Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Bức tranh Sài Gòn thời bao cấp

Bức tranh Sài Gòn thời bao cấp



Thỉnh thoảng, khi cả nhà có dịp ngồi ăn tối với nhau, tôi vẫn thường nghe ba mẹ ôn lại kí ức về chuỗi ngày khó khăn, chật vật của tuổi thơ lớn lên trong thời bao cấp. Ấy nhưng có lẽ được sinh ra khi chiến tranh đã qua đi tự rất lâu và may mắn được hưởng một tuổi thơ an nhàn với đủ đầy vật chất nên tôi không thể nào hình dung được những khổ cực mà người trẻ thời ba mẹ đã trải qua. Tôi chỉ biết rằng hai chữ BAO CẤP là một cái gì đó rất ghê rợn và như một bóng đen ám ảnh những người thuộc thế hệ 6x, 7x và 8x đời đầu.
Khi nói về thời bao cấp, ba vẫn thường bắt đầu câu chuyện như thế này: “Đó là những chuỗi ngày khổ mà chẳng thể than với ai. Bởi than thế nào khi xung quanh ai ai cũng như mình!”
Để viết ra bài này, tôi đã dạo một vòng khắp các web lớn nhỏ để tìm một cái định nghĩa rõ ràng cho khái niệm “Thời bao cấp”. Đa phần cac tác giả đều đưa những khái niệm rất Mác Lê Nin để giải thích về giai đoạn này. Nhưng 2saigon không phải là cuốn sách lịch sử hay trang tuyên truyền triết học nên thôi để tôi “bình dân hóa” nó theo sự hiểu biết của mình vậy.
sài gòn thời bao cấp
Ở thời bao cấp, muốn “mua hàng” phải thông qua các tem phiếu
Hiểu nôm na thì thời bao cấp là giai đoạn nhà nước nắm độc quyền kinh tế và người dân không được phép kinh doanh tự do. Theo lý giải của người cầm quyền thì đây là cách để “kế hoạch hóa kinh tế”. Kiểu như mọi tài sản làm lụng rồi sẽ được quy về một mối cho nhà nước, sau đó nhà nước phân chia theo đầu người. Bất kể bạn bỏ sức làm nhiều hay ít thì tới tháng, mỗi người cũng chỉ được “lãnh lương” đều phần như nhau, không hơn không kém. Khác ở chỗ “lương” được trả tượng trưng vài đồng. Còn lại toàn bộ được thay bằng tem phiếu và sổ gạo (Do có luật hạn chế trao đổi bằng tiền mặt) và bạn sẽ đem phiếu đi đổi hàng hóa (Tôi thiết nghĩ cái ý tưởng chơi game ở trung tâm thương mại đổi phiếu điểm và lấy phiếu điểm đổi quà cũng từ đây mà ra!)
Theo lời ba kể thì ngày trước, có nằm mơ cũng chẳng dám mơ được một bữa ăn no thì sao có thể nghĩ đến chuyện ăn ngon. Lúc đấy, có bo bo, khoai mì ăn động đặng cầm hơi sống qua ngày là may phước. Bữa nào được ăn cơm trắng hay bánh trái thì bữa đấy được gọi là “ăn sang”.
sài gòn thời bao cấp
Tem lương thực đổi 50 gam gạo, hay thịt thời bao cấp. Ngoài lương thực, còn có một vài món nhu yếu phẩm được phân phối bao gồm: gạo, nhiên liệu, pin…Và tiền có thể dùng để mua bổ sung các món như bột giặt, giấy dầu, xi măng, khung, lốp xe đạp…
Hẳn bạn cũng đang thắc mắc như tôi đã từng rằng: Mọi người có “phóng đại hóa” vấn đề không? Khi mà nhà nước “bao lo” như thế thì làm thế nào lại có chuyện đói trường kì và sinh ra bất công xã hội được?
Vậy chúng ta cùng hình dung thế này: bạn sẽ sống thế nào nếu một tháng được cấp cho 1,5 lạng thịt bò – tương đương một miếng thịt trong phần bít-tết nếu bạn ăn ở nhà hàng – và 13 kg gạo?
Thôi đừng đong đếm nữa. Số lương thực đó chẳng bỏ nhét răng bạn đâu, đúng không? Vậy mà thời bao cấp người ta đã bị đãi ngộ như vậy đấy! Cụ thể như sau: Mỗi gia đình sẽ được phát cho một cuốn sổ gạo. Tiêu chuẩn phát gạo được đặt ra là nếu làm công nhân lao động nặng, một tháng bạn sẽ được cấp 20 kg còn cán bộ công chức được 13 kg. Tuy nhiên, trong đó gạo sẽ được “độn” ngô, khoai, sắn, bo bo vào. (Chẳng hạn như 13 kí gạo thì trong đó “thực phẩm độn” chiếm 10kg!). Đó là chưa kể số gạo gia đình bạn nhận được có chất lượng vô cùng tồi tệ, lên mốc xanh mốc đen. Từ đây có thể thấy đối với thời này mà nói thì tem phiếu và sổ gạo là của cải chung quý giá nhất mà cả gia đình phải chung tay bảo vệ. Nếu để mất thì kết cục của cả gia đình đảm bảo bi thảm vô cùng. Bên cạnh nhịn đói là chuyện sẽ tiếp diện trong hàng tháng ròng do thủ tục xin cấp sổ lại rất rườm rà và phức tạp thì việc đi vay mượn lương thực là việc không thể tránh khỏi. Do đó, cũng ở thời bao cấp này mà câu nói “Mặt như mất sổ gạo” chỉ những người có gương mặt nhăn nhó, khổ sở và pha lẫn những buồn bã, lo âu được ra đời và truyền miệng trong quần chúng nhân dân.
sài gòn thời bao cấp
Sổ gạo là thứ quan trọng nhất trong mỗi gia đình thời bao cấp
Về phần thịt, như đã nêu trên,dân tự do mỗi tháng nhận được 1,5 lạng thịt bò hoặc heo, làm cán bộ nhà nước thì nhỉnh hơn với 3-5 lạng thịt/tháng. Cá biệt, nếu làm “cán bộ cao cấp” thì số thịt bạn được phép mua vọt lên tận 6kg/tháng. Bên cạnh đó, thời này không có khái niệm “thịt ba rọi” nửa nạc nửa mỡ. Và giữa nạc với mỡ bạn chỉ được phép chọn một trong hai. Hầu hết các gia đình đều chọn mỡ. Không phải vì họ thích ăn béo (tất nhiên!) nhưng do lúc bấy giờ dầu ăn không có trong danh mục được sử dụng nên nếu muốn chiên, xào thức ăn thì người ta phải dùng mỡ. Thế là nghiễm nhiên phần thức ăn mà thời nay chúng ta thưởng bỏ đi bỗng trở nên quý giá hơn hết.
Bên cạnh đó, bạn sẽ được cấp 3-5 kg rau/tháng, nhà có con nhỏ sẽ được 4 lon sữa ông thọ cho các bé. Nếu mẹ bé có thể chứng minh được mình bị mất sữa hoàn toàn thì bé sẽ được 8 hộp. Bởi vì thế mà suy dinh dưỡng là tình trạng phổ biến ở trẻ em giai đoạn này do lượng sữa cung cấp không đủ dùng nên các bé phải bú nước đường thay thế!
Sống trong thời kì trước Đổi Mới, đừng nghĩ “có tiền mua tiên cũng được”. Bởi dù cho bạn có phe phẩy một cọc tiền trong tay, nhưng không ai dám bán hàng cho bạn, thì mớ tiền đó chẳng khác gì giấy vụn. Những người dám “cả gan” bán hàng thời đó sẽ được gọi là “phe phẩy”, “tư thương” hay “chợ đen”. Gọi là “cả gan” bởi nếu như chẳng may giao dịch chui đổ vỡ và bị phát hiện thì họ sẽ bị công an bắt và tịch thu hàng hóa. Do vậy, có thế nói “chợ” hay “siêu thị” là những khái niệm không tồn tại.
sài gòn thời bao cấp 3
Tiền bạc không cấu thành vấn đều trong thời bao cấp. Người ta chỉ có thể đổi được hàng hóa mình muốn nếu có các tem phiếu trong tay.
Bạn chỉ có thể đổi được hàng hóa khi bạn có tem phiếu trong tay. Ngay cả khi có tem phiếu, cũng chưa chắc bạn có thể có được món hàng hóa mình muốn. Bởi trước khi được gặp các “mậu dịch viên” – những người chuyên phân phát sản phẩm, lương thực ngày trước – bạn sẽ phải bỏ thời gian đừng xếp hàng. Nếu chẳng may đến lượt bạn mà hàng hóa vừa kịp hết thì bạn cũng chẳng thể làm gì hơn ngoài việc quay lại vào hôm sau và lại tiếp tục…xếp hàng.
Ngoài lương thực và thực phẩm, bạn sẽ còn được phát một ít vải để may tầm 2-3 bộ quần áo trong một năm (tầm 5-7 mét vải). Do đó, chuyện mặc quần cụt, áo vá và chịu lạnh khi giò lùa về cũng là điều gì đó hết sức bình thường với người thời này.
sài gòn thời bao cấp 1
Cảnh người dân xếp hàng chờ mua vải trong thời bao cấp
Có thể nói đây là “giai đoạn thất bại và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỉ 20″ khi cả hai nhu cầu cơ bản nhất của con người là “ăn no mặc ấm” mà nhà nước cũng không cách nào đáp ứng được. Người miền Nam ngày trước vốn quen với nền kinh tế tự do và cuộc sống có thể gọi là đủ đầy. Ấy vậy mà đột ngột sau giải phỏng, mọi thứ chợt sụp đổ tan tành. Cái đói, cái khát cộng hưởng cùng cái khổ thiếu thốn vật chất kéo dài triền miên từ tháng 4/1975 đến tháng 4/1989 mới thật sự kết thúc khiến con người bỗng trở nên hoảng loạn và chừng như muốn gục ngã.
Chợt nhiên tôi lại cảm thấy thật khâm phục sự mạnh mẽ và sức chịu đựng của ba mẹ cũng như những người đã sống vào cái thời điểm mà bầu không khí của cả nước bị bao trùm bởi một làn khói xám. Dù không hiểu hết những cơ cực mà họ đã trải qua, nhưng cũng phần nào hình dung được sự khủng khiếp của giai đoạn đen tối ấy khi những kinh hoàng và ám ảnh dường như vẫn còn nguyên trên đôi mắt ba mẹ mỗi lần kể chúng tôi nghe câu chuyện tuổi trẻ của mình…
Bài viết: Xuân Ngọc | Nguồn tham khảo: daikinguyenvn.com, Wikipedia

Nguồn: http://2saigon.vn/saigon-xua/buc-tranh-sai-gon-thoi-bao-cap.html

Xem thêm:
THÂN PHẬN MIỀN TRUNG
http://mainguyenhuynh.blogspot.com/2016/07/than-phan-mien-trung-viet-tu-sai-gon.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét