Ý nghĩa lá cờ vàng của người Việt hải ngoại
Cao-Đắc Tuấn (Danlambao)
- Tóm lược: Lá cờ vàng ba sọc đỏ của người Việt hải ngoại
(NVHN) thường bị cộng sản Việt Nam và nhiều người, thường là
thiên cộng hoặc ngây thơ chính trị, cho là biểu tượng của quốc
gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã mất. Dựa vào diễn giải sai lầm
này, nhà nước cộng sản và những người thiên cộng xuyên tạc
những nỗ lực của NVHN đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam
là được nung nấu bởi lòng hận thù vì thua trận và có mưu đồ
phục quốc. Trên thực tế, NVHN dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ là
biểu tượng cho: (1) di sản tốt đẹp của chính thể VNCH trong quá
khứ; (2) xác nhận bản sắc của cộng đồng trong xã hội nơi xứ
sở họ cư ngụ trong hiện tại; và (3) tinh thần, ý chí dân tộc
và lòng thương yêu đồng bào để thúc đẩy tự do dân chủ trong
tương lai. Sự khác biệt, giữa ý nghĩa của lá cờ vàng ba sọc
đỏ của NVHN và của quốc gia VNCH đã mất, rất tinh tế nhưng rất
quan trọng. Cộng sản Việt Nam (CSVN) khai thác tính chất thiếu rõ
rệt đó để tạo chia rẽ giữa NVHN và người dân Việt Nam trong
nước, và giữa các nhóm trong NVHN. Cùng với ác tâm gán ghép
NVHN với hận thù thua trận và mưu đồ phục quốc, CSVN và những
người thiên cộng toan tính dùng chiến thuật kamikaze, sẵn sàng
hy sinh cờ đỏ để đổi lấy sự hủy diệt cờ vàng, trong giải
pháp hòa hợp hòa giải. Người Việt trong nước cần phải cổ xúy
cờ vàng trong nước để tạo dựng đoàn kết với NVHN và gửi một
thông điệp mạnh mẽ cho tà quyền cộng sản và thế giới về sức
mạnh đoàn kết vĩ đại của dân Việt.
*
Lá cờ thường được dùng là biểu tượng cho một quốc gia, tổ
chức, hội đoàn, hay một cơ sở. Cờ vàng ba sọc đỏ là biểu
tượng cho quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) cho tới năm 1975. Khi
cộng sản tiến chiếm miền Nam năm 1975, hàng triệu người miền
Nam rời bỏ quê hương. tỵ nạn cộng sản. Họ đem theo lá cờ vàng
ba sọc đỏ và gây dựng một cộng đồng người Việt hải ngoại
(NVHN) càng ngày càng to lớn và hùng mạnh. Lá cờ vàng ba sọc
đỏ đó, hiện nay được coi là biểu tượng cho cộng đồng NVHN,
được công nhận rộng rãi bởi các chính quyền địa phương tại xứ
sở nơi họ cư ngụ.
Trong bài này, tôi sẽ không đề cập đến ý nghĩa của quốc gia
và lá cờ tiêu biểu cho quốc gia, vì đề tài đó rất rộng lớn,
và chỉ có chút liên hệ đến ý chính bài này. Ý nghĩa lá cờ
một quốc gia hiện hữu trên thế giới không có gì khó hiểu. Tuy
nhiên, khi một quốc gia bị xâm lấn và chiếm đóng bởi một quốc
gia khác, vấn đề trở nên phức tạp, như trường hợp quốc gia VNCH
bị xâm lấn và chiếm đóng bởi quốc gia Việt Nam Dân Chủ Cộng
Hòa (VNDCCH) như được biết lúc ấy. Vấn đề sẽ còn phức tạp hơn
nữa khi hai quốc gia đó đã từng là một quốc gia độc lập nhưng
bị chia đôi, như nước Việt Nam năm 1954.
Câu hỏi là: Ý nghĩa lá cờ vàng ba sọc đỏ của NVHN hiện tại là gì?
Tôi sẽ không đề cập chi tiết đến nguồn gốc lịch sử của lá cờ
vàng ba sọc đỏ vì có rất nhiều tài liệu về chuyện đó (Xem,
thí dụ như, Dân 2012; Đặng 2013). Một cách vắn tắt, lá cờ vàng
ba sọc đỏ có nguồn gốc ít nhất từ năm 1890 (Dân 2012; Đặng
2013) dưới thời vua Thành Thái. Qua bao lần thay đổi, lá cờ trở
về hình dạng cờ vàng ba sọc đỏ vào năm 1948 thời vua Bảo Đại
và qua hai chính thể VNCH. Điểm quan trọng là cờ vàng ba sọc
đỏ đã từng là cờ của toàn thể nước Việt Nam (bấy giờ có tên
là Đại Nam), và hiện hữu trước lá cờ đỏ sao vàng của nước
VNDCCH, bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
(CHXHCNVN).
Tuy nhiên, việc lá cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của quốc gia
VNCH cho tới năm 1975 khác với việc lá cờ vàng ba sọc đỏ là
biểu tượng hiện nay của NVHN. Sự khác biệt này rất tinh tế và
thường bị lẫn lộn ngay cả với vài NVHN. CSVN có thể cũng
không thấy sự khác biệt đó, hoặc thấy nhưng làm như không thấy,
khai thác tính chất thiếu rõ rệt của sự khác biệt đó để
xuyên tạc về NVHN, tạo chia rẽ giữa NVHN và người dân Việt Nam
trong nước, và giữa các nhóm trong NVHN.
Trong phần trình bày sau đây, tôi lý luận rằng NVHN dùng lá cờ
vàng ba sọc đỏ thuần túy là biểu tượng cho cộng đồng NVHN, và
không phải là biểu tượng cho quốc gia VNCH trước năm 1975, tuy
họ vẫn không quên chính thể VNCH. Do đó, về phương diện pháp
lý, lá cờ vàng ba sọc đỏ có đầy đủ đặc tính hợp pháp của
bất kỳ lá cờ nào cho một quốc gia, tổ chức, hội đoàn, hay
một cơ sở.
A. Lá cờ
vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của NVHN cho di sản tốt đẹp trong
quá khứ, xác nhận bản sắc trong hiện tại, và tinh thần tự do
dân chủ cho tương lai
NVHN trưng bày lá cờ vàng ba sọc đỏ tại nhiều nơi công cộng, cơ
sở thương mại, phố xá trong cộng đồng, các cuộc diễn hành,
biểu tình, trên khán đài, trong các chương trình văn nghệ, v.v...
Lá cờ vàng, do đó, không được dùng là biểu tượng cho quốc gia
VNCH trước 1975, mà là biểu tượng tinh thần trong những hoạt
động của NVHN khắp nơi trên thế giới. Những biểu tượng tinh
thần này có thể được phân ra ba loại chính theo khía cạnh ý
nghĩa thời gian: ký ức, bản sắc, và tinh thần dân tộc tự do dân chủ.
1. Lá cờ vàng là biểu tượng cho ký ức trong quá khứ và là một phần quan trọng trong di sản NVHN:
Là một cộng đồng tị nạn chính trị phải lưu vong nơi xứ lạ quê
người, NVHN đương nhiên có những hoài cảm về quá khứ. Sự nhung
nhớ, tiếc nuối về quá khứ hoàn toàn không dính líu gì đến
hận thù, cay đắng. Trên thực tế, NVHN thừa biết quốc gia VNCH
không còn nữa. Chuyện đó không có nghĩa là tinh thần của chính
thể VNCH không còn nữa. Ngược lại là khác, như sẽ được trình
bày sau, cái tinh thần đó còn được tiếp tục và phát huy ngày
càng mạnh mẽ hơn. NVHN lựa chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu
tượng của cộng đồng NVHN vì lá cờ giúp họ tạo dựng lại ký
ức mà họ không muốn quên.
Tạo dựng ký ức, hoặc cái gọi là "dự án ký ức chiến lược" theo
Aguilar-San Juan (2009, 65-66, 128), là một tiến trình quan trọng mà
NVHN dựa vào để giữ lại danh tính và giá trị văn hóa của họ (sđd.).
Duy trì quá khứ và tham gia các hoạt động tái tạo quá khứ - chẳng hạn
như biểu tình, dựng đài tưởng niệm, hoặc chào lá cờ của Nam Việt Nam cũ -
không phải là một biểu hiện của sự cay đắng, giận dữ, hoặc hận thù
(Cao-Đắc 2014a, 326). Thay vào đó, những nỗ lực này "xây dựng và
đào tạo ký ức trong một cách để củng cố ranh giới lâu dài của cộng
đồng" (Aguilar-San Juan 2009, 131).
Tại Hoa Kỳ, nhiều tượng đài, đài tưởng niệm đã được dựng lên trong cộng
đồng người Mỹ gốc Việt như là một phần của những ký ức xã hội này. Thí
dụ, đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam (Hình 1) và tượng tưởng niệm
thuyền nhân (Hình 2), cả hai đều nằm trong thành phố Westminster,
California, là bằng chứng mạnh mẽ của những "dự án ký ức chiến lược"
này.
Thành phố Westminster ở California không phải là nơi duy nhất mà những
"dự án ký ức chiến lược" được thực hiện. Nhiều tượng, đài tưởng niệm
đã được dựng lên trong các cộng đồng NVHN ở các thành phố khác tại Hoa
Kỳ và các nước khác, chẳng hạn như đài tưởng niệm chiến tranh Việt Nam
tại Houston, Texas; tượng mẹ và con tỵ nạn ở Ottawa, Canada; đài
tưởng niệm thuyền nhân Việt với lòng biết ơn ở Victoria, Canada; đài
tưởng niệm thuyền Việt Nam ở Bankstown, New South Wales, Australia; đài
tưởng niệm thuyền thân Việt Nam ở Bagneaux, Pháp; đài tưởng niệm thuyền
nhân Việt Nam ở Hamburg, Đức; đài tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở
Geneva, Thụy Sĩ (Cao-Đắc 2014a, 327).
Giống như các đài tưởng niệm, lá cờ vàng ba sọc đỏ đóng vai
trò tạo dựng ký ức xã hội và ghi nhận di sản dân tộc. Khi
nhìn lá cờ vàng bay phất phới trên đường phố hoặc trong những
ngày lễ hội họp, NVHN được nhắc nhở đến quá khứ là phần kỷ
niệm trong đời họ. Các thế hệ sau, có ít hoặc không có ký ức
về quá khứ dính líu đến cờ vàng ba sọc đỏ nên không có
những tình cảm sôi động như thế hệ đầu tiên, nhưng họ vẫn tiếp
tục coi lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho ký ức này
vì họ được thế hệ đầu giải thích nguồn gốc đó.
NVHN đi ra nơi vùng đất mới, làm lại cuộc đời. Họ vẫn có thể
dùng một biểu tượng mới mẻ, đánh dấu cuộc sống mới. Họ vẫn
có thể dùng một biểu tượng nguồn gốc dân tộc, thí dụ con
Rồng cháu Tiên, có lẽ còn có ý nghĩa dân tộc trường tồn hơn
cờ vàng ba sọc đỏ. Nhưng những biểu tượng này chỉ có giá trị
lịch sử mà không có giá trị ký ức. Ngoài ra, cái giá trị
ký ức của lá cờ vàng ba sọc đỏ có ý nghĩa nhất vì nó gợi
đến mốc thời gian và lý do cho sự ra đi của đợt NVHN đầu tiên.
Tuy nhiên, duy trì ký ức của một việc không có nghĩa là muốn
làm sống dậy việc đó. Bạn có thể giữ một lá thư tình với
người yêu cũ là một kỷ niệm nhưng bạn không muốn lập lại cuộc
tình đó. Trong trường hợp lá cờ, vấn đề hơi có chút khác,
vì lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho quốc gia VNCH, nên
việc duy trì lá cờ vàng ba sọc đỏ đưa đến tức khắc hình ảnh
quốc gia đó. Vì vậy, có sự mơ hồ thiếu rõ rệt về ý nghĩa của biểu
tượng này.
Có hai khía cạnh trong vấn đề này.
Trước hết, nếu một ký ức nhắc nhở đến một việc xấu xa nhục
nhã thì ta có nên duy trì cái ký ức đó không? Nếu VNCH quả
thật là quốc gia của chính quyền ngụy, đi bợ đít Mỹ, bị quân
dân Việt Nam đánh đuổi phải chạy, như CSVN vẫn tuyên truyền một
cách ngu dốt và hiểm độc, thì NVHN có muốn giữ lại cái ký
ức đó không? Đương nhiên là không. Họ sẽ không muốn bị thế giới
cười chê. Họ sẽ nhân dịp này mà dùng biểu tượng khác và
không muốn bị nhắc lại cái quá khứ tủi nhục, xấu xa. Giả sử
bạn mang một họ có liên hệ đến một quá khứ xấu xa tàn ác,
thí dụ như Hitler, khi bạn có cơ hội đổi tên, bạn có muốn giữ
lại họ đó không? Hoặc bạn bị cha mẹ đặt cho một tên xấu xí
(thí dụ Nguyễn Văn Dốt Nát, Trần Thị Lăng Loàn) và phải xấu
hổ mang tên đó đi học, bị bạn bè chế giễu. Khi bạn có cơ hội
đổi tên, chắc chắn bạn sẽ không ngần ngại lấy một tên khác,
tốt đẹp hơn.
Đằng này, không những NVHN không dùng dịp này để lấy biểu
tượng khác, mà họ lại còn đồng loạt trên toàn thế giới, không
cần ai hoặc tổ chức nào hô hào dụ dỗ, tiếp tục dùng cờ
vàng ba sọc đỏ. Không những thế, NVHN còn hãnh diện về lá cờ
vàng, trưng bày khắp nơi, trong mọi dịp lễ, văn nghệ, hội họp,
địa điểm kinh doanh, v.v... Điều đó chứng tỏ cái quá khứ của
VNCH có cái gì tốt đẹp, xứng đáng để NVHN yêu quý tôn trọng,
và muốn gắn bó mãi mãi. Chỉ cần chứng cớ NVHN dùng lại lá
cờ vàng là biểu tượng cộng đồng NVHN cho thấy lá cờ vàng và
chính thể VNCH là thể chế cao quý, hào hùng, mà NVHN mãi mãi
ghi nhớ. Do đó những gì CSVN nói xấu về chính thể VNCH là láo
khoét, bịa đặt, và bóp méo sự thật.
Thứ nhì, tuy chính thể VNCH huy hoàng tốt đẹp, NVHN không duy
trì lá cờ vàng ba sọc đỏ với ý định "phục quốc," mà chỉ vì
lòng thương nhớ luyến tiếc cho thời vàng son. Hơn nữa, cho dù
họ có ý định khôi phục lại quốc gia VNCH, họ không có ý định
gây dựng lại y hệt những gì trước năm 1975, mà họ sẽ làm tốt
đẹp hơn, để phù hợp với thế giới và văn minh hiện đại. CSVN lý
luận rằng NVHN giữ cờ vàng vì họ nung nấu hận thù và muốn
phục quốc. Bằng cách dùng từ ngữ "phục quốc" thay vì "tiếp
nối," "tiếp tục," hoặc "phát huy tinh thần," CSVN và những
người thiên cộng vẽ ra hình ảnh cộng đồng NVHN là những người
điên rồ, dại dột, vẫn còn mơ tưởng đến một quốc gia đã chết.
(Dựa vào định nghĩa rộng rãi của "quốc gia" trên căn bản bốn
yếu tố chính của dân tộc: ngôn ngữ, văn hóa, truyền thống, và
nguồn gốc dân tộc (Council 2005), tôi có thể lý luận là quốc
gia Việt Nam Cộng Hòa chưa chết. Nhưng đó không phải là ý chính
của bài này.) Vì là những người không có tình cảm và chỉ
biết chém giết cướp bóc, CSVN không hiểu được cái giá trị vô
bờ bến của sự duy trì lòng luyến tiếc quá khứ huy hoàng.
Ta có thể coi chuyện NVHN giữ gìn lá cờ vàng ba sọc đỏ tương
tự như chuyện một người con giữ gìn bức hình mẹ mình sau khi
bà đã mất vì bức hình đó là biểu tượng cho tình yêu thương
mẹ. Người con hoàn toàn không có ý định giữ gìn bức hình mẹ
với mơ ước là mẹ mình sống lại, và bức hình bà mẹ không
tượng trưng cho xương cốt bà đã mục nát trong quan tài nằm sâu
dưới lòng đất. Nhưng người con đó sẵn sàng tiếp nối những đức
tính của mẹ mình cho mình và những thế hệ sau. Thay vì công
nhận ý nghĩa thiêng liêng đó, CSVN và những người thiên cộng
gán ghép NVHN là vẫn còn điên rồ mơ tưởng đào lại xương cốt
của quốc gia VNCH vì hận thù thua trận và mưu đồ phục quốc.
2. Lá cờ vàng là biểu
tượng xác nhận bản sắc trong hiện tại để phân biệt NVHN chống
cộng với các thành phần xã hội khác:
Ngoài việc ghi nhận ký ức xã hội, lá cờ vàng còn là biểu
tượng xác nhận bản sắc (identity) của cộng đồng NVHN chống
cộng và yêu chuộng tự do dân chủ. Chuyện đó có ý nghĩa gì
không? Đương nhiên là có. Tại sao NVHN, sinh sống tản mác khắp
nơi trên địa cẩu, không có một khối lãnh đạo trung ương, mà
chọn cùng một biểu tượng xác nhận bản sắc và dùng lá cờ
vàng ba sọc đỏ? Trong bất kỳ một cuộc hội họp nào của NVHN, một cuộc
biểu tình, quyên tiền, văn nghệ, mừng lễ, Tết, ở khắp nơi trên
thế giới, họ đều dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Tại sao họ không dùng một biểu tượng hình ảnh khác, phản ảnh
ý nghĩa của cộng đồng NVHN tị nạn và hòa bình, như hình ảnh
một con chim bồ câu bay trên toàn địa cầu và đất nước Viêt Nam,
hoặc con tàu chở thuyền nhân, hoặc bất kỳ một biểu tượng có
ý nghĩa sâu sắc nào khác?
Câu trả lời thật đơn giản. Đó là vì lá cờ vàng ba sọc đỏ
trong thời Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH, ngoài chuyện là biểu tượng
quốc gia, còn là biểu tượng cho nhiều ý nghĩa thiết tha với
NVHN, gồm có tự do, dân chủ, chống cộng và đoàn kết.
Quốc gia Việt Nam từ thời Đệ Nhất đến Đệ Nhị Cộng Hòa đều
có tinh thần chống cộng tích cực, và cả hai chính thể đều tôn
trọng tự do dân chủ. Tuy không hoàn hảo, cả hai chính thể đều
hướng đến con đường tự do dân chủ. Ta nên chú ý rằng ta không
thể phán xét chế độ VNCH trong các thập niên 1950, 1960, và nửa
thập niên đầu 1970 dùng tiêu chuẩn hiện đại.
Về khía cạnh đoàn kết, tuy có nhiều giải thích cho ý nghĩa
của màu vàng và ba vạch đỏ, ý nghĩa thông thường nhất là màu
vàng tượng trưng cho màu da, màu đỏ tượng trưng cho màu máu. Do
đó mới có câu "da vàng máu đỏ." Ba vạch tượng trưng cho ba
miền Bắc Trung Nam. Tôi sẽ không đi sâu thêm về ý nghĩa hình ảnh
lá cờ, nhưng có điểm tôi muốn nhấn mạnh là trái với nhiều
người cho rằng ba vạch đỏ nói lên đường lối "chia để trị" của
Pháp thời Pháp thuộc và do đó có ý nghĩa chia rẽ, ba vạch đỏ
tượng trưng cho tình đoàn kết sâu đậm nhất của dân Việt Nam vì
nó nói lên sự khác biệt của dân tộc Việt nhưng vẫn đoàn kết
yêu thương nhau trên cùng lãnh thổ.
Với một biểu tượng sẵn có như vậy, NVHN không ngần ngại dùng
lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng xác nhận bản sắc. Cái
bản sắc đó giúp họ phân biệt được các thành phần xã hội
khác, như các đoàn thể thân cộng, các nhóm đến từ Việt Nam
tạm thời, và các tổ chức, đoàn thể địa phương của xứ sở họ
cư ngụ. Một lần nữa, giống như biểu tượng về ký ức xã hội,
ý nghĩa của biểu tượng này không dính líu gì đến quốc gia
VNCH đã mất, nhưng sự khác biệt rất tinh tế, và nhiều khi chỉ
được cảm nhận trong tiềm thức.
Cái biểu tượng xác nhận bản sắc này được thể hiện qua những
nỗ lực của NVHN để "củng cố biên giới lâu dài của cộng đồng"
(Aguilar-San Juan 2009, 131) và "để khẳng định sự hiện diện của họ"
(Aguilar-San Juan 2009, 88) trong cộng đồng họ vì sự vắng mặt của
những tường thuật hay bình luận về sự đóng góp của miền Nam Việt Nam
trong chiến tranh Việt Nam, nhất là tại Hoa Kỳ (sđd.). Sự
khẳng định hiện diện đó được biểu thị qua các hội lễ, Tết,
diễn hành, biểu tình, họp mặt cộng đồng khi lá cờ vàng ba
sọc đỏ phô trương nổi bật. Các cơ sở thương mại, quán ăn, nhà
hàng, đường xá trong cộng đồng cắm cờ vàng ba sọc đỏ khắp
nơi. Tất cả những biểu tượng này xác nhận bản sắc của cộng
đồng NVHN tại vùng địa phương nơi họ cư trú.
Cái biểu tượng xác nhận bản sắc đó không những được thúc đẩy
bởi các tổ chức, đoàn thể, NVHN trong cộng đồng, mà còn được
công nhận bởi các cơ quan chính quyền địa phương của xứ sở nơi
NVHN cư ngụ. Thí dụ, tại Hoa Kỳ, từ tháng hai năm 2003 tới
tháng 12 năm 2009 đã có 9 tiểu bang, 3 quận hạt, vả 77 thành phố
ra nghị quyết công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ tự do
và di sản (Freedom and Heritage Flag) của cộng đồng NVHN
(quockyvietnam). Con số này còn gia tăng hơn nữa trong vài năm gần
đây.
3. Lá cờ vàng là biểu
tượng cho ý chí quật cường, tinh thần tư do dân chủ, và tình
yêu thương đồng bào thiết tha:
Ngoài biểu tượng cho ký ức và xác nhận bản sắc, lá cờ vàng
còn là biểu tượng cho một hình ảnh vĩ đại, oai hùng, và
tráng lệ hơn. Đó là tinh thần dân tộc, ý chí quật cường, trí
thông minh, lòng can đảm, nhân bản, tinh thần yêu chuộng tự do dân
chủ, thiết tha với đất nước và đồng bào Việt Nam.
Đến xứ lạ quê người, kém cỏi ngôn ngữ, NVHN đã vượt qua biết
bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống, để đạt thành công. Những
thành quả của NVHN đã được biết rõ. NVHN đã đóng góp biết bao
cho sự tiến bộ nhân loại trên mọi lãnh vực: khoa học, văn học,
luật pháp, chính trị, quân sự, nghệ thuật, xã hội học, y
khoa, kinh tế, v.v... Tại Hoa Kỳ, biết bao nhiêu NVHN đã thành
công rực rỡ trên thương trường, thành lập công ty xí nghiệp với
tổng thu nhập hàng trăm triệu đô la Mỹ mỗi năm. Đại học Mỹ đào
tạo hàng vạn NVHN với bằng cấp bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ,
luật sư, kỹ sư, tiến sĩ đủ ngành. Hàng ngàn NVHN có tên là
người phát minh trên hàng vạn bằng sáng chế cấp bởi Văn Phòng
Bằng Sáng Chế vả Thương Hiệu Hoa kỳ. Con cháu họ rất xuất sắc
trong hầu như tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả kinh doanh, khoa học và
công nghệ, pháp luật, giáo dục, nghệ thuật, dịch vụ cộng đồng, và nhiều
ngành khác. Các em học sinh con cháu NVHN học hành xuất sắc đến
độ "thành tích học tập của các học sinh Việt Nam ở Mỹ gần như là huyền
thoại" (Freeman 1995, 69). Trong một nghiên cứu về thành tích học tập
của học sinh trung học người Mỹ gốc Việt tại một khu học chánh trong
quận Orange, California, Saito (2002, 6) báo cáo rằng học sinh Việt Nam
có được tỷ lệ ra trường thủ khoa cao nhất trong năm 1997 trong mọi
sắc dân (kể cả Mỹ trắng). Những nghiên cứu tương tự như nghiên cứu
của Saito đã dẫn đến định kiến về NVHN là những người nhập cư kiểu
mẫu, cái "hội chứng thủ khoa Việt." NVHN ở các quốc gia khác
cũng có những thành đạt tương tự.
Trong những cuộc hội họp vinh danh những thành công của NVHN, lễ
trao giải thưởng các học sinh xuất sắc, những chương trình văn
nghệ thiện nguyện quyên tiền gửi về Việt Nam giúp người nghèo,
nạn nhân, thương phế binh, lá cờ vàng ba sọc đỏ luôn luôn được
trưng bày. Võ sĩ Phan Nam và Lê Cung thường mang lá cờ vàng ba
sọc đỏ lên võ đài, biểu dương tính chất hùng mạnh của dân
Việt. Tướng Lương Xuân Việt của quân đội Hoa Kỳ từng khoác lá
cờ vàng trong dịp văn nghệ cộng đồng. NVHN còn có tình tha
thiết yêu thương đồng bào trong nước. Ngoài các cuộc văn nghệ
quyên tiền, các hội họp đoàn thể từ thiện, NVHN gửi tiền về
cho thân nhân, quyến thuộc, bạn bè hàng năm lên đến 10 tỷ đô la
Mỹ. Ngoài ra, NVHN tích cực tranh đấu cho nhân quyền, tự do dân
chủ cho Việt Nam. Trong những cuộc diễn hành, biểu tình tranh
đấu cho tự do dân chủ tại Việt Nam, lá cờ vàng luôn luôn được
phô trương nổi bật.
Tinh thần yêu chuộng tự do dân chủ còn được biểu hiện là ý
muốn tiếp tục và phát huy một nền tự do dân chủ đã có nền
tảng trong hai thời Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH từ năm 1954 đến năm
1975 tại miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, như ̣trình bày ở trên,
tiếp tục phát huy tinh thần tự do dân chủ thiết lập từ thời
VNCH không có nghĩa là khôi phục lại quốc gia VNCH với nguyên
trạng ở năm 1975. Sự khác biệt rất tinh tế nhưng quan trọng.
Do đó, lá cờ vàng không những là biểu tượng cho ký ức và xác
nhận bản sắc, mà còn cho tinh thần dân tộc, ý muốn phát huy
tự do dân chủ cho Việt Nam trong tương lai, và tình yêu thương
đồng bào của người Việt.
B. Lá cờ vàng dưới mắt CSVN và dân trong nước Việt Nam:
Trong khi NVHN coi lá cờ vàng là biểu tượng cao quý cho di sản,
bản sắc, và ý chí của người Việt sống ngoài nước Việt Nam,
CSVN tự đặt ra những lý thuyết, diễn giải của họ về ý nghĩa
của lá cờ vàng ba sọc đỏ với ý định nham hiểm nhằm triệt hạ
uy tín và chia rẽ cộng đồng NVHN, và tránh ảnh hưởng của NVHN
vào trí óc và tâm hồn dân Việt trong nước
1. CSVN cố hủy hoại hình
ảnh lá cờ vàng bằng cách giải thích NVHN duy trì cờ vàng là
do hận thù thua trận:
CSVN và những người thiên cộng thường rêu rao cờ vàng ba sọc đỏ
là cờ của nước VNCH và vì nước VNCH không còn nữa, nên lá cờ
đó vô giá trị. Ngoài ra, sự duy trì cờ vàng của NVHN là do
bởi lòng hận thù vì thua trận. Những lời rêu rao như vậy vừa
sai lầm vừa có ý định hiểm ác.
Sai lầm là vì họ không hiểu ý nghĩa của một lá cờ. Như đã
trình bày ở trên, NVHN dùng lá cờ vàng ba sọc đỏ không phải
để tượng trưng cho quốc gia VNCH hiện hữu trước năm 1975, mà để
tượng trưng cho cộng đồng NVHN chống cộng sản. Với nhiều người,
lá cờ đó còn tượng trưng cho chính thể VNCH, nhưng tượng trưng
cho một chính thể không có nghĩa là tượng trưng cho quốc gia có
chính thể đó. NVHN vẫn có thể dùng một biểu tượng khác,
nhưng tại sao phải dùng một biểu tượng khác khi họ đã có sẵn
một biểu tượng của chính nghĩa, tự do, dân chủ?
Một cách ngu xuẩn, khi CSVN và những người thiên cộng rêu rao như
vậy, họ đã mặc nhiên phủ nhận giá trị của chính lá cờ của
họ trước năm 1945, hoặc lá cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
(MTGPMN) trong chiến tranh Việt Nam. Đó là không kể MTGPMN chưa
từng bao giờ leo lên hàng quốc gia. Theo lý luận họ, một lá cờ
không có giá trị nếu nó không đại diện một quốc gia. Nếu
thế, chính lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh cũng vô giá trị,
vì nó không đại diện một quốc gia trước năm 1945. Nếu nó vô
giá trị trước năm 1945, thì tại sao nó lại được CSVN coi là
quốc kỳ, với chút sửa đổi, của nước Việt Nam năm 2014? Nếu họ
chấp nhận chuyện đó, và cho dù lá cờ vàng ba sọc đỏ không
đại diện cho một quốc gia vào năm 2014, tại sao họ không chấp
nhận chuyện lá cờ vàng ba sọc đỏ sẽ là quốc kỳ của nước
Việt Nam năm 2015, 2016, 2018? Đó là không kể cờ đỏ sao vàng của
Việt Minh trước năm 1945 chưa từng là quốc kỳ của một quốc
gia, trong khi cờ vàng ba sọc đỏ đã từng là quốc kỳ của một
quốc gia trong suốt mấy chục năm.
Do đó cái lý luận cờ vàng ba sọc đỏ không có giá trị vì nó
không đại diện cho một quốc gia đang hiện hữu là một lý luận
ngu xuẩn.
Lý luận đó còn hiểm ác vì nó có tính chất lừa đảo và lấp
liếm cho tội ác chiến tranh, xâm lược, và cướp đất của đảng
cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) và tà quyền của họ. Bằng cách liên kết
cờ vàng của NVHN với quốc gia VNCH, CSVN và những người thiên cộng
vẽ ra hình ảnh cộng đồng NVHN là những quân nhân cán chính,
hoặc con cháu họ, của chính quyền VNCH chứa chất hận thù vì
thua trận, vì mất quốc gia VNCH.
NVHN hẳn nhiên không ưa, hoặc ghét, chế độ cộng sản đang hoành
hành tại Việt Nam. Nhưng không ưa hoặc ghét không bắt buộc là
chỉ do bởi hận thù. Giả sử người Việt trong nước khám phá ra
NVHN đang dậy dỗ con cháu họ là Tổng thống Ngô Đình Diệm đoạt
giải Nobel về văn chương. Họ có ghét không? Họ có muốn tranh
đấu để cho con cháu NVHN biết được sự thật và không làm trò
cười cho thiên hạ không? Cái đó là do hận thù hay sao?
NVHN tranh đấu để đem tự do dân chủ cho dân Việt tại Việt Nam,
đem sự thật về cho lịch sử Việt Nam, để không cho CSVN tuyên
truyền, nhồi sọ tuổi trẻ, tung ra những tin tức bịa đặt như Hồ
Chí Minh là danh nhân văn hóa thế giới, Võ Nguyên Giáp là thiên
tài quân sự, trận Điên Biên Phủ sánh ngang với trận Bạch Đằng,
Đống Đa, v.v..., khiến cho tuổi trẻ Việt Nam tưởng thật, khi đi
ra nước ngoài, làm trò cười cho thiên hạ, hoặc có sự kính nể
sai lầm về các tội nhân của dân tộc, và suy đồi trí tuệ độc
lập. Đó là không kể biết bao nhiêu chuyện xuẩn ngốc, lừa đảo,
hiểm ác, làm băng hoại tâm hồn người dân Việt, hãm hiếp trí
óc trẻ em, tiêu hủy một nền văn hóa sáng chói, tra tấn thế hệ
này qua thế hệ khác, làm suy đồi ý chí bất khuất của dân
Việt.
Một số NVHN cũng có thể hận thù cộng sản, nhưng lý do hận
thù không phải vì thua trận, vì mất nước VNCH, mà là vì ghê
tởm chính sách tàn bạo của tà quyền cộng sản đàn áp dân
Việt Nam trong khi hèn nhát với quan thầy Tàu cộng. CSVN và
những người thân cộng không có lòng nhân bản, không biết yêu
thương đồng bào, không có tinh thần hiệp sĩ. Họ chỉ biết hận
thù chém giết. Họ không hiểu tại sao có những người sẵn sàng
hy sinh tính mạng mình để cứu vớt những người xa lạ trong cơn
hoạn nạn. Họ không hiểu tại sao có những người có cuộc sống
vật chất sung sướng mà lại lao đầu vào chuyện đấu tranh cho tự
do dân chủ. Vì không hiểu, hoặc hiểu nhưng làm như không hiểu,
họ tìm những lý do tiêu cực nhất, xấu xa nhất, dựa vào bản
chất họ, để giải thích những hành động cao cả, thương yêu đồng
bào, của NVHN với mục đích chia rẽ và làm suy yếu ảnh hưởng
NVHN trên người dân Việt Nam trong nước. Mặt khác, cũng với đầu
óc hiểm độc, ích kỷ, và dốt nát, họ tìm đủ mọi lý do tích
cực nhất, nhiều khi phải bịa đặt sự việc, để suy tôn họ và
chủ nghĩa họ. Họ hoan hô những người hy sinh tánh mạng trong
lúc phục vụ họ và phong những người này là liệt sĩ. Họ vỗ
tay đón chào thiểu số NVHN trở về Việt Nam trong tinh thần nghị
quyết 36, và gọi những người này là những người con tổ
quốc.
Trên thực tế, NVHN chống cộng không vì hận thù thua trận. Số
quân nhân cán chính của chính quyền VNCH còn sót lại hiện nay
tại hải ngoại chỉ là một thiểu số trong cộng đồng NVHN. Ngay
từ lúc đầu, số người này không nhiều lắm. Trong đợt thoát
khỏi Việt Nam năm 1975, chỉ có khoảng 140 ngàn người, trong đó
số quân nhân cán chính của VNCH cao lắm là độ một nửa. Phần
còn lại là vợ con, cha mẹ già, trẻ em, sinh viên, học sinh, và
những người dân thường. Số thuyền nhân còn có ít quân nhân cán
chính VNCH hơn nữa, vì đa số là đàn bà trẻ em, hoặc dân thường
người Việt gốc Hoa. Sau bốn mươi năm, những quân nhân cán chính
của chính thể VNCH đã lớn tuổi, qua đời, hoặc về hưu trí.
Hiện nay số NVHN lên tới 4 triệu người trên khắp thế giới. Trong
số đó, còn bao nhiêu người quân nhân cán chính VNCH? Và trong
số những người này có bao nhiêu người hận thù vì lý do thua
trận?
Thế hệ một rưỡi và thế hệ thứ nhì, một phần ngày càng rộng
lớn trong cộng đồng NVHN, sinh sống trên vùng trời tự do từ
lúc còn nhỏ, biết rất ít về chiến tranh Việt Nam, và nhiều
khi không có trí nhớ hoặc khái niệm gì về nước Việt Nam. Quan
trọng hơn, những người trong thế hệ này sinh trưởng trên đất
nước tự do dân chủ, nên họ không dễ dàng bị nhồi sọ hoặc tuyên
truyền hận thù từ cha mẹ ông bà họ.
CSVN và những người thiên cộng suy bụng ta ra bụng người, cho
rằng con cháu quân nhân cán chính VNCH bị ảnh hưởng cha mẹ ông
bà nên có lòng hận thù cộng sản. CSVN không có một chút khái
niệm gì về cuộc sống gia đình và xã hội trong thể chế tự do
dân chủ, nơi mà cha mẹ con cái có sự tôn trọng lẫn nhau. Họ
không thể nào tưởng tượng được cha mẹ ông bà trong cộng đồng
NVHN sẵn sàng dẹp qua uy quyền bậc cha mẹ để tranh luận với con
cái trong tinh thần tự do dân chủ, hoặc để cho con cháu tự do
tìm tòi, phát huy tư tưởng độc lập. Bằng cách tự tìm hiểu cho
kiến thức mình và học hỏi từ những người có kinh nghiệm,
các thế hệ sau của NVHN nỗ lực chống cộng sản và tranh đấu
cho tự do dân chủ tại Việt Nam không phải vì hận thù thua trận,
mà vì lòng thương yêu đồng bào sống trong cảnh đọa đầy dưới
chế độ cộng sản và lòng yêu nước Việt Nam.
CSVN và những người thiên cộng sẽ chống chế và nói, "Chúng tôi
nói hận thù, chứ chúng tôi đâu có nói hận thù vì lý do thua
trận?" Họ là những người ăn nói xảo quyệt. Nếu đúng là họ
không ngụ ý hận thù vì lý do thua trận, thì vì lý do nào? Vì
lý do ganh ghét cuộc sống vật chất? Hoàn toàn sai lầm. Thu
nhập gia đình hàng năm của người Mỹ gốc Việt là khoảng $59.000
đô la Mỹ (Census 2010). Với khoảng 1.8 triệu người Mỹ gốc Việt
và trung bình 3.85 người trong một gia đình, con số này khoảng
27 tỉ đô la Mỹ. Đó chỉ là ở Hoa Kỳ mà thôi. Nếu kể tất cả
NVHN trên toàn thế giới với 4 triệu dân số NVHN (Wikipedia 2014c),
con số này it nhất là khoảng 50 tỉ đô la Mỹ. Giả sử Gross
Domestic Product (GDP) cao hơn thu nhập cá nhân khoảng 10%, con số
này tương đương với 55 tỉ đô la Mỹ GDP, gần bằng nửa GDP của
toàn thể nước Việt Nam. Với cuộc sống vật chất như vậy, làm
sao mà NVHN có lòng ganh ghét? Đó là không kể hàng năm NVHN gửi
về Việt Nam khoảng 10 tỷ đô la Mỹ. Còn lý do hận thù nào
khác? Vì cộng sản tàn ác, hèn với giặc và ác với dân? Nếu
vậy thì hận thù có gì sai đâu? (Đặng 2014).
Nhiều người, không biết vô tình hay cố ý, đưa ra những lời ngụ
ý, bóng gió, như "...có bao nhiêu người tưởng nhớ, tiếc nuối cờ vàng,
và bao nhiêu người xem cờ vàng là cờ thua trận... Còn lại lớp trẻ, hầu
hết, dưới mái trường XHCN cờ vàng là cờ thua trận, thất bại của một quốc
gia. Điều này do tác động bởi chính sách nhồi sọ của CS, nhưng không
thể chối cãi đó là sự thật của lịch sử mà không ai có thể phủ nhận"
(Trần 2014). Nhắc nhở đến việc thua trận trong nội dung hận
thù, rõ ràng ám chỉ cuộc đấu tranh của NVHN cho tự do dân chủ
tại Việt Nam được thúc đẩy bởi lòng hận thù vì thua trận.
Còn gì ngu xuẩn và hiểm ác hơn?
2. CSVN lo sợ ảnh hưởng
lớn mạnh của lá cờ vàng nên sẵn sàng tiêu diệt cờ vàng bằng
mọi cách, kể cả dùng chiến thuật kamikaze:
CSVN và những người thiên cộng còn có một kế hoạch hiểm độc,
nhưng lộ ra nỗi lo lắng, sợ hãi, và tuyệt vọng. Đó là kế
hoạch kamikaze, được dùng bởi phi công Nhật lao vào hàng không
mẫu hạm Hoa Kỳ trong thế chiến thứ hai.
Chiêu này thực hiện thế nào?
Đó là cách để cờ đỏ cùng chết với cờ vàng, như hy sinh những chiếc máy bay nhỏ để làm chìm các chiến hạm.
Với CSVN, sự sống còn của cờ đỏ không quan trọng bằng sức
mạnh đang vùng lên của cờ vàng. Do đó, họ sẵn sàng đồng ý
dẹp cờ đỏ miễn là cờ vàng cũng phải bị dẹp theo, và thay
bằng cờ khác. Không có gì sai với chuyện dùng cờ khác, không
phải cờ đỏ hoặc cờ vàng, để làm quốc kỳ cho Việt Nam. Nhưng
chuyện đó phải được quyết định bởi toàn dân Việt Nam trong một
cuộc trưng cầu dân ý hoặc qua các phương pháp dân chủ tự do.
Chuyện đó không thể được thực hiện bởi cộng sản. Đối với
CSVN, lá cờ không có ý nghĩa. Không đỏ thì xanh, vàng, trắng.
Có sao đâu, miễn là họ vẫn nắm quyền. Nhưng cái lợi to tát cho
việc trao đổi đó là họ tiêu diệt được cái biểu tượng của
NVHN, và làm suy yếu tinh thần đấu tranh cho tự do dân chủ tại
Việt Nam.
Có những người, không hiểu vì ngây thơ chính trị, hoặc kém
hiểu biết, hoặc có ý tưởng suy nhược, hoặc thiên cộng tung ra
ý kiến dọ dẫm, với những lời dụ dỗ hòa giải. Họ nói, "Chắc
chắn cờ đỏ không bao giờ là biểu tượng cho tự do dân chủ, nó sẽ bị đào
thải ngay khi đất nước thành công, nhưng cờ vàng chưa là mẫu số chung
của cả 2 bên, nó còn phải chờ cuộc biểu quyết toàn dân sau này" (Trần
2014), đi theo sau "Câu hỏi? Liệu lá cờ vàng có thể tung bay trở lại
trên mãnh đất VN hình chữ S hay không?... Câu trả lời: Không" (Trần
2014).
Một cách lạ lùng, trong khi quả quyết là cờ đỏ sẽ chết khi
cuộc tranh đấu thành công, và cờ vàng chỉ được tôn trọng bởi
NVHN và bị dị ứng, vì sai lầm, bởi người Việt trong nước, họ
lại không đề ra giải pháp dễ dàng và chính đáng nhất là sửa
lại cái dị ứng sai lầm đó để toàn thể dân Việt, hải ngoại
và trong nước, cùng tôn trọng cờ vàng trong việc đấu tranh cho
tự do dân chủ. Thay vì vậy, họ quả quyết cờ vàng không thể
nào tung bay trên lãnh thổ Việt Nam, và do đó cả cờ vàng và
cờ đỏ đều chết.
Đây có phải là chiến thuật kamikaze hay không?
Lý do chính đáng để sửa chữa dị ứng sai lầm của dân Việt
trong nước về cờ vàng là cái gì sai lầm thì ta nên sửa chữa.
Trong giai đoạn đấu tranh hiện tại, ta lại càng nên thúc đẩy
chuyện đó mạnh hơn bằng cách kêu gọi dân Việt trong nước phát
động phong trào giương cờ vàng trong nước.
3. Tại sao người Việt trong nước nên cổ xúy việc giương lá cờ vàng ba sọc đỏ ngay trong nước?
Mới thoạt nghe, việc người Việt trong nước cổ xúy cho lá cờ
vàng ba sọc đỏ bay trong nước Việt Nam có vẻ là chuyện hoang
đường, nhưng thực ra đó là một hành động khôn ngoan nhất, biểu
lộ tình yêu thương đồng bào và quê hương của người Việt trong
nước, và gửi thông điệp mạnh mẽ cho tà quyền cộng sản, Tàu
cộng, và ngay cả Hoa Kỳ, và thế giới về sức mạnh đoàn kết
của dân tộc Việt.
Đương nhiên, CSVN sẽ không chấp nhận chuyện đó. Với các điều
luật rừng rú, họ sẽ bắt bớ, giam cầm những người giương cờ
vàng với lý do mưu đồ lật đổ tà quyền. Tuy nhiên, điều đó
chứng tỏ chính họ mới là người có lòng hận thù. Tôi không có
ý định xúi ḍại người Việt trong nước vác lá cờ vàng ba sọc
đỏ đi nghênh ngang trong thành phố. Có nhiều cách biểu hiện lá
cờ vàng ba sọc đỏ. Thí dụ như thiết kế nghệ thuật biểu
tượng đó trên mũ, áo, quần, xe, nhà, v.v... Người Việt có rất
nhiều sáng kiến. Họ dư sức nghĩ ra cách để người Việt trong
nước bày tỏ sự hỗ trợ cờ vàng mà không bị tà quyền bắt bớ
hoặc làm khó dễ.
CSVN và những người thiên cộng nghĩ rằng người dân Việt Nam
không biết gì về VNCH và lá cờ vàng ba sọc đỏ, hoặc nếu có
biết thì chỉ khinh thường lá cờ vàng ba sọc đỏ. Ý nghĩ hoặc
lối lý luận này thật ngu xuẩn và hiểm ác cùng cực.
Trước hết, CSVN và những người thiên cộng/ngây thơ cho rằng cờ
vàng có giá trị rất ít tại Việt Nam. Có người còn khẳng
định "như vậy cờ vàng có giá trị bao nhiêu ở trong nước, cao lắm 1% do
những người lớn tuổi còn tồn tại. Phần đông là dị ứng." (Trần 2014).
Con số 1% này không có cơ sở và chỉ là một con số vô nghĩa.
Tuy chưa có một thống kê chính thức cho biết số phần trăm dân
Việt trong nước ủng hộ cờ vàng (CSVN chắc chắn sẽ không dám
tìm hiểu chuyện đó), ta có thể ước đoán con số này vượt quá
con số 1% như sau.
Với khoảng 25 triệu dân sống trong chính thể VNCH vào năm 1975
(Wikipedia 2014a ước lượng 19,582,000 cho miền Nam vào năm 1974;
Wikipedia 2014b ước lượng 49.896.000 cho toàn thể Việt Nam vào năm
1975; và ta biết dân miền Nam đông hơn dân miền Bắc), và ước
lượng khoảng 50% là dân ở tuổi 10-40 tuổi, hoặc 12,5 triệu, là
lứa tuổi sống dưới thời VNCH, và thường trung thành với chính
thể VNCH. Sau 40 năm, ta có thể giảm thiểu số phần trăm này 30%
thêm vì chết, thoát khỏi Việt Nam, hoặc di dân qua các xứ khác.
Với những ước lượng này, lứa tuổi 10-40 ở năm 1975 thành lứa
tuổi 50-80 hiện nay, và tổng cộng khoảng 8,75 triệu, tức khoảng
10% dân số Việt Nam hiện nay.
Con số dân Việt trong nước ủng hộ cờ vàng thực ra còn cao hơn
con số này rất nhiều. Con số 8,75 triệu, hoặc 10% dân số, tiêu
biểu cho dân số cốt lõi trung thành với cờ vàng. (Sẽ có người
nói không phải ai sống dưới cờ vàng cũng trung thành với cờ
vàng, nhưng ta cũng có thể nói không phải ai sống dưới cờ đỏ
cũng trung thành với cờ đỏ, và ta có thể coi hai lực này
triệt tiêu nhau.) Trong cuộc sống gia đình tại Việt Nam, ảnh
hưởng của cha mẹ ông bà rất mạnh, thường là mạnh rất nhiều
hơn ảnh hưởng trường học. Do đó, tuy sau 1975, có nhiều người
hấp thụ nền giáo dục nhồi sọ tuyên truyền của cộng sản, ảnh
hưởng đó bị triệt tiêu hoặc giảm thiểu bởi gia đình của số
8,75 triệu dân trung thành với VNCH. Ta không rõ con số chính xác
của hậu duệ 8,75 triệu người này là bao nhiêu, và trong số
hậu duệ này, bao nhiêu người chịu ảnh hưởng nặng của gia đình
để vẫn còn trung thành với cờ vàng. Tôi chỉ ước lượng một con
số khiêm tốn 1,25 triệu để làm chẵn 10 triệu, tức khoảng 11%
tổng số dân số hiện nay. Đó là tôi không kể số người dân miền
Bắc và miền Nam sinh sau, ghét bỏ chế độ cộng sản.
Mười triệu dân, hoặc 11%, là một lực lượng đáng kể, dư sức lật đổ một chế độ.
Thứ nhì, CSVN và những người thiên cộng/ngây thơ khinh thường dân
Việt Nam trong nước quá độ. Họ cho rằng dân Việt trong nước là
những con cừu non, không biết suy luận hoặc tìm tòi, không biết
dùng sức mạnh của Internet và các phương tiện truyền thông xã
hội để học hỏi và phanh phui những lừa đảo của tà quyền cộng
sản. Đúng, chỉ có một số it người biết dùng Internet vượt
tường lửa và các phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng đây là
những tinh túy của đất nước Việt Nam, đây là những lãnh tụ
tương lai của nước Việt Nam tự do dân chủ, đây là những người
có tài năng và lòng can đảm để đứng lên hướng dẫn cuộc nổi
dậy, và họ dư sức cổ võ và huy động một lực lượng đáng kể
để thực hiện mục tiêu họ. Những người này hiểu được tâm địa
ác hiểm của CSVN trong việc tuyên truyền, phỉ báng, nói xấu
VNCH và lá cờ vàng ba sọc đỏ. Họ thừa biết chỗ đứng của lá
cờ vàng ba sọc đỏ trong lịch sử. Họ thừa biết ý nghĩa phản
bội tổ quốc của cờ đỏ. Họ thừa biết hàng triệu NVHN, tuy có
cuộc sống vật chất thong thả ở các xứ tự do, lúc nào cũng
nghĩ đến họ và tương lai quê hương và miệt mài tranh đấu cho sự
sống còn của dân tộc và quê hương. Cho dù con số 1% là đúng,
con số này tượng trưng một sức mạnh vĩ đại. Thực ra, với dân
số 90 triệu dân, chỉ cần một phần ngàn hoặc một phần vạn
cũng đủ khuynh đảo được chế độ. Trên thực tế, như tôi ước
lượng ở trên, chúng ta có 11%, tức 10 triệu người.
Người dân Việt trong nước hiểu giá trị cờ vàng và họ biết
cộng đồng NVHN gồm có những bộ óc thông minh, làm việc cần
cù, và lòng thương yêu đồng bào quê hương vô bờ. Họ hiểu cộng
đồng NVHN có những đóng góp to tát cho xứ họ cư ngụ, đã khiến
dân trong xứ họ cư ngụ kính nể người Việt Nam và đem lại vinh
quang cho Việt Nam gấp trăm gấp ngàn lần tà quyền cộng sản đang
làm. Cộng đồng đó đã cho ra một Ngô Thanh Hải, một Lương Xuân
Việt, một Janet Nguyễn, một Dương Nguyệt Ánh, và hàng ngàn
người thành công rực rỡ trên mọi lãnh vực khắp nơi trên thế
giới. Lý do gì mà một cộng đồng đầy rẫy những nhân tài như
vậy chọn lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ biểu tượng cho cộng
đồng họ?
CSVN hoặc những người thiên cộng/ ngây thơ còn đưa ra những lý
luận trẻ con, thí dụ như "Thanh niên học sinh, họ lớn lên dưới cờ
đỏ, dị ứng với cờ vàng, không lẽ họ không được yêu nước, mà yêu nước
không có nghĩa là phải chấp nhận cờ vàng, phải chấp nhận VNCH, sao giống
yêu CHXH quá vậy?" (Trần 2014). Tại sao họ không đặt câu hỏi đó
vào năm 1975 khi hàng triệu thanh niên học sinh miền Nam, lớn lên
dưới cờ vàng, dị ứng với cờ đỏ, không lẽ họ không được yêu
nước, mà yêu nước không có nghĩa là phải chấp nhận cờ đỏ, phải chấp
nhận CHXH. Nếu chuyện đó là sai lầm, thì nó sai lầm vào năm
1975 và cả mấy chục năm sau đó. Do đó, cái dị ứng cờ vàng,
cho là có thật, là một dị ứng dựa trên căn bản sai lầm. Vì
vậy, gỉải pháp là sửa đổi cái dị ứng sai lầm đó, chứ không
phải dùng cái sai lầm đó để chỉ trích một sai lầm khác. Quan
trọng hơn, lời cáo buộc đó là lời xuyên tạc, vì NVHN không hề
bắt buộc người dân Việt Nam trong nước phải chấp nhận cờ vàng.
NVHN chỉ vạch ra giá trị lịch sử của cờ vàng, và ý nghĩa
phản trắc của cờ đỏ. NVHN cũng không hề bắt buộc ai phải tôn
trọng cờ vàng. Nhưng cờ vàng là biểu tượng của cộng đồng
NVHN, và do đó nếu ai muốn gia nhập vào cộng đồng NVHN, họ
phải tôn trọng cái biểu tượng đó.
Tuy nhiên, dù NVHN không bắt buộc người Việt trong nước phải tôn
trọng cờ vàng, người Việt trong nước cũng nên tự động có ý
thức tôn trọng cờ vàng ba sọc đỏ. Có nhiều lý do cho việc
này.
Trước hết, bằng cách tôn trọng cờ vàng ba sọc đỏ, người Việt
trong nước biểu lộ tình nghĩa sâu đậm với cộng đồng NVHN. Họ
hiểu lá cờ vàng ba sọc đỏ không phải là tượng trưng vật chất
cho quốc gia VNCH trước năm 1975, cũng như tấm hình bà mẹ trên
bàn thờ không phải tượng trưng cho xương cốt bà đã mục nát
trong quan tài nằm sâu dưới lòng đất. Họ hiểu lá cờ vàng ba
sọc đỏ của NVHN là biểu tượng cho quá khứ huy hoàng, cho bản
sắc đặc thù, và cho tinh thần dân tộc, tự do dân chủ, nhân bản,
trí tuệ thông minh, và lòng thương yêu đồng bào.
Bằng cách tuyên dương cờ vàng ba sọc đỏ, người Việt trong nước
bày tỏ sự tôn trọng ý nghĩa của các biểu tượng đó, và lòng
tri ân của họ cho những nỗ lực vô bờ của cộng đồng NVHN trong
cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Đó là lòng yêu
thương lẫn nhau trong tinh thần "Bầu ơi thương lấy bí cùng" hoặc
"chị ngã em nâng" đã hằn sâu trong tâm khảm dân Việt. Đây là lúc
thuận lợi nhất để người Việt trong nước bày tỏ tinh thần
đoàn kết với NVHN. Họ không nên chờ tới lúc một người Mỹ gốc
Việt trở thành Tổng thống Hoa Kỳ rồi mới làm. Cái xác suất
để một người Mỹ gốc Việt trở thành người quyền thế nhất trên
thế giới càng ngày càng gia tăng. Thực ra, bằng cách hỗ trợ
cờ vàng ngay ở trong nước, người Việt trong nước còn giúp NVHN
một cách đắc lực trong việc tạo áp lực chính trị trên xứ sở
nơi họ cư ngụ. Đó là vì người dân và các cơ sở chính trị địa
phương và quốc gia đột nhiên ý thức được sức mạnh đoàn kết
của dân Việt và của NVHN. Cộng đồng NVHN sẽ trở nên đoàn kết
hơn và tích cực tham gia vào các hoạt động chính trị, bầu cử
tại xứ sở họ cư ngụ.
Thứ nhì, bằng cách cổ xúy cho lá cờ vàng ba sọc đỏ trong
nước, người Việt trong nước gửi một thông điệp hùng mạnh nhất
cho đảng và nhà cầm quyền cộng sản là họ không phải là những con
cừu non, chỉ biết cúi đầu ngoan ngoãn nghe mệnh lệnh của ĐCSVN.
Quan trọng hơn, cái thông điệp đó còn làm run sợ Tàu cộng đang
lăm le xâm chiếm Việt Nam qua mọi hình thức, từ chính trị,
lãnh thổ, tới kinh tế, văn hóa. Không còn gì làm Tàu cộng run
rẩy hơn khi những biểu tượng nền vàng ba sọc đỏ phủ ngập trời
trên khắp đô thị, từ Hà Nội tới Sài Gòn. Hình ảnh đó còn
oai hùng, lộng lẫy, vĩ đại, hoành tráng gấp trăm ngàn lần
hình ảnh hàng ngàn sinh viên học sinh Hồng Kông dương dù biểu
tình trên đường phố. Thế giới sẽ phải nghiêng mình ngả mũ
trước sức mạnh đoàn kết thiêng liêng đó của dân tộc Việt Nam.
Hoa Kỳ sẽ kinh hồn bạt vía khi thấy biểu tượng của đồng minh
mà mình bỏ rơi ngày nào đã trở thành hùng mạnh.
C. Kết Luận:
Lá cờ vàng ba sọc đỏ của NVHN không là biểu tượng của quốc
gia VNCH cho tới 1975 vì quốc gia VNCH đã không còn. Thay vì vậy,
lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng của NVHN cho ký ức trong
quá khứ, bản sắc trong hiện tại, và tinh thần dân tộc, tự do
dân chủ, trí tuệ, và lòng thương yêu đồng bào cho cuộc đấu
tranh cho tương lai. Những người thuộc thế hệ đầu đã già, qua
đời, hoặc về hưu. Đa số NVHN, kể cả những người thuộc thế hệ
một rưỡi và thứ hai biết rất it về chiến tranh Việt Nam, không
hề có lòng hận thù vì thua trận. NVHN thực sự thiết tha thương
yêu đồng bào trong nước "điêu linh nơi quê nhà đang chìm đắm" như
được diễn tả trong bài "Chuyến Đò Vĩ Tuyến" của nhạc sĩ Lam Phương.
Người Việt trong nước nên cổ xúy việc giương biểu tượng cờ
vàng trong nước để biểu lộ tinh thần đoàn kết với NVHN và gửi một
thông điệp mạnh mẽ cho tà quyền cộng sản, Tàu cộng, và thế
giới về sức mạnh đoàn kết vĩ đại của dân tộc Việt.
Để kết thúc, tôi xin tặng độc giả đoạn thơ sau, trích từ bài
thơ "Hẹn gặp nhau sưởi nắng Sài Gòn" (Cao-Đắc 2014b):
Khi cờ vàng tung bay gió thổi
Phất phơ trên thành thị nước non
Ta mỉm cười đón mưa Hà Nội
Hẹn gặp nhau sưởi nắng Sài Gòn.
(Hẹn gặp nhau sưởi nắng Sài Gòn - Cao-Đắc Tuấn)
CẢM TẠ
Tôi xin có lời cảm tạ bạn daubetangthuong đã có lời khích lệ tôi viết bài này.
_____________________________________
Tài Liệu Tham Khảo:
Aguilar-San Juan, Karin. 2009. Little Saigons: Staying Vietnamese in America. The University of Minnesota Press, Minnesota, U.S.A.
Cao-Đắc, Tuấn. 2014a. Lửa Cháy Trong Mưa. Hellgate Press, Oregon, U.S.A.
_______. 2014b. Hẹn gặp nhau sưởi nắng Sài Gòn. 26-7-2014.
(truy cập 21-12-2014).
Census. 2010. The Vietnamese Population in the United States: 2010.
(truy cập 19-12-2014).
Council of Europe. 2005. The concept of “nation”. 13-12-2005.
(truy cập 20-12-2014).
Dân Nam. 2012. Những mốc lịch sừ quan trọng khởi từ thập niên 1940. Phần 12: Cờ Nào Mang Đầy Đủ Truyền Thống Quốc Gia Dân Tộc? 5-2012.
(truy cập 20-12-2014).
Đặng Chí Hùng. 2014. Hiệp lực hay chia rẽ. 16-12-2014.
(truy cập 20-12-2014).
_______. 2013. Những sự thật cần phải biết (Phần 8) - Lịch sử lá cờ của dân tộc. Đăng 7-1-2013.
(truy cập 18-12-2014).
Freeman, James M. 1995. Changing Identities: Vietnamese Americans, 1975-1995. Allyn and Bacon, Massachusetts, U.S.A.
quockyvietnam. Không rõ Ngày. Người Việt Quốc Gia tại các thành phố và tiểu bang vận động cho Nghị Quyết Vinh Danh Quốc Kỳ Việt Nam.
(truy cập 20-12-2014).
Saito, Lynne Tsuboi. 2002. Ethnic Identity and Motivation: Socio-cultural Achievement of Vietnamese-American Students. LFB Scholarly Publishing, New York, U.S.A.
Trần Duy Sơn. 2014. Hiệp lực đấu tranh. 16-12-2014.
(truy cập 20-12-2014).
Wikipedia. 2014a. South Vietnam. Thay đổi chót: 17-12-2014.
(truy cập 21-12-2014).
_______. 2014b. Demographics of Vietnam. Thay đổi chót: 14-12-2014.
_______. 2014c. Overseas Vietnamese. Thay đổi chót: 17-11-2014.
en.wikipedia.org/wiki/Overseas_Vietnamese (truy cập 19-12-2014).
© 2014 Cao-Đắc Tuấn
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/y-nghia-la-co-vang-cua-nguoi-viet-hai_23.html#more
Nguồn: http://danlambaovn.blogspot.com/2014/12/y-nghia-la-co-vang-cua-nguoi-viet-hai_23.html#more
Nhận xét
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét