Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Trung Quốc quyết độc chiếm Biển Đông, bất chấp Mỹ can ngăn


Trung Quốc quyết độc chiếm Biển Đông, bất chấp Mỹ can ngăn

Đăng Bởi Một Thế Giới - 06:24 17-05-2015


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16.5 đến Bắc Kinh nói chuyện với các lãnh đạo Trung Quốc (TQ), với mục đích can ngăn TQ không theo đuổi dự án "cải tạo đất" trên biển Đông. Tuy nhiên, đáp lại thiện chí của Mỹ, Trung Quốc quyết độc chiếm Biển Đông.


Ngoại trưởng John Kerry đã tỏ ra quan ngại về dự án "cải tạo đất" của TQ trên Biển Đông trong cuộc họp báo chung với Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị ngày 16.5 ở Bắc Kinh.
Ông Vương Nghị đáp lại, rằng Trung Quốc quyết độc chiếm Biển Đông khi nói hành động của TQ chỉ là "bảo vệ chủ quyền".
Trước đó, giới chức Mỹ đã thông báo trước rằng Ngoại trưởng Kerry sẽ đưa ra một thông điệp cứng rắn với TQ về chiến dịch “cải tạo đất”, mà thực chất là những dự án tạo ra những "pháo đài trên biển" trên các hòn đảo mà TQ chiếm đóng trái phép của Việt Nam trên Biển Đông.
Trung Quốc quyết độc chiếm biển Đông
Trong cuộc họp báo với ông Kerry, ông Vương Nghị tuyên bố: “Sự quyết tâm của TQ trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ… vững chắc như đá và không thể lay chuyển".
Ông này mô tả công việc xây đảo ở Biển Đông là "thuộc phạm vi chủ quyền của TQ", Tức ông khẳng định TQ sẽ độc chiếm Biển Đông như yêu sách từ trước tới nay của họ trong khu vực.
Nhưng ông Vương Nghị cũng nói rằng TQ và Mỹ có "nhiều lợi ích chung” và kêu gọi cả hai bên "hành động trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm điểm chung trong khi xếp lại bất đồng".
Mỹ thực hiện đường lối ngoại giao khôn khéo
Ngoại trưởng Kerry nói rằng một trong những thế mạnh của quan hệ Mỹ-Trung hiện đại là hai bên có thể nói chuyện thẳng thắn và ông đã thúc giục TQ hành động để giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông.
Phía Mỹ lo ngại các công trình mà TQ mới xây dựng ở quần đảo Trường Sa, như đường băng có khả năng sử dụng cho quân sự, sẽ làm thay đổi tương quan lực lượng trong khu vực.
Ngoại trưởng Kerry nói rằng ông đã "thúc giục phía Trung Quốc hành động… giúp làm giảm căng thẳng và làm tăng triển vọng của một giải pháp ngoại giao".
Ông tin rằng ông và ông Vương đã đồng ý cần thực hiện đường lối "ngoại giao thông minh" để đi đến ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) giữa các quốc gia Đông Nam Á và TQ "và không xây thêm tiền đồn quân sự"-ám chỉ sân bay mà TQ đang xây dựng trên đảo Đá Chữ Thập mà TQ chiếm đóng trái phép.
Thiên Hà (Theo Reuters)

Kerry raises US concerns over Beijing's South China Sea operations





Bay tuần tra, Mỹ cảnh cáo Trung Quốc chớ lập ADIZ trên Biển Đông

Đăng Bởi Một Thế Giới - 16:20 16-05-2015


Máy bay tuần tra Mỹ cất cánh khỏi tàu sân bay
Khi hải quân Mỹ cử một tàu chiến đấu cận duyên (LCS) thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên ở gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Mỹ cảnh cáo Tung Quốc chớ lập ADIZ trên Biển Đông.

ADIZ là Vùng nhận dạng phòng không, do vài nước sử dụng để mở rộng tầm kiểm soát xa khỏi biên giới nước họ, buộc máy bay dân sự và quân sự phải khai báo nếu không muốn bị can thiệp quân sự.
Hồi cuối năm 2013, Mỹ và Nhật Bản từng lên án TQ, khi Bắc Kinh áp đặt một ADIZ trên biển Hoa Đông, trên các đảo Senkaku do Nhật kiểm soát nhưng TQ cũng đòi chủ quyền, gọi là quần đảo Điếu Ngư.
Khi ấy, Mỹ đã cử nhiều chuyến bay vào ADIZ nhưng TQ không có phản ứng nào.
Trang National Interest ngày 13.5 đưa tin: chiếc LCS Fort Worth lớp Freedom từ Singapore thực hiện nhiệm vụ tuần tra 7 ngày ở Biển Đông, ngày 11.5 đã có chạm trán với chiếc tàu của hải quân Trung Quốc (TQ), khi chiếc LCS đang tuần tra gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Chiếc Fort Worth là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Mỹ, cũng có nhiệm vụ tuần tra vùng trời khu vực này. Nó đã cho bay một máy bay không người lái và một trực thăng Seahawk, theo một tuyên bố ít được chú ý tên trang web của hải quân Mỹ.
Lực lượng này không đề cập việc TQ cấp tốc cải tạo đất trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Nhưng hoạt động của chiếc LCS cho thấy Mỹ muốn biểu dương sức mạnh, để cảnh cáo TQ chớ lập ADIZ trên Biển Đông, một động thái mà nhiều quan chức quân sự Mỹ nói khả năng TQ làm điều này đang ngày càng tăng.
Một sĩ quan cấp cao Mỹ nắm rõ tình hình châu Á, nói với hãng tin Reuters:
“Đó là điều không tránh khỏi, nhưng nếu đánh cược, tôi sẽ cược rằng họ sẽ tuyên bố một ADIZ. Tôi chỉ không biết khi nào họ làm việc này”.
Theo vị sĩ quan Mỹ giấu tên, các cơ sở quân sự TQ đang xây trên bãi Đá chữ thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, có thể sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm 2015.
Chúng gồm một đường băng dài 3.000 mét để máy bay cất-hạ cánh cùng các radar cảnh báo sớm.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cũng cho thấy hoạt động cải tạo đất trên bãi Đá Xubi, cũng có thể nhằm tạo một đường băng tương tự.
Quần đảo Trường Sa của Việt Nam cách lục địa TQ hơn 1.100 km, khiến các căn cứ không quân dọc bờ biển TQ khó thể tiếp cận. Nên máy bay TQ khó thể duy trì sự hiện diện thường xuyên trên biển Đông, theo một nghiên cứu của tổ chức nghiên cứu độc lập U.S. Congressional Research Service hồi đầu năm nay.
Hiện Mỹ quan ngại TQ có thể áp đặt hạn chế đường bay-đường biển tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, một khi họ xây xong 7 đảo nhân tạo. Đây là vấn đề có thể được nêu ra, trong cuộc nói chuyện giữa Ngoại trưởng Mỹ với lãnh đạo TQ trong hôm nay 16.5.
Bảo Vĩnh (theo Reuters)





Mỹ gửi lực lượng an ninh hàng hải đến Biển Đông, chặn tham vọng của Trung Quốc

Đăng Bởi Một Thế Giới - 06:39 17-05-2015


Máy bay J-31 của TQ trong một buổi trình diễn hàng không ở Zhuhai năm 2014
Tựa bài của trang National Interest, đề cập vấn đề Trung Quốc (TQ) doạ lập ADIZ trên Biển Đông. Một Thế Giới xin lược dịch: Báo cáo thường niên gửi đến Quốc hội Mỹ về Sức mạnh quân sự của TQ vừa phát hành trong tuần này. Báo cáo đánh giá “TQ thường dùng những bước đi nhỏ để tăng cường kiểm soát trên các vùng lãnh thổ tranh chấp và tránh leo thang xung đột quân sự”.

Trong báo cáo hàng năm mà Bộ quốc phòng Mỹ trình quốc hội Mỹ, đánh giá "TQ thường dùng những bước đi nhỏ để tăng cường kiểm soát trên các vùng lãnh thổ tranh chấp và tránh leo thang quân sự".

Tuy nhiên, gần đây các bước đi và động thái của TQ ngày càng rõ rệt và lớn hơn qua việc cải tạo đất ở 7 địa điểm thuộc khu vực Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á đang lần lượt đưa ra phản ứng của mình.
Tuần trước, TQ đã “thử nghiệm” Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển tranh chấp với Philippines, càng cho thấy dã tâm của nước này.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện, phó đô đốc Philippines nhấn mạnh TQ đã cảnh báo không quân và máy bay của hải quân Philippines vì bay trên vùng biển tranh chấp ít nhất 7 lần.
Việc TQ doạ lập ADIZ trên Biển Đông có thể sẽ thay đổi cục diện “cuộc chơi” ở khu vực này.
Theo một số nhà phân tích, ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013 đã trao cho TQ quyền đồng quản lý trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Tuy nhiên, biển Hoa Đông lại không phải là đường biển chiến lược về thông tin liên lạc, trong khi Biển Đông lại là nơi 5.000 tỉ USD thương mại qua lại mỗi năm.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter, TQ đã tăng cường quân sự hóa các đảo và rạn san hô, bao gồm việc xây dựng một đường băng quân sự và ít nhất một đường băng phi quân sự khác.
Để phản ứng lại, Mỹ cho hay sẽ gửi lực lượng bảo vệ an ninh hàng hải khu vực Biển Đông. Năm 2013, Mỹ đã từng gửi các máy bay thế hệ B-52 đến ADIZ ở Hoa Đông.
TQ trước đây đã triển khai lực lượng hải quân bảo vệ vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông, gồm khu vực phía tây quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và các cuộc đụng độ quanh bãi đá Nam Johnson.
Năm 1995, TQ cũng chiếm luôn bãi Vành Khăn. Gần đây, giàn khoan dầu Haiyang Shiyou 981 của TQ lại ngang nhiên di chuyển vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thậm chí, tàu TQ còn đâm chìm cả tàu của Philippines trên bãi cạn Scarborough
Một nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế tháng 5 này cũng đưa ra một bản báo cáo nhận định cách tiếp cận dựa trên sức mạnh trong thời gian gần đây là phong cách đối ngoại của ông Tập Cận Bình, “đánh lớn, đánh nhanh”.
Một trong các nhà phân tích cho rằng “nếu TQ muốn có những người láng giềng cùng đi chung con đường, thì chính sách đối ngoại TQ cần phải nhất quán và dễ dự đoán”. Buồn thay, sự nhất quán đó dường như đã biến mất từ khi ông Tập Cận Bình với chủ trương dùng sức mạnh để đạt được mục đích.
Các quốc gia Đông Nam Á đã phải tăng chi tiêu quân sự để đối phó với những hành động ngang ngược của TQ.
Dữ liệu từ Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho thấy mức tăng trưởng chi tiêu ổn định từ năm 2010-2014, trung bình tăng 37,6%. Tổng chi tiêu quân sự của các nước Đông Nam Á trong năm 2014 là 38,2 tỉ USD, trong đó có 3 tàu ngầm lớp Kilo có tên lửa đối đất đã được Nga bàn giao cho Việt Nam, theo hợp đồng ký kết năm 2009.
Philippines cũng đang tiến hành chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 1,82 tỉ USD với 2 tàu khu trục mới, 2 trực thăng tác chiến chống tàu ngầm, 3 tàu tuần tra nhanh ven biển và 8 xe thiết giáp tấn công trên bộ dự kiến bàn giao năm 2017.

Vì quá phụ thuộc vào Mỹ và bị TQ lấn át, Manila đang phải tích cực tăng cường khả năng phòng thủ để phù hợp với một số nước trong khu vực.
Ở cấp độ song phương, hợp tác quốc phòng đang ngày càng sâu sắc. Nhật Bản và Philippines có cuộc tập trận hải quân chung lần đầu tiên, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế, Mỹ thông qua hợp đồng dự kiến bán tên lửa cho Indonesia và Malaysia.
Theo Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario, kết quả cạnh tranh ở khu vực Biển Đông sẽ xác định trật tự quốc tế.

Trong cuộc tranh chấp này, cán cân không thể lọt vào tay Bắc Kinh, cũng không nên rơi vào tay Mỹ hay các quốc gia khác ở khu vực Ấn – Thái Bình Dương.
Khánh Nguyên (Theo National Interest)
TQ thủ tên lửa đạn đạo tầm xa, răn đe Mỹ ở Biển Đông

Đăng Bởi Một Thế Giới - 13:10 17-05-2015


Tên lửa DF-41 của TQ

Sau hàng chục năm chỉ duy trì một lực lượng hạt nhân tối thiểu, TQ thủ tên lửa đạn đạo tầm xa, răn đe Mỹ, theo báo New York Times (NYT).


Số vũ khí này có thể mang nhiều đầu đạn, một động thái mà các quan chức chính phủ Mỹ và các nhà phân tích nói: xem ra chúng để chặn không cho Mỹ chuẩn bị lập hệ thống tên lửa phòng thủ ở Thái Bình Dương nói chung.

Quyết định này của Trung Quốc (TQ) rất đáng chú ý. TQ từ hàng chục năm đã có công nghệ thu nhỏ đầu đạn, đưa 3 đầu đạn hoặc hơn vào chỉ một tên lửa.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo TQ hầu như để chúng yên, không quan tâm chạy đua vũ trang vốn từng là đặc trưng trong cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.
Nhưng nay, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình xem ra đổi hướng, khi xây căn cứ quân sự trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, lần đầu tiên đưa tàu ngầm đến tận Vịnh Persic và lập kho vũ khí chiến tranh mạng.

Theo NYT, các động thái hung hăng này của TQ khiến các quan chức Mỹ bị bất ngờ, và chúng trở thành chứng cứ của một thách thức từ phía TQ mà chính phủ Tồng thống Barack Obama phải đối phó, nhất là sau khi các cơ quan tình báo Mỹ dự báo sai, rằng ông Tập sẽ tập trung phát triển kinh tế, và đi theo đường lối của tiền nhiệm là “TQ trỗi dậy hòa bình”.

Báo cáo hàng năm rất kỹ về khả năng quân sự TQ của Lầu Năm Góc trình quốc hội Mỹ nói: TQ hiện trữ khoảng 20 tên lửa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mạnh nhất là Đông Phong DF-5.

Các nhà phân tích tư nhân nói mỗi chiếc DF-5 có thể nhận 3 đầu đạn và số đầu đạn có thể phóng tới Mỹ đã tăng từ 20 lên 40 chiếc.

Hans M. Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân (thuộc tổ chức nghiên cứu chính sách Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ) gọi việc TQ triển khai các đầu đạn mới này là “một ngày xấu của sự kiềm chế hạt nhân”.

Ông nói về việc TQ thủ tên lửa đạn đạo tầm xa răn đe Mỹ : “Thế lực nhỏ của TQ đang dần to hơn, và khả năng hạn chế của họ đang dần tốt hơn. Họ đang sản xuất các tên lửa nhiều đầu đạn nhằm xuyên thủng hệ thống tên lửa đạn đạo phòng thủ của Mỹ”.

Thứ Bảy qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Bắc Kinh, nói chuyện về các vấn đề an ninh và kinh tế khiến Mỹ quan ngại, dù chưa rõ ông có đề cập chuyện tên lửa tầm xa của TQ hay không.

Các quan chức Mỹ nói đến nay, TQ từ chối đối thoại về quyết định triển khai nhiều đầu đạn hạt nhân vào các ICBM.

“Mỹ nên có đối thoại rộng nhiều hơn về việc hiện đại hạt nhân và phòng thủ bằng ICBM với TQ”, theo Phillip C. Saunders, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu vấn đề quân sự TQ ở Đại học Quốc phòng Mỹ, một cơ sở học tập do Lầu Năm Góc tài trợ, và là nơi có nhiều chỉ huy quân sự cấp cao tương lai đến học.

Ông Saunders nói thêm: “TQ miễn cưỡng với cuộc đối thoại này qua các kênh chính thức”, nhưng ông cùng các chuyên gia khác đã có những cuộc trao đổi không chính thức với các đồng nghiệp TQ về vấn đề trên.

Ông Obama đang chịu sức ép nhiều hơn bao giờ hết về việc triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ ở Thái Bình Dương, dù Mỹ đã tuyên bố chính thức rằng số tên lửa này nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên chứ không với TQ.

Cùng lúc, ông Obama tìm cách phát đi một tín hiệu cho biết, ông sẽ chống các nỗ lực của TQ nhằm bắt nạt hàng xóm của Bắc Kinh, gồm một số nước đồng minh của Mỹ, và nhằm chặn Mỹ ở ngoài phía tây Thái Bình Dương, tức Biển Đông.

Các hình ảnh vệ tinh vừa công bố, cho thấy TQ ráo riết “khai hoang” các đảo ở Biển Đông để xây đường băng, sân bay, cho thấy ông Tập quyết tâm đẩy các đối thủ tiềm năng ra khỏi khu vực này.

Hiện Lầu Năm Góc đã có bàn thảo việc tăng tốc nỗ lực tên lửa phòng thủ, đưa tàu chiến và máy bay quân sự Mỹ đến gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhằm khẳng định rõ rằng Mỹ chú trọng quyền tự do hàng hải ở những vùng mà TQ tuyên bố độc chiếm.

Việc TQ đóng tàu sân bay, tàu ngầm để có thể thách thức Mỹ nếu có một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông

Một số chương trình hiện đại hóa quân sự của TQ đều nhắm thẳng vào ưu thế công nghệ của Mỹ. TQ đã tìm các công nghệ để chặn vệ tinh liên lạc và do thám của Mỹ, và đầu tư mạnh vào công nghệ chiến tranh mạng, để có thể tấn vào hệ thống điện toán của Mỹ.

Tất cả các động thái này đều khiến các quan chức Mỹ nói: TQ vừa “chôm” quyền sở hữu trí tuệ, vừa chuẩn bị cho một cuộc xung đột trong tương lai, với những tên lửa có thể bắn tới Mỹ.

Việc TQ nâng cấp lực lượng hạt nhân rất phù hợp với chiến thuật này, nó là một phần nỗ lực cạnh tranh lâu dài với Mỹ, vì TQ luôn sợ lợi thế hạt nhân của Mỹ.
Mai Hà (Theo New York Times)

Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=33996



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét