Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

Người Về Từ Đại Dương - đặc vụ hạ cờ TC và dựng lại cờ của VNCH đã bị bọn TC xâm lược phá hủy năm 1974

Người Về Từ Đại Dương

Thứ Năm, 15 tháng Giêng năm 2015 Tác Giả: Nguyễn Việt Kim




LTS: Bài này được viết theo lời kể của 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt (HQ.16) đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa hôm 17-01-1974 để hạ cờ TC và dựng lại cờ của VNCH đã bị bọn TC xâm lược phá hủy. Sau trận hải chiến 19-01-1974 và khi bị phi cơ, các chiến sĩ này bị mất liên lạc với chiến hạm, do đó 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc TDH. Lý-Thường-Kiệt đã rút ra khỏi đảo bằng bè cao su. Sau 10 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, 15 chiến sĩ này được ngư dân cứu thoát đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, tuy nhiên có một người kiệt sức và hy sinh, 14 người còn lại trong tình trạng sức khỏe khả quan.

LỆNH ĐỔ BỘ LÊN ĐẢO

Ngày 17-01-1974, chúng tôi được lệnh đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa với một nhiệm vụ rất ư là đặc biệt. Tâm trạng chúng tôi lúc này 15 người thật háo hức, không một ai lo sợ gì hết, mặc dù biết rằng đổ bộ lên đảo chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn, vì hiện tại trên đảo đã có một số quân Trung Cộng lén đóng trên đó. Đây chính là một thử thách tinh thần to lớn, và chúng tôi biết rằng cuộc chạm trán này thật quan trọng, không những chỉ ảnh hưởng đến Quân Chủng Hải Quân mà còn cho cả 19 triệu dân Miền Nam ngàn đời không biết khuất phục. Bởi vậy, chúng tôi hết sức hâm hở, mặc dù biết rằng phải đối đầu với lực lượng rất hùng hậu. Đã là con cháu Hưng Đạo Vương Trần-Quốc-Tuấn, Quan-Trung, Lê-Lợi... mang giòng máu hào hùng bất khuất của tiền nhân, chúng tôi phải nối gót để tô đậm thêm cho những chiến tích lẫy lừng, Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử... mồ chôn hàng vạn tinh binh Mông-Cổ. Giờ đây, thời gian đã cách xa hàng ngàn năm, nhưng chiến trường vẫn là kẻ thù xưa - Bọn Tàu đỏ xâm lược. Bởi vậy , chúng tôi háo hức, chúng tôi sôi máu, chúng tôi hãnh diện khi cầm những lá cờ Việt-Nam vàng chói cấm lên đảo để tái xác định chủ quyền VNCH trên mảnh đất xa xôi nhỏ bé nhưng đầy thân yêu này.

Cuộc đổ bộ bắt đầu, 15 đứa chúng tôi được hướng dẫn thật kỹ càng, khi gặp trường hợp giao tranh với lực lượng của bọn Trung Cộng, những lời dặn dò càng tránh gây hấn càng tốt, chỉ tự vệ khi thích đáng cũng như có chỉ thị mới được nổ súng.

Để phòng ngừa bất trắc, chúng tôi được trang bị vũ khí nhẹ, gồm súng phóng lựu, lựu đạn và súng cá nhân, máy vô tuyến và phao cá nhân.

Những chiếc bè cao su được hạ thấp xuống từ Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt. Chúng tôi bắt đầu rời tàu. Nhìn đồng hồ lúc này là 7 giờ 45 phút. Trời cũng vừa hừng đông. Mặt trời đỏ hồng từ dưới biển khơi chui lên thật đẹp. Chúng tôi có cảm tưởng mặt trời bị nhuộm máu. Máu sẽ đổ trong đó sẽ có máu của những người trai Việt hào hùng chống xâm lăng, bảo vệ lãnh thổ yêu dấu của quê hương, và máu của bọn TC xâm lược sẽ đổ như cha ông của chúng ngày xưa trên sóng nước Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử...

Sóng dập dềnh tung bọt trắng xóa, chiếc bè cao su nhấp nhô, không đầy 10 phút, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.

Những ánh mắt nhìn nhau ngời sáng, niềm tin tất thắng trong nụ cười. Chúng tôi cùng bắt tay thề sống chết có nhau. Nếu một người hay nhiều hơn trong toán bị hy sinh thì bằng mọi giá những người còn lại sẽ ăn thua đủ cùng bọn hải khấu và cố gắng đưa thân xác trở lại với gia đình.

Trung úy L. trưởng toán kiểm qua một lượt quân số trước khi chúng tôi rời bè lên đảo. Mặt trời cao dần, ánh sáng thật rực rỡ, niềm tin chiến thắng càng bừng lên trong óc chúng tôi. Tay cầm những lá cờ phần phật trước gió, chúng tôi hăm hở bước trên đá và san hô lởm chởm. Khi đặt chân lên đảo, một vài ngư phủ (quân Trung Cộng trá hình) ra hiệu cho toán dừng lại nhưng chúng tôi vẫn bước đi và nhìn chúng bằng đôi mắt ngạo nghễ. Trung úy L trưởng toán căn dặn chúng tôi:

- Các bạn nên thận trọng, đừng bao giờ nổ súng trước.

Chúng tôi thi hành lệnh và vẫn lẫm liệt tiến bước. Một vài cọc sắt, một vài bảng gỗ có ghi chữ Tàu (do bọn TC mới đặt lên để tạo vết tích) bắt gặp, bị chúng tôi nhổ ngay, và thay vào đó là lá cờ Việt Nam. Lúc này chúng tôi cũng vừa nhận ra, ngoài chúng tôi còn có các đơn vị khác đang tiến vào như anh em Biệt Hải, các nhân viên chiến hạm bạn. Tinh thần chúng tôi lên thật cao. Trên đường đi, toán chúng tôi bắt gặp một số ngư phủ của TC nhìn chúng tôi bằng đôi mắt cú vọ như muốn ăn tươi nuốt sống. Chúng chưa có phản ứng gì thì kệ chúng, chưa vội gì. Nếu chúng chửi bằng mồm thì mình chửi lại, tiếng chúng chúng nghe... và chúng tôi vẫn thản nhiên cắm Cờ.

Anh bạn mang máy truyền tin vẫn liên lạc đều với cấp chỉ huy ngoài chiến hạm. Cắm cờ quốc gia trên đảo, niềm hãnh diện mọc lớn trong tâm hồn chúng tôi. Thân thể của mẹ Việt-Nam phải được nguyên vẹn. Đất đai của Việt-Nam phải vẹn toàn, một tấc đất cũng không thể mất vào tay bọn TC xâm lăng. Chúng tôi như đi ngược lại thời gian, anh em luôn miệng kể chuyện tiền nhân ta đánh Tàu, nào Ô-Mã-Nhi phải lủi như chuột, Thoát-Hoan phải chui vào ống đồng mới bảo toàn được tính mạng. Hùng khí cao lên ngất trời, chúng tôi nghỉ lúc này mà được giao tranh với địch thì sướng biết mấy.

Cắm hết số cờ có sẵn, chúng tôi chờ lệnh. Lúc này, chúng tôi vừa nhận ra trên trời cao, phản lực của địch gầm thét, ngoài biển khơi, tàu của TC xuất hiện. Chúng tôi kiểm soát lại vũ khí. Đạn đã lên nòng, bây giờ dù cho quân số địch có đông đảo cỡ nào đi nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng nghênh chiến, ví dù 15 người chúng tôi có hy sinh, thì ít nhất cũng phải có hàng trăm tên giặc phơi thây và chắc chúng phải kiêng nể.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng tôi phải dùng lương khô tiếp tục chờ lệnh. Ngoài khơi, chiến hạm ta và chiến hạm TC cũng đang trong tư thế ghìm nhau. Chúng tôi vững bụng, nếu bọn TC không đổ quân lên đảo thì đối với bọn lính TC, ngụy trang ngư dân, thì chúng tôi cũng như các đơn vị bạn thừa sức chống trả.

Một ngày trôi qua, bình minh lại rạng rỡ, chúng tôi tiếp tục dùng lương khô và chờ lệnh. Người hạ sĩ liên lạc máy cho biết là có mấy tàu lớn của TC đổ quân lên đảo Quang Hòa. Ngoài ra, chiến hạm của ta cũng như của địch đang còn vờn nhau, chưa bên nào được lệnh nổ súng.

GIỜ PHÚT QUYẾT LIỆT

Ngày 19- 01, ngày lịch sử của trận thư hùng trên đảo đã tới. Chúng tôi được tin các chiến hạm của TC xâm lược ồ ạt vây kéo, với ý định nuốt sống những chiến hạm của ta, đồng thời, chúng cho đổ bộ thêm quân lên đảo.

Khoảng 10 giờ hơn, chúng tôi nghe hải pháo nổ ầm ầm. Thật xa, chúng tôi nhận ra các chiến hạm đang nã hải pháo vào tàu địch. Tiếng súng lớn quen thuộc của chiến hạm cùng tiếng súng lạ của tàu địch khiến cả toán nôn nóng. Trung úy L ra lệnh cho chúng tôi bình tĩnh, kiểm soát lại súng đạn. Chúng tôi hồi hộp đợi chờ và tất cả đều thầm khấn vái Đức Thánh Trần phù hộ cho đoàn hậu duệ của Ngài lập lại những chiến công hiển hách ngày xưa.

Trên đảo đã có nhiều tiếng nổ, chúng tôi nhận ra vài đơn vị bạn đang giao tranh lẻ tẻ với địch và chúng tôi cũng nhận ra bọn TC đang đổ hàng chục đại đội lên đảo. Lúc này địch quân đông như kiến cỏ.

Nhiệm vụ cắm cờ của chúng tôi đã hoàn tất, chúng tôi được lệnh rút ra khỏi đảo để hải pháo của ta bắn vào những vị trí đổ quân của địch.

Thời gian này thật nghiêm trọng. Không một ai lo sợ cho bản thân, mà chỉ mong sao chiến hạm toàn thắng quân thù, vì thủy thủ yêu con tàu như yêu chính bản thân mình.

Tiếng đạn vẫn nổ ầm ầm rung chuyển cả mặt biển khơi. Hai bên đang dàn trận quyết sinh tử.

Ra tới mép đảo, bè cao su chỉ còn lại một cái duy nhất. Trung úy L. cho biết cứ theo con sóng mà rút ra. Mười lăm người chỉ còn một chiếc bè quá nhỏ. Chiều dài khoảng 2 thước, chiều rộng chỉ 1 thước mà thôi. Một số người bơi giỏi thì bám theo bè, còn những người khác ngồi trên bè, súng cầm tay, phòng ngừa bất trắc.

Chúng tôi đi dưới làn mưa đạn của bọn TC, một vài anh em cũng đã phóng lên mấy quả M.79 khi thấy bọn TC lấp ló. Chiếc bè xa dần bờ. Đột nhiên Trung úy L. la lớn khi ông vừa thấy một cột lửa khổng lồ trên biển khơi. Mọi người hồi hộp nhìn bóng dáng con tàu đang bị cháy. Lúc này 30 con mắt chúng tôi đều mở thật lớn, 15 trái tim hầu như ngừng đập. Rồi 15 khuôn mặt rang rỡ sáng ngời. Con tàu đang bốc cháy màu đen, đó là con tàu của bọn TC xâm lược. Chúng tôi vỗ tay thật lớn, reo hò thật to, gào lên hết sức hết hơi mình để lấn át tiếng sóng của biển khơi như ngày xưa quân Nam đã reo hò trên Bạch-Đằng-Giang khi đánh tan tinh binh Mông Cổ.

Chiến thắng đến rực rỡ như ánh sáng đang ngập tràn biển khơi. Trung úy L. kêu nhân viên mang máy truyền tin liên lạc với vị Chỉ-huy Chiến-trường và được biết chiến công này do chiến hạm của chúng tôi tạo nên. Trung úy L. đề nghị hát một bài. Bản "Việt Nam, Việt Nam". Tiếng hát rộn ràng trong nắng, vang vang trên một vùng biển khơi, tiếng hát đầy chân thành cảm động mà quên đi là tất cà đang phải vật lộn với gian nguy hiểm nghèo.

Trung úy L. khích lệ Tinh thần anh em. Mọi người hăng hái tay chèo.

Nắng lúc này thật gắt, bây giờ anh em mới cảm thấy khát và đói. Máy vô tuyến bị nước biển vào hư luôn. Sóng mỗi lúc một cao úp lên chiếc bè mong manh. Chúng tôi ướt như chuột lột. Tuy vậy anh em vẫn cố gắng tay chèo để vật lộn với thủy thần.

THOÁT HIỂM

Ngày lại ngày, trời nước vẫn mênh mông. Trời sáng rồi lại tối, tối rồi lại sáng... ban ngày chúng tôi phải chịu đựng với cái nắng cháy của mặt trời, da bị nứt nẻ, nước biển dính trên người đóng khô thành muối thật xót. Tối lại, cái lạnh cắt da đồng lõa với những cơn sóng phủ lên người làm mọi người tê dại. Không nước uống, không thức ăn và dù bây giờ có thức ăn đi nữa thì có lẽ cũng không ai ăn nổi vì đã kiệt sức.

Biễn vẫn mênh mông, chúng tôi không còn đủ sức để nói với nhau một câu nào. Sáng rồi lại tối, ngày này qua ngày khác, chúng tôi tính là đã được tới ngày thứ chín. Mặt trời mọc rồi lại lặn thật bình thản, mặc 15 thân xác đang đi dần vào cỏi chết. Chúng tôi chỉ còn biết xin Thượng đế, Thánh tổ phù hộ. Đến ngày thứ 10, hầu như tất cả đều ngất đi vì quá kiệt lực. Mắt chúng tôi chẳng còn thấy gì nữa, ngay cả tiếng sóng biển cũng chẳng nghe. Thân xác đã chịu đựng quá giới hạn con người. Nắng, gió, sương lạnh, và những cơn sóng lớn cùng thiếu thực phẩm và nươc uống đã khiến chúng tôi tuyệt vọng, chờ chết.

Cho đến lúc chúng tôi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên một ghe chài của dân. Trong số 15 người, chỉ có một vài người ... mở mắt được, nhưng cũng chẳng nói được lời nào, chỉ lờ đờ nhìn, tuy nhiên vẫn còn đủ tinh thần nhận định là ... MÌNH CÒN SỐNG - MìNH ĐÃ SỐNG.

Khi được đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, và được săn sóc thì tất cả mới đươc hồi sinh lại, và trong số 15 người chúng tôi, có một bạn đồng đội đã quá kiệt sức nên tắt thở khi về bệnh viện... đó là Cố Hạ Sĩ Nhất Quản kho Nguyễn-Văn-Duyên.

Bấy giờ nằm trong Quân Y Viện nghĩ lại, chúng tôi không khỏi rùng mình. Chúng tôi còn sống hôm nay có lẽ là nhờ Phật Trời, Thánh Tổ phù hộ, che chở cho những người con yêu của đất nước, đã chiến đấu cho sự sống còn của Tổ quốc cũng như cho chính nghĩa rạng ngời của một quốc gia nhỏ bé trước bọn TC bạo tàn xâm lược. Mười ngày lênh đênh trên biển cả với nắng cháy da, với sương lạnh cắt thịt, với những cơn sóng lớn nhồi cao cùng với 10 ngày không ăn uống mà chúng tôi vẫn còn sống quả là một phép nhiệm mầu.

Nguyễn Việt Kim
(Saigon Echo)

Nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=32476

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét