Ông Robert Funseth, phụ tá ngoại trưởng kiêm phát ngôn viên Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thời chiến Việt Nam, qua đời ngày 25 tháng Chín
vừa qua trong sự nhớ tiếc của những gia đình cựu tù cộng sản từ Việt
Nam qua Mỹ định cư theo chương trình HO từ năm 1990. Thanh Trúc ghi nhận
cảm tưởng của một số cựu tù HO khắp nơi:
Nếu không nhờ chương trình HO và nhờ nỗ lực ngoại giao của phụ tá
ngoại trưởng Robert Funseth thì không chắc những quân nhân miền Nam ra
khỏi tù cộng sản có thể được tái định cư hợp pháp tại Mỹ từ năm 1990
trở đi.
Đó là cảm tưởng chung của những cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, còn
được gọi là những người HO vì được qua Mỹ định cư theo chương trình
Humanitarian Operation, tạm gọi là chương trình nhân đạo, mà người lãnh
nhiệm vụ thương thuyết với phía Việt Nam khi đó không ai khác ngoài ông
Robert Funseth .
Từ Illinois, ông Bùi Bổn, cựu sĩ quan miền Nam bị cộng sản tập trung cải tạo 10 năm, qua Mỹ theo diện HO4 năm 1990: Khi ở trong trại tù thì tôi đã nghe được những tin tức là chính
phủ Hoa Kỳ có can thiệp với cộng sản Việt Nam để cho một số tù cải tạo
và gia đình của họ được ra đi định cư tại Hoa Kỳ. Ông Funseth là người
mà chúng tôi rất biết ơn bởi vì cũng nhớ chính sự ngoại giao của ông at
thành thử chương trình HO tị nạn và nhân đạo cho những tù nhân cải tạo
được hoàn tất. Phải nói thành thật chúng tôi sống được là nhờ công lao của ông
Funseth. Nếu không có chương trình HO này thì chúng tôi và gia đình
chúng tôi mãi mãi sống trong sự đau khổ và nhục nhã ở trên chính quê
hương của chúng tôi. Trước sự ra đi của ông Funseth chúng tôi vô cùng
đau lòng và tiếc nuối. Bản thân tôi đã chuyển những tin tức nhanh nhất
về tin ông Funseth đã rời bỏ chúng tar a đi đến cộng đồng người Việt.
Người thứ hai, cũng là HO4 với 6 năm tập trung cải tạo, ông Bùi Phước Ty, hiện cư ngụ tại California: Chúng tôi được tin ông Robert Funseth không còn nữa. Với việc làm
của ông, với tư cách phụ tá ngoại trưởng Mỹ, ông Robert Funseth đã bỏ
không biết bao nhiêu công sức để có thể thương thuyết với chính quyền
Việt Nam và sau đó chương trình HO giúp những gia đình của người tù cộng
sản tái định cư ở Mỹ. Cá nhân tôi và gia đình chúng tôi thì không bao giờ quên được
người đã giúp mình tái lập được một cuộc sống mới ở Hoa Kỳ, con cái có
cơ hội học hành và thay đổi cuộc sống từ sự cùng khổ ở đất nước Việt Nam
sang xứ người. Chúng tôi được biết vào khoảng tháng Mười Một này tại Nam Cali,
anh Nguyễn Phán với tư cách hội phó Hội HO, Thương Phế Binh Và Quả Phụ
Việt Nam Cộng Hòa, sẽ tổ chức một buổi hội ngộ cựu tù tại Nam Cali.
Chúng tôi sẽ đề nghị ban tổ chức một buổi vinh danh và tưởng niệm ông
Robert Funseth. Ngày thang nào còn sống trên cuộc đời này thì chúng ta
còn nhớ đến ông Robert Funseth. Hy vọng ban tổ chức sẽ thực hiện trong
buổi hội ngộ HO này.
Phải mất 7 năm ông Robert Funseth mới thành công và ký kết bản thỏa
thuận về chương trình HO với viên chức cao cấp Việt Nam lúc bấy giờ là
ông Vũ Khoan.
Nói về ông Robert Funseth, phụ tá ngoại trưởng thời tổng thống Ronald
Reagan, là nói đến một viên chức tận tụy với trách vụ, một con người
giàu tình cảm và lòng nhân đạo ngay cả với những người không phải ruột
thịt của mình: Từ năm 1977 Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị bắt đầu vận động, điểm
quan trọng nhất là khi tổng thống Reagan chấp thuận, đồng ý cho Bộ Ngoại
Giao cử ông Funseth thương thảo với Việt Nam về vấn đề tù nhân chính
trị. Không bao giờ chúng tôi trong hội quên cái ngày mà ông Funseth
cùng phái đoàn đi qua Việt Nam để ký kết bản thỏa hiệp ngày 30 tháng 7
năm 1989, khi đó ông Funseth đã cầu nguyện một đêm cho việc được hoàn
thành. Khi về tới phi trường Bangkok thì ông Funseth đã gọi vợ là bà
Marylin để bà báo tin cho chúng tôi biết vì tất cả anh chị em Hội Gia
Đình Tù Nhân Chính Trị đều chờ đợi kết quả đó.
Đó là lời bà Khúc Minh Thơ, người cùng tổ chức Gia Đình Cựu Tù Nhân
Chính Trị từng sát cánh với ông Robert Funseth để chương trình HO hoàn
thành. Theo bản thỏa thuận này, quân dân cán chính miền Nam được chấp
thuận cho sang Mỹ định cư sau khi bị tập trung cải tạo trong các trại tù
cộng sản 3 năm trở lên.
Ông Robert Funseth và bà Khúc Minh Thơ
Không chỉ những cựu sĩ quan HO mà cả những cựu quân nhân không đi
theo diện HO, điển hình như người ở Houston, Texas, ông Huỳnh Công Ánh,
không giấu được sự bàng hoàng trước tin ông Robert Funseth qua đời: Tôi là cựu tù chính trị các trại tù khắp miền Nam tới miền Bắc.
Tôi trốn tù đầu năm 1981và qua Mỹ năm 81. Từ đó tôi sát cánh với bà Khúc
Minh Thơ và ông Funseth. Sau khi có hội Gia Đình Từ Nhân thì tôi
thành lập Tổng Hội Cựu Tù Nhân và chúng tôi sát cánh với nhau. Tôi biết rất rõ là mỗi lần ông Funseth họp hành với phía bên kia
thì ông đều báo về cho bà Khúc Minh Thơ. Cũng nhiều lần, hình như 3 lần,
ông có xuống Houston để cùng tổ chức với tôi chương trình vận động đó. Tôi biết ông là một người rất tha thiết, rất nhiệt tình. Nếu
không có ông thì tôi e rằng bản thỏa hiệp không có, hoặc là có chậm đi
năm mười năm nữa thì liệu anh em HO trong các trại tù khốn khổ mà tôi
biết rõ sẽ chết chóc rất nhiều. Cho nên công của ông đối với anh em HO
rất lớn. Hàng năm chúng tôi đều có liên lạc với nhau. Khi ông nằm bịnh
thì chính bà Khúc Minh Thơ hàng ngày vô bệnh viện và thông báo cho tôi
những chi tiết. Từ khi ông nằm xuống thì chúng tôi cứ chờ đợi chương
trình tang lễ để chúng tôi lên và có cơ hội đưa tiễn cuối cùng.
Từ thành phố Dallas, Texas, nhà báo Thái Hoa Lộc, cựu tù cộng sản: Thời gian mà tôi biết ông Robert Funseth là khi thành lập Khu Hội
Cựu Tù Nhân Chính Trị đầu tiên tại Dallas Fort Worth, sau đó chúng tôi
phối hợp với 3 khu hội khác là Khu Hội Houston, Khu Hội Nam Cali và Bắc
Cali, thì lần đầu tiên mà chúng tôi gặp được ông Funseth là trong lần
chúng tôi đi Washington để tham dự bữa cơm ĐồngTâm do bà Khúc Minh Thơ
tổ chức, lúc đó ông Funseth đã ký được cái hiệp ước với ông Vũ Khoan
ngày 30 tháng Bảy năm 1989. Chúng tôi đã gặp ông rất nhiều lần. Nhờ sự
cố gắng trong vòng 7 năm mà ông Robert Funseth đã đưa được một số cựu tù
nhân chính trị, trong đó có những chiến hữu của tôi, đến được Hoa Kỳ
cùng gia đình của họ gần 300.000 người. Sự ra đi của ông Ông Robert Funseth là sự mất mát. Dù không là HO
nhưng chúng tôi biết ơn ông, tất cả những tù nhân chính trị đều biết ơn
ông.
Đã có nhiều gia đình HO, khi đã tạm ổn cuộc sống tại Mỹ, tìm cách
liên lạc với ông Robert Funseth để thăm hỏi và cảm ơn. Cũng vậy, khi về
hưu và không còn phục vụ trong nghành ngoại giao nữa, cựu phụ tá ngoại
trưởng Robert Funseth vẫn thường xuyên giữ mối dây thân tình đến những
gia đình HO mà ông biết.
Đó là tính cách của nhà ngoại giao Robert Funseth, người ân của HO.
Anh Lê Thành con trai một gia đình đi khá muộn là HO 31, hiện là giám
đốc công ty kỹ thuật cao Luraco nổi tiếng, nói như vậy về ông Robert
Funseth: Ba của Lê Thành là Khóa 1 đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt,
khi miền Nam sụp đổ, ba vào trại cải tạo 7 năm. Ba đi tù cộng sản về thì
gia đình rất khó khăn, tuy nhiên nhờ chương trình HO, đặc biệt sự vận
động của ông Funseth, thì gia đình Lê Thành sang Mỹ theo diện HO 31 năm
1995 để có được sự đổi đời như vậy. Trong thời gian qua Lê Thành cũng may mắn có sự gần gũi với ông,
ông có viết thư cho Thành và Thành cũng có viết thư cho ông. Trong những
giờ phút hấp hối tại bệnh viện, cô Khúc Minh Thơ hỏi ông có nhớ Tom Lê
của Luraco không thì ông nói ông có nhớ, một điều mà hôm qua nói chuyện
với cô Khúc Minh Thơ làm Thành rất nghẹn ngào và cảm động. Cho phép
Thành đại diện gia đình cũng như toàn thể nhân viên công ty Luraco xin
thành kính phân ưu.
Thể theo ý nguyện của người quá cố, tang lễ sẽ được tổ chức rất đơn
giản trong vòng riêng tư với gia đình. Ông Robert Funseth sẽ được an
táng bên cạnh mộ phần người vợ thân yêu của ông là bà Marylin Funseth và
con trai của hai người.
Một buổi lễ tưởng niệm ông Robert Funseth sẽ được tổ chức tại
Washington DC đầu tháng Mười Hai để những người yêu mến ông có thể đến
tham dự đông đủ hơn.
Viếng Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, 40 năm sau chiến tranh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét