Thứ Hai, 9 tháng 3, 2015

Khi Mỹ và Trung Quốc trong thế một mất một còn

 Khi Mỹ và Trung Quốc trong thế một mất một còn

Đăng Bởi Một Thế Giới - 05:14 09-03-2015


Trên thế giới luôn diễn ra những cuộc chạy đua giữa những siêu cường, nếu như trong thế kỷ 20 đã diễn ra cuộc chạy đua phát triển công nghệ không gian cũng như chạy đua về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, thì thế kỷ 21 đang chứng kiến cuộc chạy đua về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.


Trong nền kinh tế thế giới hiện đại, sức mạnh kinh tế của một quốc gia ngoài việc phụ thuộc vào quy mô tổng cầu của nền kinh tế quốc nội, thì được quyết định chủ yếu bởi việc nước đó có mối quan hệ thương mại với bao nhiêu nước, và ở cấp độ nào. Các cường quốc kinh tế cũng không là ngoại lệ, khi họ luôn đứng đầu danh sách có nhiều mối quan hệ thương mại cao cấp nhất với các nước trên thế giới.
Nên cũng không có gì lạ khi cuộc chạy đua kinh tế trên thế giới hiện nay thực chất là một cuộc chạy đua để tạo ra các hiệp ước kinh tế và thương mại. Mỹ và Trung Quốc đang là hai cường quốc tham gia vào cuộc chạy đua khốc liệt ấy một cách quyết liệt nhất với hai con bài chủ lực ở thời điểm hiện tại là TPP và RCEP.
Trên thế giới luôn diễn ra những cuộc chạy đua giữa những siêu cường, nếu như trong thế kỷ 20 đã diễn ra cuộc chạy đua phát triển công nghệ không gian cũng như chạy đua về vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô, thì thế kỷ 21 đang chứng kiến cuộc chạy đua về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc.
Và có vẻ như cuộc chạy đua kinh tế thế kỷ 21 ấy cũng khốc liệt chẳng kém với cuộc chạy đua về công nghệ và vũ khí thời Chiến tranh lạnh trong thế kỷ 20 chút nào. Khác với cuộc chạy đua về công nghệ và vũ khí nơi cả hai đấu thủ đều có thể cùng đạt đến một cái đích, cuộc chạy đua về kinh tế trong việc thành lập các hiệp định thương mại là cuộc chiến một mất một còn, chỉ có một kẻ giành chiến thắng mà thôi.
Sở dĩ như thế, là vì căn nguyên sâu xa của việc chạy đua thành lập các hiệp định thương mại và kinh tế giữa các cường quốc nằm ở việc hạn chế tầm ảnh hưởng về kinh tế và đi kèm với nó là chính trị và quân sự của đối phương. Bất cứ ai cũng hiểu rằng Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là nước đi của Mỹ để hạ bớt tầm ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực, khi Bắc Kinh dù đã ngỏ ý muốn gia nhập hiệp định thương mại này nhưng đã bị từ chối.
Một hiệp định thương mại cởi mở giữa các nước ở hai bờ Thái Bình Dương, trong đó có hầu hết các quốc gia chủ lực ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á và đặc biệt là Mỹ, sẽ tăng cường mối quan hệ trao đổi thương mại giữa các nước này với Mỹ, qua đó giảm quan hệ kinh tế với nền kinh tế số hai thế giới là Trung Quốc, từ đó làm suy giảm ảnh hưởng chính trị và quân sự của Bắc Kinh với các nước trong khu vực.
Người Mỹ thúc đẩy TPP mà không có mặt Trung Quốc, thì người Trung Quốc thúc đẩy RCEP mà không có mặt Mỹ. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP lại là một nỗ lực gắn kết mối quan hệ kinh tế giữa các nước trong khu vực Châu Á mà không có sự hiện diện của nền kinh tế số một thế giới. Mỹ muốn dứt các nước trong khu vực ra khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc bằng TPP thì Trung Quốc muốn tăng cường quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực bằng RCEP.
Trong bối cảnh việc đàm phán của cả hai hiệp định thương mại đều đang được triển khai và nhiều khả năng sẽ cùng đi vào hoạt động, thì mấu chốt vấn đề phụ thuộc vào việc mức độ hợp tác giữa các nước trong từng hiệp định sẽ khác nhau ra sao, và tùy thuộc vào việc Mỹ sẽ tận dụng TPP tốt hơn hay Trung Quốc tận dụng RCEP tốt hơn.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ đang nắm giữ nhiều lợi thế hơn Trung Quốc trong việc tận dụng lợi thế từ cuộc chạy đua hình thành các hiệp định thương mại này. Mỹ vẫn đang là nền kinh tế số một thế giới với một thị trường dồi dào và đầy tiềm năng luôn có sức mua cao nhất thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Mỹ của các nước trên thế giới đang cao hơn Trung Quốc rất nhiều.
Điều này đồng nghĩa với việc một khi TPP đi vào hoạt động, mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và các nước ở Châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng lên nhanh chóng và ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc. Và nếu như Mỹ đóng vai trò chủ đạo trong TPP thì Trung Quốc lại không thể làm tương tự trong RCEP.
Tổng cầu của thị trưởng 1,2 tỷ dân của Trung Quốc với sức mua thấp hơn Mỹ khá nhiều cũng đang đạt đến điểm bão hòa, khiến cho bản thân các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang phải tìm cách thu hẹp quy mô sản xuất, điều này khiến sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đang giảm đi trong mắt các nước trong khu vực.
Một khi không còn đủ sức thu hút các nước trong khu vực bằng quy mô nền kinh tế khổng lồ của mình, thì Trung Quốc cũng sẽ chỉ đóng vai trò một thành viên bình thường trong RCEP thay vì giữ vai trò động lực chính và là người cầm trịch trong hiệp định như Mỹ trong TPP.
Giới phân tích cho rằng, chính các nước ASEAN và Nhật Bản mới là những người sẽ nắm vai trò động lực chủ đạo trong RCEP chứ không phải Trung Quốc. ASEAN mới là người đề xuất hình thành RCEP như một khu vực thương mại chứ không phải Trung Quốc như nhiều người vẫn nghĩ, Trung Quốc chỉ là nhận được lời mời từ ASEAN và nhận thấy rằng có thể sử dụng RCEP như một đối trọng với TPP của Mỹ và tích cực ủng hộ nó mà thôi.
Sở dĩ ASEAN đề xuất RCEP như một hiệp định thương mại khu vực mà không có sự tham gia của Mỹ là vì nhận ra một thực tế rằng họ có thể trở thành trung gian trong cuộc tranh giành ảnh hưởng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc và có thể hưởng lợi từ cả hai phía. Một khi TPP và RCEP cùng đi vào hoạt động, các nước có mặt trong cả hai hiệp định như Việt Nam, Nhật Bản hay Singapore sẽ là những người có lợi nhất khi có thể xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư từ tất cả các thành viên trong cả hai hiệp định.
Điều này xuất phát từ việc kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại kể từ năm 2014, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại khiến cho thị trường Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn hơn với rất nhiều nước trong khu vực trong khi các hoạt động đầu tư quy mô ra nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn đang diễn ra khá chậm chạp.
Một khi thị trường Trung Quốc đã không còn là miền đất hứa với hàng xuất khẩu của các nước trong khu vực, thì các nước trong khu vực cũng sẽ tìm cách hạn chế hàng xuất khẩu Trung Quốc vào nước mình theo một cách bình đẳng, dù hiệp định đối tác toàn diện khu vực RCEP có hoàn thành và đi vào hoạt động đi chăng nữa.
Nhàn Đàm (theo Reuters)

 Ngồn:  http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=33071

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét