Chủ Nhật, 19 tháng 10, 2014

HK Bán vũ khí cho VN là bán đứng các nhà hoạt động


Sửa chữa sai lầm của Hoa Kỳ về nhân quyền với Việt Nam: Bán vũ khí cho Việt Nam là bán đứng các nhà hoạt động .

John Sifton
Đăng trên the Diplomat ngày mồng 8 tháng Mười năm 2014


Tháng này chính quyền Hoa Kỳ đã mắc sai lầm khi nới lỏng lệnh cấm vận buôn bán và chuyển giao vũ khí sát thương cho Việt Nam – một quốc gia phi dân chủ, độc đảng với bảng thành tích nhân quyền tệ hại. Bước đi này của Hoa Kỳ, được công bố vào ngày mồng 2 tháng Mười trong chuyến thăm Washington của Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh, đã gây tổn hại cho các nhà hoạt động can đảm ở Việt Nam và phí phạm một đòn bẩy quan trọng đáng lẽ có thể sử dụng để thúc đẩy thêm nhiều cải cách hơn nữa.

Giới chức Hoa Kỳ tuyên bố rằng Việt Nam đang đạt được những tiến bộ tuy nhỏ nhưng rất đáng kể về nhân quyền, nhấn mạnh vào các vụ thả tù nhân chính trị trong thời gian gần đây. Nhưng các tiến bộ được nêu làm dẫn chứng đều nhỏ lẻ, và một trong những tù nhân nổi tiếng nhất được phóng thích trong năm nay, tiến sỹ, luật gia Cù Huy Hà Vũ không hề được thả mà thật ra là bị ép đi lưu vong ở Hoa Kỳ.

Trên thực tế, con số các tù nhân chính trị bị giam giữ đã gia tăng trong những năm gần đây, tính đến thời điểm này đã có tới hơn 150 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam, giữ. Với những vụ phóng thích mới đây nhất, người ta chỉ có thể nói một cách tích cực nhất là chính phủ Việt Nam đang vận hành một cánh cửa quay, những tù nhân cũ đi ra bên này thì những tù nhân mới lại vào bên kia. Và cho dù tổng số tù nhân trong các trại giam có thể tăng hay giảm, nhưng một xu hướng đáng báo động đang gia tăng: việc sử dụng côn đồ để tấn công và đe dọa những người phê phán chính quyền.

Khi đánh giá kết quả cải cách ở Việt Nam, chính quyền Obama cần phân tích nhiều yếu tố khác ngoài con số những người đang bị giam giữ và được thả, đồng thời cân nhắc những câu hỏi đặt trong bối cảnh cụ thể. Nếu Việt Nam thực sự nghiêm túc kiềm chế không đàn áp những người phê phán chính quyền một cách ôn hoà thì tại sao trong tháng Tám, tòa án Việt Nam lại xử ba nhà hoạt động (Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh) tội cản trở giao thông trong một lần biểu tình và kết án họ tới ba năm tù giam? Vì sao chính quyền Việt Nam lại bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Hữu Vinh(Anh Ba Sàm) vào tháng Năm? Vì sao Việt Nam xử blogger Phạm Viết Đào trong tháng Ba? Và vì sao chính quyền đã kết án gần mười người Thượng vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nay với tội danh bị cho là chống nhà nước?

Câu hỏi lớn hơn đối với Việt Nam là liệu chính quyền có thực sự thể hiện rằng họ đang nghiêm túc thực hiện các thay đổi mang tính hệ thống để nới rộng các quyền tự do cho người dân hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để loại bỏ điều luật trong bộ luật hình sự có nội dung hình sự hóa hành vi thể hiện quan điểm chính trị hay không? Các nhà lãnh đạo Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự muốn cải cách luật pháp để cho phép hình thành các công đoàn độc lập hay không? Hà Nội đã có những bước đi quan trọng hay thể hiện thiện chí thực sự để hủy bỏ yêu cầu đăng ký và hủy bỏ việc hình sự hóa các hoạt động tín ngưỡng độc lập hay chấm dứt đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số không? Câu trả lời cho tất cả và từng câu hỏi trên đây là không.

Thật đáng tiếc là quyết định nới lỏng cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành. Tuy nhiên, chưa phải là quá muộn để sử dụng các đòn bẩy còn lại để đạt được những thay đổi. Vì vẫn chưa thấy có cải cách thật sự nào được thực hiện, và còn nhiều bước quan trọng phải đi tiếp, Hoa Kỳ cần nói rõ với Hà Nội rằng còn nhiều việc phải làm được trước khi lệnh cấm vận được nới lỏng hơn nữa.

Đây là lúc Hoa Kỳ cần nói với Việt Nam rằng, ngoài các hỗ trợ về hàng hải, việc bán và chuyển giao vũ khí trong tương lai chỉ được thực hiện nếu Việt Nam thả một số đáng kể tù nhân chính trị; có các bước đi tích cực về những vấn đề như tự do tôn giáo, tra tấn và quyền của người lao động; và có các động thái chính thức để loại bỏ các tội danh về chính trị ra khỏi bộ luật hình sự, như điều 87, hình sự hóa các hành vi “phá hoại chính sách đoàn kết”, và điều 258 “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích nhà nước”.

Chính quyền Hoa Kỳ có thể và cần làm rõ những điểm này trong các cuộc đối thoại vào cuối năm nay với Hà Nội, khi Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel dự kiến sẽ tới thăm. Những thông điệp nói trên có thể còn có trọng lượng hơn nữa nếu được kết hợp với các thông điệp của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (đang đàm phán với Việt Nam trong khuôn khổ TPP) rằng Việt Nam đừng mong sẽ được tham gia hiệp định thương mại này nếu không cải cách pháp luậtđể các công đoàn độc lập được phép hoạt động.

Vẫn còn chưa muộn nếu muốn nắm giữ lại các đòn bẩy, dù quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương đã được ban hành một cách vội vã vào ngày mồng 2 tháng Mười. Vì các nhà bất đồng chính kiến can đảm ở Việt Nam, Hoa Kỳ cần cứng rắn hơn nữa trong thương lượng.
John Sifton là Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Nguồn: http://www.hrw.org/node/129941
   
M&M M&M is offline
Tướng 4 sao
 


Bình luận thêm về việc bán vũ khí sát thương cho Việt Nam

By Joshua Kurlantzick
Trần Ngọc Cư dịch
Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Trong một bài bình luận trước đây, đã được dịch đăng lên BauxiteVN, Kurlantzick tranh luận rằng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ có thể đẩy lùi tiến trình dân chủ hóa trong vùng này. Theo ông, sở dĩ tình hình sẽ diễn ra như vậy là vì Mỹ cần đến quan hệ đối tác với một số nước độc tài tại Đông Nam Á trong nỗ lực tái quân bình lực lượng chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và có tham vọng bành trướng. Thật ra, việc này không có gì mới lạ trong chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ. Trong Chiến tranh lạnh trước đây, chẳng hạn, Mỹ không hề ngần ngại làm đồng minh với một chuỗi thủ lĩnh độc tài Châu Á, từ Lý Thừa Vãn, Phác Chính Hy tại Nam Triều Tiên, đến Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan, Ferdinand Marcos tại Philippines, Suharto tại Indonesia, Ngô Đình Diệm và các ban lãnh đạo quân nhân (military juntas) tại Việt Nam và tại Thái Lan. Kết quả tốt đẹp của phần lớn các chế độ độc tài thân Mỹ nói trên là cuối cùng đất nước họ đã được dân chủ hóa theo mô hình phương Tây. (Dịch giả.)

Tuần trước, tiếp theo sau quyết định của Chính quyền Obama bắt đầu bán cho Việt Nam một số vũ khí sát thương hạn chế, một thay đổi trong chính sách vốn được áp dụng từ khi Chiến tranh Việt Nam chấm dứt, tôi đã nhìn nhận trong một bài đăng trên blog rằng chính quyền này đã có một động thái đúng đắn, bất chấp những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng — và ngày càng tồi tệ của Việt Nam. Các quan chức chính quyền Mỹ lưu ý rằng các thương vụ vũ khí sát thương tiếp theo và các quan hệ gần gũi hơn nữa với Việt Nam và với quân đội Việt Nam sẽ tùy thuộc vào điều kiện Việt Nam đạt được tiến bộ trong việc chấp nhận bất đồng chính dưới mọi hình thức. Thật vậy, theo một bản tin về các thương vụ vũ khí sát thương được đăng trên New York Times:

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng việc thay đổi chính sách cấm vận chỉ áp dụng cho lãnh vực hải giám và các hệ thống “liên hệ đến an ninh” và quả quyết rằng quyết định này phản ánh những cải thiện khiêm nhượng trong hồ sơ nhân quyền của Việt Nam.

Tôi thật sự không tin có bất cứ bằng chứng nào cho thấy Việt Nam cải thiện hồ sơ nhân quyền của mình trong những năm gần đây; đấy chỉ là một hư cấu tùy tiện của Bộ Ngoai giao để xoa dịu những nhà lập pháp trong Quốc Hội Mỹ đang chống lại việc bán vũ khí sát thương vì hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Hà Nội. Thật vậy, bản báo cáo tình hình nhân quyền hàng năm tại các nước của Bộ Ngoại Mỹ khi nói đến Việt Nam đã nhận xét rằng không có cải thiện cụ thể nào về nhân quyền trong năm qua, và đã tóm tắt tình hình nhân quyền tại Việt Nam như sau: “những vấn đề nhân quyền đáng kể nhất tại nước này vẫn là các hạn chế gay gắt của chính phủ đối với các quyền chính trị của công dân, đặc biệt là quyền thay đổi chính phủ của mình; những biện pháp giới hạn các tự do dân sự của công dân ngày một gia tăng; và nạn tham nhũng trong hệ thống tòa án và công an.”

Tuy nhiên, mặc dù tôi nghĩ rằng nói chung Chính quyền Obama đã không đếm xỉa đến việc cổ vũ dân chủ và nhân quyền trong chiến lược tái hợp tác với Đông Nam Á của mình, nhưng tôi cũng nghĩ rằng Washington cần phải xây dựng những quan hệ gần gũi hơn nữa với Việt Nam bất chấp cả hồ sơ nhân quyền của nước này. Tôi không phải là một người theo chủ nghĩa thực tế, nhưng đây là một cơ hội mà chính trị thực tiễn [realpolitik] phải giữ thế thượng phong. Một lý do quan trọng là, việc gia tăng các thương vụ vũ khí sát thương có thể tạo thế đứng cho phe thân Mỹ trong giới lãnh đạo Việt Nam có thêm sức mạnh trước phe thân Trung Quốc hơn [the more pro-China faction] trong giới lãnh đạo này. Một số học giả và quan chức Việt Nam cho biết rằng phe thân Trung Quốc trong giới lãnh đạo Việt Nam đã lùi về phía sau, do cuộc xung đột Việt-Trung ngày càng gia tăng trên các vùng tranh chấp tại Biển Đông.

Cụ thể hơn nữa, Mỹ phải xây dựng một quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam và phải vận động cho việc thành lập một liên minh có hiệp ước chính thức với Hà Nội. Ngoài việc chấm dứt cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, Mỹ phải vận động nhắm tới mở rộng khả năng tiếp cận cho các tàu hải quân Mỹ tại Vịnh Cam Ranh, mở rộng các chương trình huấn luyện cho sĩ quan cao cấp Việt Nam và cơ chế hóa cuộc đối thoại chiến lược Mỹ-Việt ở một cấp cao hơn, đảm bảo rằng bộ trưởng quốc phòng Mỹ và người đồng nhiệm Việt Nam sẽ tham gia cuộc đối thoại chiến lược hàng năm này.

Hoạt động nhắm tới một liên minh có hiệp ước với Việt Nam sẽ là một nỗ lực trung tâm cho việc duy trì sự hiện diện của Mỹ tại Đông Á, bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông, và tìm kiếm các hải cảng mới và các căn cứ hoạt động tiền phương tương lai cho quân đội Mỹ trong khi các vấn đề chính trị nội bộ của Nhật Bản và Thái Lan đang đe dọa các quan hệ quân sự của Mỹ với những quốc gia này. Về phía Việt Nam, các quan hệ gần gũi hơn với Mỹ sẽ cho phép quân đội Việt Nam nâng cấp trang bị của mình, sẽ đảm bảo các quan hệ thương mại với Washington, và cung ứng một dạng thức an ninh để Việt Nam chọi lại một Trung Quốc quyết đoán, một loại an ninh mà hình như khối ASEAN không bao giờ có thể cung ứng cho Việt Nam.

Chúng ta hãy từ bỏ luận cứ giả tạo về một hồ sơ nhân quyền đang được cải thiện tại Việt Nam và hãy gọi mối quan hệ này bằng cái tên đích thực của nó: một đối tác chiến lược có thể là rất thiết yếu cho lợi ích của cả hai nước tại Châu Á.

T.N.C
Dịch giả gửi BVN
Nguồn: http://blogs.cfr.org/asia/2014/10/13/more-on-selling-vietnam-lethal-arms/#more-15157
 
Theo nguồn: http://www.thegioinguoiviet.net/showthread.php?t=31174 

1 nhận xét:

  1. BÌNH LUẬN THÊM VỀ VIỆC BÁN VŨ KHÍ SÁT THƯƠNG CHO VIỆT NAM

    By Joshua Kurlantzick
    Trần Ngọc Cư dịch

    Joshua Kurlantzick là một nhà nghiên cứu Đông Nam Á tại Hội đồng về các Quan hệ Đối ngoại [the Council on Foreign Relations], một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Trong một bài bình luận trước đây, đã được dịch đăng lên BauxiteVN, Kurlantzick tranh luận rằng chiến lược xoay trục hướng về Châu Á của Mỹ có thể đẩy lùi tiến trình dân chủ hóa trong vùng này. Theo ông, sở dĩ tình hình sẽ diễn ra như vậy là vì Mỹ cần đến quan hệ đối tác với một số nước độc tài tại Đông Nam Á trong nỗ lực tái quân bình lực lượng chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy và có tham vọng bành trướng. Thật ra, việc này không có gì mới lạ trong chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ. Trong Chiến tranh lạnh trước đây, chẳng hạn, Mỹ không hề ngần ngại làm đồng minh với một chuỗi thủ lĩnh độc tài Châu Á, từ Lý Thừa Vãn, Phác Chính Hy tại Nam Triều Tiên, đến Tưởng Giới Thạch tại Đài Loan, Ferdinand Marcos tại Philippines, Suharto tại Indonesia, Ngô Đình Diệm và các ban lãnh đạo quân nhân (military juntas) tại Việt Nam và tại Thái Lan. Kết quả tốt đẹp của phần lớn các chế độ độc tài thân Mỹ nói trên là cuối cùng đất nước họ đã được dân chủ hóa theo mô hình phương Tây. (Dịch giả.)

    Trả lờiXóa