Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

Đời xích lô ở Sài Gòn

Đời xích lô ở Sài Gòn

Chủ nhật, 24/05/2015, 19:37

Nghề xích lô không cần cấm - đến một lúc nào đó - không còn người đi nó cũng tự đào thải

Người đàn bà đứng tuổi khệ nệ mang giỏ xách đầy ắp thức ăn từ trong chợ bước ra. Không ai bảo, ông chạy tới xách chiếc giỏ trên tay bà để vào chiếc xích lô dừng gần đó. Rồi ông lui ra sau nhấc bổng đuôi xe. Mỏ trước chiếc xe hạ thấp, bà leo lên ngồi ngay ngắn. Phía sau, ông đẩy nhẹ lấy trớn rồi nhảy lên yên. Cuốc xe đầu tiên mở hàng cho một ngày làm việc của ông . . .

Hối hả chở khách vào những buổi sáng sớm

Vất vả mưu sinh
Chợ Tân Định (quận 1, TP HCM) bắt đầu đông khách từ 6g sáng mỗi ngày. Thời điểm này cũng là lúc ông đưa xe ra dừng bên hông chợ. Kẻ bán người mua tấp nập.
Không vội vì còn sớm lắm. Ông sà xuống chiếc ghế trụi của hàng cà phê cóc. Một ly đen nóng trước mặt ông bốc hơi nghi ngút. Cho một vài muỗng đường vào ly rồi khuấy mạnh, ông đưa mắt lãng đãng nhìn ra xa.
Ở khu chợ này không ai không biết ông. Dường như cả cuộc đời ông gắn với nơi đây. Mới đó, đã ngót 40 năm rồi. Nhiều người kể lại, sáng ông đến khu vực này chờ đón khách. Khách của ông vốn là những bà nội trợ đã quen thuộc nhiều năm với ông, không nỡ bỏ ông nên nhờ thế mà ông còn có cái để sống. Đến trưa ông ghé vào một quán cơm bụi qua loa qua bữa rồi đẩy xe về phía trường Nguyễn Thị Diệu (quận 3) leo lề, bung mui, đánh một giấc ngủ dài . . .
Ly cà phê mới vơi được một nửa. Điếu thuốc cũng vừa tàn. Chợt ông đứng bật dậy đến trước mặt người phụ nữ từ trong chợ bước ra. Không nói một lời, ông với lấy chiếc giỏ trên tay bà rồi đi thẳng đến chiếc xích lô. Bà cũng thế, đến xe thản nhiên lên ngồi mà không ai nói với ai một lời nào. Ông đẩy xe ra đường phóng lên yên và . . . sãi bước.
Những người mưu sinh bằng nghề xích lô như ông ở chợ Tân Định này không còn nhiều. Ai nấy đều bước vào cái ngưỡng ''cổ lai hi''. Mặc dù lệnh cấm xe đã có từ nhiều năm nay nhưng đối với những người như ông không có chiếc xe đồng nghĩa vào đến đường cùng. Thế cho nên còn chạy được bữa nào thì cứ cố mà chạy để kiếm được đồng ra đồng vào.
Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng đều giống nhau ở một điểm: ai cũng nghèo. Cái nghèo của những người hành nghề xích lô quả là tận cùng của xã hội. Bây giờ cố mà sống được với nghề là cả một sự cố gắng lớn lao.
Tôi ghé vào quán cóc ngồi cạnh chiếc ghế nơi ông đã ngồi. Ly cà phê của ông còn đó nghĩa là ông sẽ trở lại. Quả thật vậy, chỉ trong chừng hơn 10 phút, ông xuất hiện. Lần này, tôi thấy trên trán ông lấm tấm vài giọt mồ hôi.
''Mệt không ông anh?''. Ông nhìn tôi: ''Trước đây không sao nhưng giờ thì thấm rồi anh ạ!''. Câu chuyện giữa tôi và ông bắt đầu . . .
Nghề đi vào ngõ cụt
Nghề xích lô vốn là nghề nhọc nhằn. Thanh niên có sức khỏe đôi khi còn không kham nổi. Thế nhưng trước mặt tôi - ngay bây giờ - là một ông cụ 75 tuổi dáng người nhỏ thó ốm yếu. Ông là Trung Văn Lai quê ở Mỹ Tho.
Cái duyên của ông Lai bén với cái nghề xích lô ở chợ Tân Định này quả là duyên kỳ ngộ. Ông kể: ''đi lính cho chế độ cũ đến 1975 thì trở về với đời sống dân sự. Không nghề nghiệp, từ Mỹ Tho tôi lên Sài Gòn đến chợ Tân Định làm nghề bán lá chuối cho những người gói bánh. Ban ngày lê la ở chợ, ban đêm lựa một chiếc sạp nào đó đánh một giấc tới sáng. . .

Ông Trung Văn Lai cùng chiếc xích lô cũ kỹ

Làm nghề bán lá cũng khá lâu đến 1995 thì không còn kham nổi nữa, tôi được nhiều người mách bảo tìm đến chiếc xích lô. Thế mà đã 20 năm rồi đó''.
Ông với tay lấy ly cà phê đã nguội. Cánh tay ông đã trổ đồi mồi lấm tấm. Da ông đã nhăn. Đưa ly lên môi. Gương mặt ông sạm nắng. Những vết hằn của tháng năm in đậm lên đó. Chiếc mủ kết đội sụp xuống che mất mái tóc bạc chỉ còn thò ra vài cọng. Tôi vô cùng ái ngại.
Ông kể cho tôi nghe cái thời . . . ''vàng son'' nhất của nghề xích lô mà ông đã tận hưởng. Những tháng năm ấy khách chở không hết anh ạ. Cung ít cầu nhiều tụi tui chạy mệt nghỉ. Mỗi chiều về mệt rã rời nhưng nhanh chóng hồi phục khi đổ tiền ra đếm. Có ngày chạy được đến 500.000 đồng.
Lúc này, 5 đứa con và bà vợ ở Mỹ Tho đều trông chờ vào khoản thu nhập này. Tháng nào cũng gởi về ít nhất là 3 triệu đồng. Nhờ vậy nuôi chúng lớn để đến hôm nay cả 5 đứa trai có, gái có đều đã lập gia đình và công ăn việc làm ổn định. Tôi thì cứ trên yên xe.
Thế rồi, công cuộc làm ăn ngày một kém. Thêm vào đó, ban đêm chợ kiểm soát gắt gao không còn được ngủ trên sạp nữa. Tôi phải thuê một phòng trọ với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Tiền kiếm được đã ít nhưng chi tiêu lại nhiều. Hàng tháng tôi chỉ còn gởi về cho bả hơn 1 triệu đồng. Cũng may các con đã lớn, chúng phụ thêm vào để giúp mẹ sống thư thả hơn trong những ngày cuối của cuộc đời.
Nghề xích lô bị cấm từ 4 năm nay nhưng chỉ một năm gần đây mới lâm vào tình trạng bi đát. Khách không còn thích xích lô mà thay vào đó là xe ôm là taxi vừa sang vừa nhanh. Ông Lai trầm ngâm: ''75 tuổi rồi. Thôi cũng rán cho hết năm nay rồi về nghỉ. Nhiều người nghỉ lắm rồi. Nghề xích lô không cần cấm - đến một lúc nào đó - không còn người đi nó cũng tự đào thải thôi…
Tôi nhìn ra đường. Nắng đã lên cao. Chiếc xích lô của ông Lai bên vệ đường dường như bị che khuất bởi người đi đường và các phương tiện khác. Thôi thì cũng mong cho ông và đồng nghiệp của ông sớm tìm được niềm vui lúc tuổi già . . .

Theo NLĐ
Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=34097

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét