổ chức ở hải ngoại dù lớn hay nhỏ nên thành lập các quỷ Dân chủ để có nguồn tài trợ giúp các tổ chức Dân chủ trong nước có phương tiện hoạt động.

Ông Nguyễn Ngọc Bích đã phản hồi bài viết “Sự thật phũ phàng về HĐ Paris 1973” trong bài “40 năm sau một cuộc phản bội”. Ông vạch ra “một số điểm sai sót, bịa đặt” trong bài viết và phản bác các luận cứ của ông Khải về việc “HK hy sinh VNCH”. Theo ông, cần phải phân biệt giữa Nixon và Kissinger. Kissinger gốc Do Thái có khá nhiều định kiến với VNCH (đặc biệt là TT Thiệu và Hoàng Đức Nhã) nên sẵn sàng hy sinh Miền Nam Việt Nam để phục vụ cho quyền lợi Do Thái, đồng minh cốt lõi của Mỹ. Trái lại, Nixon không có quan niệm miệt thị VNCH.

Chính sách của Nixon rất bài bản, ông biết quan tâm đến vận mạng chính trị của ông và tin tưởng một cách khá thành thật chính sách Việt Nam hóa chiến tranh sẽ thành công, mang lại hòa bình, đem tù binh Mỹ về và VNCH có một cơ hội sống còn. Ông Bích trách ông Khải khi viết sử phải dựa vào những dữ kiện có thật, không thể chỉ dựa vào chủ quan. Bài viết của ông Khải thì đầy cảm quan, ông không tôn trọng những nguyên tắc căn bản nhất của việc viết sử. Ông còn lợi dụng một đề tài quan trọng của lịch sử để đả kích cá nhân.

Ông Bích cho rằng ý nghĩ của ông không hoang tưởng vì HĐ Paris 1973 và Định ước quốc tế 1/3/1973 là những văn kiện ngoại giao có giá trị cam kết bởi các quốc gia có đại diện ký tên vào đó. Chủ trương của ông là muốn “Gây một phong trào toàn cầu đặt lại vấn đề trở lại HĐ Paris 1973 và nêu Định ước quốc 1/3/1973 là để đòi lại một tiếng nói chính đáng của nhân dân miền Nam VN và lôi Hà Nội cũng như Bắc Kinh ra trước sự phán xét quốc tế trong vấn đề VN cũng như biển Đông”. Như vậy, nêu vấn đề trở lại HĐ Paris 1973 không phải là một việc làm vô ích.

Ngay sau đó ông Khải nhận xét: “ông Nguyễn Ngọc Bích đã viết ba bài liên quan đến HĐ Paris 1973, cả ba bài đều thiếu mạch lạc “cà kê, dê ngỗng” không có chủ điểm, lạc đề rất khó theo dõi”. “Ông vẫn nghiêm chỉnh cho rằng ý kiến phục hồi HĐ Paris 1973 là một việc khả thi”. Ngày 25/12/2012, ông Nguyễn Quốc Khải viết thêm bài “Phục hồi Hiệp Định Paris 1973: Ảo Vọng hay Hiện Thực?” gởi một số thân hữu để tham khảo ý kiến, trước khi phổ biến. Ông Nguyễn Văn Trần ở Paris đã chuyển đến tôi bài viết trên và yêu cầu tôi “cứ tự nhiên góp ý”. Vì ông Trần thấy trong bài viết, ông Khải có tham khảo hai bài viết của tôi: -Lê Quế Lâm, “Những Đóng Góp Cho Đất Nước Sau 1975 Của Một Chứng Nhân Lịch Sử: Giáo Sư Vũ Quốc Thúc”, Thụ Nhân Âu Châu, 16-7-2011 và -Lê Quế Lâm, “Đọc Hồi Ký của GS Vũ Quốc Thúc”, Việt Thức, 28-12-2010.

Và tôi đã bày tỏ nhận xét của cá nhân tôi: Năm 1975 Hà Nội đã xé bỏ HĐ Paris 1973, dùng bạo lực thôn tính VNCH. Đúng lý ra, sau khi đến hải ngoại, những cựu lãnh đạo VNCH như TT Nguyễn Văn Thiệu, Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Chủ tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm, Chủ tịch Hạ Viện Nguyễn Bá Cẩn... có thể lên tiếng đòi các cường quốc đồng minh cũ của VNCH trở lại HĐ Paris 1973. Điều này có nghĩa là các nhân vật trên lập ngay một Chính phủ Quốc gia lưu vong để tiếp tục đấu tranh với chính quyền Hà Nội.

Sở dĩ họ không làm là vì trước 1975 TT Nguyễn Văn Thiệu đã cương quyết chống đối HĐ Paris. Đến khi chạy ra nước ngoài, họ không bao giờ lên tiếng về vấn đề này dù chỉ nhằm binh vực tư cách tị nạn chính trị của những thuyền nhân. Đến năm 1987 khi Giáo-sư Vũ Quốc Thúc và Ủy ban Luật gia VN đặt vấn đề HĐ Paris vẫn còn hiệu lực và do đó chính quyền VNCH trên pháp lý vẫn còn, thì nhiều nhân vật lại hăng hái dấn thân đấu tranh cho quốc gia dân tộc, kể cả cựu TT Thiệu năm 1993 đã gởi thư cho ông TTK/LHQ yêu cầu thi hành HĐ Paris 1973. Không hiểu những người đặt vấn đề phục hồi HĐ Paris 1973 là vì đất nước? Hay họ chỉ dựa vào tính cách pháp lý của hiệp định để làm sống lại VNCH, muốn đại diện người Việt hải ngoại đứng ra hòa giải với CS?

Cả hai nghi vấn của tôi, nếu đúng sự thật, thì đó là những ý nghĩ viễn vông, nếu không muốn nói là chưa thức thời khi tình thế đất nước sắp bước vào một khúc quanh quan trọng. Họ quên rằng HĐ Paris 1973 ra đời đến nay vừa tròn 40 năm, đất nước đã thay đổi quá nhiều, làm sao có thể tái tạo bối cảnh cũ để trình diễn. Chỉ còn cách đóng tuồng để hối tiếc và hoài vọng quá khứ vàng son, nhưng chỉ có một điểm khác biệt: trước 1975 thì chống, nay thì muốn phục hồi HĐ Paris 1973. Việc này diễn ra khi HK trở lại Châu Á và TT Obama đang phát động một chiến dịch sâu rộng làm sống lại cuộc chiến Việt Nam từ năm 2012 đến 2025. Mục tiêu của nhóm ông Nguyễn Ngọc Bích phải chăng là vì chủ đề này?
Nhân đây, xin nói đến một việc ngoài lề, nhưng liên quan đến HĐ Paris 1973. Cuối năm 2012, sách Bên Thắng Cuộc cũng đề cập đến HĐ Paris 1973. Tác giả Huy Đức cho biết Lê Duẩn đã lên án TC phản bội, toa rập với Mỹ ký HĐ Paris 1973 để duy trì một MNVN hòa bình, độc lập và trung lập lâu dài. Ông Lê Duẩn quyết tâm thống nhất Việt Nam nên xé bỏ HĐ Paris 1973. Hậu quả là đất nước Việt Nam gánh chịu thêm cuộc chiến ở Cam Bốt. Qua cuộc chiến này, thế giới mới thấy rõ chiến tranh ở Đông Đương trong nửa thế kỷ qua xuất phát từ mưu đồ xâm lược của CSVN để đưa ba nước Đông Dương vào quỹ đạo Xã hội Chủ nghĩa, thống thuộc Liên Xô nên đã bị TQ trừng phạt.

TT Nguyễn Văn Thiệu lên án Mỹ toa rập với TC ký HĐ Paris 1973 phản bội VNCH, bán đứng MNVN cho CS. Còn Tổng bí thư Lê Duẩn thì lên án TC thỏa thuận với Mỹ phản bội CSVN. TT Thiệu chống đối hiệp định nên để mất miền Nam, còn Lê Duẩn xé bỏ hiệp định, nên bị TC khống chế nặng nề cho đến ngày nay. Sự sai lầm của lãnh đạo hai miền Nam Bắc đã làm khổ cả dân tộc. Trong khi TC hợp tác với HK kết thúc chiến tranh VN chỉ vì cả hai không muốn ba nước Đông Dương nằm dưới quỹ đạo của Liên Xô. Điều này đã được các cường quốc Đồng minh thỏa thuận trước khi Thế chiến II chấm dứt tại hội nghị Yalta và Postdam 1945. Liên Xô chỉ có ảnh hưởng một nơi duy nhất ở Châu Á là miền Bắc Triều Tiên. Còn các nước ĐD ở phía Bắc vĩ tuyến 16 chịu ảnh hưởng Trung Hoa Quốc Dân Đảng, phía Nam vĩ tuyến 16 chịu ảnh hưởng Anh Pháp.

Góp ý với hai ông NQ Khải và NN Bích về đề tài tranh luận

Tôi tán đồng ý kiến của ông Khải về việc thành lập quỹ Dân Chủ để tài trợ các tổ chức Dân chủ trong nước, nhưng không đồng tình với lập luận HK có ý định bỏ rơi VNCH từ các cuộc hội đàm Mỹ-Trung hồi năm 1971-72. Từ khi chiến tranh Việt Nam xảy ra, Mao Trạch Đông đã chuyển hướng chiến lược, hình thành Thế giới thứ ba, ủng hộ các nước dân tộc chủ nghĩa giành độc lập, chống cả hai siêu cường Nga Mỹ. Còn Nixon từ 1969 đã quyết định rút quân về nước, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, mở đường cho kế hoạch phi Mỹ Hóa: HK không còn can dự nhiều vào công việc thế giới. Điều đó cho thấy, HK đã đáp ứng phần nào chủ trương chiến lược của TC.

Để thuận lợi trong việc tiếp cận với TC, HK không sử dụng quyền phủ quyết, chấp nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa gia nhập LHQ, trở thành Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo An, ngang hàng với LIÊN XÔ và HK. Từ đó dẫn đến các cuộc hội đàm của Nixon và Kissinger với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai ở Bắc Kinh. Nixon và Kissinger bày tỏ ý định của Mỹ sẽ chấm dứt chiến tranh VN, tương lai miền Nam VN sẽ do nhân dân ở đây tự quyết định, không có sự can thiệp từ bên ngoài. Kế hoạch này đã có từ 1969 khi ông Trần Bửu Kiếm Trưởng đoàn MTGPMN tuyên bố tại hội nghị bốn bên ở Paris ngày 14/5/1969: Công việc MNVN sẽ do nhân dân MNVN quyết định, chớ không còn theo Cương lĩnh 1960 của Mặt trận GPMN do BV soạn thảo.

Nhiều người thường nhắc lại cuộc hội đàm Kissinger và Chu Ân Lai ngày 20/6/1972 tại Bắc Kinh, cho rằng HK đã thỏa thuận với TC bỏ rơi MIềN NAM tự do. Kissinger đã nói: “Phải tách rời vấn đề quân sự với vấn đề chính trị. Bàn đến chính trị có nghĩa là duy trì chính quyền Sàigòn - một điều Hànội không chịu, hay lật đổ chính quyền Sàigòn - điều chúng tôi không chịu, và thực tế không có một giải pháp chính trị ở giữa. Vậy chúng tôi phải tìm con đường khác để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta có thể biến cuộc tranh chấp quốc tế thành một cuộc tranh chấp địa phương -và ông thủ tướng nghĩ là có thể- thì đó là chính sách của chúng tôi. Trước  hết để nó không biến thành một vấn đề quốc tế, và để cho người Đông Dương tự quyết định số phận của mình. Tôi cam đoan rằng quyền tự quyết là mục tiêu của HK ở ĐD và tôi tin TQ cũng muốn thế. Chúng tôi không muốn tranh giành gì tại đó. Và mặc dù chúng tôi không thể đưa một chính quyền CS lên nắm quyền lực, nhưng nếu nó xảy ra sau một thời gian nào đó, như là kết quả của một diễn biến lịch sử, và nếu như chúng tôi có thể chấp nhận một chính quyền CS ở Trung Hoa thì chúng tôi phải chấp nhận nó ở ĐD”.

“...While we cannot bring a communist government to power, if, as a result of historical evolution it should happen over a period of time, if we can live with a communist government in China, we ought to be able to accept it in Indochina”. (Memorandum of Conversation With Zou Enlai, 20 June 1972, Page 37)

Sau khi tài liệu này được giải mật, Kissinger tái xác nhận: “Nếu họ thỏa thuận được một kết quả, một dàn xếp dân chủ, chúng tôi sẽ để nó phát triển theo tiến trình riêng của nó”. Ông nói thêm “Chấp nhận cộng sản nắm quyền không có nghĩa là mong cho việc đó xảy ra”.  Như vậy, không phải TC đã thỏa thuận bán đứng MNVN cho CS. “Kết quả của một diễn tiến lịch sử” có nghĩa là nếu Hà Nội chấp nhận một cuộc tuyển cử dân chủ tự do để người dân MIềN NAM thực hiện quyền tự quyết của họ. Nếu CS thắng cử, đương nhiên HK phải chấp nhận. Điều này phải cần một thời gian vài ba năm để tiến hành, chớ không phải thời gian “đủ” để bỏ rơi MIềN NAM tự do.

Với ông Nguyễn Ngọc Bích, tôi hoan nghênh ý kiến của ông: Đặt lại vấn đề trở lại HĐ Paris 1973 và nêu Định Ước Quốc tế 1/3/1973 để lôi Hà Nội và Bắc Kinh ra trước sự phán xét quốc tế trong vấn đề VN cũng như biển Đông. Nhưng không đồng ý với ông Bích cho rằng “Kissinger gốc Do Thái nên sẳn sàng hy sinh VNCH để phục vụ cho quyền lợi Do Thái”. Lập luận này đã được Ts Nguyễn Tiến Hưng nói đến trong ba tác phẩm của ông cũng như cố TT Nguyễn Bá Cẩn đã viết trong hồi ký Đất Nước Tôi. Những lập luận đó chỉ nhằm đổ lỗi cho HK phản bội. HK là một Hợp chủng quốc, công dân Mỹ có nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng đều phục vụ cho quyền lợi tối thượng của HK.  Kissinger gốc Do Tháí, ông Brezezinski, Cố vấn An ninh Quốc gia thời TT Carter, gốc Ba Lan. Bà Albright, Ngoại trưởng HK thời TT Bill Clinton, gốc Tiệp Khắc... Đối với HK, mỗi khu vực trọng yếu đều có một chính sách riêng và một chiến lược riêng.

Tháng 3/1965 sau khi đưa hai tiểu đoàn TQLC đổ bộ lên Đà Nẵng, TT Johnson kêu gọi Hà Nội ngồi vào đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Hà Nội khước từ, HK phải sử dụng hai gọng kèm: từng bước tăng quân vào MNVN và mở rộng diện oanh tạc miền Bắc. Đến khi Hà Nội chấp nhận đàm phán ở Paris, Johnson không tái ứng cử nhiệm kỳ hai, để người kế nhiệm chấm dứt chiến tranh VN. TT Nixon đã thực hiện đúng cam kết của mình: chấm dứt chiến tranh VN trong nhiệm kỳ đầu (1969-1973). Việc Quốc hội Mỹ cắt dần quân viện cho VNCH là vì VN đã có hòa bình, chớ không phải Kissinger dành 2 tỉ đô la viện trợ VNCH để giúp Do Thái.

Tôi đồng ý với ông NN Bích là TT Nixon có thiện chí với VNCH. Theo tôi suy nghĩ, cơ may sống còn của VNCH là TT Thiệu phải “mạo hiểm” trong hòa bình, hợp tác với thành phần thứ ba và những người CS dân tộc chủ nghĩa để tạo dựng một MIềN NAM hoà bình, độc lập và trung lập. VNCH thất bại vì “lập trường bốn không” của TT Thiệu. Trong khi Hà Nội, bất kể sự khuyến cáo của TC, quyết tâm thôn tính MIềN NAM. Kế hoạch hòa bình của Nixon kể như thất bại, cả Hà Nội và Sàigòn đều chống hiệp định hòa bình. Vì thế, Quốc hội Mỹ chấm dứt dần quân viện cho VHCN, vừa tìm cách hạ bệ Nixon qua vụ Watergate. Đầu tháng 8/1974 Nixon từ chức, việc mất MNVN không do TT Nixon mà do Quốc hội quyết định. Vì TT Ford dù sao cũng chỉ là một dân biểu do thời thế đưa lên làm tổng thống, chớ ông Ford không do nhân dân Mỹ trực tiếp bầu làm tổng thống.

Chiến tranh VN kết thúc, HK bước vào thời kỳ chiến lược “Sau VN”. Từ 1975 đến 1980, cả chục nước trên thế giới lọt vào tay CS như Mozambique, Angola, Ethiopia, Nam Yemen, Nicaragua...  CSVN ký hiệp ước hữu nghị hợp tác với LIÊN XÔ và đưa quân xâm lược Campuchia. TC thiết lập bang giao với HK. Từ chỗ chống đế quốc Mỹ xâm lược, nay TC chuyển sang hợp tác với Mỹ để chống LIÊN XÔ. Sau chuyến công du HK tháng Giêng 1979, trở về nước Đặng Tiểu Bình ra lịnh tấn công VN. Hậu quả là LIÊN XÔ bị sa lầy vì những chiến phi nghĩa do LIÊN XÔ đỡ đầu hoặc do đàn em gây ra: CSVN ở Cam Bốt, Cuba ở Nicaragua. Từ 1981, TT Reagan đưa nước Mỹ vào thời kỳ “sau của sau VN”, đưa LIÊN XÔ và khối XHCN Đông Âu đến chỗ cáo chung.

Trước thảm trạng của dân tộc, những người lãnh đạo đất nước phải nhận trách nhiệm. Trái lại giới lãnh đạo VNCH luôn đổ lỗi cho Mỹ phản bội đồng minh. Người xưa có câu: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Người quốc gia phải can đảm nhận lỗi lầm mới có thể nói đến sai lầm tày trời của CS khi đeo đuổi Xã hội chủ nghĩa. Năm nay, kỷ niệm 40 năm HĐ Paris 1973, Luật sư Trần Thanh Hiệp trong phần trả lời phỏng vấn đài RFI đã nói: “Tổng thống VNCH sai lầm, không tôn trọng hiệp định, không chia quyền với thành phần thứ ba và thành phần CS dân tộc chủ nghĩa để giữ miền Nam mà chỉ dựa vào sức mạnh quân sự nên cuối cùng phải thua trận”. Báo mạng VietnamNet mượn lời phân tích trên tờ Bán nguyệt san Mỹ Counter Punch chỉ trích tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu “sai lầm không nổ lực làm cho Hiệp định có hiệu lực, chia quyền với những người cộng sản dân tộc chủ nghĩa” nên phải lưu vong vào mùa xuân 1975”. (Tú Anh, 40 năm Hiệp định hòa bình Paris 1973: dịp may bị bỏ qua).

Việc phục hồi hiệp định Paris 1973

Sở dĩ tôi dám lạm bàn những việc đại sự của đất nước, vì tôi có cái may mắn được Quân đội phân công làm công tác nghiên cứu cuộc chiến VN. Sau hơn 4 năm đàm phán tại Paris, cuộc chiến VN bắt đầu đi vào giai đoạn kết thúc. Ngày 8/10/1972, Lê Đức Thọ đưa ra bản dự thảo hiệp định, gần như đồng ý các đề nghị của HK. Bản dự thảo được Kissinger thông qua và một lịch trình được tiến hành: Ngày 18/10, HK ngưng oanh tạc và tháo gở mìn ở các cửa biển BV. Ngày 24/10 Kissinger và Thọ phê chuẩn bản dự thảo sau khi được chính phủ VNCH đồng ý. Ngày 26/10 bản văn hiệp định được ký kết tại Paris. Ngày 27/10 bắt đầu ngưng bắn.

Ngày 18/10/1972 Kissinger rời Paris đi Sàigòn trình bản dự thảo HĐ với chính phủ VNCH. TT Thiệu đòi sửa đổi 69 điểm trong dự thảo. Sau 5 ngày không thuyết phục được VNCH, ngày 23/10, Kissinger rời Sàigòn, gởi điện báo cho Hà Nội, ông chưa thể đến Hà Nội phê chuẩn hiệp định như dự liệu. Một ngày trước đó, Kissinger gởi điện cho Nixon cho biết là vẫn hy vọng “có thể” giữ nguyên chương trình đã định, tức chuyến đi Hà Nội. Nixon liền báo cho Phạm Văn Đồng. Do đó, Hà Nội tức tốc chỉ thị CS ở Miền Nam ra lịnh các địa phương chuẩn bị hành động khi có lịnh ngưng bắn.

Xế chiều ngày 25/10/1972, từ bản doanh Bộ Tư Lệnh Tiền phương Quân Đoàn I ở Phú Bài (Huế), tướng Ngô Quang Trưởng khẩn trình TT Thiệu một tin tức quan trọng: Lực lượng Cảnh sát Quốc gia QK 1 vừa tịch thu một mật điện của Bộ Tư lịnh QK 5 CS gởi Bộ Chỉ huy Thị đội Tam Kỳ (Quảng Tín) cho biết một hiệp định ngưng bắn sẽ được ký kết ngày 26/10. Kèm theo mật điện là bản “Chỉ dẫn tổng quát về ngưng bắn”, hướng dẫn việc cắm cờ lấn đất giành dân và sách động đồng bào xuống đường mừng hòa bình. Lợi dụng khí thế quần chúng, cán bộ CS hô hào đốt phá các cơ sở quân sự tiến tới cướp chính quyền.

TT Thiệu chỉ thị Bộ Tổng Tham Mưu chuyển cấp tốc tài liệu đó về Sàigòn. Ngay trong đêm đó, chúng tôi đã thảo bản tin phổ biến cấp thời cho các địa phương và viết phiếu trình Tổng TMT. Vì tính chất khẩn cấp, tờ trình được chuyển thẳng lên Phủ Tổng thống. Sáng sớm hôm sau, 26/10 tôi được Tr/tá Ngọc -CHT Trung tâm Khai thác tài liệu, hướng dẫn đến Dinh Độc lập trình bày chi tiết với Trung tướng Đặng văn Quang, Phụ tá An ninh Quân sự tổng thống. Tướng Quang cho biết, Kissinger vừa rời Sàigòn ba ngày trước. Trong năm ngày ở đây để tham khảo với chính phủ về bản dự thảo hiệp định, ông ta không đề cập gì đến việc ký kết, mà chỉ đưa ra một phó bản hiệp định để hai bên thảo luận.

Trong khi chính phủ VNCH chưa biết gì về việc ký kết và ngưng bắn thì tại Trung ương Cục Miền Nam và Quân khu 5 CS, cán bộ CS đã biết rõ ngày ký kết và giờ ngưng bắn có hiệu lực, để lợi dụng thời cơ đó chiếm ưu thế bằng cách lấn đất giành dân và cướp chánh quyền. Tại Củ Chi (Hậu Nghĩa), Hồng Ngự (Kiến Phong) và nhiều nơi khác, các đơn vị vũ trang CS tưởng có ngưng bắn thực sự, đã nhào ra đồng bằng cấm cờ lấn đất giành dân bị tổn thất nặng nề.

Để biện minh cho hành động thất tín, chiều 26/10/1972, Đài phát thanh Hà Nội công bố toàn văn bản dự thảo hiệp định bằng ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp với hai bức điện xác nhận sự thỏa thuận của TT Nixon. Hà Nội tố cáo HK lật lọng tráo trở vì Kissinger đã hứa đi Hànội phê chuẩn rồi lại sai hẹn. Hai giờ sau khi Hà Nội công bố bản văn hiệp định, Kissinger mở cuộc họp báo tại Bạch Cung. Đây là lần đầu tiên, ông họp báo công khai thừa nhận: “Hoà bình hiện đang ở trong tầm tay, hiệp định đang ở trong tầm mắt thấy, đặt trên cơ sở đề nghị ngày 8/5 vừa qua của tổng thống…Đó là một đề nghị công bằng cho tất cả mọi phe”.

Một tuần sau khi đã mượn tay Hà Nội công bố toàn văn bản dự thảo HĐ Paris, ngày 3/11/1972, trong cuộc vận động cử tranh cử ở Rhode Island, Nixon tiết lộ thỏa ước hòa bình đạt được với Bắc Việt phải đáp ứng ba điểm: Một là ngừng bắn toàn cõi Đông Dương. Hai là hồi hương tù binh Mỹ và giải quyết vấn đề người Mỹ còn mất tích trong cuộc chiến. Ba là nhân dân MNVN có toàn quyết định tương lai của họ. Ngày 7/11/1972 Nixon tái đắc cử vẽ vang.

Năm 1987, Ts Nguyễn Tiến Hưng đã thay đổi lịch sử khi viết quyển Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. Tài liệu CS do Cảnh sát Quốc gia Vùng 1 tịch thu ngày 25/10 trở thành 17/10 (1972). Mục đích của ông Hưng: chứng minh Kissinger gian dối. Ngày 17/10/1972, CSBV đã chỉ thị thuộc cấp ở miền Nam biết ngày ngưng bắn để hành động. Hôm sau, ngày 18/10/1972 Kissinger đến Saigòn lại giấu diếm VNCH. Sự kiện này được cựu TT Nguyễn Bá Cẩn ghi trong tác phẩm Đất Nước Tôi và Ts Larry Berman ghi trong quyển “No Peace, No Honor” (Không Hòa Bình, Chẳng Danh Dự: Nixon, Kissinger, Và Sự Phản Bội ở Việt Nam, dịch giả: Nguyễn Mạnh Hùng, đề tựa: Hoàng Đức Nhã).

Ngày 27/1/1973, HĐ Paris chính thức ra đời, nhưng Khmer Đỏ khước từ một giải pháp hòa bình ở Cam Bốt tương tự như MNVN. Trong khi đó, CSBV tiếp tục vận chuyển người và vũ khí vào miền Nam, trên đường mòn HCM, mà không còn sợ phi cơ Mỹ oanh tạc. Để giải quyết chung cuộc chiến tranh Đông Dương, Hoa Kỳ bắt đầu oanh tạc nặng nề các cơ quan đơn vị của Khmer Đỏ để buộc Pol Pot phải chấp nhận đàm phán hòa bình. Ngày 15/8/1973 Quốc hội Mỹ buộc chính quyền Nixon phải chấm dứt mọi hành động quân sự ở Đông Dương. Giữa năm 1974, Đại tá Nguyễn Văn Tài -Tùy viên Quân lực VNCH ở Cam Bốt báo cáo Quân đội Lon Nol tịch thu được một số tài liệu CS quan trọng. Tôi và Trung tá CHT Trung tâm khai thác tài liệu, được cử sang Nam Vang công tác. Tài liệu tiết lộ CSVN gặp rất nhiều khó khăn vì Khmer Đỏ.

Các lãnh tụ Khmer Đỏ lên án Hà Nội ký Hiệp Định Paris để một mình Campuchia gánh chịu bom đạn của Mỹ, trong khi hơn 40 ngàn quân Bắc Việt không chịu rút khỏi Campuchia. Khieu Samphan còn tố cáo CSVN có mưu đồ tiêu diệt những lực lượng ưu tú của Khmer Đỏ nhằm chuẩn bị biến chính quyền Campuchia sau ngày giải phóng thành một thứ đầy tớ thực sự cho Việt Nam. Vì thù hận đó, Khmer Đỏ bắt đầu thanh lọc nội bộ, tiêu diệt những thành phần Khmer Đỏ có khuynh hướng thân Việt Nam, và còn xóa sạch người Việt trong các vùng do chúng kiểm soát. Đồng thời Khmer Đỏ yêu cầu lực lượng vũ trang CSBV và Việt Cộng phải rời đất Miên tức khắc.

Việc phục hồi HĐ Paris 1973: Sau gần 8 năm trong tù cải tạo, tôi được phóng thích và vượt biên đến Úc đầu tháng 10/1984. Lúc bấy giờ CSVN đang sa lầy vì cuộc chiến xâm lược Campuchia, bị cả thế giới lên án, Đại hội đồng LHQ luôn đòi Hà Nội phải rút quân khỏi Cam Bốt. Rõ ràng Hà Nội đã vi phạm điều 20 của HĐ Paris 1973: không tôn trọng nền trung lập của Campuchia, đã không rút quân khỏi Campuchia mà còn xâm lược. Hà Nội phải tuân thủ điều 20c: “Công việc nội bộ của Campuchia và Lào phải do nhân dân của mỗi nước này giải quyết, không có sự can thiệp của nước ngoài”.

Trong đàm phán Paris, chủ trương của TT Nixon là “ngừng bắn toàn cỏi Đông Dương”, HĐ hòa bình về Việt Nam đã được ký kết ngày 27/1/1973, Hiệp định hòa bình về Lào đã ký ngày 21/2/1973. Chỉ có Campuchia chưa có ngưng bắn để tái lập hòa bình. Vì thế, tôi suy diễn HĐ Paris 1973 chưa thể thi hành. Nay CSVN xâm lược Campuchia bị LHQ lên án là cơ hội để HĐ Paris 1973 được thi hành trọn vẹn.

Tôi có cái cơ may được quốc gia giao phó nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam. Nói đến chiến tranh Việt Nam phải nói đến Hiệp Định Paris 1973. Lê Đức Thọ và Kissinger được giải Nobel Hòa bình. Hiệp định được một Hội nghị quốc tế bao gồm đầy đủ 5 Ủy viên thường trực HĐBA/LHQ với sự chứng kiến của ông TTK/LHQ long trọng tán thành và ủng hộ Hiệp Định Paris về chấm dứt chiến tranh và tái lập hòa bình ở Việt Nam. Đồng thời ghi nhận những cam kết của các bên ký hiệp định sẽ tôn trọng triệt để và thi hành nghiêm chỉnh hiệp định.
Tôi và một vài anh em ở Trung tâm khai tài liệu CS (CDEC) được biết tin tức sơ khởi về bản hiệp định này. Sau đó đích thân tôi tường trình Trung tướng  Đặng Văn Quang - Cố vấn An ninh Quốc gia của TT Thiệu. Buổi chiều cùng ngày, khắp thế giới biết được bản dự thảo Hiệp định chấm dứt chiến tranh Việt Nam đã ra đời. Từ đó tôi cảm thấy có sứ mạng phải làm sáng tỏ cuộc chiến đau thương của dân tộc. Sau khi đến bến bờ tự do, năm 1987 tôi đã hoàn thành quyển nghiên cứu chiến tranh Việt Nam tựa đề “Việt Nam Thắng và Bại, Mất và Còn”. Tôi có ý nghĩ đơn giản: (CS) Thắng đi liền với Mất (đất nước, tự do). Bại gắn liền với Còn. Ngày CS bại, đất nước còn với tự do dân chủ.

Tôi đã gởi tặng quyển sách đến Đại tá Hồ Văn Lời, cựu Trưởng phòng II, Bộ TTM. Đ/tá Lời đã chấp nhận đơn xin của tôi về làm việc ở Trung tâm KTTL. Sau đó ông tham dự phái đoàn quân sự VNCH ở hội nghị Paris. Lúc bấy giờ Đ/t Lời đang ở Hoa Kỳ, Đại tá Mai Viết Triết thuộc Hội Cựu Quân nhân QLVNCH ở Pháp đã nhận xét: “Đọc hết chương I: “Mất và Còn”, Thắng và Bại” và chương kết: Nghĩa vụ, Thức tỉnh, Trách nhiệm, Phán xét... tôi rất vui mừng và phấn khởi vì biết rằng còn có người cùng quan điểm, cùng hiểu rõ cái thế lâu dài của cuộc chiến bại ở miền Nam năm 1975, phân biệt được cái bại chiến thuật để đem lại cái thắng chiến lược và... nhứt là đã nói lên cái tình dân tộc, cái nghĩa đồng bào... để mở đường xây dựng đất nước dân tộc.

...Sau tháng 4-75, hằng trăm ngàn anh em chiến hữu sẵn sàng trình diện học tập vì tin ở cái tình nghĩa đồng bào, cùng một giống nòi... nhưng 12 năm qua, sự thật là đâu? Chúng ta khác người cộng sản cũng vì cái tình người đó. Cần phải thật thận trọng trong tương lai và đặt cho đúng chỗ cái tình nghĩa đồng bào... Trong quyển sách của anh, tôi thấy có nhiều phần, nhiều đoạn rất đúng, rất chính xác, cần được phổ biến cho đồng bào nói chung và quân nhân nói riêng, để nắm vững vấn đề và xây dựng hiểu biết cá nhân, lấy đó làm một cái gốc của nền tảng xây dựng đồng thuận, thống nhất ý kiến...” (Paris ngày 1 tháng 2 năm 1988: Mai Viết Triết)

Quyển thứ hai tặng cựu Ngoại trưởng Trần Văn Lắm lúc đó là Chủ tịch Liên Minh Toàn Dân Việt Nam Quốc Gia. Cụ Lắm viết: “Tôi đi vắng hơn một tháng nay, vừa về nhận được sách “Việt Nam Thắng và Bại, Mất và Còn”. Xin Ông nhận lời đa tạ của tôi và thứ lỗi vì hồi âm chậm trể. Tôi chưa đọc đọc xong trọn tác phẩm của Ông, nhưng đã xem kỷ bài viết về Hiệp định Paris 1973. Các ngày tháng năm cũng như các dữ kiện nêu ra đều rất đúng và chính xác, chứng tỏ một sự nghiên cứu rất tỉ mỉ. Tôi ý thức được sự dày công sưu tầm của Ông để ghi nhận lại các giai đoạn lịch sử của nước nhà trong sự tranh đấu cho dân chủ và quyền dân tộc tự quyết. Tác phẩm của ông sẽ giúp cho các nhà khảo cứu sau này biết rõ hơn sự thật và cho các thế hệ con em thông cảm với mọi hành động hy sinh của giới tiền bối”. Canberra ngày 2-2-1988: Trần Văn Lắm)

Quyển thứ ba gởi tặng Bác sĩ Bùi Trọng Cường - Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Liên bang Úc Châu. Tất cả đều đánh giá quyển sách hữu ích cho cuộc đấu tranh mang lại dân chủ tự do cho dân tộc. Bác sĩ Bùi Trọng Cường đã đăng báo, giới thiệu quyển sách đến đồng hương:

“Ông LQL, một người công tác nghiên cứu của quân lực VNCH trước đây. Mặc dù đang sống trong hoàn cảnh khó khăn vẫn cố gắng dành hết cả thì giờ vào việc hoàn thành “đứa con tim óc“của mình. Đây là một tác phẩm nghiên cứu lịch sử cuộc chiến VN đầu tiên tại Úc Châu, nhưng cũng là tác phẩm đầy đủ nhất, rất khách quan và gói ghém trọn vẹn cái chính khí của tác giả, một người Việt còn thao thức cái đau mất nước đang tìm cách vạch con đường sáng để giải cứu quê hương. Theo tôi đây là một tài liệu lịch sử vô giá đối với Thế hệ Trẻ VN Tị Nạn tại Hải Ngoại, một cuốn sách Gối Đầu Giường cho tất cả các em học sinh, sinh viên muốn tìm hiểu về lịch sử VN cận đại”... (Úc Châu 4/2/1988, BS Bùi Trọng Cường)

Quyển sách của tôi ra đời đúng vào thời điểm GS Vũ Quốc Thúc ở Paris cùng một số thân hữu như cựu Ngoại trưởng Trần Văn Đỗ, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thạch Vân, Cựu Ngoại trưởng Vương Văn Bắc, Cựu Nghị sĩ Nguyễn Duy Tài... tổ chức ở Phòng Khánh tiết Tòa Thị sảnh Quận VI Paris một buổi hội thảo công khai về vấn đề trở lại Hiệp Định Paris. Nhân dịp này, GS Thúc phổ biến cuốn Bạch thư bằng tiếng Pháp nhan đề “Guerre et Paix en Indochine” (Chiến tranh và hòa bình ở Đông Dương).

Dù đã in xong 1000 quyển tại nhà in Việt Nam ở Bankstown, song tôi đành hủy bỏ tất cả vì nhận thấy tác phẩm của mình chưa đáp ứng với sự kỳ vọng của Bs Cường. Sau 5 năm tận lực cố gắng, tôi vui mừng nhận thấy nội dung và những gì tôi nhận định trong quyển “Việt Nam-Thắng và Bại, Mất và Còn” vẫn còn nguyên giá trị, tôi chỉ bổ túc thêm sử liệu, cập nhật hóa với tình hình để nó xúc tích, hoàn chỉnh hơn và hội đủ một vài tiêu chuẩn tối thiểu như các sách nghiên cứu Âu Mỹ. Tôi cảm thấy bớt hổ thẹn khi đọc lại những lời giới thiệu nồng nhiệt của ông Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do Úc Châu.

Năm 1993 tôi chính thức xuất bản quyển Việt Nam Thắng Và Bại: Bản Nghiên Cứu Tổng Kết Cuộc Chiến Việt Nam Trong Bối Cảnh Cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tựa đề Mất Và Còn không còn hiện diện, vì sợ người đọc có thể hiểu lầm, đây là lập luận của kẻ bại trận nay muốn phục thù. Đó không phải là ý định của tác giả.

Quyển sách được Giáo sư Vũ Quốc Thúc viết lời Tựa. Đây là một vinh dự lớn cho tôi vì Giáo sư Thúc là một chứng nhân đã sống và tham dự tất cả những giai đoạn lịch sử cận đại của nước nhà từ đầu thập niên 1940, mà tôi đã ghi lại trong tác phẩm này. Trong VN-TVB, có Phụ đính II: Hiệp định Paris 1973 có hữu ích và còn cần thiết không? Vì thế, Giáo sư VQT đã dành một phần ba bài Tựa dài 15 trang để minh xác về Vấn đề trở lại Hiệp định Paris năm 1987:

“Sau khi chế độ Cộng hòa sụp đổ, tôi bị kẹt ở Sàigòn cho tới cuối tháng 6 năm 1978 mới được phép di cư sang Pháp nhờ sự can thiệp của Chính phủ Pháp. Một điều khiến tôi vô cùng thắc mắc trong những ngày đó là không thấy một vị lãnh đạo cũ nào của VNCH lên tiếng đòi thi hành đúng đắn HĐ Paris 1973... Dù biết trước những khó khăn, ngay từ năm 1986, chúng tôi đã tìm cách nêu vấn đề trở lại HĐ Paris. Mục đích của chúng tôi lúc bấy giờ, là kích thích tinh thần đấu tranh của Cộng đồng Việt Kiều tại Pháp, phần nào đã suy giảm sau khi thấy CSVN rầm rộ ăn mừng “10 năm tái thống nhất đất nước”...làm như vậy chúng ta gián tiếp bảo vệ danh nghĩa của toàn thể các nạn dân của BV thôn tính MIềN NAM. Ai cũng biết rằng các nước Âu, Mỹ, Á ngày càng trở nên lãnh đạm, nếu chưa phải là “hằn học” đối với các nạn dân VN. Họ cho rằng đám người này kéo nhau di cư, không phải vì lý do chính trị mà chỉ vì lý do kinh tế. Nêu vấn đề Hà Nội vi phạm HĐ Paris, chúng tôi muốn nhắc lại trách nhiệm của các cường quốc đã long trọng bảo đảm sự thi hành HĐ này. Chính vì họ “bội ước”, cho nên hàng triệu người đã phải bỏ VN ra đi. Họ không có quyền mạt sát nạn dân VN là kẻ tị nạn chính trị giả hiệu!...

Theo lời ông Georges Mesmin, một vị dân biểu có thế lực từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hạ Viện Pháp, khi chính phủ Pháp chính thức yểm trợ Việt Nam (cộng sản) gia nhập Liên Hiệp Quốc thì mặc nhiên đã xí xoá việc Hà Nội vi phạm HĐ Paris 1973. Còn HK ngay sau khi TT Geoges Bush nhậm chức (Tháng Giêng 1989) Bộ Ngoại giao đã chính thức trả lời hai luật gia Nguyễn Hữu Thống và Phạm Nam Sách, là vì lý do chính trị, không thể trở lại HĐ Paris được nữa. Cuối cùng GS Thúc kết luận:

“Tóm lại, vấn đề trở lại HĐ Paris, coi như đã bị các đồng minh cũ của VNCH gạt bỏ hẳn. Chế độ CS đã cáo chung ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Một khi khối CS tan vỡ, chủ thuyết Mác Lênin trở nên lỗi thời: sớm muộn gì các chế độ CS cũng phải giải thể. Như vậy, mục đích của chúng ta -những người quốc gia- là phải làm sao cho chế độ CSVN giải thể mau chóng mà không gây quá nhiều tổn thất cho đất nước. Điều nên để ý là trong HĐ Paris 1973 có nêu cao những nguyên tắc như: tôn trọng nhân quyền và dân quyền, quyền tự quyết của dân tộc, sự hòa hợp giữa các khuynh hướng chính trị khác biệt, sự sống chung giữa các tổ chức tôn giáo...Những nguyên tắc này vẫn còn nguyên vẹn giá trị và có thể dùng làm nền móng tinh thần để xây dựng một nước Việt Nam mới, tự do, dân chủ, phồn thịnh và hiếu hòa”.

Theo thiển ý của tôi, sở dĩ việc phục hồi Hiệp Định Paris 1973 bất thành vì “Vai trò của Mỹ tại Việt Nam kể như đã chấm dứt” như tuyên bố của TT Ford tại Đại học Tulane ngày 23/4/1975. Còn chiến tranh Campuchia là do xung đột giữa CSVN và TC, nên Hoa Kỳ và thế giới để cho Bắc Kinh và Hà Nội giải quyết. Chiến tranh Campuchia chỉ là chiến tranh Việt Nam kéo dài nên HĐ Paris 1991 của Cam Bốt rập khuông Hiệp Định Paris 1973 của Việt Nam. Chỉ có một điểm khác biệt, ở Campuchia có tuyển cử tự do được quốc tế giám sát. Nhờ đó Campuchia trở thành một quốc gia độc lập, trung lập, đa đảng, không còn bị CSVN chi phối, nên không có chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp năm 1980 của Cộng hoà XHCN/VN đã ghi “TQ là kẻ thù truyền kiếp và nguy hiểm nhất”, nhưng để tạo dựng lại mối quan hệ hữu nghị Việt Trung, Hà Nội đã xóa bỏ những dòng chữ lên án TC. Hà Nội đến hội nghị Thành Đô năm 1990 hợp tác với Bắc Kinh giải quyết cuộc chiến Campuchia với đề nghị giúp Hun Sen liên minh với Khmer Đỏ cai trị đất nước Chùa Tháp. Campuchia và Việt Nam cùng xây dựng XHCN dưới sự lãnh đạo của TQ, đứng đầu khối XHCN để chống đế quốc Mỹ. Cả hai đề nghị đều bị Bắc Kinh thẳng thừng bác bỏ. Campuchia đi theo con đường độc lập tự chủ của họ, còn TQ đang dựa vào Mỹ, Nhật và các nước Tây phương để thực hiện “bốn hiện đại”.

Kiểm điểm sau hội nghị Thành Đô, ông Võ Văn Kiệt nói: “Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ TQ chuyên là cậm bẫy”. Phạm Văn Đồng nói: “Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao”. Còn Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh nói với các đồng chí: “Dù TQ là bành trường, nhưng họ là xã hội chủ nghĩa”. Vì thế Bắc Kinh phải duy trì “cái quái thai” Kinh tế thị trường, Định hướng Xã hội chủ nghĩa” để từng bước Hán hóa Việt Nam.

Kết luận: Ngày 11/7/1995, TT Bill Clinton tuyên bố Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Ông nói: “Bằng việc giúp đưa Việt Nam hòa nhập cộng đồng các dân tộc, việc bình thường hóa còn phục vụ lợi ích của chúng ta trong việc phấn đấu cho một nước Việt Nam tự do và hòa bình ở Châu Á ổn định và hòa bình. Chúng ta sẽ bắt đầu bình thường hóa quan hệ buôn bán của chúng ta với Việt Nam, là nước mà nền kinh tế của họ đang được tự do hóa và hòa nhập vào nền kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

Ngày nay HK đang trở lại Châu Á, họ coi khu vực Á châu-Thái Bình Dương là hướng phát triển chủ yếu trong thế kỷ 21. Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương gọi tắt là TPP (Trans-Pacific Partnership) đã được hình thành bao gồm Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Chile, Peru, Mexico, Canada, Brunei, Singapore, Malaysia và Việt Nam). Ngoài ra, HK còn chủ trương hợp tác kinh tế, thương mại với các nước khác, bao gồm Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn... để Á Châu-Thái Bình Dương trở thành một khu vực tự do mậu dịch lớn nhất thế giới. Điều đó đòi hỏi tình hình ở đây phải ổn định và hòa bình. Nhìn lại cuộc chiến Việt Nam, người ta sẽ nhận thấy HK đã tạo dựng sẳn những nền móng đó từ lâu.
Việt Nam từng là địa bàn chính của cuộc xung đột giữa nhiều cường lực trong thời chiến tranh lạnh của thế kỷ trước, khiến khu vực Đông Á luôn trong tình trạng bất ổn. Nhưng HK đã chuyển hướng chiến lược, từ đối đầu sang hợp tác, kết thúc chiến tranh Việt Nam bằng HĐ Paris 1973. Hòa bình được tái lập trong bầu không khí hữu nghị hợp tác giữa các phe đối nghịch: không những giữa ba phe ở Miền Nam Việt Nam; giữa Miền Nam và Miền Bắc để thống nhất Việt Nam trong hòa bình; mà còn giúp các nước ASEAN trở thành khu vực hòa bình, tự do và trung lập. Nhờ đó, ba cường lực HK, Liên Xô và TC không còn xung đột để tranh giành ảnh hưởng, họ sẽ hợp tác với nhau để cùng phát triển, trên cơ sở các bên đều có lợi.

Từ phân tích trên, tôi tán đồng nhận định của cựu Đại sứ Bùi Diễm: “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký HĐ Paris 1973, trở lại nói về HĐ Ba Lê cũng là điều có ích, vì càng đi sâu để phân tích tình hình thời đó dưới ánh sáng của tình hình trên thế giới và tình hình ở đất nước Việt Nam trong lúc này, việc trở lại nghiên cứu Hiệp định Ba Lê đó cũng là việc có ích”.
Tôi kỳ vọng giới lãnh đạo CSVN nhận thức được đất nước hiện nay đang bị Hán hóa không thể nào tránh khỏi chỉ vì chủ nghĩa xã hội. Vì thế những người CSVN có tinh thần dân tộc chủ nghĩa hãy sớm từ bỏ XHCN. Bốn thập niên trước, họ không có quyền chủ động, khiến đất nước gặp biết bao thảm họa. Nay thời cơ thuận lợi lại tái diễn khi HK trở lại Châu Á hợp tác giao thương với TC và nhiều cường lực khác. Mục tiêu của Đảng CSVN là xây dựng CNXH, nhưng XHCN đã và sẽ đưa đất nước đến chỗ diệt vong. Từ bỏ chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với từ bỏ Đảng CS là hành động cứu nước, thể hiện tinh thần hòa giải dân tộc. VN đi vào con đường trung lập cùng các nước ASEAN mà TC đã từng thỏa thuận với Mỹ từ 40 năm trước, nay vẫn còn hiệu lực. Bước kế tiếp là thực hiện tổng tuyển cử dân chủ tự do, đưa đến chế độ đa đảng. Mục tiêu cuối cùng sẽ thành tựu: Đất nước độc lập, Dân tộc tự do, Toàn dân hạnh phục.
                                                                                       Lê Quế Lâm
(Mừng Xuân Quý Tị 2013)

Nguồn:http://www.ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=2295:nhung-tranh-luan-va-gia-tri-cua-hiep-dinh-paris-1973&catid=44&Itemid=301

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét