Thứ Bảy, 29 tháng 5, 2021
Thứ Sáu, 28 tháng 5, 2021
Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021
Thứ Tư, 26 tháng 5, 2021
Miền đất cuối
Để tưởng nhớ các bạn SVSQ Đồng Đế-Nha Trang đã vĩnh viễn ở lại “Miền đất cuối” của quê hương.
Dạo đó khoảng năm 1973, tôi theo đơn vị đi hành quân ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc-liêu và Cà-mau thuộc vùng 4 chiến thuật. Nơi nầy hoang vu, toàn là đầm lầy nước mặn, những bãi sình non và rừng cây mắm ngút ngàn…Dân cư thưa thớt, đi gần cả buổi mới gặp được một gò đất cao có vài căn nhà lợp lá dừa nước, nghèo nàn, trống trước trống sau, bên hông của mỗi căn nhà thường thường có một hay hai cái lu chứa nước mưa để uống; thỉnh thoảng gặp được một xóm nhà chừng vài chục cái, thường thường là tọa lạc gần nơi ngã ba hay bên bờ các con sông, con kinh lớn, nơi đó có một hai cái quán cóc bán tạp hóa trông thiếu thốn èo uột..
Dân vùng nầy sống bằng nghề nông, câu tôm cá và bắt cua, phương tiện di chuyển của họ là chiếc xuồng ba lá nhỏ để len lỏi trôi nổi tới lui ở những đường nước, nơi những mương rạch chật hẹp; có khi họ dùng một miếng ván mỏng khoảng ¼” chiều dầy, 1’ chiều ngang và dài độ 3’. Đàn ông mặc chỉ có chiếc quần đùi cởi trần, phụ nữ mặc áo bà ba màu bùn đen ngắn tay, mặc quần đùi, có khi quần dài săn vén lên hơn khỏi đầu gối, một bên vai đeo cái giỏ đựng cá đan bằng nan tre, họ đứng bám chân vào miếng ván và uốn mình lấy thế để cho miếng ván luớt đi qua những bải bùn non rộng lớn mênh mông trông giống như dân các xứ lạnh trợt tuyết mùa Đông.
Bọn lính tráng chúng tôi đầu đội nón sắt, vai mang ba lô, mang súng đạn, di chuyển qua những bãi sình, chân bước từng bước nặng nề, không thể mang giầy boot da cổ cao như lính ở các miền khô ráo đồi núi cao nguyên mà mang giầy vải buộc dây, cổ thấp hoặc giầy map làm bằng vải nylon nhẹ, không hút nước; vậy mà đi qua những bãi bùn có khi giở chân lên ..chiếc giầy bị lún sình không chịu lên theo! Càng cố dầm mình xuống nước tìm chiếc giầy thì lại càng tạo cơ hội tốt cho đám đỉa trâu bu lại hút máu. Đỉa ở đây nổi tiếng nhiều như bánh canh, con nào cũng to hơn ngón tay cái, màu nâu xám, con thì màu đen, hai bên hông có viền lằn vàng óng ánh; anh nào đẹp trai, hào hoa phong nhã được khoảng ba, bốn nàng đỉa đeo theo thì không tài nào trách khỏi…xây xẫm mặt mày! Lính đi hành quân vùng nầy phải chấp nhận thương đau, phải chấp nhận hiến máu và tắm sình như cua trong hang; bùn sình non bám vào áo quần, gặp nắng lên khô lại ví như mình đang mặc bộ giáp sắt.
Sông rạch chằng chịt, dân chúng di chuyển đó đây theo những thủy lộ lớn nhỏ. Quân di chuyển bằng xuồng ghe thì dễ bị VC phục kích tấn công, những đường nước cạn khi thủy triều xuống không thể dùng xuồng ghe tàu thuyền, dân địa phương sáng chế ra một loại xuồng gắn máy đuôi tôm chiều ngang nhỏ, nhưng có chiều dài để len lỏi, lao lách đi qua các con rạch chật hẹp gọi tên là “vỏ vọt” hay “tắc ráng”, nhưng lắm lúc tắc ráng cũng không thể hoạt động được khi nước quá cạn. Lính đi trên bờ đất thì sợ đạp lôi, đạp mìn bẫy, đạp lựu đạn của VC gài. Hể nghe một tiếng nổ “ùm” vang lên là ..chắc chắn có người đạp mìn hay là bị vướng lựu đạn. Bị nặng thì…giã từ quân nhân, giã từ vũ khí, giả từ cuộc đời ngay tại chỗ, còn nhẹ thì ..gởi tặng lại miền đất cuối một hay hai chân hoặc là một tay, một mắt. Khổ sở và tội nghiệp, đau lòng khi nhìn thấy cả người lính bị thương mất một phần thân thể đang oằn oại đau đớn rên la lẫn người lính còn lành lặng đang cố gắng è ạch khiên bạn đồng đội của mình trong hoàn cảnh, địa thế khó khăn tới một chỗ khô ráo đủ điều kiện cho phi cơ trực thăng tải thương đáp xuống được để bốc thương binh và xác chết. Có khi thường đã chết trước khi được trực thăng đến bốc!
Khu vực rừng U-Minh là căn cứ địa sầm uất của Việt Cộng (VC), rừng rậm, đầm lầy và hiểm trở, nơi ấy để dưỡng quân và là hậu cần tiếp tế hơn là đánh đấm, ngoại trừ khi bị quân ta tấn công. Các đơn vị VC ít khi nào đụng độ với quân ta ở cấp đơn vị lớn cỡ Trung đoàn, thường thường là chạm nhau ở cấp Tiểu đoàn và Đại đội. Binh sĩ người Việt một số ở những miền khác bị động viên vào quân đội được điều động đến đây, một số là người dân địa phương có cả người Việt gốc Miên vào lính được phục vụ gần nguyên quán; thỉnh thỏang các binh sĩ người Việt gốc Miên nói chuyện với nhau bằng tiếng “nước ngoài” mình nghe không hiểu gì hết!
Lợi dụng địa thế sẵn có,VC đánh du kích nhiều hơn là trận địa chiến, lối đánh nầy gây …nhức đầu cho quân ta vì nó đa hình đa dạng, mình không biết địch ở đâu, khi nào là VC, khi nào là dân thường và ta có thể bị họ tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bằng đủ mọi cách. Mình là người Việt Nam mà còn không biết nổi VC trá hình lúc ẩn lúc hiện, thì thử hỏi quân đội đồng minh của các nước sang Việt-nam làm sau mà biết nổi …lúc nào VC là dân và lúc nào dân là VC ..!?
Một lần nọ đơn vị tôi bắt được hai người tù binh VC, tôi bảo người lính mở trói, tôi móc bao thuốc lá ra hút và chìa bao thuốc ra mời hai người tù binh; tôi vừa quay lưng đi thì nghe có tiếng súng nổ, quay lại, tôi nhìn thấy một trong hai người tù binh đang oằn oại trên vũng máu, còn người kia thì đang bị hai người lính đè người xuống đất. Lợi dụng lúc được cởi trói, một trong hai người tù binh đã toan giật quả lựu đạn đang mang trên mình của một anh lính đang đứng gần đó định cho nổ tung. Có lúc đơn vị của tôi bắt sống được vài anh du kích VC, họ bị trói thúc ké, hai cùi chỏ bị buộc ra phía sau lưng, đi chân đất, mặc quần đùi, người mặc áo, người ở trần, mặt mày sưng vù … Tôi nhìn mà cảm thương cho họ, nhưng tôi không thể giúp gì được! Chiến tranh..phải lạnh lùng và có lúc..mình cũng phải tàn nhẫn nữa ..! Chỉ tội thương cho người dân quê hiền lành chất phát là nạn nhân muôn đời cho thời cuộc loạn ly của đất nước.
Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, gần cuối đường quê hương bùn mềm nầy có nhiều người chưa hề được nhìn thấy bóng đèn điện, trong khi loài người đang sống trên cùng một mảnh đất chỉ cách nơi đây vài chục cây số ở các nơi khác đã và đang hưởng tiện nghi vật chất hơn, ở nơi xứ sở khác đã và đang có một đời sống văn minh vật chất hiện đại sung túc từ lâu, họ đã phóng người đi thám hiểm lên đến mặt trăng. Đi đến những nơi khỉ ho cò gáy nầy mới chứng kiến tận mắt cái nghèo khổ của người dân quê, họ sống cùng cực thiếu thốn hơn sự tưởng tượng của mình. Có nhiều gia đình còn đống khố bằng bao bố hay vật dụng khác có được. Chiến tranh đã tạo nên những vùng đất của quê huơng tuy gần ..mà xa xôi thăm thẳm không ai muốn đi tới, không ai muốn biết và để ý đến. Những con người không được may mắn sinh ra và lớn lên ở nơi đó cũng bị quên lãng như những bải đất hoang vu bùn sình họ đang ở. Tôi gặp một gia đình hai vợ chồng chỉ có một bộ quần áo bà ba màu đen quí nhất, thay phiên với nhau chỉ mặc vào những dịp quan trọng như đi đó đây, còn con cái thì mình trần cả ngày hì hụp ngụp lặng nơi những chổ có nước để bắt tôm cá ..Cuộc sống của họ thật là đơn giản, ngày hai bữa chỉ lo được no bụng.
Bùa ngải, tin hay không tin?
Một lần hành quân bắt được đám người tình nghi VC. Trong đám có một cụ già để râu càm dài đến ngực, khi được tra hỏi, cụ khai là cư dân cư ngụ vùng nầy đã lâu và là “Thầy bùa lỗ ban”. Ban 2 của Tiểu đoàn (ban Quân báo) nghe vậy bèn trình lên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng (TĐT), lúc đó tôi là sĩ quan hành quân của Tiểu đoàn. T/tá TĐT của tôi còn trẻ, ông 32 tuổi, vì muốn tò mò tìm hiểu thật giả ra sao, ông bèn ra lệnh cho lính dẫn ông cụ tới để ông tra hỏi. Đứng hiện diện tại đó ngoài tôi ra còn có mặt một vài sĩ quan khác cùng một số lính tráng theo bảo vệ.
T/tá TĐT hỏi liền khi vừa gặp ông cụ:
-Ông già .. ông là Thầy bùa lỗ ban hả? Bùa phép gì của ông linh ứng thế nào ..ông có thể làm cho tôi xem được không?
Ông già đáp lời ngay:
-Trình Thiếu tá, nếu ông muốn xem thì tôi xin làm cho ông xem ..
Nói đoạn ông cụ đảo mắt nhìn quanh khu vực chỗ chúng tôi đang đứng. Không có gì cả, ngoại trừ vài miếng lá tạm bợ dùng che cái nhà tắm dã chiến gần bờ sông. Ông cụ xin phép được đi đến nhà tắm gần bờ sông. T/tá TĐT đồng ý và phái một người lính đi theo ông đến nhà tắm.
Bọn tôi đứng im lặng theo dõi xem ông cụ làm gì...
Ông đến cái cửa nhà tắm lấy ngón tay trỏ vẽ vẽ chi đó một vài cái, đoạn lăm răm nói gì đó, không ai nghe được. Năm phút sau ông trở lại đứng trước mặt chúng tôi và nói:
-Nào ..bây giờ tôi muốn T/tá cho một người mang nước vào trong đó tắm, khi trở ra T/tá và các ông sẽ thấy có những điều lạ, tôi không nói trước.
T/tá TĐT bán tin, bán nghi, ông nhìn sang chúng tôi như muốn dò hỏi ý, không thấy có ai lên tiếng, ông xoay qua người lính đi theo ông cụ lúc nãy và ra lệnh:
-Thằng Tín, mầy lấy cái thùng xuống sông sách nước vào tắm cho tao coi ..
Tín dạ, vâng lệnh thi hành. Tín vào xối nước tắm độ vài phút thì mở cửa trở ra… mình trần không mặc quần áo! Tín giậct mình quay trở vào.., rồi lại đi trở ra như cũ. Tín cứ lập đi lập lại nhiều lần như vậy..
Ông cụ từ từ đi dến nhà tắm dùng ngón tay trỏ vẽ vẽ chi đó và lăm răm khấn vái..Tín trở ra khỏi cửa nhà tắm lần nầy có mặc quần đùi.
-Thằng Tín đến đây. T/tá TĐT lên tiếng ra lệnh.
-Dạ! Tín đáp lời và tiến đến trước mặt chỗ ông TĐT và chúng tôi đang đứng ..
T/tá TĐT lên tiếng hỏi:
-Tại sao mầy cởi truồng đi ra vào nhà tắm vậy..Giỡn mặt hả?
-Dạ..thưa T/tá ..em nhớ ..em có mặc quần mà ..,khi ra khỏi cửa nhà tắm mới biết mình chưa mặc quần, em trở vô mặc quần lại ..rồi khi ra khỏi cửa mới thấy chưa mặc quần ..em trở vô mặc quần lại .. chớ em đâu dám giỡn mặt Thiếu tá và các sĩ quan ở đây ..
Ông cụ nhìn anh lính tên Tín rồi quay sang hỏi T/tá TĐT:
-T/tá có muốn cho một người khác vào nhà tắm nữa không ?
Một ông Hạ sĩ người Việt gốc Miên đứng gần đó giơ tay tình nguyện:
-Xin phép T/tá cho tôi đi ..
-Được rồi, mầy vào thử xem. T/tá gật đầu chấp thuận.
Anh Hạ sĩ lấy cái thùng xuống cây cầu gỗ cạnh mé sông múc đầy thùng nước và đi vào nhà tắm, miệng tươi cười nhìn đám người đang quan sát có vẻ tự tin. Một lúc sau anh trở ra, khoe cái thân hình ..mốc khến đen thui đen thủi không một mảnh vải che...và cũng lập đi lập lại những động tác của anh lính tên Tín lúc nãy. Ông cụ lại vẽ vẽ và lăm răm khấn cho anh trở ra được che lại.
Lần nầy thì T/tá TĐT ra lệnh cho ông Thượng sĩ tên Mân, một người thân tín của ông lấy cái thùng múc nước vào nhà tắm. Thượng sĩ Mân trong vài phút sau cũng…khoe của quí đi ra đi vào, tạo cho mọi người đang có mặt đứng nhìn có được những trận cười hả hê….
Ông cụ cũng phải đến cứu Thượng sĩ Mân. Xong ông đến trước mặt T/tá TĐT hỏi:
-Nào ..bây giờ T/tá có muốn thử không?
T/tá TĐT không trả lời ông mà ông quay sang hỏi mọi người đang đứng:
-Sao, quí vị sĩ quan ..có ai muốn ..thử không ?
Nghe im lặng, không có ai lên tiếng. Ông vừa cười, vừa chửi thề bâng quơ nho nhỏ, đoạn nói với Thầy bùa lỗ ban:
-Ông già, tôi tin ông có bùa, nhưng mà ông đừng có dùng bùa ngải để hại người. Tôi tha cho ông đi.
Ông già cám ơn, cáo từ và quay lưng đi.
Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh
Thanh niên ở những miền khác của đất nước bị ngọn gió chinh chiến cuốn đến xứ nầy ai cũng lo xa mang theo thuốc xức tránh muỗi cắn, tránh đỉa đeo. Tôi cũng có lần bị thiên hạ hù rằng muỗi ở xứ cuối đường quê hương to bằng ..con gà mái! Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như banh! Mà quả có thật là muỗi kêu như sáo thổi. Muỗi con nào con nấy to bằng hạt lúa và có màu vàng nâu. Hành quân vào những vùng sâu, ban đêm mắc màn (mùng) ngủ mà lỡ thò tay ra khỏi màn thì muỗi bu đầy như phủ lên tay lớp sơn màu vàng nâu đậm, dùng bàn tay kia vuốt tay bị muỗi đeo một cái thì cảm thấy..nhớt nhợt và từ màu vàng nâu xậm đổi sang nước sơn màu máu đỏ!
Tôi có tính..sợ đỉa, cho nên tôi lúc nào tôi cũng có một người lính đi sau lưng để kiểm soát “quân phong quân kỷ” nhìn từ lưng cho tới chân để bắt đỉa.
Lội dưới nước, đỉa đeo nhiều khi mình không có cảm giác, phần tâm trí lo tập trung đề phòng địch quân phục kích tấn công, vả lại đỉa đeo bám vào quần áo lính vải dầy cũng khó mà hút máu được, trừ khi đỉa chui vào ống quần và ..từng bước từng âm thầm đi ngược lên miền thượng. Đang đi mà cảm thấy ..ngứa ngứa ở đâu đó, phản ứng tự nhiên là thò tay gãi gãi nơi chổ ngứa, nếu ngón tay có cảm giác chạm phải cái khố u nho nhỏ và mềm mềm.., đích thị là đỉa đang bám! Nếu đang ở dưới nước thì phải rán gồng mình hiến máu chờ leo lên được bờ đất mới ..tuột quần ra bắt đỉa. Mấy anh chàng ..sợ đỉa như tôi, sợ đỉa hơn sợ..con gái, khi biết mình đang bị đỉa đeo thì quýnh quán đi nhanh tìm chổ khô ráo như gà mắc đẻ và tuột quần với một tốc độ...phi thường để bốc con đỉa ra khỏi thân thể của mình. Nhiều khi gặp con đỉa loại chằng ăn, không bám ở những chổ dễ thấy mà chui vào những vùng ..bất khả xâm phạm khiến cho kẻ bị hiến máu không tài nào tìm ra, phải khổ sở nghiêng mình đủ các thế để nhờ bạn đồng đội bắt đỉa dùm, tôi nhìn mà không thể nín cười được! Cũng may cho tôi, chưa có lần nào biểu diễn các các màn sexy..nóng bỏng và không lấy tiền như vậy cho thiên hạ xem.
Khổ cho thân lính bộ binh miền sình lầy sông rạch, mỗi lần đi hành quân bước ra phải dầm mình cả ngày dưới nước. Những ngày tháng nắng thì đỡ rét, gặp phải những tháng gió bấc cuối năm trời lạnh, 4giờ sáng đã chuẩn bị cơm nước ăn cho no bụng rồi mang ba lô nón sắt súng đạn bắt đầu di hành; đường hành quân phải lội nước, vượt qua sông rạch, qua những bải sình rồi lại lên bờ quần aó ướt đẫm, gặp gió hiu hiu thổi ..lạnh rùng mình! Tôi đi hành quân ngoài bộ quần áo lính, đầu đội nón sắt, còn mặc thêm chiếc áo giáp nặng trình trịch, mỗi lần từ dưới nước bò lên bờ, nước thấm vào áo giáp nặng cả vài kí lô. Tôi không gồng gánh theo ba lô và đầy đủ cấp số đạn dược như các binh sĩ khác mà cũng cảm thấy muốn…lết bánh! Sau nầy tôi điếc không sợ súng nữa, không mặc áo giáp, đầu chỉ đội nón sắt và khoác lên mình chiếc áo ba-dờ suy để che gió lạnh. Ông Thượng sĩ quân y thấy vậy tặng cho tôi một hộp thuốc viên calcium, mỗi sáng trước khi xuất hành tôi uống vào hai viên để chóng lạnh.
Thà chết giữa rừng mai …
Nhưng bị đỉa cắn, bị muỗi cắn chỉ trong chốc lát thì mình lấy lại bình thường, còn tỉnh táo để mỗi lần có phép còn biết đường đi về thăm nhà, chớ bị ..con gái xứ nầy “cắn”..là hết biết đường về nhà!
Đi hành quân trong rừng sâu thì bị đỉa đeo, muỗi đeo theo cắn. Đóng quân ở nơi những chổ có nhà dân chúng hoặc là lâu lâu được nghỉ dưỡng quân mò về chơi nơi Thị trấn có chợ búa, không khéo giữ mình sẽ bị các cô gái..cắn cho một vết đau ngọt ngào thấu tận tới tim…
Mấy ông Quan trẻ tuổi đi chinh chiến miền xa lúc nào cũng hấp dẫn không những đối với các cô gái mà còn được cảm tình luôn cả những người lớn tuổi. Các cô hảnh diện được có bạn, người yêu hoặc chồng là sĩ quan. Các ông các bà nhà có con gái đến tuổi cặp kê hảnh diện trong tương lai được làm ông bà già vợ của Quan, cho nên khi đặt chân đến vùng đất nầy tôi đã được nghe câu nói truyền khẩu vừa triêu chọc các cô gái:
-“Thà chết giữa rừng mai, còn hơn chết trong tay cánh gà “
Rừng mai: có ý ám chỉ cấp Sĩ quan, đeo bông mai theo cấp bực.
Cánh gà: là các anh Hạ sĩ quan từ Trung sĩ trở lên đeo cấp bực giống như chữ V bên tay áo trái có hình dạng như cái cánh gà bị chặt trước khi bỏ vào nồi nước xôi luộc chín để ..nhậu.
Em nào gặp Quan, mắt cũng chớp lia chớp lịa, đi đứng sửa tướng làm dáng để mong được lọt vào mắt xanh của mấy ông Quan trẻ ngơ ngác lâu ngày hành quân miệt mài trong rừng rậm ít khi thấy bóng đàn bà. Các Quan già cũng ..ké được những “hường nhan” dư thừa của đám Quan trẻ. Các em không cần biết Quan có người yêu, có vợ con hay chưa, cứ lăn xả vào vòng tay của Quan và vui sướng được ..dẫy chết giữa rừng mai, rồi sau đó tới đâu thì tới! Kết quả là vùng nầy đã sáng tác ra một bài hát sửa lời nhái theo bài nhạc “Những đồi hoa sim” của nhạc sĩ Dũng Chinh mà không biết ai là tác giả?
“Những đồi hoa Sim..,
Ôi những đồi hoa Sim.. tím chiều hoang biền biệt …
vào chuyện ngày xưa nàng yêu ông Thiếu úy có bầu nên ..phá thai …”
Không biết ông Thiếu úy nào đã… .
Một số các Quan trẻ đến từ thành phố, ở rừng lâu ngày đã quên đi mùi thơm son phấn của thành thị hay vì vướng bụi quân hành và mãi mê quanh quẩn với rừng lá thấp, với bùn sình lầy lội của kẻ lãng du đời sương gió ở “cuối con đường quê hương bùn mềm …thương những chiều nắng dọi bờ sông ..” rồi có mặc cảm thành thị đã quên mình rồi, nên an phận chuộng nét đơn sơn mộc mạc của miền đồng chua nước phèn đỏ. Gọi là nước phèn đỏ là vì nhúng mình xuống nước đôi ba ngày, bộ quần áo sẽ đổi sang màu vàng nâu xậm, màu phèn ..
Có một lần ông tướng Nguyễn Vĩnh Nghi tư lệnh Quân Đoàn IV đến thăm đơn vị tôi, ông nhìn thấy chúng tôi từ Quan tới Lính người nào cũng ..vàng khè từ chân tới ngực! Ông đã lưu ý nói với người sĩ quan tùy viên việc nầy. Một tuần sau khi ông Tướng viếng thăm, chúng tôi được cấp phát thêm quân trang mới.
Người yêu của Lính
Tôi có người bạn tên Phát, lúc trước học ở Khoa Học có “đào” học bên Sư Phạm trông nõn nà đẹp đẽ. Chàng và nàng yêu nhau ra rít thuở còn đi học. Sau khi Phát bị động viên đi lính, nàng thường xuyên có mặt trong đám thân nhân đến quân trường gặp gỡ người yêu. Khi Phát ra trường đổi đi đơn vị tác chiến, họ ít khi gặp nhau, chỉ liên lạc qua thư từ….
Một lần dừng quân nơi ở xóm nhỏ xa xôi, Phát bị thôn nữ tên Nở cắn và ..Phát cắn lại trả đũa. Nở tự nguyện trở thành tù binh tình ái, thỉnh thoảng trốn gia đình đến thăm Phát ở nơi đóng quân của đơn vị tôi, hai người chia sẻ gói cơm xấy, hộp cá mòi quân tiếp vụ, đêm tối chất chung võng, sống với nhau như vợ chồng.
Tôi và Phát thân nhau, cùng đơn vị và.. cùng quê, thằng ở Sàigòn, thằng ở Hốc Môn-Gia Định. Hai thằng ở khác Đại Đội. Những ngày không có công tác hay đi hành quân, hai đứa thường gặp nhau ngồi tán dóc, nói chuyện trời trăng mây nước cho đỡ buồn đời lính trận xa nhà.
Có lần tôi tò mò hỏi Phát chuyện yêu đương:
-Mầy định bắt cá hai tay hả..?
Phát kéo thuốc lá một hơi dài, thở phì nhả khói vừa nói:
-Không! Lần tới về phép tao dẫn Nở theo ra mắt ông bà già tao ..
Tôi hỏi Phát:
-Còn con Liên ..mầy tính sao?
Phát trầm buồn, đưa mắt nhìn về hướng lô cốt chằng chịt hàng rào kẻm gai một lúc .rồi chậm rải thố lộ tâm sự của mình:
-Tao yêu Liên lắm, nhưng ..Liên giờ..chỉ là cái bóng thôi! Nở mới thật sự là vợ của tao, vì Nở đã thấy con người và cuộc đời thực của tao, cuộc sống thực của tao..Nở đã yêu những cái hiện có của tao và chấp nhận chia sẻ cuộc đời sương gió với tao rất thực thà, không so đo, cân nhắc…
-Mầy có lần nào cầu hôn với Liên chưa?
-Lúc trước còn đi học và sau khi vào quân trường tao cu ũng có ý định nầy, nhưng
sau đó tao dẹp ..không nghĩ tới nữa.
-Vì sao?
-Hồi xưa thì khác, bây giờ thì khác. Tao không nói xấu đám con gái ở thành phố, nhưng mầy cũng phải công nhận là họ.. khi yêu thì đi tìm những chàng trai hào hùng, có đủ nét phong sương phong trần để thỏa mãn những mộng mơ và .. chỉ để cặp tay dạo phố thôi, chớ lấy chồng thì cô nào cũng tìm mấy anh chàng nước da trắng bóc, mặt.. búng ra sữa, dân được miễn dịch vì mọi lý do, có bằng cấp, có nghề nghiệp vững vàng để ..” Một bước lên xe hơi, em khỏi phí cuộc đời” còn như nếu lấy Lính.. thì cũng là lính “tác chiến trong thành phố”, lính Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát, lính lúc nào cũng mặc quần áo ủi hồ láng coóng chớ ngu sao mà chịu làm hòn vọng phu hoá đá, hay là theo chồng đến những nơi như vầy, đêm ngủ nằm ghế bố, nằm võng nhà binh. Phát ngẩu hứng làm bài thơ con cóc ngâm nga:
Sống hùng sống mạnh, sống hỏng dai!
Dạo phố thì em thích cặp tay
Mũ xanh, mũ đỏ hay Thần Tiễn
Phi công, Biệt kích mới đáng tiền ..
Sánh bước cùng chàng để làm duyên
Dung dăng ..cho thoãi mộng ước nguyền
Trai hùng trận mạc xa trường lỡ
Đi mãi không về ..gặp thuyền quyên!
Lấy chồng ..thì chàng phải có tiền
Có nhà, việc tốt, có xe riêng
Có quyền, có tước, không đi lính
Thế mới là duyên, khỏi phí đời ..
Tuổi xuân phơi phới chỉ một thời
Làm nàng chinh phụ ..uổng quá thôi!
Người đi biền biệt, người trông ngống
Hoa tàn nhụy héo tháng năm trôi ..
Nếu lỡ trót yêu chiến sĩ rồi!
Chỉ yêu, chỉ mộng, chỉ thế thôi
Người đi ..một nửa hồn không mất
Một nữa hồn kia vẫn enjoy ..
Tôi vẫn là tôi của cuộc đời ..
Tôi vẫn là tôi vẫn thảnh thơi….
Tôi nghe Phát nói mà chạnh lòng với cái hiện tại chẳng đặng đừng phải chấp nhận.
Tôi nói với Phát và cũng tự an ủi mình:
-Mấy cô ở thị thành quen ngủ nằm giường nệm êm ái, chỉ biết có chiếc giường nệm thôi chớ chưa thử ngủ võng nhà binh. Nằm đong đưa trên võng nhà binh cũng êm ái bềnh bồng và đê mê lắm…lại còn được nghe âm thanh của tiếng súng từ xa vọng lại như tiếng đàn guitar đi solo, rồi thỉnh thoảng nghe tiếng nổ ùm ùm của đạn pháo như tiếng bass đệm…,bản nhạc hòa tấu nầy đâu phải nơi nào cũng có!
Phát giọng trầm buồn, chia sẻ tâm trạng với tôi:
-Tao lúc mới ra đơn vị, tối nằm nghe loại nhạc nầy, tim đập mạnh, cứ thao thức khó ngủ. Tao để cây M16 đạn lên nòng kế bên, gài chốt an toàn với lại dây ba chạc gắn mấy băng đạn và vài trái lựu đạn đế sẵn ..Giờ thì quen rồi, đêm nào không nghe ..thấy buồn!
Tôi hỏi Phát:
-Chừng nào mầy đi phép?
-Hai tháng nữa. Tao định một lần đến thăm Liên, chào giã biệt.
-Mầy nghĩ Liên sẽ buồn khi chia tay với mầy không?
-Không! Hai đứa xa mặt đã lâu, tao nghĩ cũng đã xa cách lòng, vả lại Liên đâu có hứa hẹn chờ tao. Ở thành phố có biết bao nhiêu thằng nhởn nha nhở nhơ đi theo em tán tỉnh. Khó tính đến đâu thì trong mười thằng đi theo ít ra cũng có một thằng trông bắt mắt coi được hơn chín thằng kia, lúc mình vắng mặt, nó cứ lết tới lết lui sáng đưa chiều đón, cứ ca bài con cá sống vì nước thì làm sao mà em không xiêu lòng? Mình ở xa không có được cái lợi thế như mấy thằng ở gần. Không chừng gặp lại Liên, thấy em đã tay bế tay bồng…
Tôi nói với Phát:
-Mầy có nhiều tưởng tượng và bi quan quá...
Phát lên giọng quả quyết;
-Đó là sự thật. Mình phải tỉnh táo mà nhìn thấy, nếu không sẽ khổ vì vỡ mộng sau khi biết được sự thực phủ phàng nàng đã âm thầm ôm dầm sang thuyền khác không một lời từ giã …
Tôi cười, vừa nói với Phát:
-Mình tìm chỗ trao thân gởi phận trước cho chắc ăn hả?
Phát cười tán đồng ý kiến:
-Đúng vậy đó bạn. Tiền thì có thể san sẻ cho mọi người sài, nhưng tình thì không được, mà đã vướng vào tương tư thất tình thì bạn ráng mà ôm sài một mình.
Phát đã có cách và có chỗ để giải quyết tình cảm của mình hợp thời và thực tế với hoàn cảnh hiện có. Tôi không biết điều nầy có làm cho hắn thật sự được thoải mái và an ổn trong tâm tư hay không? Bức bình phong người thôn nữ tên Nở có đủ sức để chắn được những trận cuồng phong như bão táp thổi tới tấp làm cho xiêu vẹo gãy cành cây mơ trong lòng hắn? Những cơn sóng cao ngất dồn dập cuốn đi ngôi lầu đài trên bãi cát trong lòng hắn? Hình ảnh yêu kiều của Liên cùng với chuỗi ngày dài kỷ niệm của mối tình học trò thơ mộng bỏ lại thành phố sau khi hắn xếp áo thư sinh từ giã kinh kỳ, làm bạn với gió sương trên bước đường quân hành ngày đây mai đó..?
Tôi liên tưởng đến những tâm tư thầm kín của mình đang cất dấu trong lòng…
Cả một khung trời kỷ niệm ngày rời thành phố tôi mang theo trong lòng không biết mỏi ..cũng nặng nề chẳng kém chiếc ba lô nhà binh tôi mang trên vai, không biết rồi đây những ngày sắp đến sẽ ra sao? Sẽ có một ngày tôi còn được may mắn đứng ở bến sông nhìn bóng dáng người thương của mình cầm dầm “nhảy” sang thuyền khác hay là nàng “phi thân” một cách âm thầm nhẹ nhàng và êm ái không nghe tiếng động như các nữ tài tử Hồng Kong đóng phim đánh chưởng quần áo nai nịt gọn gàn, sau lưng mang thanh trường kiếm nhún mình một cái toàn thân bay bổng lên mái nhà..!? Nhảy hay là phi thân, cách nào ..tim tôi cũng bị trúng phi tiêu có tẩm độc do nàng phóng ngược lại, chất độc sẽ từ từ ngấm vào máu và tôi sẽ tha hồ mà rên rỉ, tận hưởng đau thương, ôm con tim nhỏ máu mà không ai chia sẻ được với tôi món quà tặng đặc biệt nầy..
Phát nhìn tôi dò hỏi:
-Nhật-Hạ còn gởi thư đều cho mầy không?
Tôi thở dài, trả lời Phát;
-Còn ..nhưng thư viết rất vắn tắt. Có lúc thì nói đang bận học thi, có lúc thì nói tại tay đau không viết nhiều được, có lúc nhờ người chị viết dùm …
- …….
Phát làm thinh, móc gói thuốc ra đưa cho tôi lấy một điếu, nó lấy một điếu đặt lên môi
đoạn châm lửa cho tôi và nó. Tôi hít một hơi dài rồi nhả khói, vừa thả tâm sự với Phát:
-Lần về phép kỳ rồi tao đến nhà em, hai đứa đi ciné, ăn kem, đi bát phố..
-Vậy thôi hả ..? Phát hỏi.
-Ừ …
-Có để lại cho em những kỷ niệm nào đáng nhớ không?
-Đại khái thôi …
Phát nóng lòng hỏi:
-Mầy nói rỏ chi tiết cho tao nghe có được không ?
Tôi đáp lời Phát nửa kín nửa hở:
-Thì ..ai làm sao ..tao làm vậy ..
Phát như bị cuốn vào câu chuyện, hỏi nhanh:
-Địch có phản ứng gì không…?
-Không ..chỉ có du kích bắn lẻ tẻ bắn cầm chừng cho có lệ ..
-Phe ta có nổ súng không?
-Có.. 1 whisky .. được băng bó tại chổ.
Phát cười khoan khoái, lên giọng dạy đời:
-Vậy ..mầy đáng được thưởng Anh dũng bôi tinh với ngôi sao ..chì. Nhưng mà như vậy không ổn, địch quân sẽ phục kích đơn vị bạn để trả thù vì.. đã xung trận, đã đổ máu, đã ngửi được mùi thuốc súng mới hăng hơn lúc chưa đụng trận.
Tôi phụ họa thêm:
-Như vậy thì hên cho đơn vị bạn nào đóng quân gần đó ..
Phát vừa nói vừa cười:
-Hay không bằng hên đó mầy, mấy thằng lù khù có ông cù độ mạng..
Tôi nói giọng xụi lơ, vừa thất vọng và tiếc rẻ với Phát:
-Độ mạng hay không độ gì ..thì tụi nó cũng được vô mánh tốt, chớ ở hậu phương còn ai
nữa đâu? Thằng chột mắt đương nhiên được làm vua ở cái thế giới mù. Trông được trai, không xức cẳng gãy gọng như tao với mầy thì đã được Tổng thống chiếu cố…
Phu nhân ông Tiểu đòan trưởng của tôi năm đó đúng muời tám tuổi. Bà Alfa còn trẻ măng, là nữ sinh học lớp 11 của trường Trung học Cà-mau. Nghe nói bị Alfa xỏ mũi dẫn đi năm 17 tuổi!
Từ khi rước được nàng về dinh, Alfa cất kỷ phu nhân, gởi về ở nhà làm dâu cho ông bà cụ, còn ..thỉnh thoảng tối tối nằm chung võng với Alfa nghe ban nhạc “chiến chinh” hòa tấu thì đã luân phiên thay đổi có các người yêu của lính.
Lâu lâu bà Alfa hạ cố đến thanh tra, thăm chồng vào những lúc đơn vị về nằm dưỡng quân ở hậu cứ Tiếu đoàn, mấy thằng em theo hầu Alfa phải làm việc overtime mệt không nghỉ, dọn dẹp chiến trường không bỏ xót một manh giáp nào, kể cả một sợi tóc rụng.
Bà Alfa nước da trắng, gương mặt tròn trĩnh, dáng dấp nữ sinh qua mái tóc thề thướt tha buông xõa bờ vai, vẻ mặt trông ngây thơ con gái, phản phất nét e ấp sẻn lẻn như cảm giác có ai đó biết được mình đã nếm chút mùi đời.
Cứ mỗi lần phu nhân đến thăm, Alfa hảnh diện dắt đi ..duyệt binh, chào các sĩ quan tham mưu và binh sĩ trong tình huynh đệ chi binh, nhưng cặp mắt thì làm việc không ngừng để đề phòng đám quan trẻ độc thân ngưỡng mộ phu nhân đang thầm lặng thả những tia mắt khó hiểu nhìn ngắm chầm chập…
Alfa tuy tuổi đời mới ngoài 30, nhưng gương mặt dầy dạn phong trần, nước da thắm sương nắng và bụi quân hành trông như ông cụ non cở năm mươi lấy lên. Ông còn có cái tật thích ngậm ống vố, chắc là thói quen đã lâu của các quân nhân tác chiến hút thuốc ban đêm để che đóm lửa lóe sáng lên cứ mỗi lần hít, nếu không VC ẩn núp đâu đó nhìn thấy tàn thuốc cháy, nhắm bắn sẻ ..bể gaó dừa như chơi! Phu nhân đứng gần ông nhìn giống như hai cha con! Nhưng Alfa vẫn còn mang tâm hồn của trai mới lớn. Ông rước đào nhí về nhà làm vợ, điều đó đủ chứng minh ông chỉ ..trông héo có cái vỏ bề ngoài chớ mọi thứ bên trong vẫn còn ngon lành. Nhưng có ai mà biết được những ưu điểm đó của người đàn ông, các cô gái đa phần chỉ nhìn đám đàn ông con trai qua diện mạo mặt mũi với những lời nói ngọt ngào hứa suông hứa cụi và bộ quần áo bề ngoài. Alfa hơn được những thanh niên trẻ khác nhờ.. “xâm mình” và ve áo nhà binh có cái bông mai bạc nằm hiên ngang trên tấm p-s-p vàng khè bên dưới. Ông biết đàn hát văn nghệ nghêu ngao, ông chơi guitar classic 5 ngón một vài bản ruột, người mới nghe qua cứ tưởng ông là một nhạc sĩ nhà nghề. Ở hậu cứ của Tiểu đoàn cũng như lúc đi hành quân, ông luôn luôn có thằng em kề cận lẽo đẽo đi sau lưng, không mang súng mà quảy cái thùng đựng cây đàn guitar và lúc nào cũng lao chùi bóng loáng. Lúc điều quân đánh giặc, lên máy liên lạc với các Đại đội, ông chửi nhoi trời, từ quan tới lính, Má của thằng nào cũng bị ông ..”làm” láng! Nhưng khi hết giặc, dừng quân, ông hiền ..như “ông Cha”, nói năng ngọt ngào, ngồi đánh đàn lủm bủm và thả hết tâm hồn cất lên lời ca chan chứa qua những bản nhạc tình ướt nhẹp mà người nghe như có cảm tưởng ông đang trang trải, đang xì hơi xả bớt cho đỡ căng phòng cái nỗi lòng thầm kín nào đó, cho nhẹ người...
Cứ mỗi lần cầm đàn lên dạo, giọng của ông khàn khàn nhưng tha thiết:
“Anh vuốt tóc em,
Anh vuốt tóc em một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi …
Anh ngắm trăng thanh trên má em xanh..một lần cuối ..,như những lần đó xa xưa ..
Em khóc bên vai anh …em khóc bên vai anh
một lần cuối ..,một lần cuối cùng
Để còn thấy gần nhau lần cuối ..
Một lần cuối cùng thôi em ơi!
Một lần cuối cùng thôi em ơi ..!
Thế là mãi mãi xa nhau
Thế là nước mắt thương đau
Thế là mãi mãi ..và mãi mãi tình sầu …”
Bản nhạc mà ông thường hát nhất, ông hát nhiều lần, hát hoài đến nỗi tôi nghe thuộc lòng bài “Một lần cuối” của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ. Ông Trung úy Trưởng ban 3 nghe riết bản nhạc nầy đâm ra phát chán, ông nói giỡn với tôi:
-Con nào vô phước làm đào của ông đạo vuốt ..chắc một hai tháng trở thành ni cô, lông tóc rụng mẹ nó hết ..!
Có khi đã quá nửa đêm tôi lại nghe ở bên hầm chỉ huy của ông có tiếng đàn và tiếng than thở văng vẳng một mình:
“Vết lăn ..vết lăng trầm…
hằn trên phiến đá ..nấu thêm ưu phiền.
Như có lần ..tình buồn hằng dấu chân..
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về
Quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong ..
Người chợt nhớ ..mình như đá .., đá lăn, vết lăn buồn ….
….. ..
Thôi ..ngủ yên đi con, ngủ đời yên đi con
Che dấu thân đau dạ mòn …
Ngủ đời yên đi con..,như vết thương đau ngủ buồn…
…………………..
Rồi một hôm ..chợt thấy hoang vu quanh mình ..
Tôi và Alfa có cái duyên văn nghệ! Một bữa nghỉ dưỡng quân ở căn cứ, tôi xa quê hương nhớ.. đào già, mang cây harmonica ra làm vài bản cho đỡ buồn, tình cờ ông đi vòng vòng kiểm soát doanh trại nghe được tiếng kèn ai oán bèn tìm đến ngồi nghe. Ông rủ tôi về hầm chỉ huy chổ ông ở, ông mang cây guitar ra khoe với tôi và biểu diễn cho tôi nghe một vài bản ruột romantic mà tôi biết. Ông nói chuyện với tôi rất nhiều về thời trẻ của ông, ông còn khoe cho tôi biết ông có hai cô em gái hiện đang học đại học Văn khoa ở Sàigon.
Tôi từ một người Trung đội trưởng tác chiến được ông kéo về cho làm Sĩ quan phụ tá hành quân lấp vào thế chổ cho một sĩ quan tại chức vừa giã từ quân nhân, giã từ vũ khí trong một cuộc hành quân chạm địch hồi tháng rồi. Với chức vụ nầy, tôi lúc nào cũng kề cận, theo Bộ chỉ huy Tiểu đòan lúc đi hành quân cũng như lúc về căn cứ đóng quân của Tiểu đoàn. Tôi ăn cơm chung với ông hằng bữa khi đi hành quân cũng như lúc nghỉ quân, trừ những ngày phu nhân của ông đến thăm, tôi viện cớ .. đi chổ khác chơi để cho ông được có những giờ phút riêng tư với bà xã, mặc dù tới bữa ăn ông cho lính đi tìm tôi gọi ơi ới. Tôi là người được nghe ông hát cũng như nghe ông chửi nhiều nhất, vì các sĩ quan khác và lính tráng đâu có ai ở gần bên ông ngoài ông Trung úy Trưởng ban 3, tôi, ông Trung sỉ Nhất trực máy và mấy thằng em lính theo phục vụ cơm nước, sai vặt. Khi ông bực bội chửi đỗng thiên hạ, tôi và ông Trung úy Trưởng ban 3 nghe dùm người ta đầy lỗ tai.
So về nhan sắc thì Alfa thua là kể chắc, không sánh được với mấy ông Quan trẻ tuổi mới vừa nhuốm chút phong sương bụi chiến chinh, nhưng còn phản phất nét thư sinh nho nhã .. . Alfa đã từng xông pha nơi chiến trường và tình trường, kinh nghiệm ra chiến trận phải nắm vững tình hình địch và bạn, đánh nhau không phải lúc nào cũng thắng, lúc nào cần phải “chém vè”, lúc nào phải ” bỏ giò lái ”, lúc nào thả trinh sát bò đến chiếm cứ những yếu điểm quan trọng, lúc nào ào ạt tấn công chiếm mục tiêu ..và “trói thúc ké, bịt mắt tù binh”, thế nào cho an toàn khi bắt được tù binh, vì nếu chỉ sơ ý lơ đễnh trong một vài giây phút thì hậu quả khó lường như ông đã từng san sẻ những kinh nghiệm thực tế đó với tôi và các bạn lính khác.
Bà Alfa cũng như phu nhân, người yêu của các Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ ở xa lâu lâu đến thăm chồng thường thường là vào những ngày đầu tháng để tiện việc sổ sách. Các ông lính vừa mới lảnh lương hôm trước, hôm sau các bà ùn ùn kéo tới thăm. Một hai đêm chất chung nằm ngủ ghế bố nhà binh hay kẽo kẹt chung võng để trút bầu tâm sự rồi sáng dậy sớm ôm trọn hồ bao dong mất, trong khi các ông lính vẫn còn đang ngẩn ngơ cơn mộng du …Lính mừng bà xã, mừng người yêu xa “biệt kinh kỳ” đổ đường tới thăm mình có mang theo cái “sự đời” để trao đổi chuyện đờI; lính buồn vì quí phu nhân đến thăm chồng lại cầm theo “cây cờ đỏ”, khiến cho lính phải đành…phơi “củ cải”, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt!
“Quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Đàn ông đi lính, đàn bà lãnh lương“
Tội nghiệp cho đám đàn ông đi lính ngày đêm lặng lội với gió sương với hiểm nguy mà còn phải lo nuôi vợ nuôi con ở hậu phương. Lỡ không may hy sinh thân mình đền nợ núi sông, thì vợ được lảnh 12 tháng lương tiền tử. Bà vợ già nào có con cái đông thì phải chịu nheo nhóc nuôi con thờ chồng, quả phụ nào còn son trẻ, tươi mát, ướt át thì tương lai bước thêm một bước nữa để tìm người bạn đời khác.
“Thiếu úy nhìn em ..Thiếu úy cười ..
Em nhìn Thiếu úy …lệ em rơi,
Chồng em mới chết Thiếu úy ơi!
Lương 12 tháng , em lãnh đủ
Lãnh lương rồi mời Thiếu úy tới chơi.”
Trong hàng ngũ sĩ quan, cấp quan Thiếu úy có lắm chuyện ..Nào là:“Vào chuyện ngày xưa… nàng yêu ôngThiếu úy, có bầu nên phá thai.. !” Rồi .. cũng ông Thiếu úy giàu lòng thương người châm châm nhìn người quá phụ còn son trẻ.. cười tình lúc chồng của người ta vừa mới chết, khiến cho người ta nóng ran mình mẩy, bước đi mà ..quíu chân chịu không nổi phải hứa hẹn: “Lãnh lương rồi mời Thiếu úy tới chơi”
Quan Chuẩn úy, Thiếu úy được quí phụ nữ để ý tới nhiều là vì xứng đôi vừa lứa so với tuổi tác. Đa số quan Chuẩu úy, Thiếu úy tuổi trong khoảng từ 21 đến 25, gió bụi chiến chinh chưa phủi sạch được nét thư sinh còn ẩn hiện phản phất trên gương mặt son trẻ. Là lính mới, mang súng ống mới, đa số còn độc thân, còn ôm bầu nhiệt quyết, còn lý tưởng, còn lãng mạn mộng mơ, còn yêu đương nồng nhiệt và tha thiết. Lên cấp Trung úy có tuổi đời, tuổi lính, thịt da đã ngấm gió sương, hơi lẩn thẩn một chút, thỉnh thoảng không nhớ mình đã .. bỏ quên cái “nón sắt” trên bờ lao sậy nào? “Nòng súng” bắt đầu rỉ sét, đã có chút kinh nghiệm và ít nhiều đụng chạm với đời. Có một số đã lập gia đình, tìm được ông Trung úy nào còn độc thân thì anh đó ít nhất cũng đã trải qua một hai mối tình dang dở hoặc đang có người yêu. Bên xứ mình thuở đó ít nghe ai nói đến tình trạng pê-đê trong lính. Từ cấp Đại uý trở lên thì đại đa số ông nào hoa cũng cắm bình, vợ con đầy đàn, đầu đầy sạn, không dễ dàng chớp chớp mắt đưa tình cho Đại úy mà được nhận lại như đưa cho Chuẩn úy, Thiếu úy hay Trung úy; đưa cho Đại úy..coi chừng mất luôn cả chì lẫn chày!
Các cô truyền miệng nhau:
“Lấy anh Thiếu úy còn thơ
Anh đi đánh giặc, mình chờ lên lon
Ba năm chinh chiến anh còn
Trở về mai nở véo von với đời….”
“Lấy anh Thiếu úy còn thơ
Anh đi đánh giặc mình chờ lên lon
Lõ mà Thiếu úy không còn ..!
Em thành quả phụ còn son lo gì …
Thấy anh Trung úy em thương
Nhưng em ..còn ngại gió sương cuộc đời..!”
Miền đất cuối thoạt nghe cứ ngỡ là chỉ có bùn sình muỗi mồng và đỉa vắt. Con gái ớ xứ muối ngoài các thôn nữ vì sinh kế phải dầm sương dãi nắng, bị tàn phá dung nhan, đa số các cô trắng trẻo dịu dàng dễ thương và rất văn nghệ đa tình lãng mạn, có cả một vườn thơ và trong hòan cảnh nào cũng ..phóng thơ ra cho được. Mơ cũng thơ, mộng cũng thơ, yêu cũng thơ mà ..chồng chết cũng thơ thẩn..
Sống hùng, sống mạnh, sống không dai …
Tôi ra trường mang cái Quay Chảo (lon Chuẩn úy nhìn giống như cái quay chảo), về trình diện đơn vị chung với 11 người bạn cùng khóa. Chưa đến 6 tháng mà đã có 5 người .. quá giỏi, được đặc biệt lên cố Thiếu úy trước bạn bè, rồi từ từ tụi nó lũ lượt kéo nhau lên lon. Một năm rưởi sau, đúng ngày con kén trở thành tầm, bông búp nở thành hoa theo danh sách chính thức của bộ Tổng tham Mưu gởi xuống đơn vị chỉ còn có 3 thằng, 2 thằng còn đang táy máy với súng đạn, một thằng ngồi xe lăn, bất khiển dụng vì đã gởi lại chiến trường sình lầy một chân.
Tôi may mắn được Alfa kéo về BCH của Tiểu đoàn, sau hơn sáu tháng nắm Trung đội trưởng, tôi đã nướng mất 4 thằng em. Đi theo BCH Tiểu đoàn mỗi lần hành quân, tôi đi ớ giữa, lính thì cầm súng, còn tôi thi cầm bản đồ địa bàn và ống liên hơp truyền tin liên lạc với các đơn vị bạn và các Đại đội. Trước sau, phải trái đều có quân, nếu có chết thì lính chết trước rồi mới đến tôi, trừ trường hợp bị pháo rớt nổ ngay BCH, chớ nếu không có lẽ tôi cũng đã được “ Lên lon giữa hai hàng nến lung” từ lâu. Cứ mỗi lần xung trận, các Đại đội rải quân đi trước, các ông Trung đội trưởng là những người cầm quân hứng đạn, cho nên đa số các Tân sĩ quan mới ra trường nắm Trung đội, đó là một thử thách nguy hiểm. Ai vượt qua được trong sáu tháng đầu, không được tổ quốc ghi ơn tặng cho Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu và đặc cách thăng chức cho lên “Cố” là khá rồi, sau đó rút tỉa kinh nghiệm xương máu, học hỏi thêm cách né đạn. Nhưng đạn tránh mình chớ mình đâu có thấy đạn đi đường nào mà né! Sự hiểu biết và kinh nghiệm tác chiến học hỏi từ quân trường chỉ là cơ bản nhỏ nhoi so với thực tế đầy những tình huống phức tạp của chiến trường. Người lính nào cũng thắm nhuần câu: “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đã gắng công ra sức tập luyện. Tuy nhiên chơi dao có ngày đứt tay, giỡn với súng đạn hằng bữa thì cũng gặp ngày súng đạn giỡn lại với mình ..
Nhớ lần đụng trận đầu tiên, đạn đi âm thanh nghe véo véo trên đầu mà tôi cứ như người điếc không sợ súng, cứ dõng lưng đi tới. Lính tráng cứ tưởng đâu..gặp người hùng thứ thiệt! Ông Hạ sĩ Nhất mang máy truyền tin phải kéo tôi nằm xuống tránh đạn. Rồi một lần khác, đạn bắn xuống mặt đất ..xịt bụi lên, tôi lại lom khom định nằm xuống, xém chút nữa là đạn xuyên qua nón sắt bể gáo dừa!
Trong chiến tranh, con người ở hai phía thù địch đã suy nghĩ ra nhiều phương cách để tiêu diệt lẫn nhau rất quỉ quyệt và tàn nhẫn không bút mực nào diễn tả cho hết.. Khi giao tranh nơi chiến trường đôi bên xử dụng những vũ khí đạn dược, bom đạn có sức công phá mãnh liệt hũy diệt nhau cho đến vận dụng mưu kế sắp đặt mìn bẫy hầm chông, chất độc hóa học...
Tôi đã nhiều lần đứng lặng người nhìn những cỗ quan tài bao phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Bạn bè và những người lính cùng đơn vị của tôi nằm trong đó an giấc nghìn thu mà thi thể kẻ thì mất đầu mất tay, người banh ruột vỡ lồng ngực, thân thể còn lắm tấm bùn sình vừa được lấy xác từ chiến trường về và những người lính Chung sự tạt nước xối rửa sơ sài trước khi tẩm liệm. Tôi nhiều lần đứng lặng, câm họng không thốt nên được một lời gì để an ủi những người vợ, người mẹ, người thân của các bạn bè, chiến sĩ trong đơn vị hy sinh đền nợ nước.
Lần sau cùng tôi rời khỏi đơn vị nơi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên, là lần tôi đứng nghiêm đưa tay run run chào vĩnh biệt trước linh cửu của Alfa, cấp chỉ huy và cũng là người anh trong quân đội đã dìu dắt tôi, kề cận tôi, chia sẻ hiểm nguy, vui buồn đời lính. Bà Alfa đầu chít khăn tang trắng đứng ôm đứa con nhỏ còn đỏ hỏn chưa đầy tháng khóc thút thít ở một góc bên những tấm liễn và tràng hoa phúng điếu chia buồn cùng gia đình người quá cố. Tội nghiệp đứa bé chưa biết mặt cha thì cha của nó đã ra người thiên cổ.
Giỡn với súng đạn là điều chẳng đặng đừng! Alfa đã dầy dạng chiến trường mà cũng không né được trái đạn B40 của VC lúc hai bên đánh sáp lá cà, bắn gần khiến cho ông bị mất một phần thân thể, ra đi bỏ lại các chiến hữu của mình, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con vừa chào đời chưa kịp thấy mặt. Trận đó, nếu tôi không đi phép.. có lẽ tôi cũng đã đi theo Alfa về bên kia thế giới. Người lính mang cây đàn không đi theo ông Thầy của mình, tôi thấy anh ngồi ủ rủ ở một góc bàn gần đó. Một số sĩ quan lớp chết trận, lớp bị thương nặng nhẹ, đa số binh sĩ chết trận và bị thương nặng chở về nằm la liệt. Thằng Phát thì bị thương nơi tay, tôi vào Quân Y Viện thăm nó và những người thương binh trong đơn vị đang nằm điều trị.
Gặp tôi Phát vui mừng:
-Ê, Hotel .. mầy hên lắm đó! Nếu không mầy lên lon trước tao là kể chắc. (tên tôi chữ H, trong đặc lịnh truyền tin chữ H gọi là Hotel). ĐM ..! Tụi nó tới 2 Tiểu đoàn quyết lòng dứt điểm mình. Tụi tao xả láng hết kẹo, hết lựu đạn rồi sáp lá cà múa kiếm như ciné…
Tôi thấy Phát trong giờ phút nầy mà nó còn giỡn được, nên hỏi đùa với nó:
-Mầy múa kiếm với VC cái hả?
Phát cười méo xẹo nói:
-Phải gặp VC cái cũng đỡ, đâu có kiếm đế đâm tao. ĐM ..,tao vật lộn với cái thằng chết bằm, nó để cho tao một nhát .. đau thấy mấy ông trời! Tao cũng..lịch sự tặng lại nó một nhát, nó nằm xui cò...
Chợt Phát nghiêm mặt lại, giọng buồn hỏi tôi:
-Mầy đã xuống Nhà Vĩnh Biệt chưa?
-…Rồi ..Tôi đáp nhỏ.
Phát nhìn tôi tròng mắt đỏ hoe, im lặng một lúc rồi nói:
-ĐM ..,kỳ nầy theo ông theo bà hết ráo! Đám thằng Trường bên Đại đội 2 cũng tiêu luôn.. .Tiểu đoàn của mình chắc phải đi hấp lại..
Tôi im lặng nhìn Phát, mình nó chỉ mặt có chiếc quần màu xanh lam của bệnh viện, cởi trần, một cánh tay đang quấn băng trắng và lõm chõm băng keo dán trên mặt, trên ngực để che đậy những vết thương lớn nhỏ vì miểng lựu đạn, vì lưỡi lê đâm, mà lòng mình quặng đau ..Phát được trực thăng tìm thấy và mang nó về cứu sống kịp lúc.
Tôi lo lắng cho Phát, tôi hỏi nó:
-Mầy có tin cho gia đình biết mầy vào đây chưa?
-Chưa, tao không muốn, sợ ở nhà lo.
-Cô Nở có vào thăm mầy không?
-Có, mỗi ngày từ lúc tao vào đây.Từ sáng ở tới tối, bịnh viện đuổi mới về. Nở mới vừa đi mua thức ăn thì mầy đến.
Thằng Phát cũng được an ủi khi có người yêu của lính kề cận chăm sóc, nâng khăn sửa súng, chuyện trò cho đỡ buồn đời lính xa nhà và trong lúc gặp hoạn nạn. Cô Nở không may mắn vừa đưa tay chạm phải cánh mai ..thì hoa mai đã héo úa thê thảm, nhìn phát chán..không biết cô có nản lòng không?
Tôi ngồi nhìn mông lung ra cửa sổ. Hành lang của bệnh viện qua lại những người thương bịnh binh, kẻ chống nạng khập khểnh, người đang ngồi trên xe lăn, người thì đang ngồi cô đơn nhìn trời hiu quạnh ..Họ đã trở về đây từ các mặt trận và một số đã gởi lại vùng đất cuối con đường quê hương bùn mềm nầy một phần thân thể. Thằng Phát và đám người kia rồi đây sẽ được đưa ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa phân loại thương phế binh tùy theo cấp độ tàn phế cho giã từ vũ khí. Còn tôi, không biết những ngày sắp đến sẽ ra sao .. khi mà tôi ngày ngày vẫn còn tiếp tục trao đổi ân thù bằng súng đạn với những người bên kia khác chiến tuyến?
Tháng Tư.. dang dở..!
Tôi lái xe honda chở Hoa ra bến xe đò Bạc-Liêu để đưa nàng đi Sàigon chuyến xe sớm nhất buổi hôm ấy vào khoảng gần giữa tháng Tư năm 75, trời vừa hừng đông sáng, phố xá vẫn còn chập chờn chưa tỉnh giấc, hơi sương lạnh phủ đầy lên mặt tôi. Tôi cho xe đi chầm chậm, tay mặt nắm tay lái, còn tay trái tôi nắm chặt lấy bàn tay của Hoa đang ôm choàng qua bụng tôi. Hoa ép sát người vào lưng tôi như để truyền sang cho tôi hơi ấm..,như để bấu víu, níu kéo thêm hơi hướm hạnh phúc mà nàng lưu luyến tiếc nuối vì trong khoảnh khắc ngắn ngủi sắp đến nàng phải tạm lìa xa tôi …
Hoa thì thầm bên tai tôi, tiếng nói của nàng thỉnh thoảng bị tiếng gió ù ù loãng đi, tôi phải hơi nghiêng đầu qua kề tai mình gần mặt của nàng.
-Anh à, em đi Sàigòn lâu lắm là một tuần sẽ trở về. Em cố gắng thu xếp công việc nếu xong sớm em sẽ về sớm..chớ xa anh..em nhớ anh lắm! Em không muốn ở trển lâu đâu..
Tôi xiết mạnh bàn tay của Hoa như thầm nói với nàng tôi cũng có cùng tâm trạng nhớ thương:
-Em về Sàigòn nhớ ghé lại nhà anh để thăm gia đình dùm anh nghen, cả năm rồi anh chưa có phép về thăm nhà.
-Dạ! Dù cho bận rộn cách mấy em cũng ráng thu xếp ghé thăm để ..ra mắt gia đình của anh mà ..
Nói xong Hoa cười khúc khích và tay bóp mạnh vào bụng tôi. Tôi lên tiếng hỏi Hoa:
-Địa chỉ nhà của anh đưa cho em, em đà cất vào bóp rồi hả?
-Dạ ..rồi.
Tôi vẫn còn lo lắng cho Hoa ra đi giữa lúc tình hình đang trong cơn dầu xôi lửa bỏng, nhưng vì công việc buôn bán của gia đình, nàng chẳng đặng đừng phải làm cái công việc mà nàng vẫn phải làm hàng tháng trước đó, trước và sau ngày tôi và Hoa gặp nhau; hàng tháng nàng phải đi Sàigòn để mua thêm hàng hóa và liên lạc với những dịch vụ có liên hệ đến công ăn việc làm hiện có. Đây là lần đầu tiên tôi muốn trình diện Hoa với gia đình tôi sau thời gian hai đứa quen nhau. Không như những lần đi Sàigòn trước đó của Hoa, lần nầy tôi cảm thấy lo lắng, không yên trong lòng. Tôi dặn dò Hoa:
-Tình hình đang lúc rối ren lắm, em phải cẩn thận nghen. Nếu mà Việt-cộng có phá đường, đấp mô hay giật xập cầu thì em không nên đi, quay trở lại.
-Dạ ..,em biết. Anh an tâm.
Tôi phụ mang cái valise quần áo và cái giỏ xách tay đựng linh tôm khô, lạp xưởng, khô cá mặn, đặc sản của xứ “muối “ Bạc-Liêu mà Hoa mua mang theo để tặng cho gia đình tôi lúc nàng ghé thăm lên xe và đặt để vào cái ngăn đựng hành lý, xong tôi ngồi cạnh bên nàng ở cái ghế trống kế bên chưa có ai ngồi. Hoa ngả đầu dựa vào vai tôi, tôi hôn lên mái tóc xõa lòa xòa của nàng, cố thu hút vào buồng phổi của mình với một lượng chứa tối đa hương vị quyến luyến yêu thương quen thuộc để dự trữ cho những ngày sắp đến, khi vắng nàng. Tôi rời nàng và bước xuống xe sau nụ hôn môi vội vả mà Hoa e thẹn vì mắc cỡ, sợ có người chung quanh nhìn thấy, vì ở cái xứ gần tận cùng của đất nước, nơi mà chín mươi tám phần trăm quí bà miệng còn nhai trầu ngỏm ngoãm, xỉa qua lại cục thuốc rê, khi giận ai, lấy cục thuốc chọi vào mặt, nạn nhân sẽ bị rổ mặt.. mà thấy được một kẻ dám biểu lộ tình yêu theo kiểu “Tây phương” trước công chúng, ai cũng tò mò muốn nhìn xem nó thế nào!
Tôi đứng lặng nhìn Hoa đang lẫn khuất, lao xao trong đám hành khách ngồi trên chiếc xe đò cho đến lúc xe rời bến. Tôi thấy nàng như cố gượng ngóng nhìn lại tôi và giơ tay vẫy nhẹ chào tạm biệt. Tôi vẫy tay chào lại. Không biết ngồi trên xe chật nức người chen chúc, Hoa có thấy tôi vẫy tay chào nàng hay không? Lần vẫy tay chào đó là lần chào vĩnh biệt! Tôi và Hoa vĩnh viễn xa nhau.
Hoa đi rồi, tôi chợt buồn, lo lắng cảm thấy luyến lưu mất mát nàng. Tôi trở lại đơn vị của mình làm việc. Từ ngày tôi bị thương nhẹ trong một lần chạm súng với Việt-cộng, nằm ở bệnh viện Bạc-Liêu, xuất viện tôi được đổi về phục vụ nơi không tác chiến ở gần Thị xã. Phố xá Bạc-Liêu đối với tôi vẫn còn xa lạ, mặc dù vùng đất cuối con đường quê hương nầy tôi đã in dấu giầy ở khắp mọi nơi trên bước đường hành quân.
“Bạc liêu nắng bụi mưa bùn”
Trong một ngày nắng bụi của Thị xã Bạc-Liêu, có người lính trẻ đi chinh chiến miền xa, chiến y và giầy trận đã vướng bụi đường sương gió, nay lại vương vấn vướng thêm..bụi hồng của vùng đất xa lạ.
Tôi gặp Hoa, gia đình nàng có cửa hàng mua bán ở phố chợ Thị xã Bạc-Liêu nhân một bữa tôi đến mua vài thứ cần dùng và vì cảm mến cô bán hàng nên cà kê dê ngỗng cho đến lúc cô đóng cửa tiệm, tôi tình nguyện dọn dẹp đóng cửa dùm cô. Cô chủ thấy tôi siêng năng giỏi dắn, cho nên kể từ hôm ấy cô đã “chấm” tôi, chọn làm người mở cửa và đóng cửa hàng cho cô suốt đời ..và tôi, tôi cảm thấy vui sướng, hạnh phúc được làm công việc ấy. Tôi cảm thấy mình không còn cô quạnh nữa, mỗi buổi chiều tôi có được chỗ dừng chân nơi cái tỉnh lẻ xa xôi gần cuối dãy đất của quê hương yêu dấu “Bạc liêu nắng bụi mưa bùn, dưới sông cá Trốt, trên bờ Triều Châu”, như hai câu thơ dân giả mà tôi có lần nghe được khi vừa đặt chân đến đất nầy. Tôi cảm thấy ấm lòng, được an ủi nơi xứ lạ quê người và liên tưởng đến những viễn ảnh tương lai hạnh phúc tốt đẹp đang chờ đón mình chớ không như những ngày đầu mới đến đây, tôi rão bước lang thang giữa phố chợ, lúc đó, tôi cũng không biết mình đi đâu và cứ quanh đi quẩn lại la cà ở nơi các quán cà phê bên vỉa hè, hút vài điếu thuốc lá lẻ..
Hoa đi Sàigòn được ba ngày thì quốc lộ 4 bị cắt đứt ở địa phận tỉnh Long-An, nàng không thể trở về Bạc-Liêu được, đành phải nán lại Sàigòn chờ.
Sau khi Tổng thống Dưong văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh yêu cầu tất cả quân đội buông súng, tôi cùng chung số phận như các Quân, Cán, Chính của miền Nam Việt- nam, âm thầm tự động rả ngũ trong tâm trạng hoang mang bức xức..
Sáng ngày 30/4/75 bộ đội và du kích Việt cộng địa phương vào tiếp thu tỉnh Bạc- Liêu; đàn ông, đàn bà, con nít đi chân đất, vai mang súng AK lũ lượt kéo nhau tiến về các cơ quan chính quyền Tỉnh để “tiếp thu”. Một số dân “Cách mạng 30” tay mang băng vải màu đỏ đi tới lui để hướng dẫn đường. Tôi đứng bên lề đường nhìn làn sóng người hỗn độn vừa đi vừa chạy vô trật tự trên con đường chính của Thị xã mà lòng quặn đau cho một cuộc đổi đời và những viễn ảnh tương lai đen tối sắp đến của đất nước nầy không biết sẽ đi về đâu?
Tôi đến nhà của Hoa từ giã Mẹ cùng các anh chị em của nàng tôi trở về Sàigòn. Rạng sáng sớm hôm sau, tôi cùng người bạn lính đón xe honda ôm đi ra bến xe để về Sàigòn. Chúng tôi phải nhiều lần xuống xe, đổi xe, trút bỏ các giấy tờ và đồ đạc mang theo, chỉ giữ lại tấm căn cước dân sự để trình cho đám ngườì đứng dọc đường mang súng AK sét hỏi. Sau khi qua bắc Mỹ-Thuận vào khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, xe đi một đổi nữa đến Long Định- Mỹ Tho thì khúc lộ bị chắn ngang, tất cả xuống đì bộ. Tôi về đến Sàigòn vào khoảng rạng sáng hôm sau. Dọc đường đi, tôi nhìn thấy xác chết nằm ngổn ngang, xác xe cộ cháy, cảnh đồ đạc vung vãi của người bỏ của chạy lấy thân.
Gia đình tôi vui mừng thấy tôi còn sống sót trở về trong cơn biến loạn.
Sáng hôm sau, cả nhà quay quần chung quanh chiếc bàn tròn ăn sáng, mẹ tôi như sực nhớ, bà quay sang tôi nói:
-Hai tuần trước có cô Hoa ..nói là bạn của con ở Bạc-Liêu đến thăm ba mẹ. Cô bé thật là dễ thương ..
-Dạ đúng, con có nhờ cô Hoa đến thăm gia đình mình ..
Mẹ tôi nhìn tôi, bà tiếp lời:
-Con nói thật cho ba mẹ nghe, con đà có tình ý gì với Hoa chưa để ba mẹ thu xếp đến gặp gia đình của Hoa.
Không có gì qua mắt được mẹ của tôi, tôi đành phải thú thật cho gia đình biết tôi và Hoa đã yêu nhau. Cả nhà tôi ai cũng tán thành.
Ba tôi đưa ra ý kiến:
-Chờ vài hôm nữa tình hình yên ổn, ba với con đi Bạc-Liêu.
Tôi nghe ba tôi nói mà rộn rã trong lòng ..
Tôi đi trình diện với chính quyền mới theo lệnh ban hành đối với cựu quân nhân của chế độ cũ, được ban Quản huấn Thành Phố cấp cho giấy chứng nhận tạm, tôi chưa dám đi đâu vì tình hình chưa ổn thì lại có thông báo cho tất cả các cựu sĩ quan cấp Úy và viên chức chánh quyền cũ chuẩn bị khăn gói 10 ngày trình diện đi “học tập cải tạo” để am tường chính sách của nhà nước. Tôi cũng như những người cùng chung số phận chuẩn bị khăn gói trình diện đi “học tập cải tạo”…và đi luôn không hẹn ngày trở lại!
Mãi đến mấy năm sau, khi tôi được Cộng sản phóng thích cho về gia đình, phải chịu
sự quản chế của chính quyền địa phương và không được phép cư trú tại Thành phố, Thị xã. Lúc nầy gia đình của tôi đã rời Sàigòn đi về quê, thay gì đi Vùng Kinh Tế Mới được chỉ định theo kế hoạch của nhà nước. Tôi về nhà được ba hôm, nghe ba mẹ tôi thuật lại, cô Hoa có trở lại Sàigòn tìm tôi một ngày sau khi tôi đi trình diện “học tập cải tạo” và nàng đã khóc nức nở, vì đến trễ, không gặp được tôi. Nhớ đến Hoa, tôi vội vã viết gởi về người Bạc-Liêu lá thơ với một hy vọng mong manh nào đó…Tôi nhờ qua địa chỉ của đứa em chớ không dám ghi tên họ của mình vì bản thân tôi đang bị “quản chế” (tù tại chỗ )sợ đám công an địa phương theo dõi. Gần hai tháng sau, tôi nhận được lá thư hồi âm gởi từ Bạc-Liêu:
Anh Minh,
Nhận được thư của anh em sững sờ, tưởng như mình đang nằm mơ. Em mừng anh được trở về sum hợp với gia đình chấm dứt những ngày anh lang thang khốn đốn, nhưng nước mắt em tuôn trào…Em khóc! Khóc vì ..anh trở lại với em ..quá muộn màng!
Em đã mõi mòn đợi chờ tin anh, em mấy lần trở lại thành phố để tìm gặp gia đình anh, nhưng gia đình anh đã dời chỗ ở đi nơi khác. Em đã khóc rất nhiều lúc xa anh và đã sống trong niềm hy vọng mong manh ngày gặp lại anh trong buối giao thời, ở cái khung cảnh và sinh hoạt cũ..,nhưng vắng bóng người xưa!
Minh ơi!…
Chinh chiến đã mang anh từ một nơi xa xôi đến Bạc- Liêu với em, mang đến cho em những ngày thật hạnh phúc của thời con gái mộng mị yêu đương và e ấp chuyện lứa đôi, được có anh bên em, rồi ngày thanh bình của đất nước (?)đã mang anh đi.. vĩnh viễn xa em…! Em đã mất tất cả, chỉ còn lại trong em cái bóng hình của anh, một người lính trận hôm nào khoác áo phong sương, chiến y nhuốm màu đồng chua nước đỏ. Anh ra đi, bỏ lại cho em một khung trời kỷ niệm ..cùng những ước mơ héo hắt theo từng ngày trông ngống tin anh ..!
Anh Minh ơi, vì hoàn cảnh, em đã lập gia đình và có một con (bé gái, cháu vừa tròn 3 tháng), em gởi tặng anh hình con gái đầu lòng của em.
Minh ơi,
Nếu kiếp nầy mình có duyên mà không có nợ, thôi đành hẹn nhau kiếp khác nghe anh. Bạc-Liêu dầu trong cơn nắng bụi hay mưa bùn trơn trợt, lúc nào và mãi mãi có người con gái thiết tha yêu chàng lính chiến. Anh đã rũ áo phong sương đượm thắm bụi đường của Bạc-Liêu những ngày nắng chứa chan, anh đã cởi bỏ đôi giầy trận lấm bùn sình của quê em vào những ngày mưa dầm lầy lội …, xin anh hãy giữ lại một chút ân tình nầy của em nghen anh …
Mãi mãi em yêu anh
Hoa
Hỡi người Bạc Liêu ơi ..! Hỡi cuộc đời dâu bể …
Ôi ..! tháng Tư dang dở..
Dạo đó khoảng năm 1973, tôi theo đơn vị đi hành quân ở khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc-liêu và Cà-mau thuộc vùng 4 chiến thuật. Nơi nầy hoang vu, toàn là đầm lầy nước mặn, những bãi sình non và rừng cây mắm ngút ngàn…Dân cư thưa thớt, đi gần cả buổi mới gặp được một gò đất cao có vài căn nhà lợp lá dừa nước, nghèo nàn, trống trước trống sau, bên hông của mỗi căn nhà thường thường có một hay hai cái lu chứa nước mưa để uống; thỉnh thoảng gặp được một xóm nhà chừng vài chục cái, thường thường là tọa lạc gần nơi ngã ba hay bên bờ các con sông, con kinh lớn, nơi đó có một hai cái quán cóc bán tạp hóa trông thiếu thốn èo uột..
Dân vùng nầy sống bằng nghề nông, câu tôm cá và bắt cua, phương tiện di chuyển của họ là chiếc xuồng ba lá nhỏ để len lỏi trôi nổi tới lui ở những đường nước, nơi những mương rạch chật hẹp; có khi họ dùng một miếng ván mỏng khoảng ¼” chiều dầy, 1’ chiều ngang và dài độ 3’. Đàn ông mặc chỉ có chiếc quần đùi cởi trần, phụ nữ mặc áo bà ba màu bùn đen ngắn tay, mặc quần đùi, có khi quần dài săn vén lên hơn khỏi đầu gối, một bên vai đeo cái giỏ đựng cá đan bằng nan tre, họ đứng bám chân vào miếng ván và uốn mình lấy thế để cho miếng ván luớt đi qua những bải bùn non rộng lớn mênh mông trông giống như dân các xứ lạnh trợt tuyết mùa Đông.
Bọn lính tráng chúng tôi đầu đội nón sắt, vai mang ba lô, mang súng đạn, di chuyển qua những bãi sình, chân bước từng bước nặng nề, không thể mang giầy boot da cổ cao như lính ở các miền khô ráo đồi núi cao nguyên mà mang giầy vải buộc dây, cổ thấp hoặc giầy map làm bằng vải nylon nhẹ, không hút nước; vậy mà đi qua những bãi bùn có khi giở chân lên ..chiếc giầy bị lún sình không chịu lên theo! Càng cố dầm mình xuống nước tìm chiếc giầy thì lại càng tạo cơ hội tốt cho đám đỉa trâu bu lại hút máu. Đỉa ở đây nổi tiếng nhiều như bánh canh, con nào cũng to hơn ngón tay cái, màu nâu xám, con thì màu đen, hai bên hông có viền lằn vàng óng ánh; anh nào đẹp trai, hào hoa phong nhã được khoảng ba, bốn nàng đỉa đeo theo thì không tài nào trách khỏi…xây xẫm mặt mày! Lính đi hành quân vùng nầy phải chấp nhận thương đau, phải chấp nhận hiến máu và tắm sình như cua trong hang; bùn sình non bám vào áo quần, gặp nắng lên khô lại ví như mình đang mặc bộ giáp sắt.
Sông rạch chằng chịt, dân chúng di chuyển đó đây theo những thủy lộ lớn nhỏ. Quân di chuyển bằng xuồng ghe thì dễ bị VC phục kích tấn công, những đường nước cạn khi thủy triều xuống không thể dùng xuồng ghe tàu thuyền, dân địa phương sáng chế ra một loại xuồng gắn máy đuôi tôm chiều ngang nhỏ, nhưng có chiều dài để len lỏi, lao lách đi qua các con rạch chật hẹp gọi tên là “vỏ vọt” hay “tắc ráng”, nhưng lắm lúc tắc ráng cũng không thể hoạt động được khi nước quá cạn. Lính đi trên bờ đất thì sợ đạp lôi, đạp mìn bẫy, đạp lựu đạn của VC gài. Hể nghe một tiếng nổ “ùm” vang lên là ..chắc chắn có người đạp mìn hay là bị vướng lựu đạn. Bị nặng thì…giã từ quân nhân, giã từ vũ khí, giả từ cuộc đời ngay tại chỗ, còn nhẹ thì ..gởi tặng lại miền đất cuối một hay hai chân hoặc là một tay, một mắt. Khổ sở và tội nghiệp, đau lòng khi nhìn thấy cả người lính bị thương mất một phần thân thể đang oằn oại đau đớn rên la lẫn người lính còn lành lặng đang cố gắng è ạch khiên bạn đồng đội của mình trong hoàn cảnh, địa thế khó khăn tới một chỗ khô ráo đủ điều kiện cho phi cơ trực thăng tải thương đáp xuống được để bốc thương binh và xác chết. Có khi thường đã chết trước khi được trực thăng đến bốc!
Khu vực rừng U-Minh là căn cứ địa sầm uất của Việt Cộng (VC), rừng rậm, đầm lầy và hiểm trở, nơi ấy để dưỡng quân và là hậu cần tiếp tế hơn là đánh đấm, ngoại trừ khi bị quân ta tấn công. Các đơn vị VC ít khi nào đụng độ với quân ta ở cấp đơn vị lớn cỡ Trung đoàn, thường thường là chạm nhau ở cấp Tiểu đoàn và Đại đội. Binh sĩ người Việt một số ở những miền khác bị động viên vào quân đội được điều động đến đây, một số là người dân địa phương có cả người Việt gốc Miên vào lính được phục vụ gần nguyên quán; thỉnh thỏang các binh sĩ người Việt gốc Miên nói chuyện với nhau bằng tiếng “nước ngoài” mình nghe không hiểu gì hết!
Lợi dụng địa thế sẵn có,VC đánh du kích nhiều hơn là trận địa chiến, lối đánh nầy gây …nhức đầu cho quân ta vì nó đa hình đa dạng, mình không biết địch ở đâu, khi nào là VC, khi nào là dân thường và ta có thể bị họ tấn công bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và bằng đủ mọi cách. Mình là người Việt Nam mà còn không biết nổi VC trá hình lúc ẩn lúc hiện, thì thử hỏi quân đội đồng minh của các nước sang Việt-nam làm sau mà biết nổi …lúc nào VC là dân và lúc nào dân là VC ..!?
Một lần nọ đơn vị tôi bắt được hai người tù binh VC, tôi bảo người lính mở trói, tôi móc bao thuốc lá ra hút và chìa bao thuốc ra mời hai người tù binh; tôi vừa quay lưng đi thì nghe có tiếng súng nổ, quay lại, tôi nhìn thấy một trong hai người tù binh đang oằn oại trên vũng máu, còn người kia thì đang bị hai người lính đè người xuống đất. Lợi dụng lúc được cởi trói, một trong hai người tù binh đã toan giật quả lựu đạn đang mang trên mình của một anh lính đang đứng gần đó định cho nổ tung. Có lúc đơn vị của tôi bắt sống được vài anh du kích VC, họ bị trói thúc ké, hai cùi chỏ bị buộc ra phía sau lưng, đi chân đất, mặc quần đùi, người mặc áo, người ở trần, mặt mày sưng vù … Tôi nhìn mà cảm thương cho họ, nhưng tôi không thể giúp gì được! Chiến tranh..phải lạnh lùng và có lúc..mình cũng phải tàn nhẫn nữa ..! Chỉ tội thương cho người dân quê hiền lành chất phát là nạn nhân muôn đời cho thời cuộc loạn ly của đất nước.
Ở những nơi xa xôi hẻo lánh, gần cuối đường quê hương bùn mềm nầy có nhiều người chưa hề được nhìn thấy bóng đèn điện, trong khi loài người đang sống trên cùng một mảnh đất chỉ cách nơi đây vài chục cây số ở các nơi khác đã và đang hưởng tiện nghi vật chất hơn, ở nơi xứ sở khác đã và đang có một đời sống văn minh vật chất hiện đại sung túc từ lâu, họ đã phóng người đi thám hiểm lên đến mặt trăng. Đi đến những nơi khỉ ho cò gáy nầy mới chứng kiến tận mắt cái nghèo khổ của người dân quê, họ sống cùng cực thiếu thốn hơn sự tưởng tượng của mình. Có nhiều gia đình còn đống khố bằng bao bố hay vật dụng khác có được. Chiến tranh đã tạo nên những vùng đất của quê huơng tuy gần ..mà xa xôi thăm thẳm không ai muốn đi tới, không ai muốn biết và để ý đến. Những con người không được may mắn sinh ra và lớn lên ở nơi đó cũng bị quên lãng như những bải đất hoang vu bùn sình họ đang ở. Tôi gặp một gia đình hai vợ chồng chỉ có một bộ quần áo bà ba màu đen quí nhất, thay phiên với nhau chỉ mặc vào những dịp quan trọng như đi đó đây, còn con cái thì mình trần cả ngày hì hụp ngụp lặng nơi những chổ có nước để bắt tôm cá ..Cuộc sống của họ thật là đơn giản, ngày hai bữa chỉ lo được no bụng.
Bùa ngải, tin hay không tin?
Một lần hành quân bắt được đám người tình nghi VC. Trong đám có một cụ già để râu càm dài đến ngực, khi được tra hỏi, cụ khai là cư dân cư ngụ vùng nầy đã lâu và là “Thầy bùa lỗ ban”. Ban 2 của Tiểu đoàn (ban Quân báo) nghe vậy bèn trình lên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng (TĐT), lúc đó tôi là sĩ quan hành quân của Tiểu đoàn. T/tá TĐT của tôi còn trẻ, ông 32 tuổi, vì muốn tò mò tìm hiểu thật giả ra sao, ông bèn ra lệnh cho lính dẫn ông cụ tới để ông tra hỏi. Đứng hiện diện tại đó ngoài tôi ra còn có mặt một vài sĩ quan khác cùng một số lính tráng theo bảo vệ.
T/tá TĐT hỏi liền khi vừa gặp ông cụ:
-Ông già .. ông là Thầy bùa lỗ ban hả? Bùa phép gì của ông linh ứng thế nào ..ông có thể làm cho tôi xem được không?
Ông già đáp lời ngay:
-Trình Thiếu tá, nếu ông muốn xem thì tôi xin làm cho ông xem ..
Nói đoạn ông cụ đảo mắt nhìn quanh khu vực chỗ chúng tôi đang đứng. Không có gì cả, ngoại trừ vài miếng lá tạm bợ dùng che cái nhà tắm dã chiến gần bờ sông. Ông cụ xin phép được đi đến nhà tắm gần bờ sông. T/tá TĐT đồng ý và phái một người lính đi theo ông đến nhà tắm.
Bọn tôi đứng im lặng theo dõi xem ông cụ làm gì...
Ông đến cái cửa nhà tắm lấy ngón tay trỏ vẽ vẽ chi đó một vài cái, đoạn lăm răm nói gì đó, không ai nghe được. Năm phút sau ông trở lại đứng trước mặt chúng tôi và nói:
-Nào ..bây giờ tôi muốn T/tá cho một người mang nước vào trong đó tắm, khi trở ra T/tá và các ông sẽ thấy có những điều lạ, tôi không nói trước.
T/tá TĐT bán tin, bán nghi, ông nhìn sang chúng tôi như muốn dò hỏi ý, không thấy có ai lên tiếng, ông xoay qua người lính đi theo ông cụ lúc nãy và ra lệnh:
-Thằng Tín, mầy lấy cái thùng xuống sông sách nước vào tắm cho tao coi ..
Tín dạ, vâng lệnh thi hành. Tín vào xối nước tắm độ vài phút thì mở cửa trở ra… mình trần không mặc quần áo! Tín giậct mình quay trở vào.., rồi lại đi trở ra như cũ. Tín cứ lập đi lập lại nhiều lần như vậy..
Ông cụ từ từ đi dến nhà tắm dùng ngón tay trỏ vẽ vẽ chi đó và lăm răm khấn vái..Tín trở ra khỏi cửa nhà tắm lần nầy có mặc quần đùi.
-Thằng Tín đến đây. T/tá TĐT lên tiếng ra lệnh.
-Dạ! Tín đáp lời và tiến đến trước mặt chỗ ông TĐT và chúng tôi đang đứng ..
T/tá TĐT lên tiếng hỏi:
-Tại sao mầy cởi truồng đi ra vào nhà tắm vậy..Giỡn mặt hả?
-Dạ..thưa T/tá ..em nhớ ..em có mặc quần mà ..,khi ra khỏi cửa nhà tắm mới biết mình chưa mặc quần, em trở vô mặc quần lại ..rồi khi ra khỏi cửa mới thấy chưa mặc quần ..em trở vô mặc quần lại .. chớ em đâu dám giỡn mặt Thiếu tá và các sĩ quan ở đây ..
Ông cụ nhìn anh lính tên Tín rồi quay sang hỏi T/tá TĐT:
-T/tá có muốn cho một người khác vào nhà tắm nữa không ?
Một ông Hạ sĩ người Việt gốc Miên đứng gần đó giơ tay tình nguyện:
-Xin phép T/tá cho tôi đi ..
-Được rồi, mầy vào thử xem. T/tá gật đầu chấp thuận.
Anh Hạ sĩ lấy cái thùng xuống cây cầu gỗ cạnh mé sông múc đầy thùng nước và đi vào nhà tắm, miệng tươi cười nhìn đám người đang quan sát có vẻ tự tin. Một lúc sau anh trở ra, khoe cái thân hình ..mốc khến đen thui đen thủi không một mảnh vải che...và cũng lập đi lập lại những động tác của anh lính tên Tín lúc nãy. Ông cụ lại vẽ vẽ và lăm răm khấn cho anh trở ra được che lại.
Lần nầy thì T/tá TĐT ra lệnh cho ông Thượng sĩ tên Mân, một người thân tín của ông lấy cái thùng múc nước vào nhà tắm. Thượng sĩ Mân trong vài phút sau cũng…khoe của quí đi ra đi vào, tạo cho mọi người đang có mặt đứng nhìn có được những trận cười hả hê….
Ông cụ cũng phải đến cứu Thượng sĩ Mân. Xong ông đến trước mặt T/tá TĐT hỏi:
-Nào ..bây giờ T/tá có muốn thử không?
T/tá TĐT không trả lời ông mà ông quay sang hỏi mọi người đang đứng:
-Sao, quí vị sĩ quan ..có ai muốn ..thử không ?
Nghe im lặng, không có ai lên tiếng. Ông vừa cười, vừa chửi thề bâng quơ nho nhỏ, đoạn nói với Thầy bùa lỗ ban:
-Ông già, tôi tin ông có bùa, nhưng mà ông đừng có dùng bùa ngải để hại người. Tôi tha cho ông đi.
Ông già cám ơn, cáo từ và quay lưng đi.
Muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội như bánh canh
Thanh niên ở những miền khác của đất nước bị ngọn gió chinh chiến cuốn đến xứ nầy ai cũng lo xa mang theo thuốc xức tránh muỗi cắn, tránh đỉa đeo. Tôi cũng có lần bị thiên hạ hù rằng muỗi ở xứ cuối đường quê hương to bằng ..con gà mái! Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như banh! Mà quả có thật là muỗi kêu như sáo thổi. Muỗi con nào con nấy to bằng hạt lúa và có màu vàng nâu. Hành quân vào những vùng sâu, ban đêm mắc màn (mùng) ngủ mà lỡ thò tay ra khỏi màn thì muỗi bu đầy như phủ lên tay lớp sơn màu vàng nâu đậm, dùng bàn tay kia vuốt tay bị muỗi đeo một cái thì cảm thấy..nhớt nhợt và từ màu vàng nâu xậm đổi sang nước sơn màu máu đỏ!
Tôi có tính..sợ đỉa, cho nên tôi lúc nào tôi cũng có một người lính đi sau lưng để kiểm soát “quân phong quân kỷ” nhìn từ lưng cho tới chân để bắt đỉa.
Lội dưới nước, đỉa đeo nhiều khi mình không có cảm giác, phần tâm trí lo tập trung đề phòng địch quân phục kích tấn công, vả lại đỉa đeo bám vào quần áo lính vải dầy cũng khó mà hút máu được, trừ khi đỉa chui vào ống quần và ..từng bước từng âm thầm đi ngược lên miền thượng. Đang đi mà cảm thấy ..ngứa ngứa ở đâu đó, phản ứng tự nhiên là thò tay gãi gãi nơi chổ ngứa, nếu ngón tay có cảm giác chạm phải cái khố u nho nhỏ và mềm mềm.., đích thị là đỉa đang bám! Nếu đang ở dưới nước thì phải rán gồng mình hiến máu chờ leo lên được bờ đất mới ..tuột quần ra bắt đỉa. Mấy anh chàng ..sợ đỉa như tôi, sợ đỉa hơn sợ..con gái, khi biết mình đang bị đỉa đeo thì quýnh quán đi nhanh tìm chổ khô ráo như gà mắc đẻ và tuột quần với một tốc độ...phi thường để bốc con đỉa ra khỏi thân thể của mình. Nhiều khi gặp con đỉa loại chằng ăn, không bám ở những chổ dễ thấy mà chui vào những vùng ..bất khả xâm phạm khiến cho kẻ bị hiến máu không tài nào tìm ra, phải khổ sở nghiêng mình đủ các thế để nhờ bạn đồng đội bắt đỉa dùm, tôi nhìn mà không thể nín cười được! Cũng may cho tôi, chưa có lần nào biểu diễn các các màn sexy..nóng bỏng và không lấy tiền như vậy cho thiên hạ xem.
Khổ cho thân lính bộ binh miền sình lầy sông rạch, mỗi lần đi hành quân bước ra phải dầm mình cả ngày dưới nước. Những ngày tháng nắng thì đỡ rét, gặp phải những tháng gió bấc cuối năm trời lạnh, 4giờ sáng đã chuẩn bị cơm nước ăn cho no bụng rồi mang ba lô nón sắt súng đạn bắt đầu di hành; đường hành quân phải lội nước, vượt qua sông rạch, qua những bải sình rồi lại lên bờ quần aó ướt đẫm, gặp gió hiu hiu thổi ..lạnh rùng mình! Tôi đi hành quân ngoài bộ quần áo lính, đầu đội nón sắt, còn mặc thêm chiếc áo giáp nặng trình trịch, mỗi lần từ dưới nước bò lên bờ, nước thấm vào áo giáp nặng cả vài kí lô. Tôi không gồng gánh theo ba lô và đầy đủ cấp số đạn dược như các binh sĩ khác mà cũng cảm thấy muốn…lết bánh! Sau nầy tôi điếc không sợ súng nữa, không mặc áo giáp, đầu chỉ đội nón sắt và khoác lên mình chiếc áo ba-dờ suy để che gió lạnh. Ông Thượng sĩ quân y thấy vậy tặng cho tôi một hộp thuốc viên calcium, mỗi sáng trước khi xuất hành tôi uống vào hai viên để chóng lạnh.
Thà chết giữa rừng mai …
Nhưng bị đỉa cắn, bị muỗi cắn chỉ trong chốc lát thì mình lấy lại bình thường, còn tỉnh táo để mỗi lần có phép còn biết đường đi về thăm nhà, chớ bị ..con gái xứ nầy “cắn”..là hết biết đường về nhà!
Đi hành quân trong rừng sâu thì bị đỉa đeo, muỗi đeo theo cắn. Đóng quân ở nơi những chổ có nhà dân chúng hoặc là lâu lâu được nghỉ dưỡng quân mò về chơi nơi Thị trấn có chợ búa, không khéo giữ mình sẽ bị các cô gái..cắn cho một vết đau ngọt ngào thấu tận tới tim…
Mấy ông Quan trẻ tuổi đi chinh chiến miền xa lúc nào cũng hấp dẫn không những đối với các cô gái mà còn được cảm tình luôn cả những người lớn tuổi. Các cô hảnh diện được có bạn, người yêu hoặc chồng là sĩ quan. Các ông các bà nhà có con gái đến tuổi cặp kê hảnh diện trong tương lai được làm ông bà già vợ của Quan, cho nên khi đặt chân đến vùng đất nầy tôi đã được nghe câu nói truyền khẩu vừa triêu chọc các cô gái:
-“Thà chết giữa rừng mai, còn hơn chết trong tay cánh gà “
Rừng mai: có ý ám chỉ cấp Sĩ quan, đeo bông mai theo cấp bực.
Cánh gà: là các anh Hạ sĩ quan từ Trung sĩ trở lên đeo cấp bực giống như chữ V bên tay áo trái có hình dạng như cái cánh gà bị chặt trước khi bỏ vào nồi nước xôi luộc chín để ..nhậu.
Em nào gặp Quan, mắt cũng chớp lia chớp lịa, đi đứng sửa tướng làm dáng để mong được lọt vào mắt xanh của mấy ông Quan trẻ ngơ ngác lâu ngày hành quân miệt mài trong rừng rậm ít khi thấy bóng đàn bà. Các Quan già cũng ..ké được những “hường nhan” dư thừa của đám Quan trẻ. Các em không cần biết Quan có người yêu, có vợ con hay chưa, cứ lăn xả vào vòng tay của Quan và vui sướng được ..dẫy chết giữa rừng mai, rồi sau đó tới đâu thì tới! Kết quả là vùng nầy đã sáng tác ra một bài hát sửa lời nhái theo bài nhạc “Những đồi hoa sim” của nhạc sĩ Dũng Chinh mà không biết ai là tác giả?
“Những đồi hoa Sim..,
Ôi những đồi hoa Sim.. tím chiều hoang biền biệt …
vào chuyện ngày xưa nàng yêu ông Thiếu úy có bầu nên ..phá thai …”
Không biết ông Thiếu úy nào đã… .
Một số các Quan trẻ đến từ thành phố, ở rừng lâu ngày đã quên đi mùi thơm son phấn của thành thị hay vì vướng bụi quân hành và mãi mê quanh quẩn với rừng lá thấp, với bùn sình lầy lội của kẻ lãng du đời sương gió ở “cuối con đường quê hương bùn mềm …thương những chiều nắng dọi bờ sông ..” rồi có mặc cảm thành thị đã quên mình rồi, nên an phận chuộng nét đơn sơn mộc mạc của miền đồng chua nước phèn đỏ. Gọi là nước phèn đỏ là vì nhúng mình xuống nước đôi ba ngày, bộ quần áo sẽ đổi sang màu vàng nâu xậm, màu phèn ..
Có một lần ông tướng Nguyễn Vĩnh Nghi tư lệnh Quân Đoàn IV đến thăm đơn vị tôi, ông nhìn thấy chúng tôi từ Quan tới Lính người nào cũng ..vàng khè từ chân tới ngực! Ông đã lưu ý nói với người sĩ quan tùy viên việc nầy. Một tuần sau khi ông Tướng viếng thăm, chúng tôi được cấp phát thêm quân trang mới.
Người yêu của Lính
Tôi có người bạn tên Phát, lúc trước học ở Khoa Học có “đào” học bên Sư Phạm trông nõn nà đẹp đẽ. Chàng và nàng yêu nhau ra rít thuở còn đi học. Sau khi Phát bị động viên đi lính, nàng thường xuyên có mặt trong đám thân nhân đến quân trường gặp gỡ người yêu. Khi Phát ra trường đổi đi đơn vị tác chiến, họ ít khi gặp nhau, chỉ liên lạc qua thư từ….
Một lần dừng quân nơi ở xóm nhỏ xa xôi, Phát bị thôn nữ tên Nở cắn và ..Phát cắn lại trả đũa. Nở tự nguyện trở thành tù binh tình ái, thỉnh thoảng trốn gia đình đến thăm Phát ở nơi đóng quân của đơn vị tôi, hai người chia sẻ gói cơm xấy, hộp cá mòi quân tiếp vụ, đêm tối chất chung võng, sống với nhau như vợ chồng.
Tôi và Phát thân nhau, cùng đơn vị và.. cùng quê, thằng ở Sàigòn, thằng ở Hốc Môn-Gia Định. Hai thằng ở khác Đại Đội. Những ngày không có công tác hay đi hành quân, hai đứa thường gặp nhau ngồi tán dóc, nói chuyện trời trăng mây nước cho đỡ buồn đời lính trận xa nhà.
Có lần tôi tò mò hỏi Phát chuyện yêu đương:
-Mầy định bắt cá hai tay hả..?
Phát kéo thuốc lá một hơi dài, thở phì nhả khói vừa nói:
-Không! Lần tới về phép tao dẫn Nở theo ra mắt ông bà già tao ..
Tôi hỏi Phát:
-Còn con Liên ..mầy tính sao?
Phát trầm buồn, đưa mắt nhìn về hướng lô cốt chằng chịt hàng rào kẻm gai một lúc .rồi chậm rải thố lộ tâm sự của mình:
-Tao yêu Liên lắm, nhưng ..Liên giờ..chỉ là cái bóng thôi! Nở mới thật sự là vợ của tao, vì Nở đã thấy con người và cuộc đời thực của tao, cuộc sống thực của tao..Nở đã yêu những cái hiện có của tao và chấp nhận chia sẻ cuộc đời sương gió với tao rất thực thà, không so đo, cân nhắc…
-Mầy có lần nào cầu hôn với Liên chưa?
-Lúc trước còn đi học và sau khi vào quân trường tao cu ũng có ý định nầy, nhưng
sau đó tao dẹp ..không nghĩ tới nữa.
-Vì sao?
-Hồi xưa thì khác, bây giờ thì khác. Tao không nói xấu đám con gái ở thành phố, nhưng mầy cũng phải công nhận là họ.. khi yêu thì đi tìm những chàng trai hào hùng, có đủ nét phong sương phong trần để thỏa mãn những mộng mơ và .. chỉ để cặp tay dạo phố thôi, chớ lấy chồng thì cô nào cũng tìm mấy anh chàng nước da trắng bóc, mặt.. búng ra sữa, dân được miễn dịch vì mọi lý do, có bằng cấp, có nghề nghiệp vững vàng để ..” Một bước lên xe hơi, em khỏi phí cuộc đời” còn như nếu lấy Lính.. thì cũng là lính “tác chiến trong thành phố”, lính Không Quân, Hải Quân, Cảnh Sát, lính lúc nào cũng mặc quần áo ủi hồ láng coóng chớ ngu sao mà chịu làm hòn vọng phu hoá đá, hay là theo chồng đến những nơi như vầy, đêm ngủ nằm ghế bố, nằm võng nhà binh. Phát ngẩu hứng làm bài thơ con cóc ngâm nga:
Sống hùng sống mạnh, sống hỏng dai!
Dạo phố thì em thích cặp tay
Mũ xanh, mũ đỏ hay Thần Tiễn
Phi công, Biệt kích mới đáng tiền ..
Sánh bước cùng chàng để làm duyên
Dung dăng ..cho thoãi mộng ước nguyền
Trai hùng trận mạc xa trường lỡ
Đi mãi không về ..gặp thuyền quyên!
Lấy chồng ..thì chàng phải có tiền
Có nhà, việc tốt, có xe riêng
Có quyền, có tước, không đi lính
Thế mới là duyên, khỏi phí đời ..
Tuổi xuân phơi phới chỉ một thời
Làm nàng chinh phụ ..uổng quá thôi!
Người đi biền biệt, người trông ngống
Hoa tàn nhụy héo tháng năm trôi ..
Nếu lỡ trót yêu chiến sĩ rồi!
Chỉ yêu, chỉ mộng, chỉ thế thôi
Người đi ..một nửa hồn không mất
Một nữa hồn kia vẫn enjoy ..
Tôi vẫn là tôi của cuộc đời ..
Tôi vẫn là tôi vẫn thảnh thơi….
Tôi nghe Phát nói mà chạnh lòng với cái hiện tại chẳng đặng đừng phải chấp nhận.
Tôi nói với Phát và cũng tự an ủi mình:
-Mấy cô ở thị thành quen ngủ nằm giường nệm êm ái, chỉ biết có chiếc giường nệm thôi chớ chưa thử ngủ võng nhà binh. Nằm đong đưa trên võng nhà binh cũng êm ái bềnh bồng và đê mê lắm…lại còn được nghe âm thanh của tiếng súng từ xa vọng lại như tiếng đàn guitar đi solo, rồi thỉnh thoảng nghe tiếng nổ ùm ùm của đạn pháo như tiếng bass đệm…,bản nhạc hòa tấu nầy đâu phải nơi nào cũng có!
Phát giọng trầm buồn, chia sẻ tâm trạng với tôi:
-Tao lúc mới ra đơn vị, tối nằm nghe loại nhạc nầy, tim đập mạnh, cứ thao thức khó ngủ. Tao để cây M16 đạn lên nòng kế bên, gài chốt an toàn với lại dây ba chạc gắn mấy băng đạn và vài trái lựu đạn đế sẵn ..Giờ thì quen rồi, đêm nào không nghe ..thấy buồn!
Tôi hỏi Phát:
-Chừng nào mầy đi phép?
-Hai tháng nữa. Tao định một lần đến thăm Liên, chào giã biệt.
-Mầy nghĩ Liên sẽ buồn khi chia tay với mầy không?
-Không! Hai đứa xa mặt đã lâu, tao nghĩ cũng đã xa cách lòng, vả lại Liên đâu có hứa hẹn chờ tao. Ở thành phố có biết bao nhiêu thằng nhởn nha nhở nhơ đi theo em tán tỉnh. Khó tính đến đâu thì trong mười thằng đi theo ít ra cũng có một thằng trông bắt mắt coi được hơn chín thằng kia, lúc mình vắng mặt, nó cứ lết tới lết lui sáng đưa chiều đón, cứ ca bài con cá sống vì nước thì làm sao mà em không xiêu lòng? Mình ở xa không có được cái lợi thế như mấy thằng ở gần. Không chừng gặp lại Liên, thấy em đã tay bế tay bồng…
Tôi nói với Phát:
-Mầy có nhiều tưởng tượng và bi quan quá...
Phát lên giọng quả quyết;
-Đó là sự thật. Mình phải tỉnh táo mà nhìn thấy, nếu không sẽ khổ vì vỡ mộng sau khi biết được sự thực phủ phàng nàng đã âm thầm ôm dầm sang thuyền khác không một lời từ giã …
Tôi cười, vừa nói với Phát:
-Mình tìm chỗ trao thân gởi phận trước cho chắc ăn hả?
Phát cười tán đồng ý kiến:
-Đúng vậy đó bạn. Tiền thì có thể san sẻ cho mọi người sài, nhưng tình thì không được, mà đã vướng vào tương tư thất tình thì bạn ráng mà ôm sài một mình.
Phát đã có cách và có chỗ để giải quyết tình cảm của mình hợp thời và thực tế với hoàn cảnh hiện có. Tôi không biết điều nầy có làm cho hắn thật sự được thoải mái và an ổn trong tâm tư hay không? Bức bình phong người thôn nữ tên Nở có đủ sức để chắn được những trận cuồng phong như bão táp thổi tới tấp làm cho xiêu vẹo gãy cành cây mơ trong lòng hắn? Những cơn sóng cao ngất dồn dập cuốn đi ngôi lầu đài trên bãi cát trong lòng hắn? Hình ảnh yêu kiều của Liên cùng với chuỗi ngày dài kỷ niệm của mối tình học trò thơ mộng bỏ lại thành phố sau khi hắn xếp áo thư sinh từ giã kinh kỳ, làm bạn với gió sương trên bước đường quân hành ngày đây mai đó..?
Tôi liên tưởng đến những tâm tư thầm kín của mình đang cất dấu trong lòng…
Cả một khung trời kỷ niệm ngày rời thành phố tôi mang theo trong lòng không biết mỏi ..cũng nặng nề chẳng kém chiếc ba lô nhà binh tôi mang trên vai, không biết rồi đây những ngày sắp đến sẽ ra sao? Sẽ có một ngày tôi còn được may mắn đứng ở bến sông nhìn bóng dáng người thương của mình cầm dầm “nhảy” sang thuyền khác hay là nàng “phi thân” một cách âm thầm nhẹ nhàng và êm ái không nghe tiếng động như các nữ tài tử Hồng Kong đóng phim đánh chưởng quần áo nai nịt gọn gàn, sau lưng mang thanh trường kiếm nhún mình một cái toàn thân bay bổng lên mái nhà..!? Nhảy hay là phi thân, cách nào ..tim tôi cũng bị trúng phi tiêu có tẩm độc do nàng phóng ngược lại, chất độc sẽ từ từ ngấm vào máu và tôi sẽ tha hồ mà rên rỉ, tận hưởng đau thương, ôm con tim nhỏ máu mà không ai chia sẻ được với tôi món quà tặng đặc biệt nầy..
Phát nhìn tôi dò hỏi:
-Nhật-Hạ còn gởi thư đều cho mầy không?
Tôi thở dài, trả lời Phát;
-Còn ..nhưng thư viết rất vắn tắt. Có lúc thì nói đang bận học thi, có lúc thì nói tại tay đau không viết nhiều được, có lúc nhờ người chị viết dùm …
- …….
Phát làm thinh, móc gói thuốc ra đưa cho tôi lấy một điếu, nó lấy một điếu đặt lên môi
đoạn châm lửa cho tôi và nó. Tôi hít một hơi dài rồi nhả khói, vừa thả tâm sự với Phát:
-Lần về phép kỳ rồi tao đến nhà em, hai đứa đi ciné, ăn kem, đi bát phố..
-Vậy thôi hả ..? Phát hỏi.
-Ừ …
-Có để lại cho em những kỷ niệm nào đáng nhớ không?
-Đại khái thôi …
Phát nóng lòng hỏi:
-Mầy nói rỏ chi tiết cho tao nghe có được không ?
Tôi đáp lời Phát nửa kín nửa hở:
-Thì ..ai làm sao ..tao làm vậy ..
Phát như bị cuốn vào câu chuyện, hỏi nhanh:
-Địch có phản ứng gì không…?
-Không ..chỉ có du kích bắn lẻ tẻ bắn cầm chừng cho có lệ ..
-Phe ta có nổ súng không?
-Có.. 1 whisky .. được băng bó tại chổ.
Phát cười khoan khoái, lên giọng dạy đời:
-Vậy ..mầy đáng được thưởng Anh dũng bôi tinh với ngôi sao ..chì. Nhưng mà như vậy không ổn, địch quân sẽ phục kích đơn vị bạn để trả thù vì.. đã xung trận, đã đổ máu, đã ngửi được mùi thuốc súng mới hăng hơn lúc chưa đụng trận.
Tôi phụ họa thêm:
-Như vậy thì hên cho đơn vị bạn nào đóng quân gần đó ..
Phát vừa nói vừa cười:
-Hay không bằng hên đó mầy, mấy thằng lù khù có ông cù độ mạng..
Tôi nói giọng xụi lơ, vừa thất vọng và tiếc rẻ với Phát:
-Độ mạng hay không độ gì ..thì tụi nó cũng được vô mánh tốt, chớ ở hậu phương còn ai
nữa đâu? Thằng chột mắt đương nhiên được làm vua ở cái thế giới mù. Trông được trai, không xức cẳng gãy gọng như tao với mầy thì đã được Tổng thống chiếu cố…
* * *
Phu nhân ông Tiểu đòan trưởng của tôi năm đó đúng muời tám tuổi. Bà Alfa còn trẻ măng, là nữ sinh học lớp 11 của trường Trung học Cà-mau. Nghe nói bị Alfa xỏ mũi dẫn đi năm 17 tuổi!
Từ khi rước được nàng về dinh, Alfa cất kỷ phu nhân, gởi về ở nhà làm dâu cho ông bà cụ, còn ..thỉnh thoảng tối tối nằm chung võng với Alfa nghe ban nhạc “chiến chinh” hòa tấu thì đã luân phiên thay đổi có các người yêu của lính.
Lâu lâu bà Alfa hạ cố đến thanh tra, thăm chồng vào những lúc đơn vị về nằm dưỡng quân ở hậu cứ Tiếu đoàn, mấy thằng em theo hầu Alfa phải làm việc overtime mệt không nghỉ, dọn dẹp chiến trường không bỏ xót một manh giáp nào, kể cả một sợi tóc rụng.
Bà Alfa nước da trắng, gương mặt tròn trĩnh, dáng dấp nữ sinh qua mái tóc thề thướt tha buông xõa bờ vai, vẻ mặt trông ngây thơ con gái, phản phất nét e ấp sẻn lẻn như cảm giác có ai đó biết được mình đã nếm chút mùi đời.
Cứ mỗi lần phu nhân đến thăm, Alfa hảnh diện dắt đi ..duyệt binh, chào các sĩ quan tham mưu và binh sĩ trong tình huynh đệ chi binh, nhưng cặp mắt thì làm việc không ngừng để đề phòng đám quan trẻ độc thân ngưỡng mộ phu nhân đang thầm lặng thả những tia mắt khó hiểu nhìn ngắm chầm chập…
Alfa tuy tuổi đời mới ngoài 30, nhưng gương mặt dầy dạn phong trần, nước da thắm sương nắng và bụi quân hành trông như ông cụ non cở năm mươi lấy lên. Ông còn có cái tật thích ngậm ống vố, chắc là thói quen đã lâu của các quân nhân tác chiến hút thuốc ban đêm để che đóm lửa lóe sáng lên cứ mỗi lần hít, nếu không VC ẩn núp đâu đó nhìn thấy tàn thuốc cháy, nhắm bắn sẻ ..bể gaó dừa như chơi! Phu nhân đứng gần ông nhìn giống như hai cha con! Nhưng Alfa vẫn còn mang tâm hồn của trai mới lớn. Ông rước đào nhí về nhà làm vợ, điều đó đủ chứng minh ông chỉ ..trông héo có cái vỏ bề ngoài chớ mọi thứ bên trong vẫn còn ngon lành. Nhưng có ai mà biết được những ưu điểm đó của người đàn ông, các cô gái đa phần chỉ nhìn đám đàn ông con trai qua diện mạo mặt mũi với những lời nói ngọt ngào hứa suông hứa cụi và bộ quần áo bề ngoài. Alfa hơn được những thanh niên trẻ khác nhờ.. “xâm mình” và ve áo nhà binh có cái bông mai bạc nằm hiên ngang trên tấm p-s-p vàng khè bên dưới. Ông biết đàn hát văn nghệ nghêu ngao, ông chơi guitar classic 5 ngón một vài bản ruột, người mới nghe qua cứ tưởng ông là một nhạc sĩ nhà nghề. Ở hậu cứ của Tiểu đoàn cũng như lúc đi hành quân, ông luôn luôn có thằng em kề cận lẽo đẽo đi sau lưng, không mang súng mà quảy cái thùng đựng cây đàn guitar và lúc nào cũng lao chùi bóng loáng. Lúc điều quân đánh giặc, lên máy liên lạc với các Đại đội, ông chửi nhoi trời, từ quan tới lính, Má của thằng nào cũng bị ông ..”làm” láng! Nhưng khi hết giặc, dừng quân, ông hiền ..như “ông Cha”, nói năng ngọt ngào, ngồi đánh đàn lủm bủm và thả hết tâm hồn cất lên lời ca chan chứa qua những bản nhạc tình ướt nhẹp mà người nghe như có cảm tưởng ông đang trang trải, đang xì hơi xả bớt cho đỡ căng phòng cái nỗi lòng thầm kín nào đó, cho nhẹ người...
Cứ mỗi lần cầm đàn lên dạo, giọng của ông khàn khàn nhưng tha thiết:
“Anh vuốt tóc em,
Anh vuốt tóc em một lần cuối, một lần cuối cùng rồi thôi …
Anh ngắm trăng thanh trên má em xanh..một lần cuối ..,như những lần đó xa xưa ..
Em khóc bên vai anh …em khóc bên vai anh
một lần cuối ..,một lần cuối cùng
Để còn thấy gần nhau lần cuối ..
Một lần cuối cùng thôi em ơi!
Một lần cuối cùng thôi em ơi ..!
Thế là mãi mãi xa nhau
Thế là nước mắt thương đau
Thế là mãi mãi ..và mãi mãi tình sầu …”
Bản nhạc mà ông thường hát nhất, ông hát nhiều lần, hát hoài đến nỗi tôi nghe thuộc lòng bài “Một lần cuối” của nhạc sĩ Hoàng thi Thơ. Ông Trung úy Trưởng ban 3 nghe riết bản nhạc nầy đâm ra phát chán, ông nói giỡn với tôi:
-Con nào vô phước làm đào của ông đạo vuốt ..chắc một hai tháng trở thành ni cô, lông tóc rụng mẹ nó hết ..!
Có khi đã quá nửa đêm tôi lại nghe ở bên hầm chỉ huy của ông có tiếng đàn và tiếng than thở văng vẳng một mình:
“Vết lăn ..vết lăng trầm…
hằn trên phiến đá ..nấu thêm ưu phiền.
Như có lần ..tình buồn hằng dấu chân..
Người đi phiêu du từ đó chưa thấy về
Quê nhà rộng đôi cánh tay chờ mong ..
Người chợt nhớ ..mình như đá .., đá lăn, vết lăn buồn ….
….. ..
Thôi ..ngủ yên đi con, ngủ đời yên đi con
Che dấu thân đau dạ mòn …
Ngủ đời yên đi con..,như vết thương đau ngủ buồn…
…………………..
Rồi một hôm ..chợt thấy hoang vu quanh mình ..
Tôi và Alfa có cái duyên văn nghệ! Một bữa nghỉ dưỡng quân ở căn cứ, tôi xa quê hương nhớ.. đào già, mang cây harmonica ra làm vài bản cho đỡ buồn, tình cờ ông đi vòng vòng kiểm soát doanh trại nghe được tiếng kèn ai oán bèn tìm đến ngồi nghe. Ông rủ tôi về hầm chỉ huy chổ ông ở, ông mang cây guitar ra khoe với tôi và biểu diễn cho tôi nghe một vài bản ruột romantic mà tôi biết. Ông nói chuyện với tôi rất nhiều về thời trẻ của ông, ông còn khoe cho tôi biết ông có hai cô em gái hiện đang học đại học Văn khoa ở Sàigon.
Tôi từ một người Trung đội trưởng tác chiến được ông kéo về cho làm Sĩ quan phụ tá hành quân lấp vào thế chổ cho một sĩ quan tại chức vừa giã từ quân nhân, giã từ vũ khí trong một cuộc hành quân chạm địch hồi tháng rồi. Với chức vụ nầy, tôi lúc nào cũng kề cận, theo Bộ chỉ huy Tiểu đòan lúc đi hành quân cũng như lúc về căn cứ đóng quân của Tiểu đoàn. Tôi ăn cơm chung với ông hằng bữa khi đi hành quân cũng như lúc nghỉ quân, trừ những ngày phu nhân của ông đến thăm, tôi viện cớ .. đi chổ khác chơi để cho ông được có những giờ phút riêng tư với bà xã, mặc dù tới bữa ăn ông cho lính đi tìm tôi gọi ơi ới. Tôi là người được nghe ông hát cũng như nghe ông chửi nhiều nhất, vì các sĩ quan khác và lính tráng đâu có ai ở gần bên ông ngoài ông Trung úy Trưởng ban 3, tôi, ông Trung sỉ Nhất trực máy và mấy thằng em lính theo phục vụ cơm nước, sai vặt. Khi ông bực bội chửi đỗng thiên hạ, tôi và ông Trung úy Trưởng ban 3 nghe dùm người ta đầy lỗ tai.
So về nhan sắc thì Alfa thua là kể chắc, không sánh được với mấy ông Quan trẻ tuổi mới vừa nhuốm chút phong sương bụi chiến chinh, nhưng còn phản phất nét thư sinh nho nhã .. . Alfa đã từng xông pha nơi chiến trường và tình trường, kinh nghiệm ra chiến trận phải nắm vững tình hình địch và bạn, đánh nhau không phải lúc nào cũng thắng, lúc nào cần phải “chém vè”, lúc nào phải ” bỏ giò lái ”, lúc nào thả trinh sát bò đến chiếm cứ những yếu điểm quan trọng, lúc nào ào ạt tấn công chiếm mục tiêu ..và “trói thúc ké, bịt mắt tù binh”, thế nào cho an toàn khi bắt được tù binh, vì nếu chỉ sơ ý lơ đễnh trong một vài giây phút thì hậu quả khó lường như ông đã từng san sẻ những kinh nghiệm thực tế đó với tôi và các bạn lính khác.
Bà Alfa cũng như phu nhân, người yêu của các Sĩ quan, Hạ sĩ quan và Binh sĩ ở xa lâu lâu đến thăm chồng thường thường là vào những ngày đầu tháng để tiện việc sổ sách. Các ông lính vừa mới lảnh lương hôm trước, hôm sau các bà ùn ùn kéo tới thăm. Một hai đêm chất chung nằm ngủ ghế bố nhà binh hay kẽo kẹt chung võng để trút bầu tâm sự rồi sáng dậy sớm ôm trọn hồ bao dong mất, trong khi các ông lính vẫn còn đang ngẩn ngơ cơn mộng du …Lính mừng bà xã, mừng người yêu xa “biệt kinh kỳ” đổ đường tới thăm mình có mang theo cái “sự đời” để trao đổi chuyện đờI; lính buồn vì quí phu nhân đến thăm chồng lại cầm theo “cây cờ đỏ”, khiến cho lính phải đành…phơi “củ cải”, mặt mày nhăn nhó như khỉ ăn ớt!
“Quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Đàn ông đi lính, đàn bà lãnh lương“
Tội nghiệp cho đám đàn ông đi lính ngày đêm lặng lội với gió sương với hiểm nguy mà còn phải lo nuôi vợ nuôi con ở hậu phương. Lỡ không may hy sinh thân mình đền nợ núi sông, thì vợ được lảnh 12 tháng lương tiền tử. Bà vợ già nào có con cái đông thì phải chịu nheo nhóc nuôi con thờ chồng, quả phụ nào còn son trẻ, tươi mát, ướt át thì tương lai bước thêm một bước nữa để tìm người bạn đời khác.
“Thiếu úy nhìn em ..Thiếu úy cười ..
Em nhìn Thiếu úy …lệ em rơi,
Chồng em mới chết Thiếu úy ơi!
Lương 12 tháng , em lãnh đủ
Lãnh lương rồi mời Thiếu úy tới chơi.”
Trong hàng ngũ sĩ quan, cấp quan Thiếu úy có lắm chuyện ..Nào là:“Vào chuyện ngày xưa… nàng yêu ôngThiếu úy, có bầu nên phá thai.. !” Rồi .. cũng ông Thiếu úy giàu lòng thương người châm châm nhìn người quá phụ còn son trẻ.. cười tình lúc chồng của người ta vừa mới chết, khiến cho người ta nóng ran mình mẩy, bước đi mà ..quíu chân chịu không nổi phải hứa hẹn: “Lãnh lương rồi mời Thiếu úy tới chơi”
Quan Chuẩn úy, Thiếu úy được quí phụ nữ để ý tới nhiều là vì xứng đôi vừa lứa so với tuổi tác. Đa số quan Chuẩu úy, Thiếu úy tuổi trong khoảng từ 21 đến 25, gió bụi chiến chinh chưa phủi sạch được nét thư sinh còn ẩn hiện phản phất trên gương mặt son trẻ. Là lính mới, mang súng ống mới, đa số còn độc thân, còn ôm bầu nhiệt quyết, còn lý tưởng, còn lãng mạn mộng mơ, còn yêu đương nồng nhiệt và tha thiết. Lên cấp Trung úy có tuổi đời, tuổi lính, thịt da đã ngấm gió sương, hơi lẩn thẩn một chút, thỉnh thoảng không nhớ mình đã .. bỏ quên cái “nón sắt” trên bờ lao sậy nào? “Nòng súng” bắt đầu rỉ sét, đã có chút kinh nghiệm và ít nhiều đụng chạm với đời. Có một số đã lập gia đình, tìm được ông Trung úy nào còn độc thân thì anh đó ít nhất cũng đã trải qua một hai mối tình dang dở hoặc đang có người yêu. Bên xứ mình thuở đó ít nghe ai nói đến tình trạng pê-đê trong lính. Từ cấp Đại uý trở lên thì đại đa số ông nào hoa cũng cắm bình, vợ con đầy đàn, đầu đầy sạn, không dễ dàng chớp chớp mắt đưa tình cho Đại úy mà được nhận lại như đưa cho Chuẩn úy, Thiếu úy hay Trung úy; đưa cho Đại úy..coi chừng mất luôn cả chì lẫn chày!
Các cô truyền miệng nhau:
“Lấy anh Thiếu úy còn thơ
Anh đi đánh giặc, mình chờ lên lon
Ba năm chinh chiến anh còn
Trở về mai nở véo von với đời….”
“Lấy anh Thiếu úy còn thơ
Anh đi đánh giặc mình chờ lên lon
Lõ mà Thiếu úy không còn ..!
Em thành quả phụ còn son lo gì …
Thấy anh Trung úy em thương
Nhưng em ..còn ngại gió sương cuộc đời..!”
Miền đất cuối thoạt nghe cứ ngỡ là chỉ có bùn sình muỗi mồng và đỉa vắt. Con gái ớ xứ muối ngoài các thôn nữ vì sinh kế phải dầm sương dãi nắng, bị tàn phá dung nhan, đa số các cô trắng trẻo dịu dàng dễ thương và rất văn nghệ đa tình lãng mạn, có cả một vườn thơ và trong hòan cảnh nào cũng ..phóng thơ ra cho được. Mơ cũng thơ, mộng cũng thơ, yêu cũng thơ mà ..chồng chết cũng thơ thẩn..
* * *
Sống hùng, sống mạnh, sống không dai …
Tôi ra trường mang cái Quay Chảo (lon Chuẩn úy nhìn giống như cái quay chảo), về trình diện đơn vị chung với 11 người bạn cùng khóa. Chưa đến 6 tháng mà đã có 5 người .. quá giỏi, được đặc biệt lên cố Thiếu úy trước bạn bè, rồi từ từ tụi nó lũ lượt kéo nhau lên lon. Một năm rưởi sau, đúng ngày con kén trở thành tầm, bông búp nở thành hoa theo danh sách chính thức của bộ Tổng tham Mưu gởi xuống đơn vị chỉ còn có 3 thằng, 2 thằng còn đang táy máy với súng đạn, một thằng ngồi xe lăn, bất khiển dụng vì đã gởi lại chiến trường sình lầy một chân.
Tôi may mắn được Alfa kéo về BCH của Tiểu đoàn, sau hơn sáu tháng nắm Trung đội trưởng, tôi đã nướng mất 4 thằng em. Đi theo BCH Tiểu đoàn mỗi lần hành quân, tôi đi ớ giữa, lính thì cầm súng, còn tôi thi cầm bản đồ địa bàn và ống liên hơp truyền tin liên lạc với các đơn vị bạn và các Đại đội. Trước sau, phải trái đều có quân, nếu có chết thì lính chết trước rồi mới đến tôi, trừ trường hợp bị pháo rớt nổ ngay BCH, chớ nếu không có lẽ tôi cũng đã được “ Lên lon giữa hai hàng nến lung” từ lâu. Cứ mỗi lần xung trận, các Đại đội rải quân đi trước, các ông Trung đội trưởng là những người cầm quân hứng đạn, cho nên đa số các Tân sĩ quan mới ra trường nắm Trung đội, đó là một thử thách nguy hiểm. Ai vượt qua được trong sáu tháng đầu, không được tổ quốc ghi ơn tặng cho Anh Dũng Bội Tinh với nhành dương liễu và đặc cách thăng chức cho lên “Cố” là khá rồi, sau đó rút tỉa kinh nghiệm xương máu, học hỏi thêm cách né đạn. Nhưng đạn tránh mình chớ mình đâu có thấy đạn đi đường nào mà né! Sự hiểu biết và kinh nghiệm tác chiến học hỏi từ quân trường chỉ là cơ bản nhỏ nhoi so với thực tế đầy những tình huống phức tạp của chiến trường. Người lính nào cũng thắm nhuần câu: “Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, đã gắng công ra sức tập luyện. Tuy nhiên chơi dao có ngày đứt tay, giỡn với súng đạn hằng bữa thì cũng gặp ngày súng đạn giỡn lại với mình ..
Nhớ lần đụng trận đầu tiên, đạn đi âm thanh nghe véo véo trên đầu mà tôi cứ như người điếc không sợ súng, cứ dõng lưng đi tới. Lính tráng cứ tưởng đâu..gặp người hùng thứ thiệt! Ông Hạ sĩ Nhất mang máy truyền tin phải kéo tôi nằm xuống tránh đạn. Rồi một lần khác, đạn bắn xuống mặt đất ..xịt bụi lên, tôi lại lom khom định nằm xuống, xém chút nữa là đạn xuyên qua nón sắt bể gáo dừa!
Trong chiến tranh, con người ở hai phía thù địch đã suy nghĩ ra nhiều phương cách để tiêu diệt lẫn nhau rất quỉ quyệt và tàn nhẫn không bút mực nào diễn tả cho hết.. Khi giao tranh nơi chiến trường đôi bên xử dụng những vũ khí đạn dược, bom đạn có sức công phá mãnh liệt hũy diệt nhau cho đến vận dụng mưu kế sắp đặt mìn bẫy hầm chông, chất độc hóa học...
Tôi đã nhiều lần đứng lặng người nhìn những cỗ quan tài bao phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ. Bạn bè và những người lính cùng đơn vị của tôi nằm trong đó an giấc nghìn thu mà thi thể kẻ thì mất đầu mất tay, người banh ruột vỡ lồng ngực, thân thể còn lắm tấm bùn sình vừa được lấy xác từ chiến trường về và những người lính Chung sự tạt nước xối rửa sơ sài trước khi tẩm liệm. Tôi nhiều lần đứng lặng, câm họng không thốt nên được một lời gì để an ủi những người vợ, người mẹ, người thân của các bạn bè, chiến sĩ trong đơn vị hy sinh đền nợ nước.
Lần sau cùng tôi rời khỏi đơn vị nơi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên, là lần tôi đứng nghiêm đưa tay run run chào vĩnh biệt trước linh cửu của Alfa, cấp chỉ huy và cũng là người anh trong quân đội đã dìu dắt tôi, kề cận tôi, chia sẻ hiểm nguy, vui buồn đời lính. Bà Alfa đầu chít khăn tang trắng đứng ôm đứa con nhỏ còn đỏ hỏn chưa đầy tháng khóc thút thít ở một góc bên những tấm liễn và tràng hoa phúng điếu chia buồn cùng gia đình người quá cố. Tội nghiệp đứa bé chưa biết mặt cha thì cha của nó đã ra người thiên cổ.
Giỡn với súng đạn là điều chẳng đặng đừng! Alfa đã dầy dạng chiến trường mà cũng không né được trái đạn B40 của VC lúc hai bên đánh sáp lá cà, bắn gần khiến cho ông bị mất một phần thân thể, ra đi bỏ lại các chiến hữu của mình, bỏ lại người vợ trẻ và đứa con vừa chào đời chưa kịp thấy mặt. Trận đó, nếu tôi không đi phép.. có lẽ tôi cũng đã đi theo Alfa về bên kia thế giới. Người lính mang cây đàn không đi theo ông Thầy của mình, tôi thấy anh ngồi ủ rủ ở một góc bàn gần đó. Một số sĩ quan lớp chết trận, lớp bị thương nặng nhẹ, đa số binh sĩ chết trận và bị thương nặng chở về nằm la liệt. Thằng Phát thì bị thương nơi tay, tôi vào Quân Y Viện thăm nó và những người thương binh trong đơn vị đang nằm điều trị.
Gặp tôi Phát vui mừng:
-Ê, Hotel .. mầy hên lắm đó! Nếu không mầy lên lon trước tao là kể chắc. (tên tôi chữ H, trong đặc lịnh truyền tin chữ H gọi là Hotel). ĐM ..! Tụi nó tới 2 Tiểu đoàn quyết lòng dứt điểm mình. Tụi tao xả láng hết kẹo, hết lựu đạn rồi sáp lá cà múa kiếm như ciné…
Tôi thấy Phát trong giờ phút nầy mà nó còn giỡn được, nên hỏi đùa với nó:
-Mầy múa kiếm với VC cái hả?
Phát cười méo xẹo nói:
-Phải gặp VC cái cũng đỡ, đâu có kiếm đế đâm tao. ĐM ..,tao vật lộn với cái thằng chết bằm, nó để cho tao một nhát .. đau thấy mấy ông trời! Tao cũng..lịch sự tặng lại nó một nhát, nó nằm xui cò...
Chợt Phát nghiêm mặt lại, giọng buồn hỏi tôi:
-Mầy đã xuống Nhà Vĩnh Biệt chưa?
-…Rồi ..Tôi đáp nhỏ.
Phát nhìn tôi tròng mắt đỏ hoe, im lặng một lúc rồi nói:
-ĐM ..,kỳ nầy theo ông theo bà hết ráo! Đám thằng Trường bên Đại đội 2 cũng tiêu luôn.. .Tiểu đoàn của mình chắc phải đi hấp lại..
Tôi im lặng nhìn Phát, mình nó chỉ mặt có chiếc quần màu xanh lam của bệnh viện, cởi trần, một cánh tay đang quấn băng trắng và lõm chõm băng keo dán trên mặt, trên ngực để che đậy những vết thương lớn nhỏ vì miểng lựu đạn, vì lưỡi lê đâm, mà lòng mình quặng đau ..Phát được trực thăng tìm thấy và mang nó về cứu sống kịp lúc.
Tôi lo lắng cho Phát, tôi hỏi nó:
-Mầy có tin cho gia đình biết mầy vào đây chưa?
-Chưa, tao không muốn, sợ ở nhà lo.
-Cô Nở có vào thăm mầy không?
-Có, mỗi ngày từ lúc tao vào đây.Từ sáng ở tới tối, bịnh viện đuổi mới về. Nở mới vừa đi mua thức ăn thì mầy đến.
Thằng Phát cũng được an ủi khi có người yêu của lính kề cận chăm sóc, nâng khăn sửa súng, chuyện trò cho đỡ buồn đời lính xa nhà và trong lúc gặp hoạn nạn. Cô Nở không may mắn vừa đưa tay chạm phải cánh mai ..thì hoa mai đã héo úa thê thảm, nhìn phát chán..không biết cô có nản lòng không?
Tôi ngồi nhìn mông lung ra cửa sổ. Hành lang của bệnh viện qua lại những người thương bịnh binh, kẻ chống nạng khập khểnh, người đang ngồi trên xe lăn, người thì đang ngồi cô đơn nhìn trời hiu quạnh ..Họ đã trở về đây từ các mặt trận và một số đã gởi lại vùng đất cuối con đường quê hương bùn mềm nầy một phần thân thể. Thằng Phát và đám người kia rồi đây sẽ được đưa ra Hội Đồng Giám Định Y Khoa phân loại thương phế binh tùy theo cấp độ tàn phế cho giã từ vũ khí. Còn tôi, không biết những ngày sắp đến sẽ ra sao .. khi mà tôi ngày ngày vẫn còn tiếp tục trao đổi ân thù bằng súng đạn với những người bên kia khác chiến tuyến?
* * *
Tháng Tư.. dang dở..!
Tôi lái xe honda chở Hoa ra bến xe đò Bạc-Liêu để đưa nàng đi Sàigon chuyến xe sớm nhất buổi hôm ấy vào khoảng gần giữa tháng Tư năm 75, trời vừa hừng đông sáng, phố xá vẫn còn chập chờn chưa tỉnh giấc, hơi sương lạnh phủ đầy lên mặt tôi. Tôi cho xe đi chầm chậm, tay mặt nắm tay lái, còn tay trái tôi nắm chặt lấy bàn tay của Hoa đang ôm choàng qua bụng tôi. Hoa ép sát người vào lưng tôi như để truyền sang cho tôi hơi ấm..,như để bấu víu, níu kéo thêm hơi hướm hạnh phúc mà nàng lưu luyến tiếc nuối vì trong khoảnh khắc ngắn ngủi sắp đến nàng phải tạm lìa xa tôi …
Hoa thì thầm bên tai tôi, tiếng nói của nàng thỉnh thoảng bị tiếng gió ù ù loãng đi, tôi phải hơi nghiêng đầu qua kề tai mình gần mặt của nàng.
-Anh à, em đi Sàigòn lâu lắm là một tuần sẽ trở về. Em cố gắng thu xếp công việc nếu xong sớm em sẽ về sớm..chớ xa anh..em nhớ anh lắm! Em không muốn ở trển lâu đâu..
Tôi xiết mạnh bàn tay của Hoa như thầm nói với nàng tôi cũng có cùng tâm trạng nhớ thương:
-Em về Sàigòn nhớ ghé lại nhà anh để thăm gia đình dùm anh nghen, cả năm rồi anh chưa có phép về thăm nhà.
-Dạ! Dù cho bận rộn cách mấy em cũng ráng thu xếp ghé thăm để ..ra mắt gia đình của anh mà ..
Nói xong Hoa cười khúc khích và tay bóp mạnh vào bụng tôi. Tôi lên tiếng hỏi Hoa:
-Địa chỉ nhà của anh đưa cho em, em đà cất vào bóp rồi hả?
-Dạ ..rồi.
Tôi vẫn còn lo lắng cho Hoa ra đi giữa lúc tình hình đang trong cơn dầu xôi lửa bỏng, nhưng vì công việc buôn bán của gia đình, nàng chẳng đặng đừng phải làm cái công việc mà nàng vẫn phải làm hàng tháng trước đó, trước và sau ngày tôi và Hoa gặp nhau; hàng tháng nàng phải đi Sàigòn để mua thêm hàng hóa và liên lạc với những dịch vụ có liên hệ đến công ăn việc làm hiện có. Đây là lần đầu tiên tôi muốn trình diện Hoa với gia đình tôi sau thời gian hai đứa quen nhau. Không như những lần đi Sàigòn trước đó của Hoa, lần nầy tôi cảm thấy lo lắng, không yên trong lòng. Tôi dặn dò Hoa:
-Tình hình đang lúc rối ren lắm, em phải cẩn thận nghen. Nếu mà Việt-cộng có phá đường, đấp mô hay giật xập cầu thì em không nên đi, quay trở lại.
-Dạ ..,em biết. Anh an tâm.
Tôi phụ mang cái valise quần áo và cái giỏ xách tay đựng linh tôm khô, lạp xưởng, khô cá mặn, đặc sản của xứ “muối “ Bạc-Liêu mà Hoa mua mang theo để tặng cho gia đình tôi lúc nàng ghé thăm lên xe và đặt để vào cái ngăn đựng hành lý, xong tôi ngồi cạnh bên nàng ở cái ghế trống kế bên chưa có ai ngồi. Hoa ngả đầu dựa vào vai tôi, tôi hôn lên mái tóc xõa lòa xòa của nàng, cố thu hút vào buồng phổi của mình với một lượng chứa tối đa hương vị quyến luyến yêu thương quen thuộc để dự trữ cho những ngày sắp đến, khi vắng nàng. Tôi rời nàng và bước xuống xe sau nụ hôn môi vội vả mà Hoa e thẹn vì mắc cỡ, sợ có người chung quanh nhìn thấy, vì ở cái xứ gần tận cùng của đất nước, nơi mà chín mươi tám phần trăm quí bà miệng còn nhai trầu ngỏm ngoãm, xỉa qua lại cục thuốc rê, khi giận ai, lấy cục thuốc chọi vào mặt, nạn nhân sẽ bị rổ mặt.. mà thấy được một kẻ dám biểu lộ tình yêu theo kiểu “Tây phương” trước công chúng, ai cũng tò mò muốn nhìn xem nó thế nào!
Tôi đứng lặng nhìn Hoa đang lẫn khuất, lao xao trong đám hành khách ngồi trên chiếc xe đò cho đến lúc xe rời bến. Tôi thấy nàng như cố gượng ngóng nhìn lại tôi và giơ tay vẫy nhẹ chào tạm biệt. Tôi vẫy tay chào lại. Không biết ngồi trên xe chật nức người chen chúc, Hoa có thấy tôi vẫy tay chào nàng hay không? Lần vẫy tay chào đó là lần chào vĩnh biệt! Tôi và Hoa vĩnh viễn xa nhau.
Hoa đi rồi, tôi chợt buồn, lo lắng cảm thấy luyến lưu mất mát nàng. Tôi trở lại đơn vị của mình làm việc. Từ ngày tôi bị thương nhẹ trong một lần chạm súng với Việt-cộng, nằm ở bệnh viện Bạc-Liêu, xuất viện tôi được đổi về phục vụ nơi không tác chiến ở gần Thị xã. Phố xá Bạc-Liêu đối với tôi vẫn còn xa lạ, mặc dù vùng đất cuối con đường quê hương nầy tôi đã in dấu giầy ở khắp mọi nơi trên bước đường hành quân.
“Bạc liêu nắng bụi mưa bùn”
Trong một ngày nắng bụi của Thị xã Bạc-Liêu, có người lính trẻ đi chinh chiến miền xa, chiến y và giầy trận đã vướng bụi đường sương gió, nay lại vương vấn vướng thêm..bụi hồng của vùng đất xa lạ.
Tôi gặp Hoa, gia đình nàng có cửa hàng mua bán ở phố chợ Thị xã Bạc-Liêu nhân một bữa tôi đến mua vài thứ cần dùng và vì cảm mến cô bán hàng nên cà kê dê ngỗng cho đến lúc cô đóng cửa tiệm, tôi tình nguyện dọn dẹp đóng cửa dùm cô. Cô chủ thấy tôi siêng năng giỏi dắn, cho nên kể từ hôm ấy cô đã “chấm” tôi, chọn làm người mở cửa và đóng cửa hàng cho cô suốt đời ..và tôi, tôi cảm thấy vui sướng, hạnh phúc được làm công việc ấy. Tôi cảm thấy mình không còn cô quạnh nữa, mỗi buổi chiều tôi có được chỗ dừng chân nơi cái tỉnh lẻ xa xôi gần cuối dãy đất của quê hương yêu dấu “Bạc liêu nắng bụi mưa bùn, dưới sông cá Trốt, trên bờ Triều Châu”, như hai câu thơ dân giả mà tôi có lần nghe được khi vừa đặt chân đến đất nầy. Tôi cảm thấy ấm lòng, được an ủi nơi xứ lạ quê người và liên tưởng đến những viễn ảnh tương lai hạnh phúc tốt đẹp đang chờ đón mình chớ không như những ngày đầu mới đến đây, tôi rão bước lang thang giữa phố chợ, lúc đó, tôi cũng không biết mình đi đâu và cứ quanh đi quẩn lại la cà ở nơi các quán cà phê bên vỉa hè, hút vài điếu thuốc lá lẻ..
Hoa đi Sàigòn được ba ngày thì quốc lộ 4 bị cắt đứt ở địa phận tỉnh Long-An, nàng không thể trở về Bạc-Liêu được, đành phải nán lại Sàigòn chờ.
Sau khi Tổng thống Dưong văn Minh lên tiếng trên đài phát thanh yêu cầu tất cả quân đội buông súng, tôi cùng chung số phận như các Quân, Cán, Chính của miền Nam Việt- nam, âm thầm tự động rả ngũ trong tâm trạng hoang mang bức xức..
Sáng ngày 30/4/75 bộ đội và du kích Việt cộng địa phương vào tiếp thu tỉnh Bạc- Liêu; đàn ông, đàn bà, con nít đi chân đất, vai mang súng AK lũ lượt kéo nhau tiến về các cơ quan chính quyền Tỉnh để “tiếp thu”. Một số dân “Cách mạng 30” tay mang băng vải màu đỏ đi tới lui để hướng dẫn đường. Tôi đứng bên lề đường nhìn làn sóng người hỗn độn vừa đi vừa chạy vô trật tự trên con đường chính của Thị xã mà lòng quặn đau cho một cuộc đổi đời và những viễn ảnh tương lai đen tối sắp đến của đất nước nầy không biết sẽ đi về đâu?
Tôi đến nhà của Hoa từ giã Mẹ cùng các anh chị em của nàng tôi trở về Sàigòn. Rạng sáng sớm hôm sau, tôi cùng người bạn lính đón xe honda ôm đi ra bến xe để về Sàigòn. Chúng tôi phải nhiều lần xuống xe, đổi xe, trút bỏ các giấy tờ và đồ đạc mang theo, chỉ giữ lại tấm căn cước dân sự để trình cho đám ngườì đứng dọc đường mang súng AK sét hỏi. Sau khi qua bắc Mỹ-Thuận vào khoảng 6 giờ chiều cùng ngày, xe đi một đổi nữa đến Long Định- Mỹ Tho thì khúc lộ bị chắn ngang, tất cả xuống đì bộ. Tôi về đến Sàigòn vào khoảng rạng sáng hôm sau. Dọc đường đi, tôi nhìn thấy xác chết nằm ngổn ngang, xác xe cộ cháy, cảnh đồ đạc vung vãi của người bỏ của chạy lấy thân.
Gia đình tôi vui mừng thấy tôi còn sống sót trở về trong cơn biến loạn.
Sáng hôm sau, cả nhà quay quần chung quanh chiếc bàn tròn ăn sáng, mẹ tôi như sực nhớ, bà quay sang tôi nói:
-Hai tuần trước có cô Hoa ..nói là bạn của con ở Bạc-Liêu đến thăm ba mẹ. Cô bé thật là dễ thương ..
-Dạ đúng, con có nhờ cô Hoa đến thăm gia đình mình ..
Mẹ tôi nhìn tôi, bà tiếp lời:
-Con nói thật cho ba mẹ nghe, con đà có tình ý gì với Hoa chưa để ba mẹ thu xếp đến gặp gia đình của Hoa.
Không có gì qua mắt được mẹ của tôi, tôi đành phải thú thật cho gia đình biết tôi và Hoa đã yêu nhau. Cả nhà tôi ai cũng tán thành.
Ba tôi đưa ra ý kiến:
-Chờ vài hôm nữa tình hình yên ổn, ba với con đi Bạc-Liêu.
Tôi nghe ba tôi nói mà rộn rã trong lòng ..
Tôi đi trình diện với chính quyền mới theo lệnh ban hành đối với cựu quân nhân của chế độ cũ, được ban Quản huấn Thành Phố cấp cho giấy chứng nhận tạm, tôi chưa dám đi đâu vì tình hình chưa ổn thì lại có thông báo cho tất cả các cựu sĩ quan cấp Úy và viên chức chánh quyền cũ chuẩn bị khăn gói 10 ngày trình diện đi “học tập cải tạo” để am tường chính sách của nhà nước. Tôi cũng như những người cùng chung số phận chuẩn bị khăn gói trình diện đi “học tập cải tạo”…và đi luôn không hẹn ngày trở lại!
Mãi đến mấy năm sau, khi tôi được Cộng sản phóng thích cho về gia đình, phải chịu
sự quản chế của chính quyền địa phương và không được phép cư trú tại Thành phố, Thị xã. Lúc nầy gia đình của tôi đã rời Sàigòn đi về quê, thay gì đi Vùng Kinh Tế Mới được chỉ định theo kế hoạch của nhà nước. Tôi về nhà được ba hôm, nghe ba mẹ tôi thuật lại, cô Hoa có trở lại Sàigòn tìm tôi một ngày sau khi tôi đi trình diện “học tập cải tạo” và nàng đã khóc nức nở, vì đến trễ, không gặp được tôi. Nhớ đến Hoa, tôi vội vã viết gởi về người Bạc-Liêu lá thơ với một hy vọng mong manh nào đó…Tôi nhờ qua địa chỉ của đứa em chớ không dám ghi tên họ của mình vì bản thân tôi đang bị “quản chế” (tù tại chỗ )sợ đám công an địa phương theo dõi. Gần hai tháng sau, tôi nhận được lá thư hồi âm gởi từ Bạc-Liêu:
Anh Minh,
Nhận được thư của anh em sững sờ, tưởng như mình đang nằm mơ. Em mừng anh được trở về sum hợp với gia đình chấm dứt những ngày anh lang thang khốn đốn, nhưng nước mắt em tuôn trào…Em khóc! Khóc vì ..anh trở lại với em ..quá muộn màng!
Em đã mõi mòn đợi chờ tin anh, em mấy lần trở lại thành phố để tìm gặp gia đình anh, nhưng gia đình anh đã dời chỗ ở đi nơi khác. Em đã khóc rất nhiều lúc xa anh và đã sống trong niềm hy vọng mong manh ngày gặp lại anh trong buối giao thời, ở cái khung cảnh và sinh hoạt cũ..,nhưng vắng bóng người xưa!
Minh ơi!…
Chinh chiến đã mang anh từ một nơi xa xôi đến Bạc- Liêu với em, mang đến cho em những ngày thật hạnh phúc của thời con gái mộng mị yêu đương và e ấp chuyện lứa đôi, được có anh bên em, rồi ngày thanh bình của đất nước (?)đã mang anh đi.. vĩnh viễn xa em…! Em đã mất tất cả, chỉ còn lại trong em cái bóng hình của anh, một người lính trận hôm nào khoác áo phong sương, chiến y nhuốm màu đồng chua nước đỏ. Anh ra đi, bỏ lại cho em một khung trời kỷ niệm ..cùng những ước mơ héo hắt theo từng ngày trông ngống tin anh ..!
Anh Minh ơi, vì hoàn cảnh, em đã lập gia đình và có một con (bé gái, cháu vừa tròn 3 tháng), em gởi tặng anh hình con gái đầu lòng của em.
Minh ơi,
Nếu kiếp nầy mình có duyên mà không có nợ, thôi đành hẹn nhau kiếp khác nghe anh. Bạc-Liêu dầu trong cơn nắng bụi hay mưa bùn trơn trợt, lúc nào và mãi mãi có người con gái thiết tha yêu chàng lính chiến. Anh đã rũ áo phong sương đượm thắm bụi đường của Bạc-Liêu những ngày nắng chứa chan, anh đã cởi bỏ đôi giầy trận lấm bùn sình của quê em vào những ngày mưa dầm lầy lội …, xin anh hãy giữ lại một chút ân tình nầy của em nghen anh …
Mãi mãi em yêu anh
Hoa
Hỡi người Bạc Liêu ơi ..! Hỡi cuộc đời dâu bể …
Ôi ..! tháng Tư dang dở..