Cho đến hôm nay tôi vẫn chưa sao quên được Ban Mê Thuột và bao kỷ niệm yêu dấu của tuổi ấu thơ trên thành phố nhỏ bé này, mà đặc biệt là Ban Mê Thuột với nỗi kinh hoàng của đêm ngày 9 tháng 3/1975, đêm đen hãi hùng của chiến tranh và lửa đạn.
“Ai chiếm được Ban Mê Thuột, kẻ đó làm chủ chiến trường.” Tôi không còn nhớ ai đã nói câu này, nhưng Ban Mê Thuột quả thật có một vị trí chiến lược vô cùng trọng yếu đối với miền cao nguyên, vì lãnh thổ của tỉnh Darlac, mà Ban Mê Thuột là thị xã, nằm trên Quốc Lộ 14, chạy dài từ phía Nam là tỉnh Quảng Đức, nối tiếp với Vùng 3 Chiến Thuật. Phía Bắc là tỉnh Phú Bổn chạy dài đến Pleiku. Phía Tây là một dãy rừng già tiếp giáp với biên giới của các nước láng giềng (ngã 3 biên giới). Từ khu vực phía tây, một nhánh sông Serepok bắt nguồn từ Cam Bốt chạy xuyên Ban Mê Thuột cắt Quốc Lộ 14 ở phía Nam thị xã 14 km (cầu 14).
Tất cả những điểm đặc biệt của địa hình này đã tạo nên một ưu thế cho chiến tranh du kích. Hơn thế nữa, Đông Bắc thị xã Ban Mê Thuột là Quận Phước An, quận cuối cùng của tỉnh Darlac, mà cũng là gạch nối giữa vùng cao nguyên và miền duyên hải qua cửa ngỏ Khánh Dương, Nha Trang bằng Quốc Lộ 21. Cho nên, nếu nói Ban Mê Thuột là cái rún của vùng cao nguyên qủa thật không phải là quá đáng.
Ban Mê Thuột cũng là cái nôi kinh tế của miền đất đỏ. Nếu nói tới cây thông Đà Lạt, hay trà ở B’lao, thì nhất định phải nói tới cà phê Ban Mê Thuột và những dãy đồn điền cao su hàng chục ngàn mẩu. Rừng là tài nguyên vô cùng quý của quốc gia. Ban Mê Thuột là nơi tàng trữ và sản xuất các loại cây, gổ quý như cẩm lai, cà te, gụ, lim, sên sên, cây dầu, cà chích, bằng lăng… nên đã trở thành trung tâm khai thác lâm sản bậc nhất trên toàn quốc, và đã nuôi sống không biết bao nhiêu ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân thời bấy giờ.
Với bốn quận gồm Lạc Thiện (nằm ở hướng Đông), Phước An (hướng Đông Bắc), Buôn Hô (Bắc) và Ban Mê Thuột là quận châu thành, và dân số toàn tỉnh có khoảng 150 ngàn, mà thị xã Ban Mê Thuột chiếm 60 ngàn, gồm cả Kinh lẫn Thượng. Người Thượng với nhiều sắc dân như Ê Đê, Bana, H’mong… và với 15 trường trung học và tiểu học như Bồ Đề, La San, Hưng Đức, Vinh Sơn, Bán Công (sau này đổi lại thành trường Tỉnh Hạt), Trung Học Tổng Hợp (công lập), Trung Học Nông Lâm Súc, Trung Học Sư Phạm Cao Nguyên… Tám mươi phần trăm dân số sống bằng nghề trồng ngũ cốc và cây kỹ nghệ cà phê, cao su, tiêu, ca cao. Người Thượng theo tập tục Cúng Dàng, người Kinh là tín đồ của các tôn giáo như Phật, Thiên Chúa, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo và cũng như thờ cúng Ông Bà.
Điểm đặc biệt của thị xã này là những thắng cảnh rất nổi tiếng và nên thơ như Vườn Ương, với dãy rừng Trắc Bá chạy dài theo con lộ từ phi trường dân sự Phụng Dực tới cây số 5, “Thung Lũng Tình Yêu,” “Rừng Chim Chích,” Suối Hẹn Hò,” “Đồi Cỏ Vàng,” “Vườn Mộng,” “Thung Lũng Hồng,” “Thác Drayling…” để những chiều nhàn rỗi, các đôi tình nhân đem nhau đến vườn mộng ngắm cỏ úa của mùa thu, hay mỗi Hè về, nhìn hoa Phuợng nở trên khuôn viên trường Tổng Hợp, hoặc là đi thăm khu kỹ nghệ cây số 7 để ngâm mình trong suối đá xanh mà ngắm hoa Bằng Lăng, trắng, đỏ, tím, hồng, nở rộ trên những đồi hoang.
Nhưng tất cả những cảnh vật đó, sinh hoạt đó, đã bị vùi chôn và hủy diệt bằng các trận mưa pháo của đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly, chiến xa T-54, và 3 sư đoàn quân Cộng Sản Bắc Việt vào mùa xuân năm Ất Mão, ngày 10 tháng 3/1975. Ban Mê Thuột, hay “Bụi Mù Trời” đã tan tác hết, phần đất bé nhỏ của quê hương yêu dấu tôi yêu.
NHỮNG NGÀY ĐẦU CHIẾN CUỘC
Có lẽ không phải chỉ riêng tôi, mà hầu hết những người dân của thị xã đã không linh cảm nỗi quê hương thơ mộng này lại rơi vào biển lửa của chiến tranh. Mặc dầu vào mùa Thu năm 1974, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật về nhận chức tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Tiểu Khu Darlac, ông đã cho thực hiện một dãy chiến hào bao quanh thị xã để phòng xe tăng T-54 của Cộng quân. Tinh thần quyết chiến-đấu và bảo vệ Ban Mê Thuột của từng người lính và các cơ quan đơn vị, từ cấp Xã đến Quận đã rõ rệt và sẵn sàng từ đó.
Những cuộc hành quân truy lùng tin tức địch đã được thực hiện liên tục. Cục hành quân Phượng Hoàng của hai đơn vị Nghĩa Quân (NQ) và Cảnh Sát Quốc Gia (Cảnh Sát Quốc Gia) giữa liên xã Thọ Thành và Cư Jút vào sau khu vực phía Nam, cách nhiệm sở của hai đơn vị này khoảng 15 km về hướng Nam Tây-Nam, và 42 km Tây-Nam thị xã vào cuối tháng 2 năm 1975, đã phát giác dấu xích xe tăng T-54 của địch.
Cuộc hành quân của đơn vị Nghĩa Quân và Cảnh Sát Quốc Gia thuộc xã Cư Ming, Bandon, phía Tây thị xã Ban Mê Thuột chừng 48 km cũng đã cung cấp cho Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột và F đặc biệt về sự di chuyển của quân Cộng Sản Bắc Việt trong khu vực Bandon.
Các tin tình báo của những tình báo viên,TBND, trong Mạng Lưới Tình Báo do Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh trong những tháng 2 và 3/1975, khi đi khai thác lâm sản ở khu vực phía tây thị xã (Bandon) và Tây Nam thị xã 62 km cũng đả báo cáo cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Darlac tin tức về các đường dây điện thoại, ống dẫn dầu và dấu xích chiến xa T-54 của cộng quân.
Ngày 14 tháng 2/1975, 7 chiếc xe be khai thác lâm sản, trong lúc làm cây ở khu vực Nam Tây-Nam thị xã Ban Mê Thuột 82 km đã bị Cộng quân cưỡng chiếm, các nạn nhân cũng đã khai trình Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh và Phòng 2 Tiểu Khu những tin tức về lực lượng cộng quân.
Tháng 2/1975, một nữ cán binh thuộc Trung Đoàn 25 Địa Phương của Cộng quân ra hồi chánh với một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac đã cung cấp tin tức về sư đoàn F10 của Cộng quân đang di chuyển về khu vực Nam thị xã Ban Mê Thuột, đồng thời cho biết Trung Đoàn 25 Địa Phương sẽ mở chiến dịch tại khu vực Khánh Dương, nằm trên Quốc Lộ 21, ranh giới gữa Khánh Dương – Nha Trang và Phước An – Ban Mê Thuột.
Đặc biệt là cuộc hành quân ngày 7 tháng 3/1975 (ba ngày trước khi Cộng quân tấn công Ban Mê Thuột), của một đơn vị thuộc tiểu khu Darlac, đã bắt được một tù binh Cộng Sản, quân hàm thiếu úy, trong lúc y đang giăng dây điện thoại ở khu vực Buôn La Sup, thuộc xã Cư Ming, Bandon, Quận Ban Mê Thuột.
Nhưng tất cả những tin tức này đều chỉ được ghi nhận. Lực bất tùng tâm, Quân Đoàn 2 với hai sư đoàn gồm Sư Đoàn 22 Bộ Binh (BB) lo trấn giữ các tỉnh miền duyên hải, và Sư Đoàn 23 Bộ Binh 23 trấn thủ các tỉnh cao nguyên với những dãy núi rừng trùng trùng điệp điệp, đã không đủ quân số để chống giữ Ban Mê Thuột với sự ồ ạt tấn công của hàng chục ngàn bộ đội Bắc Việt với đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly và chiến xa T-54 yểm trợ đã vùi chôn Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này trong biển lửa.
Nhưng trong thâm tâm mỗi người dân Ban Mê Thuột, hình ảnh những vị anh hùng của Tiểu khu Darlac, những chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia và Sư Đoàn 23 Bộ Binh mãi mãi là những thần linh bất tử, đặc biệt là Trung Đoàn 53 Bộ Binh trấn giữ phi trường Phụng Dực, đã anh dũng chiến đấu và bảo vệ những phần đất Ban Mê Thuột trong suốt 7 ngày đêm dưới chiến thuật biển người và mưa đạn của kẻ thù cho đến phút lâm chung. Xin cám ơn đấng tố cao đã cho chúng tôi những người con trung hiếu lưỡng toàn này.
NHỮNG TRẬN ĐÁNH MỞ ĐẦU
Để chuẩn bị cho cuộc tấn công Ban Mê Thuột, Cộng quân đã mở 3 mặt trận lớn, cắt đứt mọi liên lạc và tiếp vận với Ban Mê Thuột. Mặt trận đầu tiên là đánh chiếm quận Thuận Mẩn, thuộc tỉnh Phú Bổn, nằm trên Quốc Lộ 14, giáp ranh với quận Buôn Hô, tỉnh Darlac, cách quận lỵ Buôn Hô 45 km về phía Bắc vào ngày 4 tháng 3/1975.
Đêm ngày 6 tháng 3/1975, Cộng quân mở mặt trận tại khu vực quận Khánh Dương, Nha Trang, nằm trên Quốc Lộ 21, giáp ranh quận Phước An tỉnh Darlac, cách thị xã Ban Mê Thuột 75 km về phía Đông Bắc.
Đêm ngày 8 tháng 3/1975, Cộng quân tấn công quận Đức Lập, tỉnh Quảng Đức, nằm trên Quốc Lộ 14,cách thị xã Ban Mê Thuột 60 km về phía Nam. Đến 9 giờ 30 ngày Chủ Nhật, 9 tháng 3/1975, tin Cộng quân tràn ngập Chi Khu Đức Lập chính thức nhận được qua Trung Tâm Hành Quân Tiểu khu Darlac.
Như vậy, thị xã Ban Mê Thuột đã hòan toàn bị cô lập. Phía Nam Ban Mê Thuột là quận Đức Lập đã bị Cộng quân chiếm đóng. Phía Bắc liên lạc với Phú Bổn và Pleiku qua Quốc Lộ 14, đã bị Cộng quân cắt tại quận Thuận Mẩn. Đông Bắc là Quốc Lộ 21 nối với miền duyên hải qua cửa ngỏ Nha Trang đã bị Cộng quân trấn giữ bằng mặt trận Khánh Dương.
TÌNH HÌNH BAN MÊ THUỘT, CHỦ NHẬT 9 THÁNG 3/1975
Với những tin nhận được, tình hình Ban Mê Thuột quả thật có biến động. Những gia đình giàu có, những người có thể, đều tìm cách ra khỏi Ban Mê Thuột để về Nha Trang hay Saigon. Một vé máy bay đi Saigon lên đến 50 ngàn đồng thời bấy giờ, nhưng cũng không còn chỗ. Đi Nha Trang 20 ngàn, nhưng cũng không cách nào đặt được vé.
Trưa ngày 9 tháng 3/1975, một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập tại Tòa Hành Chánh, do Đại Tá Tỉnh Trưởng Kiêm Tiểu Khu Trưởng chủ trì, gồm các ty sở trưởng, đơn vị trưởng và ban ngành chuyên môn trực thuộc tiểu khu. Lệnh báo động đỏ được ban hành cùng với lệnh cấm trại một trăm phần trăm các đơn vị.
Một đặc lệnh truyền tin được chuyển đến các đơn vị, đặc biệt là trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia, với những chỉ dẫn cần thiết kèm theo đặc lệnh này, mà những nhân viên thừa hành không thể được phép mở, ngọai trừ khi có lệnh của đơn vị trưởng trực tiếp. Lệnh giới nghiêm được ban hành trên toàn thị xã, từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau. Một số gia đình có thân nhân ở ngoại ô thị xã như cây số 5, đã di tản gia đình ra khỏi thị xã tối ngày 9 tháng 3/1975.
Nhưng định mệnh đã an bài, không phải vì triều đại của chúng ta thiếu nhân lực hay bất tài, cũng không phải vì chúng ta tất trách, chưa làm hết bổn phận của mình, mà ngược lại, chúng ta đã tận sức, đặc biệt là những người lính, những chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia.
Thực sự xã hội miền Nam từ giữa thập niên 1960 đã có những biến chuyển lớn trong sinh hoạt chính trị gây ảnh hưởng sâu rộng cho nền trị an xã hội, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Một số các tổ chức đã chỉ biết yêu cầu và đòi hỏi mà quên đi những nguyên tắc căn bản của một thực tế xã hội mà mọi sinh hoạt còn ở mức khởi đầu. Một người làm chính trị giỏi thì cả nước yên, cả nước làm chính trị thì xã hội loạn. Khuynh hướng đòi tự do dân chủ được lồng vào các cuộc bạo hành, xuống đường phản đối chính phủ ở vào những giai đoạn không hợp thời, không đúng lúc, của một số tổ chức, đã thực sự đe dọa nền an ninh quốc gia, và trở thành những hành động khủng bố tính mạng của tổ quốc.
Người ta nhân danh tự do, để làm chính trị, nói chính trị, mà không thấu triệt đạo đức và nguyên lý chính trị căn bản. Người ta đòi tự do, hô hào tự do mà xã hội còn ở mức căn bản, nên vô tình hay hữu ý, những kẻ đó đã tiếp tay, hoặc tạo cho kẻ thù cơ hội lũng đoạn và khuynh đảo các cơ cấu, tổ chức chính quyền, thao túng trật tự xã hội dưới nhiều hình thức và chiêu bài. Trong khi đó, ở ngoài chiến trường, những người lính của chúng ta còn giành nhau từng tấc đất với kẻ thù, và sinh mạng những người dân ở vùng chiến tranh, hoặc từng phần lảnh thỗ của miền Nam chỉ là ngàn cân treo sợi tóc.
Mặt khác, chúng ta lại không may gặp phải một đồng minh khác biệt với nền đạo đức cổ truyền, không đặt nặng lòng nhân, không xử chữ nghĩa, chúng ta như một con cờ trong ván cờ chính trị toàn cầu của đồng minh anh em, trong khi nền Cộng Hòa của chúng ta vừa qua giai đoạn phôi thai, đang ở chặng đường phát triển. Nền công nghiệp nặng còn khiếm khuyết, kỹ nghệ quốc phòng chưa mở mang, nền kinh tế quốc dân tuy có ổn định, nhưng cán cân cung cầu chưa đồng đều, mậu dịch chưa hoàn toàn cân đối.
Dầu rằng nền Cộng Hòa của chúng ta đã có được một cơ cấu chính quyền có tổ chức và hoàn bị, dựa trên Hiến Pháp, nhưng được toàn thế giới công nhận, có ứng cử và bầu cử tự do từ cấp xã, quận, tỉnh đến trung ương. Một Học viện Quốc gia hành chánh để đào tạo các chuyên viên hành chánh điều hoà hệ thống này. Một Quốc Hội lưỡng viện, một Giám Sát Viện để đàn hạch việc làm của Tổng Thống. Một Tối Cao Pháp Viện để kiểm sóat hệ thống tòa án là ngành Tư Pháp của chúng ta.
Chúng ta lại có một hệ thống tài chánh, ngân hàng hết sức ổn định và tiên tiến, không thua gì các quốc gia mở mang. Hệ thống giáo dục của chúng ta thưc sự đã hoàn hảo, hàng năm, các viện đại học Sàigòn, Huế, Đà Lạt, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, đã đào tạo và cung cấp không biết bao nhiêu chuyên viên và nhân tài phục vụ xã hội. Ngành y tế của chúng ta phải nói là tân tiến, với một đội ngũ bác sĩ đầy nhiệt huyết và lương tâm.
Quân đội của chúng ta cũng được đào tạo và huấn luyện với những kỹ thuật tiên tiến, tinh vi, và hữu hiệu. Chúng ta có hai trường sĩ quan: Trường Võ Bị Đà Lạt, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, một trường Hạ Sĩ Quan là trường Đồng đế ở Nha Trang, nhiều trung tâm huấn luyện và những trường chuyên môn như Công Binh, Pháo Binh, Trường Sĩ Quan Không Quân và Hải Quân, trường Quân Nhu, Quân Cụ, vân vân và vân vân…
Và ngành Cảnh Sát Quốc Gia, chúng ta có một Học Viện Cảnh Sát ở Thủ Đức, huấn luyện và đào tạo các sĩ quan ưu tú, để hành xử luật pháp thật công minh, Trung Tâm Huấn Luyện Dốc Dừa, Trường Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến, và nhiều Trung tâm huấn luyện khác đã đào tạo các chiến sĩ cảnh sát xuất sắc để hoàn thành nhiệm vụ TRỪ BẠO, AN DÂN, CÔNG MINH, LIÊM CHÍNH.
Về mặt kinh tế quốc dân, các ngành sản xuất đang trên đà phát triển, các nhà máy giấy, xi măng, xưởng dệt, lắp ráp nông cơ, xe hơi, xe gắn máy, xe đạp, xà phòng… các ngành xuất, nhập, khẩu tăng trưởng cực mạnh, số lượng gạo, cà phê xuất cảng đứng hang nhất-nhì trong khu vực Đông Nam Á. Các mặt hàng tiêu dùng như vải, sợi… tràn ngập trên thị trường, không cần đến nhập cảng . Hai mươi sáu triệu dân miền Nam thực sự đủ ăn, đủ mặc, được học hành và chăm sóc chu đáo.
Xã hội chúng ta thực sự đã tổ chức hoàn bị, dựa trên căn bản của luật pháp, bình đẳng và tự do. Người ta tha hồ phê bình tổng thống và các vị lãnh đạo ở mọi cấp bậc của quốc gia. Quyền tự do cư trú, tự do đi lại, tự do lập hội, tự do ngôn luận, báo chí, và các đảng phái tuyệt đối được tôn trọng. Và đó là tất cả những gì mà nền Cộng Hòa của chúng ta đã làm được và đang cố gắng phát triển và thăng tiến.
Tuy nhiên, một điều mà chúng ta phải thừa nhận, đó là quốc gia của chúng ta còn là một nước phát triển, chúng ta chưa có kỹ nghệ sản xuất vũ khí. Quân đội của chúng ta, trong ngành tình báo kỹ thuật, trang bị còn rất hạn chế, vì phải nhờ vã ở đồng minh.
Chúng ta không có xe tăng M-48 bắn bằng tia hồng ngọai tuyến, hay điều khiển bằng máy vi tính, vũ khí chống chiến xa T-54 là súng M-72, dài gần một mét, nặng gần 12 pound. Mổi khẩu M-72 chỉ xử dụng đúng một lần, bắn xong một phát là vất bỏ khẩu súng. Thử hỏi mỗi người lính khi đi hành quân phải mang đầy quân trang quân dụng thì còn mang theo được bao nhiêu khẩu M-72. Bom không đủ dùng, bom không có ngòi nổ. Cấp số đạn cho vũ khí cá nhân thực sự hạn chế, phương tiện truyền thông liên lạc còn rất thô sơ, nhiên liệu hoàn toàn bị lệ thuộc, mà đặc biệt là quân số của chúng ta chưa đủ để phân phối vì bị ràng buộc bởi luật động viên.
Và cái phải đến đã đến, chúng ta đã không ngăn chận được biển người của kẻ địch tràn ngập thành phố này, Ban Mê Thuột đã mất, mất hết cả ước mơ, hoài bảo và tương lai.
PHỐI TRÍ VÀ TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG
Lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại thị xã Ban Mê Thuột lúc bấy giờ không quá một ngàn người, gồm hậu cứ của Bộ Tư Lệnh (BTL) Sư Đoàn 23 Bộ Binh, hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 (quân số chủ lực của các đơn vị này đã được điều động về Pleiku và Kontum từ trước Tết mà chưa được trả về như chỉ thị của Tổng Thống lúc kinh lý Pleiku trong dịp Tết Ất Mảo 1975). Ban Mê Thuột thực sự chỉ là một thành phố hoang không lực lượng bảo vệ, nói theo một nghĩa nào đó. Do vậy, vấn đề phân nhiệm tuy có kế hoạch chu tường nhưng chỉ là một màng nhện.
Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và các phòng cùng các ban trực thuộc, chịu trách nhiệm phòng thủ phía Nam thị xã. Hậu cứ Bộ Chỉ Huy Thiết Đoàn 8 chịu trách nhiệm phía Tây, khu vực nặng nề nhất. Kho đạn (trại Mai hắc Đế) bảo vệ một mặt phía Tây-Nam cùng với Trung Tâm Yểm trợ tiếp vận (đại đội hành-chánh tài-chánh, tức là Ban Lương Bổng). Phía Đông do Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn 23 Bộ Binh đảm trách. Xa hơn là Chi Khu Ban Mê Thuột và Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia quận Ban Mê Thuột sẽ phối hợp với nhau để chịu trách nhiệm vấn đề phòng thủ. Mặt Bắc thị xã là Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac cùng với một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến. Nội vi thị xã và các chốt điểm trọng yếu đều do lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đảm trách, và được bố trí như sau:
Hai chốt cảnh sát đặt tại Trường Trung Học Tỉnh Hạt và cuối đường Phan Chu Trinh là các chốt ở cửa Bắc. Cuối đường Tự Do, Bến Xe Cây Số 3, được giao cho Cục Cảnh Sát Quốc Gia Cư Kplong và một tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến. Cửa ngỏ phía Nam có Cục Cảnh Sát Quốc Gia Cư Ê Bư và một đơn vị Cảnh Sát Dã Chiến chịu trách nhiệm. Cửa Tây thị xã giao cho Cục Cảnh Sát Quốc Gia thị xã Cục Lạc chịu trách nhiệm. Các cao ốc trong toàn thị xã và các khách sạn, như khách sạn Anh Đào, Hồng Kông, đều được Cảnh Sát Quốc Gia đóng chốt.
Các đơn vị trừ bị gồm có một tiểu đoàn của Trung Đoàn 53 Bộ Binh đóng tại phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km, có trung đội pháo binh 105 ly. Nhưng tiếc thay, pháo binh của Cộng quân lại là loại 130 ly, và hỏa tiển 122 ly, tầm xa và sức công phá hoàn toàn cách biệt.
Lực lượng Cộng quân có một trung đoàn địa phương là Trung Đoàn 25, ba sư đoàn quân chính quy Bắc việt gồm các Sư Đoàn 320 (tiền danh là Nông Trường 3 Sao Vàng), Sư Đoàn 316, và Sư Đoàn F10. Thêm vào đó, Cộng quân có hàng trăm chiến xa T-54, các đại bác 130 ly, hỏa tiễn 122 ly, BKZ 82 (bích-kích pháo không-giật dùng để phá hủy các công sự phòng thủ).
Với những đơn vị tham chiến có mặt này, quân số của Cộng quân đã lên đến hằng chục lần hơn so với quân số của Việt Nam Cộng Hòa. Và nếu cộng thêm đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, Nghĩa Quân và lực lượng Nhân Dân Tự Vệ xã Lạc Giao, quân số của ta cũng không vượt quá 2,000 người. Nhưng thực sự thì bảy ngày sau Cộng quân mới hoàn toàn làm chủ Ban Mê Thuột. Đó chính là nhờ lòng dũng cảm, tinh thần quyết chiến-đấu của từng người lính, và cấp chỉ huy của mỗi đơn vị trong suốt những giờ đầu chiến cuộc.
MỞ ĐẦU TRẬN ĐÁNH
(Xem Phóng đồ trận đánh)
Từ 1giờ 20 đến 2 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các chốt điểm Cảnh Sát Dã Chiến ở cửa Bắc và cửa Tây thị xã đã phát giác các tổ trinh sát tiền phong của Cộng quân và liên tiếp báo về Trung Tâm Hành Quân Cảnh Lực, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac.
Hai giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu thực hiện trận mưa pháo theo chiến thuật tiền pháo hậu xung bằng đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly vào các cứ điểm quân sự như Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kho đạn Mai Hắc Đế và phi trường L19.
Tiếng rít của hỏa tiển và đạn đạo 130 ly khủng khiếp như xé cả không gian mà người ta thực sự chưa từng nghe thấy một lần trong đời. Những tiếng nổ đó cứ liên tục như những dây pháo đại không ngừng, làm vỡ tung hết các cửa kiếng và rung chuyển cả thành phố như cảnh tượng động đất được thấy trên các màn bạc. Các nhà cao tầng bị rung chuyển cực mạnh. Và màng nhĩ của con người chỉ còn ghi nhận tiếng “o o” mà không còn nghe được một âm thanh nào khác.
Thành phố đã như con tàu chao nghiêng trong bão tố. Một số các nhà xây thô sơ quanh các khu vực quân sự đã bị sụp đổ, và trận mưa pháo liên tiếp không ngừng đổ xuống các cứ điểm quân sự của ta cho đến 6 giờ sáng.
Bốn giờ sáng cùng ngày, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng Sản chia làm nhiều mũi tấn công vào phi trường L19, kho đạn Mai Hắc Đế với chiến thuật biển người.
Sáu giờ 15 sáng, xe phóng thanh của Ty Thông Tin đậu tại Ngã 6 thị xã phát lời kêu gọi của đại tá tỉnh trưởng yêu cầu đồng bào bình tỉnh, ai ở nhà nấy, tình hình an ninh tại thị xã vẩn còn yên tỉnh.
Sáu giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một góc phía Bắc của phi trường L19 bị Cộng quân tràn ngập.
Bảy giờ 15 các chốt cảnh sát xin lệnh rút khỏi vị trí phòng thủ vì áp lực địch quá mạnh. Cũng lúc này, dân chúng từ khu vực Buôn A-Lê B, Tân Mai, cửa Nam thị xã lũ lượt chạy vào trung tâm thànhphố.
Tám giờ 30 cùng ngày, Kho đạn Mai Hắc Đế thất thủ. Viên đại úy chỉ huy trưởng bị trọng thương.
Chín giờ 20, chiến xa T-54 và bộ đội Cộng quân chia làm nhiều mũi tấn công vào thị xã. Một mũi từ cuối đường Phan Chu Trinh (cửa Bắc ) tràn chiếm khu vực nhà thờ Chính Tòa, ngã Sáu thị xã, cách Bộ Chỉ HuyTiểu Khu 800 mét. Mũi phía Nam, từ khu vực Buôn A-Lê B, đồi Trung Học La San, theo đại lộ Thống Nhất tiến đánh khu vực tư dinh Tỉnh Trưởng, Ty Ngân Khố. Một mũi khác, từ hướng chùa Khải Đoan, đánh chiếm ngã tư Nguyễn Tri Phương Phan Bội Châu, và mặt Tây thị xã đã bị Cộng quân tấn chiếm.
Khu phố Nguyễn Trãi Nguyễn Tri Phương, dân chúng bồng bế nhau chạy về chùa Khải Đoan và Trường Bồ Đề dưới mưa đạn AK và đại bác của kẻ thù. Tiếng khóc của trẻ con, tiếng kêu mẹ, gọi chồng hòa lẩn tiếng đạn rít nghe thê lương hải hùng không nỗi nào tả xiết. Dãy phố Quang Trung, Lý thường Kiệt, từ nhà hàng Hoàng Vinh đến tiệm may Hoàng Yến, đối diện Ngân hàng Đại Á bốc cháy dữ dội. Khu phố Hai Bà Trưng, Quang Trung, từ khách sạn Hồng Kông chạy dài đến Ama Trang Long đã thành một biển lửa. Quả thật cuộc sống của thành phố này đang bị hủy diệt. Những cụm lửa cuộn theo tàn hòa trong khói đục tiếp tục bay cao để đốt cháy nốt những khu phố lân cận.
MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3/1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng bắc và hướng Tây bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thành phố và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất. Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi, nhưng không tràn qua được khu vườn hoang của Bác Sĩ Tôn Thất Niệm, nằm sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và với BKZ 82 ly cùng đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng vào hệ thống công sự phòng thủ của tiểu khu, Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này. Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.
Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
Mười một giờ 20, một chiếc T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
Mười một giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu. Nhưng khi đến ngã Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
Cũng giờ này, khu chợ Ban Mê Thuột, từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh Thế ở đại lộ Lê Lợi Saigon, giờ đây đang là một biển lửa. Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn. Khu phố nằm trên đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị sập.
Cho đến giờ này, 11 giờ 45 ngày 10 tháng 3/1975, các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, và lực lượng của Cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc, tức là khu cư xá sĩ quan và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, tức là từ Bưu Điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ.
Một giờ 15 trưa ngày 10 tháng 3/1975, Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.
Mười bốn giờ 20 ngày thứ Hai, 10 tháng 3/1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu.
Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình. Xin gởi tấm chân tình sâu xa nhất của chúng tôi đến Trung Tá Vĩnh Hy, người trực tiếp chỉ huy mặt trận, với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, và để đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
Xin anh linh của những chiến sĩ đã sống hùng thác thiêng, phù trợ cho thành phố này và những đồng đội của mình trên những chặng đường di tản. Các vị mãi mãi là những anh hùng và thần linh của thành phố này.
MẶT TRẬN PHÍA BẮC THỊ XÃ
Những Trận Đánh Oanh Liệt của Các Chiến Sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac
Trong kế hoạch phòng thủ thị xã Ban Mê Thuột, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac là một trong những đơn vị chịu trách nhiệm về một khu vực phòng thủ nặng nề nhất, từ nội vi thị xã đến cả một mặt Bắc, bao gồm phi trường trực thăng và phi trường L19. Phòng thủ phi trường L19 là đơn vị Thám Sát Tỉnh (PRU), trực thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh.
Với những tin tức nhận được của mạng lưới tình báo cơ hữu và của các đơn vị bạn, vị chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, Trung Tá Trần Quang Vĩnh đã sẵn sàng kế hoạch phòng thủ và phản công cho đơn vị hằng tháng trước. Ông đã bổ nhiệm Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn, Đại Đội Trưởng đại đội Cảnh sát Dã Chiến 206 làm phụ tá chỉ huy trưởng đặc trách hành quân.
Mười một giờ trưa ngày 9 tháng 3/1975, sau khi dự phiên họp tại Tiểu Khu, có sự tham dự của Thiếu Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 2, ông trở về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Tỉnh cùng với vị phụ tá hành quân triệu tập một phiên họp tham mưu với các cấp chỉ huy, nhắc lại lệnh cấm trại một trăm phần trâm và lệnh báo động đỏ cho toàn thể các đơn vị trực thuộc. Ông cũng cho lệnh di tản gia đình nhân viên ra khỏi thị xã để sẳn sàng chiến đấu. Đồng thời Đại Tá Vĩnh chuyển đến các Cục Cảnh Sát Quốc Gia Xã Đặc Lệnh Truyền Tin, Khóa KCD và ra lệnh được phép tiêu hủy hồ sơ đơn vị nếu cần thiết.
Phân công trách nhiệm phòng thủ Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát mới cho Thiếu Tá Chỉ Huy Phó và sĩ quan phụ tá hành quân, với Đại Đội 206 Cảnh Sát Dã Chiến. Ty cảnh Sát cũ, nằm ở khu vực sân vận động trên đường Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, gồm 2 phòng Truyền Tin và Kỷ Thuật do chỉ huy trưởng đảm trách.
Mười hai giờ 30 cùng ngày, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac nhận được tin một đơn vị của Cộng quân đã tiến vào khu vực Buôn Ea H’Neh, cách thị xã Ban Mê Thuột khoảng 6 km về phía Tây. Viên chỉ huy trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh đã tức thời trình Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu và Đại Tá Nguyễn Trọng Luật. Đồng thời ông cũng báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh sát Quốc Gia Khu 2 (Nha Trang ) và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2/Quân Khu 2. Nhưng tiếc thay, Bộ Chỉ Huy Khu và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã không có biện pháp ngăn chận.
Hai giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu tấn công phi trường L19, (khu vực phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, do Đại Đội Thám Sát chịu trách nhiệm), bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly.
Đến 4 giờ sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân bắt đầu dùng lực lượng bộ binh với chiến thuật biển người và xe tăng T-54 tấn công phi trường L19. Đơn vị Thám Sát Tỉnh chống trả quyết liệt và báo cáo về Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia. Đại Úy Nguyễn Ngọc Tuấn liền liên lạc với Tiểu Khu xin Đại Đội 1/224 tiếp viện. Nhưng Đại Đội 1/224 đã không thể chọc thủng vòng vây của Cộng quân ở mặt Bắc Phi trường L19.
Sáu giờ 20, một đoạn vòng đai ở khu vực phía Bắc phi trường bị chọc thủng. Lực lượng Cộng quân tràn ngập khu vực này, và đơn vị Thám Sát Tỉnh đã phải lui về phòng tuyến phòng thủ phía sau. Tổn thất về nhân sự nặng nề nhất trong mặt trận Ban Mê Thuột, phải kể hàng đầu là đại đội Thám Sát của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac. Những hy sinh mất mát đó người dân thị xã thực sự không bao giờ quên lãng.
Sau khi tràn ngập các chốt điểm tiền tiêu, 9 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, lực lượng Cộng quân từ mặt Bắc thị xã, tức là khu vực phía Bắc phi truờng L19 và bến xe Cây Số 3 bắt đầu tấn công Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac,nằm trên đường Tự Do để xâm nhập trung tâm thành phố.
Lợi dụng hệ thống công sự phòng thủ và các dãy hàng rào kẽm gai bảo vệ phi trường L19 nằm bên kia đườngTự Do, lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã chận đứng các mũi tiến quân của Cộng quân. Các chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia dù chỉ được trang bị M-16, M-79 và lựu đạn nhưng đã anh dũng phản công quyết liệt trước những đợt tấn công của Cộng quân, không cho địch tiến sát vào hệ thống công sự phòng thủ.
Một con đường an toàn duy nhất trong lúc này, chính là con đường Tự Do, chạy dài từ bến xe Cây Số 3, dọc theo sườn Đông của phi trường L19 đến tư dinh của vị tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Không phải chỉ những chiến sĩ thuộc các binh chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới có kỷ thuật và kinh nghiệm chiến đấu, mà thực sự những người Cảnh Sát Quốc Gia thuộc Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac, trong mặt trận Ban Mê Thuột, đã thể hiện hoàn toàn lòng trách nhiệm và tinh thần Trừ Bạo An Dân.
Chính nhờ lòng dũng cảm chiến đấu, kỷ thuật tác chiến, và hệ thống chỉ huy chặt chẽ này, mà một mặt phía Đông thị xã Ban Mê Thuột, từ khu đường Tự Do, chạy dài xuống Bà Triệu, Hùng Vương, Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, chưa có bóng dáng của Cộng quân. Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã trấn giữ một khu vực an toàn mà có lẽ họ không thể nào ngờ được, đó là con đường di tản duy nhất sau này cho các đơn vị phải rút lui vào phút cuối.
Xin mượn những giòng nước mắt, và nỗi xúc động sâu xa trong tâm hồn để bày tỏ sự cảm phục trước lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và anh dũng chiến đấu của những chiến sĩ Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã cương quyết bảo vệ thành phố nhỏ bé này cho đến phút lâm chung. Xin anh linh của những vị đả khuất phù trợ cho thành phố này và những đồng đội của mình giữ được lòng trung kiên với tổ quốc và tinh thần vì dân trừ bạo bất diệt.
Mười lăm giờ 40 ngày thứ hai, 10 tháng 3/1975, với áp lực của địch, và để bảo toàn đơn vị, Thiếu tá Hàn Văn Thành, chỉ huy phó Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh Darlac đã ra lệnh mở đường máu đem đơn vị ra khỏi thị xã về Cây Số 5, phối hợp với các đơn vị trực thuộc và Chi Khu Ban Mê Thuột để tiếp tục phản công quân thù.
Mười sáu giờ ngày thứ Hai, 10 tháng 3/1975, Cộng quân hoàn toàn làm chủ tình hình thị xã Ban Mê Thuột, ngoại trừ khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh còn được trấn giữ.
Trong thành phố, tiếng súng nhỏ đã im, nhưng cảnh tan hoang của thị xã thật không cách nào tả xiết. Những khu phố bị cháy không ai dập tắt, đóm lửa, tro tàn, và bụi khói bao phủ khung trời thị xã như một màn sương đục. Mặt đường lổ loang những dấu đạn cày. Bên cạnh những đóng tro tàn, từng nhóm người co ro sợ hãi cúi mặt không dám khóc. Những trẻ em mất cha, lạc mẹ kêu van đã khàn tiếng.
Rải rác trên các khu phố, những vũng máu và thây người, kẻ bị thương, bị chết không ai săn sóc. Thị xã không hẳn là một bãi tha ma, không gọn gàn sạch sẽ như nghĩa trang người chết, mà là hổn độn của một thế giới nửa sống, nửa chết. Vợ ôm xác chồng không dám khóc, mẹ nhìn thây con giá lạnh không dám đem về. Người ta vẫn sợ một Mậu Thân thứ hai, năm 1968, ở Huế. Bóng dáng của Cộng quân như tử thần dến chiêu hồn kẻ sống đe dọa mọi người.
Sáu giờ chiều thứ Hai, ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội Cộng Sản lại chia thành từng toán, đi lục soát khắp cùng thị xã, và thanh lọc dân chúng ở các tụ điểm của người chạy nạn như chùa Khải đoan, Trường Bồ đề, Trường Tàu ở đường Y Jút, và bắt đi những thanh niên nam, nữ.
Người dân thị xã không còn điểm tựa, không còn chỗ kêu cứu. Người ta theo lệnh của những khẩu AK chỉa vào họ như một cái máy, không cảm xúc, nỗi kinh hoàng đã cướp đi mọi cảm giác của con người. Và cũng chính giờ phút này, người ta hiểu thế nào là đường ranh của cõi chết.
Nhưng niềm tin và lòng hy vọng của muôn người lại trở về trong bản năng và tâm linh của họ. vì trên bầu trời thị xã, hai chiếc L-19 đang lượn vòng trên đầu Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, mà từ sáng, nỗi hãi hùng đã làm người ta quên mất. Những tia khói đục như một màng luới từ dưới đất tung lên, tạo thành những chiếc dù tí hon bao quanh hai chiếc L-19, Đó là đạn phòng không 37 ly và 12 ly 7 của Cộng quân, nhưng không một chiếc L-19 nào bị trúng đạn.
Phật Xá Lợi vẫn còn tại thế, Chúa Giê Su về trời vẫn lập phép Thánh Thể để nuôi người thế gian, Bộ Tư Lệnh Sư Đòan 23 Bộ Binh vẫn còn đó, nghĩa là linh hồn và niềm tin của người dân thị xã vẫn chưa bị hủy diệt. Mọi người như thầm xin “Những Con Ó của Sư Đoàn 23 ơi, xin hãy vì 60 ngàn dân và thành phố thân yêu này mà chiến đấu.”
BAN MÊ THUỘT GIÂY PHÚT LÂM CHUNG
Cuộc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột lúc 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975 của 3 sư đoàn Bộ Binh Bắc Việt cùng với chiến xa T-54 và các loại trọng pháo cho đến lúc này đã hầu như lắng đọng trong nội vi thị xã (16 giờ 10 ngày 10 tháng 3/1975). Và các cứ điểm quân sự quan trọng đã bị Cộng quân tràn ngập.
Sáu giờ 20 ngày 10 tháng 3/1975, phi trường trực thăng và L19, đài kiểm báo, đơn vị phòng thủ phi trường, nằm ở phía Bắc thị xã, cuối đường Phan chu Trinh và Tự Do, đã bị tê liệt.
Tám giờ 20 cùng ngày, kho đạn Mai Hắc Đế, phía nam Tây-Nam thị xã bị thất thủ
Mười một giờ 50, hậu cứ Thiết Đoàn 8 Thiết Giáp ở cửa Tây thị xã di tản.
Mười hai giờ trưa, Cuộc Cảnh Sát Quốc Gia Xã Lạc Giao, nằm trên đường Quang Trung Tôn thất Thuyết, cạnh chợ Ban Mê Thuột tan hàng.
Mười bốn giờ 20 chiều ngày 10 tháng 3/1975 Bộ Chỉ huy Tiểu khu Darlac thất thủ.
Mười lăm giờ 40 cùng ngày, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia tỉnh Darlac rút khỏi thị xã.
Trong gần suốt 14 giờ đồng hồ, các đơn vị quân đội, Cảnh Sát, Nghĩa Quân, Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn Tỉnh,và Nhân Dân Tự Vệ toàn thị xã đã tận hết sức mình để chống trả với lực lượng biển người, chiến xa và đại bác của Cộng quân mà không có được một đơn vị bạn nào tiép cứu.
Và giữa những giờ phút quyết liệt này, người ta nhận được tin vào lúc 10 giờ 15 sáng ngày 10 tháng 3/1975, một đơn vị Biệt Động quân từ cửa Bắc thị xã (bến xe Cây Số 3) đã xâm nhặp trung tâm thành phố. Tin tức này được loan truyền đến hầu hết các đơn vị đang chiến đấu trên khắp các cửa ngõ thị xã, và mỗi người lính, từ cấp chỉ huy cho đến binh sĩ đều vui mừng nắm chắc phần quyết định chiến trường.
Nhưng cho đến một giờ chiều, tin tức về Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân vẫn im hơi lặng tiếng, mà chiến trường mỗi lúc càng quyết liệt hơn, cho đến khi người ta biết rằng đơn vị Biệt Động Quân tiến vào thị xã sáng nay là chỉ để giải cứu gia đình của vị Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã.
Tin này quả thật là một tác động tâm lý, không những làm cho các đơn vị tham chiến mà cả toàn thị xã có cảm nghĩ Ban Mê Thuột đã bị bỏ rơi. Tuy nhiên với tinh thần và trách nhiệm của một người lính, các đơn vị có mặt tại thị xã vẫn anh dũng chiến đấu với niềm tin lực lượng tổng trừ bị, và đặc biệt là hai Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ được gởi đến.
Nhưng 1 giờ 15 ngày 10 tháng 3/1975, trung tâm hành quân của Tiểu Khu, đầu não của mọi hệ thống chỉ huy và liên lạc cho chiến trường Ban Mê Thuột bị đại bác của Cộng quân pháo sập, tiểu khu thất thủ, rồi Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh di tản và thị xã Ban Mê Thuột đã lọt vào tay Cộng quân.
Một số các tổ trinh sát, các đơn vị an ninh vòng đai thị xã mất liên lạc với đơn vị. Những sĩ quan chỉ huy và binh sĩ của các đơn vị này đã lẫn vào các đoàn người chạy loạn, hoặc tự tái lập các tổ chiến đấu, lẫn tránh vào các khu rẫy cà phê mặt Bắc, phía sau Tòa Giám Mục.
Trong nội vi thị xã, cho đến 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3/1975, trận chiến được coi như kết thúc. Thành phố bây giờ như một bãi tha ma, chứa đầy tử khí. Những đống tro tàn của nhiều khu phố bị cháy, bụi khói và gạch vụn, gợi cho người ta cái cảm xúc của một chiến trường tàn cuộc lạnh lẽo rợn người.
ĐÊM KINH HOÀNG
Từ 6 giờ chiều ngày 10 tháng 3/1975, bộ đội Cộng quân bắt đầu chia thành từng toán nhỏ lục soát khắp cùng các khu phố và những điểm tập trung của người chạy loạn như chùa Khải Đoan, trường Bồ Đề, trường Tàu ở đường Y Jút. Họ thanh lọc dân chúng, bắt đi những thanh niên nam nữ, và truy lùng các viên chức chánh phủ, sĩ quan và binh lính.
Khắp cùng các ngõ phố, bọn đặc công và du côn, thi nhau lập công, đập phá các cửa tiệm, dinh thự, tư gia, những nơi mà họ cho là có kẻ thù ẩn trốn, là Việt gian, phản động, làm việc cho Mỹ Ngụy, hoặc có nợ máu với nhân dân. Chúng thi nhau lục soát các trường học, nhà thờ, bức tượng ở nhà thờ quân đội, cạnh trường Hưng Đức cũng bị chúng đập nát, đồng thời lùng bắt những người có thù hằn với chúng, và lôi đốt hết các loại sách báo, giắo khoa, tự điển, các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đặc biệt là những ấn phẩm viết bằng tiếng ngoại quốc như Anh văn, Pháp văn.
Một lần nữa, ngọn lửa tượng trưng cho sự hủy diệt lại bùng lên khắp cùng thị xã. Cảnh hôi của, hôi người, trả thù cá nhân lan tràn khắp nơi. Thành phố bây giờ là một xã hội không tổ chức, không luật pháp, và tai họa thảm khốc đã diễn ra khắp cùng các ngõ phố. Những hình phạt dã man thời tiền sử đã được đem ra thực hiện. Hình ảnh của chết chóc và khủng bố đang bao trùm lên thị xã nhỏ bé này và đè nặng xuống tâm hồn mỗi dân đinh của toàn thành phố. Ở cuối đường Hoàng Diệu, Nguyễn Trãi, Khách sạn Darlac, ba nghiệp chủ khai thác lâm sản đã bị đánh đập đến tàn khuyết, một số viên chức chính phũ, binh sĩ và cảnh sát bị hành hung rất dã man, nhưng các nạn nhân đều không có thuốc men cứu chữa và không được phép cứu chữa.
Sự ngu dốt của kẻ chiến thắng, hay sự dã man và thiếu trình độ của cấp lảnh đạo chính là tai họa và thảm trạng tàn khốc cho một xã hội. Xã hội miền Nam, và dân trí của nền Cộng Hòa miền Nam đã có một trình độ văn hóa và kỷ thuật cách xa gấp bội so với miền Bắc, nên bộ đội Cộng quân, sau khi đã kiểm soát toàn thị xã, lập tức đi dò tìm những ”đài địch,” và đã dùng súng B-40, B-41, hoặc đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54 bắn vào các tư gia có trụ ăng ten trên nóc nhà, vì họ cho rằng đó là vị trí đặt các máy truyền tin của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà các trụ ăng ten TV là những ”đài địch ” ấy đã có khắp trong toàn thị xã. Thảm thương thay cho thành phố Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân của thị xã này.
Trong đêm này, không biết có bao nhiêu gia đình tan hoang, bao nhiều người bị chết oan, đánh đập, hoặc bị đấu tố mang thương tích hay tàn khuyết, mà vợ con, thân nhân, bạn bè chỉ đứng nhìn mà không dám kêu van. Máu và lệ đã đổ, nhưng không chảy ra từ khoé mắt, mà lại tuôn ngược vào lòng. Trời ở quá cao mà Phật cũng rất xa, nên con người đã là chủ của con người trong đêm nay, với đầy đủ quyền uy và hung dữ. Đêm kinh hoàng, đêm của địa ngục và Sa Tăng.
Nhưng bộ đội Cộng Sản đã không cần biết tới, mà còn tiếp tay, kích động, cùng với đám côn đồ nằm vùng, truy lùng và tận diệt những kẻ mà chúng thù hằn, hoặc chúng cho là có nợ máu với cách mạng. Và cũng đêm nay, lần đầu tiên, người dân thành phố nhìn được bộ mặt thực của bộ đội Cộng Sản.
Cái quan trọng đối với kẻ chiến thắng trong cuộc chiến 20 chọi 1 này là vơ vét tất cả những gì họ có thể vơ vét: Kho dự trữ lương thực trung ương, trực thuộc Phủ Thủ Tướng nằm trên đường Tự Do, cạnh F Đặc Biệt, Kho Quân Nhu, Quân Cụ, dụng cụ y khoa và dược phẩm, thuốc men của các bệnh viện như Quân Y Viện, Dân Y Viện, Trạm xá, nhà hộ sinh, các cửa tiệm thuốc Tây, các đại lý gạo, cửa hàng bách hóa của tư nhân trong toàn thành phố.
Suốt đêm, người ta nhìn thấy những đoàn Molotova chở đầy hàng hóa vật dụng của thành phố đi về hướng Bandon, phía Tây thị xã.
Trong khi đó, những sĩ quan, binh lính và viên chức chính phủ bị kẹt lại trong thành phố, đang tìm cách lẩn trốn ra khỏi thị xã, hoặc ẩn núp trên các nóc nhà, giữa mái tôn và trần nhà, để tránh bị bắt hoặc bị trả thù cá nhân. Cái lạnh về đêm của mùa Xuân cao nguyên, hoặc cái nóng kinh người của những ngày nắng tháng 3 ở thành phố Ban Mê Thuột đã mấy ai hiểu được, ngoại trừ những người lẫn trốn Cộng quân và bọn côn đồ nằm vùng. Tuy nhiên, nỗi đau đớn của thể xác trong lúc này đã không làm con người cảm nhận được bằng sự kinh hoàng và tuyệt vọng đang dìm tâm trí họ xuống đáy vực mênh mông.
Đêm nay, ở một góc vòng đai thị xã, tôi nhìn rõ đêm đen phủ xuống bãi tro tàn và gạch vụn của khu phố, ngửi mùi khét của tử thi và gia súc trong trận lửa sáng nay mà nghe lòng mình như tan nát, rã rời. Tôi ngậm ngùi thương xót cho những gì vừa mất, những cuộc đời bình dị của từng con người và mỗi gia đình trên thành phố này, mà thời gian chỉ là tối Chủ Nhật hôm qua, mồng 9 tháng 3, và chỉ chưa tròn 24 tiếng đồng hồ mà tất cả đã không còn nữa. Tất cả đã trở thành kỷ niệm, như một giấc mơ, đầy hãi hùng và kinh đãm.
Trong nỗi xúc động không cùng đó, tôi chợt nhớ về quảng đời đã qua, những tháng ngày ấu thơ trên thàng phố ”Buồn Muôn Thuở” mà những học trò đệ-thất vẫn quen gọi tên Ban Mê Thuột một thời, giờ đây tôi càng nghe tên gọi đó êm ái lạ thường.
Ban Mê Thuột, quê hương ấu thơ ngày đó, cũng như phố thị êm đềm bình dị của hôm qua đã là một bãi gạch vụn. Nhưng những kỷ niệm yêu dấu của Ban Mê Thuột mãi mãi không phai mờ trong tâm hồn của riêng tôi và của 60 ngàn dân đinh sinh trưởng ở nơi này.
Tôi không hiểu được tại sao trong lúc này tôi lại nhớ về ngày cũ, chuỗi thời gian êm ái của thời niên thiếu trên khuôn viên trường Tổng Hợp. Những ngày tháng rong chơi trong các buôn, làng của khu vực Xã Cữ Êbư có đầy hoa Bằng Lăng màu tím nở rộ mỗi Hè về trên những đồi hoang. Con đường vào Buôn Dung xuyên qua khu suối Bà Hoàng có cỏ vàng và hoa Lan dại. Khu thác Drayling với bờ cỏ đá bám đầy trên những gốc cây dầu già như những cành liễu rũ xuống của mùa Thu Đà Lạt. Và đẹp hơn, là những cành Phong Lan như những chiếc nơ thắt trên bím tóc thiếu nử thuở nào.
Không hiểu tôi đã thương con đường Hai Bà Trưng hay khu cư xá Lam Sơn êm ả buổi chiều về, hoặc là dãy phố Y Jút Quang Trung, nơi thị tứ có Ciné Lo Do và Nguyễn Huệ mà hằng đêm không hề thiếu ánh đèn màu. Khói thơm của tô bún bò rau chuối, hay mùi cay của khói thuốc Lào trong dãy phố chợ dọc Ama Trang Long. Hoặc là cái hun hút của con đường Phan Chu Trinh chạy dài từ Toà Giám Mục đến nhà thờ cha Ngoạn, nối liền với đại lộ Thống Nhất cho tới Buôn Alê A, cửa Nam của thành phố. Hoặc giả là nỗi nhọc nhằn của người bộ hành từ khu đồi dóc Châu Sơn theo ngỏ Hàm Nghi về khu Chợ Nhỏ ở đường Hoàng Diệu nối dài vào mỗi sáng Chủ Nhật. Tất cả đã hiện về trong trí óc tôi như một khúc phim thơ mộng của thời vàng son vừa mất hôm qua.
Tôi vẫn nhớ rõ chiều hôm qua, mồng 9 tháng 3/1975, từng dãy xe nhà đậu nối đuôi nhau trên con đường Quang Trung, cạnh phòng mạch Nha Sĩ Ba, và một góc của đường Quang Trung Hai Bà Trưng, bên cạnh khách sạn Tường Hiệp đến khách sạn Hồng Kông, để chờ ăn một tô hủ tíu Nam Vang của Phú Lâm, và món canh cải chua nấu đầu cá của nhà hàng Hoàng Vinh, đối diện với Ngân Hàng Đại Á. Và cũng chiều hôm qua, tôi và Thạnh còn lang thang trên con đường này, vừa muốn ghé vào tiệm kem Chi Cao, mà cũng muốn ăn một chén Thạch Chè của Tân Ka, nhưng rồi cuối cùng đã vào Blanc de Neige ở Lý Thường Kiệt.
Không phải tôi chỉ nhớ có bấy nhiêu, và nếu chỉ bấy nhiêu thôi, thật chưa đủ để nói về Ban Mê Thuột của tôi, vì danh lam thắng cảnh và cái thơ mộng của thành phố này còn chất đầy trong tâm trí mỗi con người. Từ cái sầm uất của một thành phố kỷ nghệ, Cây Số 7, khu khai thác và chế biến lâm sản, phía Nam thị xã 7 km. Ban Mê Thuột, ”Kinh đô Cẩm Lai và Cà Phê” mà những doanh gia khai thác lâm sản đã đặt tên. Những dãy đồn điền cà phê và cao su rộng hàng chục ngàn mẫu, cho đến những khu giải trí ở ngoại ô, như Vườn Thực Nghiệm, Hồ Trung Tâm… Và trong thành phố, những nơi ăn uống thành danh như Tân Cao Nguyên ở đường Hoàng Diệu, nhà hàng Vĩnh Thuận ở cuối Quang Trung, Cà Phê Thiên Hương ở Lý Thường Kiệt, Vui Sống ở Phan Chu Trinh, Mây Hồng ở khu trường Tổng Hợp… Rồi những dẫy phố xá tấp nập người qua lại như Phúc An, Dân Thiên Đường, Minh Sơn, Trúc Lâm, Rồng Vàng, Thanh Thế… Vân vân và vân vân…
Nhưng tất cả những thơ mộng đó, giờ đây đã bị hủy diệt. Mồ hôi và nước mắt của bao người đã không ngừng đổ ra trong suốt bao nhiêu triều đại để xây dựng nên Ban Mê Thuột với kỳ vọng của họ và con cháu họ mai sau, giờ đây chỉ còn một đóng tro tàn, mà hương khói gần như cũng nhạt nhòa tan đi trong một vài giây phút nữa. Ban Mê Thuột thực sự đã mất rồi, nhưng trong tâm trí những người còn lại, Ban Mê Thuột mãi mãi là máu thịt của châu thân mình.
BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH VÀ TRẬN ĐÁNH CUỐI CÙNG
Bây giờ là 4 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, khu suối Đóc Học với những vườn rau tàn tạ đầy dấu dép râu và dấu xích chiến xa. Khu xóm nghèo của một ngoại ô tỉnh nhỏ càng tàn tạ tẻ lạnh hơn lúc nào. Nhìn về khu vực Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh và Dân Y Viện Ban Mê Thuột, chỉ còn thấy được ngọn đèn Signal chơ vơ trên trụ truyền tin. Những đóm màu đỏ của hỏa châu càng nhỏ hơn, như ánh mắt của loài thú hoang trong rừng đêm.
Cái lặng lẽ của đêm trường và cái yên tĩnh của chiến trường càng làm cho người ta liên tưởng tới một cái gì khủng khiếp sắp xảy ra. Lâu lâu một tràng đại liên hoặc những loạt súng nhỏ không phân biệt được AK-47 hay M-16 bắn ra. Và như vậy là đã hơn 24 giờ đồng hồ, từ lúc 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đợt tấn công đầu tiên của Cộng quân vào hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, nghĩa là lực lượng phòng thủ hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh đã chống trả không ngừng trong suốt 24 giờ, và không hiểu sẽ còn cầm cự được bao lâu nữa.
Qua hệ thống truyền tin, người ta nhận được tín hiệu của Chi Khu Ban Mê Thuột, và Đại Tá Dậu, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân còn ở ngoài vòng đai thị xã, ở mặt Bắc, mà chưa chọc thủng được phòng tuyến của Cộng quân để tiến vào thị xã. Hy vọng duy nhất trong lúc này, là hai chiếc L-19 đang bay trên đầu Bộ Tư Lệnh, dầu rằng màng lưới phòng không với đại liên 37 ly của Cộng quân vẫn không ngừng tấn công.
Và chính trong hòan cảnh này, tôi mới hiểu rõ tinh thần Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm của những chiến sĩ Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Những con ó vùng Cao nguyên đã làm cỏ Sư Đoàn 320 Sao Vàng của Cộng quân vùng Dakto, Tân cảnh, Bến Het một thời nào, giờ đây, những con ó đó vẫn vẫy cánh tung hoành giữa rừng quân địch không một chút e sợ.
Năm giờ 55 sáng ngày 11 tháng 3/1975, chiến trường vẫn còn yên tĩnh, buổi sáng tháng Ba ở vùng cao nguyên thường có sương mù che phủ, nhưng hôm nay, sương mù đã được thay bằng bụi khói, và không khí trong lành của những sáng mùa Xuân năm xưa đã bay mất để nhường chổ cho mùi khét của thuốc súng.
Ở cửa Nam thị xã, lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng, nằm trên đại lộ Thống Nhất vẫn còn cầm cự. Tư dinh này là một biệt thự khá kiên cố, nửa phần tường phía dưới được xây bằng đá, và hệ thống công sự cũng là những lô cốt đá. Nhờ vậy trung đội phòng vệ tư dinh đã không di tản theo Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Mặt khác, tư dinh này tương đối gần hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh hơn Tiểu Khu. Vả lại, với một phạm vi nhỏ, trung đội phòng vệ dễ dàng bố trí hỏa lực hơn ở một vòng đai rộng lớn như Tiểu Khu. Đo đó, trung đội trưởng là Trung Úy Hoành đã cương quyết không di tản. Sự hiện diện của đơn vị này đã trở thành một chướng ngại và nghi điểm trong chiến thuật đối với lực lượng Cộng quân trong lúc này.
Sáu giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, từ khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Du, sau lưng Sở Học Chánh Ban Mê Thuột, người ta nhìn rỏ những chiếc T-54 của Cộng quân, và lực lượng bộ binh đang thực hiện một cuộc chuyển quân bao vây hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Vòng vây này đang được thắt chặt, như một màng lưới dày đặc chung quanh vòng đai phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Và 6 chiếc T-54, nhìn được từ hướng Tây-Nam, đang dàn hàng ngang tiến sát và hệ thống công sự phòng thủ Bộ Tư Lệnh. Với kinh nghiệm của những người lính, ai cũng hiểu Bộ Tư Lệnh khó lòng cầm cự được trong vòng vài ba giờ đồng hồ tới.
Trong khi đó, những tiếng súng nhỏ, và đại bác 100 ly, cùng lúc gầm lên như những giây pháo nổ không ngừng, làm rung chuyển cả một vùng trời. Cộng quân bắt đầu nổ lực tấn công hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Và tại cửa Nam thị xã, bộ binh và chiến xa T-54 cũng ráo riết tấn công lực lượng phòng thủ tư dinh tỉnh trưởng. Nhưng chỉ là một trung đội Địa Phương Quân, đơn vị phòng thủ tư dinh làm sao có thể chống trả được với lực lượng biển người và chiến xa T-54 của Cộng quân.
Tám giờ 15 sáng ngày 11 tháng 3/1975, tư dinh tỉnh trưởng bị T-54 ủi sập các bức tường vòng đai, và pháo sập các tầng lầu. Trung úy trung đội trưởng bị trọng thương. Trong máy PRC-25, người ta nghe được tiếng kêu cứu rồi xin lệnh di tản của Trung Úy Hoành, vị sĩ quan Địa Phương Quân vừa ngoài 30 tuổi, nhưng lòng can đảm và kinh nghiệm chiến trường của ông đã vượt xa quá tuổi đời. Ông đúng là một sĩ quan ưu tú của quân đội.
Tư dinh tỉnh trưởng đã thất thủ, chốt điểm cuối cùng ở cửa Nam thị xã đã bị Cộng quân tràn ngập, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh bây giờ như người hùng cô đơn vẫy vùng dưới trời mưa đạn của quân thù.
NHỮNG PHÚT CUỐI CÙNG CỦA BỘ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 23 BỘ BINH
Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh gồm hai đại đội và một số các phòng ban chuyên môn, trong đó có một đại đội là đơn vị tổng hành dinh, chuyên trách về hành chánh và ẩm thực. Lực lượng chủ chốt là các Trung Đoàn 44 và 45 đang hành quân vùng Pleiku. Trung Đoàn 53 chỉ có hai tiểu đoàn ở Ban Mê Thuột, và một trung đội Pháo Binh 105 ly, nhưng một tiểu đoàn lại đã điều động lên giải tỏa Quận Đức Lập, một quận vừa bị Cộng quân tràn ngập vào sáng Chủ Nhật ngày 9 tháng 3/1975. Tiểu đoàn còn lại phòng thủ Phi trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột về phía Đông Đông-Bắc 7 km.
Lịch sử của Sư Đoàn 23 Bộ Binh hiển hách không phải vì những chiến công hay lòng dũng cảm của các vị tư lệnh sư đoàn từ thời Đại Tá Võ Văn Cảnh, Trương Quang Ân để lại, mà chính là những chiến thắng vẻ vang, oanh liệt mà sư đoàn đã mang về cho quân lực, từ những chiến dịch Bình Tây 1 và 2… Những trận đánh kinh thiên lẫy lừng, làm vang dội các địa danh chưa có người biết tới, như Dakto, Bến Het, Tân Cảnh. Lịch sử vẻ vang của một đơn vị quân lực kiêu hùng không dễ tự nhiên mà có, nhưng hôm nay, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, lần đầu tiên trong lịch sử đơn vị, và trong quân sử của một quân đội kiêu hùng đang đi vào ngỏ rẽ.
Cho đến 8 giờ 20 sáng ngày 11 tháng 3/1975, đơn vị quân lực còn có mặt tại thị xã Ban Mê Thuột chỉ là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Cộng quân biết rõ điều này, và càng hiểu rằng Trung Đoàn 44 và 45 Bộ Binh nhất định sẽ trở về chiếm lại giang sơn của họ. Và đặc biệt là Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đang có mặt ngoài vòng đai thị xã ở cửa Bắc, một đơn vị mà các đơn vị chủ lực quân Bắc Việt không bao giờ dám đụng đầu trên chiến trường Cao Nguyên trong suốt nhiều năm qua, từ các mặt trận vùng Tây Bắc Kontum, PleiKu, Bến Het… cho đến chiến dịch càn quét Cục R, cơ quan đầu não tổng chỉ huy các lực lượng của Cộng quân tại miền Nam, đặt ngoài lảnh thỗ quốc gia.
Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân được đổ xuống Buôn Hô, một quận cách thị xã Ban Mê Thuột 35 km về hướng Bắc lúc 4 giờ 30 chiều ngày 10 tháng 3/1975. Đến 9 giờ tối cùng ngày đã tiến sát vào vòng đai thị xã, nhưng chưa chọc thủng được vòng vây của Cộng quân. Tiểu Khu Darlac lúc bấy giờ đã rút ra khỏi thị xã. Hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 cố thủ trong khuôn viên Bộ Tư Lệnh, nên không có được một đơn vị nào làm đầu cầu cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân tiến vào thị xã.
Điểm đáng tiếc là 10 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, đơn vị tiền sát của liên đoàn đã đột nhập thị xã, di tản gia đình vị tư lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh ra khỏi thị xã, nhưng lại không được lệnh ở lại làm điểm tựa cho Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đến giải cứu thị xã sau này. Thực sự, nếu Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân có mặt tại thị xã, thì nhất định Ban Mê Thuột đã không thất thủ mà còn đánh tan được 3 sư đoàn quân chủ lực Bắc Việt, và bẻ gãy toàn bộ mọi mưu đồ của Cộng quân.
Từ 6 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 3/1975, Cộng quân đã bố trí xong lực lượng thắt chặt vòng văy hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly trang bị trên chiến xa T-54, bắn trực xạ, đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly từ hướng Bandon dồn dập đổ xuống Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn. Đồng thời, chiến xa và bộ đội Cộng quân dàn hàng ngang tấn công bốn mặt vòng đai Bộ Tư Lệnh. Lực lượng phòng thủ Bộ Tư Lệnh đã chống trả quyết liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công, và đánh cận chiến với quân thù. Nhìn lên khung trời Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 bây giờ chỉ còn thấy được những cuộn khói dày đặc mịt mù. Điều đáng tiếc là mấy chiếc thiết vận xa M-113 còn lại của Sư Đoàn 23 trong lúc này lại lại không thấy hoạt động.
Mười giờ 10 phút, một phi vụ A-37 của Không Quân thả bom nhầm vào Trung Tâm Hành Quân của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Mọi liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Bộ Tổng Tham Mưu hoàn toàn bị phá hủy.
Mười giờ 30 sáng ngày 11 tháng 3/1975, một đoạn hệ thống công sự ở mặt Tây và phía Nam Bộ Tư Lệnh đã bị chọc thủng. Bộ đội và chiến xa của Cộng quân tràn vào hậu cứ Sư Đoàn 23 Bộ Binh như nước vỡ bờ. Đại Tá Vũ Thế Quang, Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, Đại Tá Nguyễn Trọng Luật, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, mở đường máu đem đơn vị thoát khỏi hậu cứ, bỏ lại Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đinh trong một tình huống vô cùng bi thảm. Ban Mê Thuột lâm chung. Sáu mươi ngàn dân như một đàn gà con mất mẹ. Đêm đen phủ xuống thành phố này cùng với nổi hải hùng và tuyệt vọng mênh mong.
MẶT TRẬN PHI TRƯỜNG PHỤNG DỤC VÀ TRUNG ĐOÀN 53 BỘ BINH
Thị xã Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân từ chiều hôm qua, ngày 10 tháng 3/1975, và đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng là hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh rút khỏi thị xã này lúc 10 giờ 38 phút ngày 11 tháng 3/1975. Nhưng Trung Đoàn 53 Bộ Binh, phòng thủ Phi Trường Phụng Dực, cách thị xã Ban Mê Thuột 7 km về hướng Đông Bắc vẫn cố thủ phi trường và cương quyết chống lại lực lượng biển người và chiến xa T-54 của Cộng quân.
Cùng lúc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, Cộng quân đã không bỏ sót Trung Đoàn 53. Chiến xa và bộ đội của Cộng quân, với đại bác 130 ly, và hỏa tiển 122 ly yểm trợ đã không ngừng luân phiên tấn công Trung Đoàn 53. Và sau khi đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng rời bỏ Ban Mê Thuột, Cộng quân càng tập trung lực lượng tấn công Trung Đoàn 53 ác liệt hơn.
Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 53 Bộ Binh là Trung Tá Ân. Biết rõ ý đồ của Cộng quân, nhưng ông cũng hiểu rằng Phi Trường Phụng Dực là điểm tiếp liệu, tiếp vận duy nhất cho lực lượng tổng trừ bị là sư đoàn Nhảy Dù đến giải cứu Ban Mê Thuột sau này, đồng thời đơn vị của ông là lực lượng đầu cầu và liên lạc duy nhất cho các đơn vị bạn về sau. Do vậy, ông đã ra lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược và mọi phương tiện quân y, dược cụ, cố gắng chiếm dụng vũ khí của địch để chống lại kẻ địch, và phải nhất dịnh bắn trúng mục tiêu.
Trong suốt thời gian 6 ngày đêm, Trung Đoàn 53 Bộ Binh không những đã đánh tan nhiều đợt tấn công của Cộng quân, mà còn tịch thu nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như súng cộng đồng để tiêu diệt T-54 và hàng trăm xác quân thù bỏ lại chiến trường. Sự tổn thất nặng nề nhất của Cộng quân trong mặt trận Ban Mê Thuột, hơn 200 nhân mạng, không biết được con số bị thương, và hàng chục T-54 bị phá hủy bằng chính B-40, B-41 của Cộng quân do Trung Đoàn 53 tịch thu tại mặt trận Phi trường Phụng Dực.
Từ sáng sớm ngày 10 tháng 3/1975 cho đến hết ngày 15 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh chỉ với một tiểu đoàn Bộ Binh, và trung đội Pháo Binh 105 ly đã anh dũng chiến đấu với một lượng Cộng quân nhiều gấp bội, có chiến xa và đại bác đủ loại, mà không cần biết đến Ban Mê Thuột đã thất thủ và đài BBC trong bản tin phát đi vào đêm 14 tháng 3/1975, đã loan tin Sư Đoàn 23 Bộ Binh bị xóa tên trong quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 15 tháng 3/1975, một phi vụ yểm trợ tiếp liệu cuối cùng cho Trung Đoàn 53 đã không rơi đúng điểm ấn định mà lại rơi xuống khu vực Vườn Ương ở Hồ thực nghiệm.
Ngày 16 tháng 3/1975, Trung Đoàn 53 Bộ Binh hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Hết đạn dược và thuốc men, Trung Tá Trung Đoàn Trưởng đành phải ra lệnh rút khỏi phi trường Phụng Dực. Điểm liên lạc, tiếp vận duy nhất cho Ban Mê Thuột đã lọt vào tay Cộng quân. Nhưng Trung Tá Ân, đúng là người hùng của quân lực, và Trung Đoàn 53 Bộ Binh anh dũng là những người con yêu của Tổ Quốc, đã làm khiếp đảm quân thù, và đem vinh quang về cho một quân đội kiêu hùng của nền Cộng Hòa miền Nam.
Với lịch sử của Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và thực tế của mặt trận Ban Mê Thuột, nếu thị xã Ban Mê Thuột được Trung Đoàn 44 hoặc 45 Bộ Binh phòng thủ, thì cho dầu Cộng Sản Bắc Việt có quân số nhiều gấp ngàn lần đi nữa trong cuộc tấn công này, Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đã không rơi vào biển đêm của lịch sử dân tộc. Và Sư Đoàn 23 Bộ Binh vĩnh viễn là một đơn vị kiêu hùng của một quân lực kiêu hùng bất diệt.
Suốt đêm nay, tôi vẫn mơ màng tự hỏi tại sao Ban Mê Thuột có thể thất thủ dễ dàng và nhanh chóng như vậy? Chỉ với một tiểu đoàn Bộ Binh của Trung Đoàn 53, đã cầm cự với lực lượng Cộng quân hơn suốt 6 ngày đêm.
Qua tin tức các hoạt động của địch được ghi nhận ở những ngày đầu chiến cuộc, và đặc biệt là trong các buổi họp tham mưu, Đại Tá Luật đã nhiều lần nhắc nhở các đơn vị về những hoạt động của Cộng quân, những đơn vị chủ lực quân Bắc Việt đã ghi nhận có mặt quanh vòng đai lãnh thổ, hoặc nghi ngờ đang di chuyển về lảnh thổ Darlac. Và điểm đặc biệt là Bộ Chỉ Huy Chiến Thuật của Tiểu Khu, một đơn vị mới thành lập đã được đặt trong tình trạng báo động.
Tất cả những sự kiện đó, chứng minh rằng, các giới chức thẩm quyền ở địa phương đều biết trước, Ban Mê Thuột sẽ bị tấn công, nhưng tại sao Trung Đoàn 44 hoặc 45 Bộ Binh lại không được trả về Ban Mê Thuột? Tại sao Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân lại bị mất đi cơ hội xâm nhập thị xã để gải cứu Ban Mê Thuột? Những câu hỏi này, ai có trách nhiệm trả lời, và đến bao giờ mới trả lời được.
MẶT TRẬN PHÍA TÂY BẮC THỊ XÃ VÀ TRẠI ĐỊNH CƯ CHÂU SƠN
Sau khi hậu cứ Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh rút khỏi thị xã lúc 10giờ 38 phút sáng ngày 11 tháng 3/1975), Ban Mê Thuột đã hoàn toàn lọt vào tay Cộng quân. Một số binh sĩ thuộc Tiểu Khu, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Thiết Đoàn 8 Thiết Giáp, đơn vị hành chánh tiếp vận… đã thất lạc đơn vị và chạy vào xã Châu sơn, cách thị xã 3 km về hướng Tây Tây-Bắc.
Xã Châu Sơn là tên của một trại định cư có khoảng 5,000 người, từ miền Bắc di cư vào Nam sau hiệp định Geneve năm 1954, được cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm thành lập vào khoảng năm 1956, cùng với các trại định cư khác trong toàn lãnh thổ tỉnh Darlac.
Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã nhận định Ban Mê Thuột có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, không những có thể kiểm soát toàn miền cao nguyên mà còn là giao điểm nối liền cao nguyên với duyên hải, đồng thời từ Ban Mê Thuột còn có thể kiểm soát được vùng Tam Biên Việt Nam, Lào, và Cam Bốt. Vì vậy, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã thiết lập một vòng đai an toàn bảo vệ cho thị xã Ban Mê Thuột bằng một hệ thống gồm các trại định cư sau đây:
Trại định cư Châu Sơn ở mặt Tây tây Bắc thị xã Ban Mê Thuột 3 km. Phía Nam dọc theo Quốc Lộ 14, cách thị xã 5 km là trại Chi Lăng, với dân số khoảng 3,000 người, và xa hơn là Thọ Thành. Phía Đông-Nam cách thị xã 3 km có trại định cư Trần Hưng Đạo gần 2,000 người. Phía Đông khoảng 9 km có Hòa Bình, là quận lỵ của quận Ban Mê Thuột. Cũng về mặt Đông, cách Ban Mê Thuột 15 km, có trại định cư Trung Hòa với dân số 5,000 người. Xa hơn, doc theo Tỉnh Lộ số 5, đường đi Quận Lạc Thiện, có hai trại Kim Châu, Kim Phát, với dân số khoảng 6,000. Phía Bắc Ban Mê Thuột, dọc theo Quốc Lộ 14, cách thị xã 32 km, có 3 trại định cư, chiếm tỉ lệ dân số người Kinh cao nhất trong toàn tỉnh, hơn 10 ngàn người, đó là các trại định cư Hà Lan A và Hà Lan B, Vĩnh Phước, thuộc Quận Buôn Hô, đã nổi tiếng trong trận đánh đầu Xuân năm 1972 với hai trung đoàn Cộng Sản Bắc Việt trong suốt 10 ngày đêm mà chỉ với 7 trung đội Nghĩa Quân và lực lượng Nhân Dân Tự Vệ Xã.
Thị xã Ban Mê Thuột mất, xã Châu Sơn tự họ quyết định số phận của mình, cưong quyết chống lại Cộng Sản, theo tinh thần của cuc khởi nghĩa Quỳnh Lưu, Nghệ An giữa thập niên 1950 và 1960 khi người dân nổi lên chống lại xe tăng và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt năm xưa.
Tập hợp lại những binh sĩ tản lạc chạy vào xã, Ban Chỉ Huy Liên Trung Đội Nghĩa Quân đã hô hào đồng bào đào chiến hào dọc theo hàng rào ấp chiến lược, lập tổ tam tam, 3 người một, yểm trợ lẫn nhau, để chống lại quân Cộng sản. Phụ lão và thiếu niên lo phần tiếp tế cơm ăn, nước uống và cứu thương. Thanh niên nam nữ túc trực ở giao thông hào phòng thủ. Suốt 11 ngày đêm, lực lượng Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ và toàn dân xã Châu Sơn đã đánh trả không ngừng với lực lượng Cộng quân.
Cuối cùng Cộng quân phải dùng chiến xa T-54 dàn hàng ngang ủi sập hệ thống giao thông hào và hàng rào phòng thủ. Nhiều trung đội trưởng và liên trung đội trưởng Nghĩa Quân bị thương và bị bắt. Xã Châu Sơn đầu hàng. Riêng liên trung đội trưởng nghĩa quân Nguyễn Văn Tiến bị xử án chung thân. Sau hơn 20 năm những người dân xã Châu Sơn một lần nữa, lại bị nô thuộc dưới chế độ Cộng Sản. Nhưng tinh thần chống Cộng và gương anh dũng chiến đấu của họ nhất định mãi mãi lưu truyền cho thế hệ mai sau.
QUẬN PHƯỚC AN: CỨ ĐIỂM CHIẾN LƯỢC QUÂN SỰ CUỐI CÙNG
Ban Mê Thuột thất thủ, quận hành chánh và các chi khu di tản về quận Phước An để thành lập một tuyến phòng thủ chiến lược nhằm tái chiếm Ban Mê Thuột. Chi khu và Quận Hành Chánh Phước An nằm trên một ngọn đồi trọc phía đông bắc thị xã Ban Mê Thuột 42 km, trên Quốc Lộ 21, giáp ranh với quận Khánh Dương, tỉnh Khánh Hoà, Nha Trang là giao điểm giữa Ban Mê Thuột và Nha Trang, hay là trục nối giữa vùng cao nguyên với miền duyên hải trung phần.
Chín mươi phần trăm dân số Phước An là ngưòi thượng sống rãi rác trong các buôn làng. Trước năm 1960, hầu hết người Thượng ở quân này đều sống bằng nghề làm rẫy, trồng cây ngũ cốc, như bắp và lúa. Nhưng từ sau năm 1960, những di dân từ các miền đến lập nghiệp ở vùng này, đã khám phá ra vùng đất màu mỡ của Phước An rất thích hợp để trồng các loại cây kỹ nghệ như cà phê, cao su, tiêu, ca cao, và từ đó, những dãy đồn điền cà phê mọc lên như nấm nằm dọc hai bên Quốc Lộ 21, từ cây số 5 cách thị xã Ban Mê Thuột về hướng Đông-Bắc cho đến cây số 42 Quốc Lộ 21 và chạy sâu vào hàng chục cây số, đã làm cho Phước An trở nên một vùng trù phú bậc nhất của tỉnh Darlac.
Ngoài cà phê, Phước an còn là khu vực lâm sản quan trọng. Cây Gõ (Cà te) là mối lợi lớn nhất mà các nhà lâm sản thời bấy giờ hằng mơ ước. Quận Phước An có một trường trung học công lập, và hầu như mỗi buôn làng đều có một trường tiểu học cộng đồng, nên dân trí và sinh hoạt của quận này rất cao.
Từ khi Ban Mê Thuột thất thủ, Bộ Chỉ Huy Tiẻu Khu Darlac, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Tỉnh, các đơn vị đồn trú tại thị xã, các quận hành chánh và chi khu của các quận đều di tản về Phước An để lập một tuyến phòng thủ và chuẩn bị tái chiếm Ban Mê Thuột.
Bốn giờ 40 chiều ngày 13 tháng 3/1975, hai Trung Đoàn Bộ Binh 44 và 45 thuộc Sư Đoàn 23 được đổ xuống quận Phước An, Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng Nhì Quân Đoàn 2 được bổ nhiệm làm Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng Tiểu Khu Darlac, lo phối trí lực lượng tái chiếm Ban Mê Thuột.
Từ 13 tháng 3/1975 đến 16 tháng 3/1975, phòng tuyến Phước An được thành lập với lực lượng của ba chi khu và hai Trung Đoàn Bộ Binh 44 và 45 trong một khí thế hết sức thuận lợi. Kế hoạch tái chiếm Ban Mê Thuột được coi là hoàn tất ở giai đoạn đầu, chỉ còn đợi lệnh và chờ phối hợp với lực lượng tổng trừ bị của Bộ Tổng tham Mưu tăng viện.
Nhưng cho đến ngày 17 tháng 3/1975, lực lượng tổng trừ bị vẫn chưa được gởi đến. Trong khi đó, bộ binh và chiến xa của Cộng quân đã từ thị xã Ban Mê Thuột đổ về tấn công ráo riết phòng tuyến Phước An không một phút nào ngừng. Chiều ngày 17 tháng 3/1975, phòng tuyến Phước An bị Cộng quân chọc thủng, cứ điểm chiến lược cuối cùng của Ban Mê Thuột bị tan rã.
Ban Mê Thuột, tỉnh Darlac gồm bốn quận hành chánh và bốn chi khu cùng với 150 ngàn dân rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt. Tỉnh Darlac, một trong 42 tỉnh của Việt Nam Cộng Hoà bị xóa tên trên bản đồ hành chánh của nền Cộng Hòa từ ngày hôm nay.
Tôi lịm chết giữa điệu buồn chất ngất
Thả hồn xuôi theo kỷ niệm xa mờ
Phút vị vong thắp lại nén hương thừa
Mà tưởng nhớ một thời xưa đã sống
Nguyễn Định28/03/2012
Hương Lộ 555 Lẻ Loi
Lời mở đầu của người viết:
Đã hơn 28 năm qua, bây giờ viết lại chỉ mục đích nhắc lại một giai đoạn ngắn của cuộc hành quân triệt thoái chiến trường Quảng Trị.
Với cái nhìn hạn hẹp của một người chỉ huy cấp Pháo đội. Mong rằng những gì không được đẹp lòng, xin quý vị có liên quan rộng tình thứ lỗi.
Thứ I: Những ngày trung tuần tháng 3 năm 1975.
1. Lược qua thành phần chỉ huy thuộc Tiểu đoàn 1 Pháo binh Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, thời điểm đầu và trung tuần tháng 3 năm 1975:
- Tiểu đoàn trưởng: Thiếu Tá Nguyễn Hữu Lạc (Khóa 8 Sĩ Quan Pháo Binh)
- Tiểu đoàn phó: Thiếu Tá Trương Công Thuận (K13, SQPB)
- Trưởng ban 3 (Sĩ Quan Hành Quân & Huấn Luyện): Đại úy Huỳnh Văn Vân (K12, SQPB)
- Sĩ Quan Phối hợp Hỏa Lực cạnh TTHQ Lữ Đoàn 258/TQLC: Đại úy Lâm Quốc Vân (K22, SQPB)
- Pháo đội trưởng Pháo đội Chỉ huy & Công vụ/Hành Quân: Trung úy Hà Minh Công (K26, SQPB)
- Pháo đội trưởng Pháo đội A: Đại úy Nguyễn Văn Thiết (K20, SQPB)
- Pháo đội trưởng Pháo đội B: Đại úy Lưu Văn Phúc (K21, SQPB)
- Pháo đội trưởng Pháo đội C: Trung úy Nguyễn Văn Tuấn (K26, SQPB)
2. Cuộc họp quan trọng tại Bộ Chỉ huy Lữ Đoàn 258.
Trưa ngày 14 tháng 3 năm 1975, Đại tá Nguyễn Thành Trí, Tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân lục chiến từ Bộ Tư lệnh tại Quận lỵ Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên đến Bộ chỉ huy Lữ Đoàn 258 đang trú đóng gần ngã tư Hội Yên, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị để mở cuộc họp khẩn cấp với Đại tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 258 cùng các Sĩ Quan Tham Mưu Lữ Đoàn và tất cả các đơn vị trưởng trực thuộc Lữ Đoàn, trong đó có Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Pháo binh Thủy Quân Lục chiến.
Cuộc họp được biết qua tình cảm bạn hữu, một vị Sĩ Quan có mặt trong cuộc họp đã tiết lộ chút ít nội dung: “Hai Lữ Đoàn 258 & 369 Thủy Quân lục chiến cùng Bộ Tư Lệnh và các Tiểu đoàn tác chiến, Quân Y, Truyền Tin, Công Binh, Yểm Trợ Thủy Bộ… sẽ hành quân về Đà Nẵng.
Nhiệm vụ thay thế Sư Đoàn Nhảy Dù. Ngoại trừ một Pháo đội thuộc Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh/TQLC được chỉ định ở lại Quảng Trị; Thiếu Tá Lạc đã chọn Pháo đội B nhận lãnh trách nhiệm đó. Cá nhân tôi thoáng một chút lo âu, bối rối. Vì cách ngày này một tuần lễ, tôi có xin phép Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn để cho vợ tôi đem 2 đứa con nhỏ (3 tuổi và 9 tháng) ra thăm. Dự định, chờ chuyến liên lạc gần nhất sẽ cho vợ con trở về Sài Gòn. Bây giờ biết giải quyết ra sao?
Tôi hỏi lại người bạn: “Có chắc rằng Thiếu Tá Lạc chỉ định Pháo đội B?”.
Người bạn đáp: “Chắc. Mày ráng mà liệu cho vợ con của mày về Sài Gòn càng sớm càng tốt”.
Ngay trong buổi chiều, tôi thu xếp và nhờ Trung úy Huỳnh Thái Sơn, Pháo đội phó, người Sĩ Quan phụ tá, đưa dùm vợ con của tôi ra Huế. Cố gắng mua vé máy bay Hàng Không Việt Nam cho vợ tôi và 2 con rời Huế, về Sài Gòn.
Cám ơn Thượng Đế, cám ơn Sơn, may mắn đã mua được vé phi cơ chuyến chót Huế – Sài Gòn. Trung úy Sơn liên lạc với tôi từ phi trường Phú Bài, Huế bằng máy PRC 25 qua trung gian tiếp vận tại hậu trạm. Biết được vợ và 2 con đã ngồi trên máy bay rời Huế về Sài Gòn, tôi thật sự thở phào nhẹ nhõm.
3. Nhận lệnh:
Gần tối 14-03-1975, Thiếu Tá Lạc cho lệnh gọi tôi lên Bộ Chỉ huy TĐ1/PB/TQLC họp hành quân. Ông nói rằng họp hành quân cũng không đúng ý nghĩa. Vì Thiếu Tá Lạc ra lệnh trực tiếp cho Pháo đội trưởng PĐB, không có bất cứ Sĩ Quan nào hiện diện, kể cả Thiếu Tá Tiểu đoàn phó hoặc Đại úy Trưởng ban 3. Cũng tương tự như những gì tôi đã được người bạn thân tiết lộ. Chỉ có vài chi tiết sau đây, cho đến bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, sau hơn 28 năm trời dài đằng đẵng, tôi vẫn chưa tìm được câu giải đáp; đó là: “PĐB/TQLC sẽ đơn độc, không có một đơn vị tác chiến nào bảo vệ phòng thủ vòng ngoài, hay yểm trợ an ninh. (Ai đã quyết định như thế?)
Chiều 16-03-1975, PĐB phải chuyển giao tất cả 7 xe G.M.C cơ hữu cho Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. (Pháo không xe kéo! Trong lúc quân bạn không còn hiện diện tại vùng hành quân. Một lệnh kỳ quái nhất, chưa từng xảy ra trong lịch sử cuộc chiến!) “Lãnh tiền ăn (mua thực phẩm ở đâu?) và gạo cùng điện trì cho 10 ngàỵ.”
4. Thủy Quân Lục Chiến rời vùng Quảng Trị.
Sáng sớm ngày 17 tháng 03 năm 1975, BCH/LĐ258/TQLC, các đơn vị trực thuộc đó là 3 tiểu đoàn tác chiến TQLC, TĐ1/PB gồm BCH/TĐ và Pháo đội A, Pháo đội C, các đơn vị Thiết Giáp tăng phái…lần lượt di chuyển đoàn xe rời vùng hành quân.
Vẫy tay chào quân bạn mà lòng chẳng có gì đáng vui.
Đã chấp nhận vào cuộc chiến là chấp nhận hy sinh, nhưng chỉ phiền rằng cấp trên đã “lột” hết phương tiện di chuyển và đem con bỏ bơ vơ một mình.
Thứ II: PĐB/TQLC hành quân đơn độc 4 ngày Hương Lộ 555.
1. Nhiệm vụ Yểm Trợ:
Phòng tuyến của LĐ258/TQLC được bàn giao cho Liên đoàn 913 Địa Phương Quân/Tiểu Khu Quảng Trị gồm 4 Tiểu đoàn.
Phòng tuyến của LĐ369/TQLC chỉ còn lại TĐ6/TQLC. Pháo đội B có nhiệm vụ yểm trợ tất cả các lực lượng kể trên. Nhận lệnh trực tiếp từ Sĩ Quan liên lạc Pháo binh cạnh BTL nhẹ SĐ/TQLC/Hành Quân. Pháo đội B đã nhanh chóng liên lạc với Thiếu Tá Nguyễn Trọng Đạt (Khóa 13 Võ Bị Đà Lạt), báo cáo tình hình: quân số (không quá 90 pháo thủ), vũ khí (6 Đại bác không xe kéo, cùng các vũ khí cá nhân), đạn đại bác, đạn súng cá nhân, 10 ngày gạo + điện trì, không phương tiện mua và tiếp tế thực phẩm!
Nội dung cuộc điện đàm qua hệ thống vô tuyến giữa Thiếu Tá Nguyễn Trọng Đạt (Đà Lạt) với Đại úy Lưu Văn Phúc (Phúc Yên)
- Phúc Yên: kính chào Thẩm Quyền Đà Lạt, tôi Phúc Yên, Bravo 1.
- Đà Lạt: chào Phúc Yên, đây Đà Lạt, nghe bạn rõ. Cho biết tình hình của bạn. (Bằng ngụy hóa, Phúc Yên đã báo cáo đầy đủ lên Đà Lạt như nêu trên).
- Đà Lạt tiếp: Đây là các tần số liên lạc yểm trợ. Tôi đã ra lệnh các Đề Lô vào hệ thống tác xạ của bạn. Bạn có câu hỏi gì cần giải quyết?
- Phúc Yên: Chúng tôi đơn độc. Cần đi, lại dễ dàng. Nhưng cả 7 GMC của Pháo đội B, Lạc Long trưng dụng. Mong Thẩm Quyền can thiệp và hơn nữa Lạc Long còn lệnh cho chúng tôi dọn sạch các kho đạn: Hội Yên, Phong Điền, Điền Môn đưa về Thuận An.
- Đà Lạt: Tôi can thiệp để Lạc Long hoàn trả bạn những GMC ngaỵ (Thế nhưng mãi chiều ngày 19-03-1975, Pháo đội B mới đón nhận được đoàn xe trở về vị trí. Cám ơn các tài xế, các bạn đã hoàn thành xuất-sắc nhiệm vụ khó-khăn, vượt lằn đạn pháo của địch từ cây-số 17 trở ra Hội Yên với Pháo đội).
2. Diễn tiến từ 17 đến tối 21/03/1975
Sau cuộc liên lạc với Thiếu Tá Đạt, Pháo đội B đặt trong tình trạng ứng chiến. Sẵn sàng “Yểm trợ Quân Bạn” và tự “Phòng Thủ”.
Ngay chiều và tối 17/03/1975, nhiều đơn xin Tác xạ các Sĩ Quan Tiền sát viên thuộc 4 Tiểu đoàn Địa Phương Quân và Tiểu đoàn 6/TQLC.
Thiếu hẳn Trung tâm Phối hợp Hỏa lực nên không có sự thống nhất chỉ-huy. Pháo đội B tính yếu-tố bằng 3 xạ bảng, 3 hệ thống tác xạ khác nhau, cố gắng thỏa mãn những yêu-cầu Yểm Trợ. Cần thêm đạn – dược, Pháo đội phải xử dụng 1 xe jeep chuyên chở đại-bác không thùng gỗ, và vác bộ bởi các pháo thủ được cử ra của mỗi khẩu đội, các ban Truyền tin, đại liên, tạp vụ…và mỗi khẩu đội cử 2 người làm vào công tác chuyển đạn từ Tiền trạm Hội Yên về vị trí Pháo đội (khoảng cách chừng non 1 cây số).
Gần nửa đêm, chấm dứt Tác xạ Yểm Trợ. Pháo đội chia phiên tăng cường phòng thủ, thay nhau ăn, ngủ, canh gác, dọn dẹp dư liệu tác xạ…
Một đêm nặng – nề trôi qua . Những ngày sắp đến ra sao?
Ngày 18/03/1975, mới từ sáng sớm tôi được đánh thức bởi Hạ sĩ quan trực, dù rằng chỉ chập-chờn ngủ hơn 1 tiếng đồng hồ trước đó.
- “Ông thầy dậy đi, vọng lính gác cao nhất phát hiện có nhiều quân di chuyển về hướng mình” [Sở dĩ anh ta gọi tôi là "ông thầy" vì vào năm 1967, chúng tôi là thầy trò cùng một toán Tiền sát Pháo Binh].
Nhanh chóng đi đôi giầy trận, tôi theo Trung sĩ Thiềng, người Hạ sĩ quan trực, tiến lên vọng canh gác. Chiếu ống nhòm quan – sát, quả thực nhiều cánh quân đang di chuyển về phía chúng tôi. Quay sang Trung sĩ Thiềng, tôi nói: “Kẻng báo động”
Pháo đội từ Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh sĩ gần 90 pháo thủ nhanh chóng vào vị – trí với đầy đủ súng, đạn cá nhân, áo giáp, nón sắt, mặt nạ. Tiếp tục quan sát, vào hệ – thống Tiền sát viên để liên lạc, biết được quân bạn là các đơn vị Địa-Phương Quân đã rời tuyến phòng thủ bên bờ Thạch-Hãn để tái phối – trí lực-lượng tại phía tây cầu Vân Trình đến Quốc lộ 1.
Tuy nhiên, còn được an – ủi phần nào vì Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến vẫn vững tay súng gần thị – xã Quảng Trị đổ nát. Kể từ lúc này, trước mặt và bên hông phải không còn quân bạn. Pháo đội B: “6 Đại bác + không xe kéo súng + gần 90 pháo thủ chưa từng tác chiến bộ binh” ở vị trí cao nhất, xa nhất! Từ điểm đóng quân Pháo đội về đến Hương Điền, nơi đặt Bộ Tư Lệnh nhẹ Sư Đoàn không còn quân bạn, ngoại trừ một toán (tương đương cấp tiểu – đội) canh gác kho đạn Điền Môn! Tha hồ mà mát mẻ, anh em pháo thủ Pháo đội B ơi! Mát cả mặt, mát lưng và lạnh cẳng! Nhưng ngoài mặt, tôi với nhiệm vụ Pháo-đội-trưởng vẫn cố giữ vẻ bình thản. Chỉ bàn riêng với Trung úy Pháo đội phó Huỳnh Thái Sơn và 3 Sĩ Quan Trung đội trưởng. Tăng cường canh gác và phòng thủ. May thay! Quân Cộng Sản Bắc Việt chưa biết phòng tuyến Thạch Hãn đã bỏ trống. Hay chúng lo ngại “nghi binh để lừa chúng vào vòng” của Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn I Quân lực Việt Nam Cộng Hòa?
Nhưng đối với tôi, 1 đơn vị nhỏ cấp Pháo đội = cấp Đại đội, cứ yên được lúc nào hãy mừng lúc đó.
Một đêm 18/03/1975 nặng nề, u ám đã qua .
Ngày 19/03/1975, tôi ngủ thiếp trong đài tác xạ. Giật mình thức vì tiếng súng đại bác. Ngồi dậy, tôi hỏi: Yểm trợ đơn vị nào?
- Trung úy Sơn nói: Dạ, yểm trợ cho Tiểu đoàn 6/TQLC.
- Pháo đội trưởng: Pháo đội yểm trợ lâu chưa?
- Trung úy Sơn: Mới tác xạ điều chỉnh xong và bắt đầu bắn hiệu quả.
- Phúc Yên: Sơn có cho lấy thêm đạn từ kho đạn về không?
- Trung úy Sơn: Anh em đang vác thêm.
Không dùng xe Jeep, vì tài xế cho biết còn rất ít xăng!
- Phúc Yên: Đáp ứng theo yêu cần của quân bạn. Nhưng tác xạ 5 khẩu, còn 1 khẩu phòng thủ. Giải quyết cho hết số đạn tại kho đạn Hội Yên!
Quay sang âm thoại viên, tôi bảo:
- Dùng máy PRC25 khác gọi Hậu Trạm (Thành nội Huế).
Sau khi gọi nhiều lần. Chúng tôi liên lạc được Hậu Trạm, đoàn xe cơ hữu của Pháo đội B mới từ Đã Nẵng về đến Huế.
Mỗi xe một tài xế, không lực lượng hộ tống! Can đảm thay và cũng thương các chiến sĩ tài xế này. Vắn tắt, tôi an ủi anh em và bảo họ nghỉ ngơi vài tiếng tại Hậu Trạm, yêu cầu Ban 4 Tiểu đoàn (còn lại vài nhân viên) cho lãnh nhiên liệu, thu xếp vào vị trí Pháo đội trước 4 giờ chiều.
Các tài xế thi hành nghiêm chỉnh lệnh, và chiều ngày 19/03/1975 đoàn xe 7 GMC đã chạy ngược từ Huế (tương đối còn an toàn) vào Hội Yên, Hải Lăng, Quảng Trị đầy dẫy bất trắc dọc đường vì đạn địch pháo kích, quân bạn chạy ra Huế, dân chúng chạy theo…
Toàn thể Pháo đội hoan hô và tuyên dương các bạn tài xế.
Trung úy Thái Sơn ra lệnh phân tán các GMC để tránh đạn pháo kích của địch.
Trung úy Tri Thường, Thiếu úy Lương Văn Phúc, Thiếu úy Nguyễn Kim Sơn đôn đốc việc phòng thủ.
Ngày 19/03/1975 là ngày đầu tiên chẳng được đơn vị nào “cover” phía trước. Sau này tôi được biết: TĐ 7/TQLC bàn giao vị trí phòng thủ cho Tiểu đoàn 6/TQLC. Trong ngày này, TĐ 6 di chuyển vào Đà Nẵng.
BCH/TĐ7/TQLC phòng thủ tại cầu Phổ Trạch, một Đại đội ngược hướng Bắc đến ngã tư Hội Yên (nơi Pháo đội B đang chiếm đóng đơn độc) và Hương Lộ 555. (Nhưng thời gian ấy, Pháo đội không được nhận được bất cứ lệnh gì từ bất cứ cấp chỉ huy nào).
Ngày hôm sau 20/03/1975, TĐ 7/TQLC nhận được lệnh của Đại tá Tư lệnh phó SĐ/TQLC chuẩn bị di chuyển vào Đà Nẵng thay thế TĐ 11 Dù nằm trên đèo Hải Vân. (Cam Ranh: TĐ 7/TQLC và LĐ147, những ngày cuối tháng 3 tại chiến trường Huế).
PHÚC YÊN TỰ QUYẾT ĐỊNH LUI BINH:
Màn đêm buông xuống, cảnh vật vắng lặng đến “lạnh mình”, đằng trước không quân bạn!, liên lạc cấp trên không có trả lời.
Hệ thống truyền tin “im lặng vô tuyến”.
Lòng tôi buồn vời vợi, lo âu ngập tràn. Tôi “uống thuốc liều”, ra lệnh các sĩ quan họp khẩn cấp, và quyết định: LUI BINH, chấp nhận mọi hậu quả đến với cá nhân mình sau này.
Thứ 1: Rút toán tiền trạm Hội Yên và Pháo đội cho GMC gom hết tất cả đầu nổ đạn Đại bác – Di chuyển thêm đạn dược được chừng nào hay chừng nấy.
Thứ 2: Lợi dụng ban đêm, hơn 7 giờ tối Trung úy Sơn cùng Thiếu úy Lương Văn Phúc dùng 3 GMC kéo 2 đại-bác, đạn dược, truyền tin, tác xạ di chuyển về hướng Nam, theo Hương lộ 555, đóng quân gần ngã ba Vân Trình, sẵn sàng yểm trợ Pháo đội. Chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ sau, Bích-Chiêu 3 do Trung úy Thái Sơn giám-sát và Thiêú úy Lương V. Phúc trực tiếp chỉ huy đã báo cáo: “sẵn sàng”.
Thứ 3: Trong khi chờ Bích Chiêu 3 hoàn trả 3 GMC về Pháo đội. Tôi chỉ thị Trung úy Tri Thường đem con cái Bích Chiêu 1 cùng 2 đaị-bác, đạn dược, lương thực, vũ khí cá nhân, dùng 3 GMC khác: “Thế lên đường” và suôi nam Hương lộ 555, qua mặt Bích Chiêu 3, tìm vị trí thuận lợi đóng sau Trung đội 1/B/TQLC khoảng 3 cây số. Hướng súng yểm trợ Bích Chiêu 3 và Pháo đội. Chú trọng việc phòng thủ vị trí. Gửi trả Pháo đội 3 GMC. Báo cáo sẵn sàng.
Thứ 4: “Đúng là trời đất mênh mông, đâu là quân bạn?!” Trung đội 2/Pháo đội B/TQLC với Ban Chỉ huy Pháo đội chưa đếm đủ con số 40, bây giờ ở ngay “tuyến đầu”. Chốt sang sông, đâu mong gì trở lại. Nhưng khi gom đủ 7 GMC, Phúc Yên nói Thiếu úy Nguyễn Kim Sơn (ông SQ trẻ này đã được Phúc Yên chấp thuận cho rời nhiệm vụ vào ngày 25/4/1975 tại Long Thành để cùng cha mẹ, vợ con di tản sang Hoa Kỳ ngày 28/4/1975, hiện định cư tại tiểu bang Wisconsin) thu dọn tất cả đạn dược, cuộn mìn Claymore dọc theo các vòng rào phòng thủ, đem tất cả những gì có thể đem được, chất lên 7 GMC và 1 jeep. Báo cáo Phúc Yên khi sẵn sàng, nhưng đừng quên canh gác trong lúc dọn dẹp vị trí Pháo đội. Thiếu úy Kim Sơn cho biết: Đạn dược chỉ có thể mang theo 1 cấp số và tất cả đầu đạn. Tôi ra lệnh: “Gài chất nổ các kho đạn để phá hủy.” Đây là 1 quyết định LIỀU LĨNH. Nhưng cấp trên đã bỏ chúng tôi, chúng tôi phải làm như thế để tìm con đường SỐNG! Liên lạc Thái Sơn & Tri Thường theo dõi “những vòng bánh xe âm thầm” của gia đình Bích Chiêu (PĐ-B (-)). Vẫy tay vĩnh biệt vị trí cũ thân yêu để theo Hương Lộ 555 suôi Nam.
Cho xe ghé đón toán tiền trạm Điền Môn. Vượt qua Bích Chiêu 3 & 1 thì đồng hồ đã chỉ hơn 3 giờ sáng ngày 20-03-1975.
Ngày 20-3-1975, ngồi trên xe, dẫn đoàn xe đưa gia đình Bravo tìm chỗ “dung thân”, Phúc Yên chỉ thị Bích Chiêu 1 và 3 chỉ liên lạc nội bộ. Toàn bộ còn lại của Pháo đội chiếm đóng vị trí phía Bắc cầu Đại Lộc. Công việc xong thì trời hừng sáng. Tôi nói Ban ẩm thực lo cho các tài xế và Trưởng ban Quân Xa vấn đề ăn uống.
Lúc này Pháo đội phó phải chỉ huy Trung đội 3, nên việc gì tôi cũng cần trực tiếp. Thiếu úy Kim Sơn lo tổ chức vị trí và phòng thủ.
Các ban tác xạ truyền tin làm Đài Tác Xạ, ban đại liên và công vụ lo canh gác. Tôi chỉ thị ông Hạ sĩ quan Quân xa cho 3 GMC về vị trí Trung đội 3 và 3 GMC về vị trí Trung đội 1. Mấy chú em của tôi thật giỏi.
Đài tác xạ chưa thiết lập xong, truyền tin còn đang dựng ăng ten dù, thì họ đã đem cho tôi và Thiếu úy Kim Sơn mỗi người một tô mì gói và nửa ca cà phê, riêng tôi còn có thêm gói thuốc lá PallMall. Thôi thì cũng cố mà ăn để còn lấy sức, tới đâu hay tới đó.
Ngó vào đài tác xạ đang được thiết lập, tôi thấy Trung úy Nguyễn văn Phú đang giúp hướng dẫn các nhân viên Ban Tác xạ thiết lập xạ-bảng; chỉ bảo Hạ sĩ quan Tác xạ cùng Thiếu úy Nguyễn Kim Sơn gióng hướng súng sẵn sàng yểm trợ Bích Chiêu 1 va Bích Chiêu 3.
Phúc Yên ra lệnh Gia Đình Bích Chiêu 3: “Thế lên đường”.
Hơn 8 giờ sáng, Trung đội 3/PĐ-B “dọn” đến ngang chỗ Pháo đội đóng quân. Tôi lái jeep ra gặp Thái Sơn và Lương v. Phúc ngay trên lộ 555, chỉ vị trí đóng quân cho Trung đội 3/PĐ-B gần Chợ Biện.
Khoảng 10 giờ sáng 20/3/1975, Bích Chiêu 3 báo cáo: sẵn sàng tác xạ. Phúc Yên tiếp tục chỉ thị Bích Chiêu 1 do Trung úy Tri Thường chỉ huy “nhổ neo” dọn nhà về đóng chung với vị trí Pháo đội. Công việc hoàn tất hơn 12 giờ trưa. Cho đến giờ phút đó, địch vẫn chưa biết thật sự tình hình phòng tuyến quân ta tại chiến trường Quảng Trị, tôi đoán thế. Mệt mỏi, tôi nằm xuống “ghế bố” đặt trong đài tác xạ ngủ thiếp.
Giật mình thức dậy khi nghe nhiều tiếng đạn nổ.
À, vậy ra địch cũng tìm được vị trí của tôi! Chúng đang chào mừng Pháo đội B đó! Tôi nhỏm dậy, hỏi nhân viên tác xạ: “Pháo đội có sao không?”
Phương, hạ sĩ trực truyền tin nói: “Dạ thưa không có gì, đại úy.”
Tôi chụp nón sắt lên đầu, khoác áo giáp bước ra khỏi căn hầm. Đài tác xạ tạm làm bằng thùng đạn đổ đất, trên có vỉ sắt và 3 lớp bao cát chống pháo kích.
Tiếng người trưởng đài tác xạ cất lên: “Nó đang pháo kích ông thầy ra ngoài chi vậy?” Tôi trả lời: “Xem anh em thế nào. Coi chừng sau màn pháo là nó đánh. Loạng quạng ‘tiêu’ với nó.”
Đạn pháo kích vẫn nổ, nhưng chưa quả đạn nào lọt được vị trí. Đa số rơi xuống sông chảy ngang cầu Đại Lộc. Tôi ra lệnh anh em cứ ẩn nấp, sẵn sàng chiến đấu, đừng nghĩ chuyện phản pháo. Yêu cầu Trung úy Tri Thường và nhờ Trung úy Phú cùng đo phương giác, ước lượng khoảng cách đưa lên xạ bảng để tôi cùng Ban Tác Xạ xác định vị trí súng địch. Có được những điểm nghi ngờ, tôi ra lệnh Trung úy Sơn cho Bích Chiêu 3 phản pháo kích của địch quân.
Không biết phản pháo có hiệu qủa hay không, nhưng địch im tiếng súng.
Lúc đó, trời đã ngã về chiều. Tôi nói Tri Thường, Kim Sơn hãy lo thay nhau cơm nước, nghỉ ngơi và đôn đốc canh gác.
Tôi cũng nhắc Thái Sơn đừng quên “đang ở một mình, ráng mà giữ thân.”
Thái Sơn trả lời: “Phúc Yên cứ an-tâm, Sơn và Lương v. Phúc sẽ thay nhau chong mắt nhìn màn đêm, gia đình Bích Chiêu 3 cảnh giác cao độ.”
Đêm 20/3/75 rạng 21/3/75, khoảng gần 3 giờ sáng, lợi dụng sương mù dày đặc ban đêm địch đã bò từng toán từ rặng đồi dương liễu và ven sông để mong đột nhập vào vị trí pháo đội. Nhưng các trạm canh gác phát hiện sớm, chúng bị ăn đạn súng cá nhân và đại bác nên bỏ chạy.
Sáng sớm chúng tôi không dám mạo hiểm hành quân lục soát, lính Pháo binh thì chỉ biết bắn đại bác và phòng thủ vị trí đã khá lắm rồi.
Ngày 21-3-1975, đợi sáng hẳn, tôi cho mời Thường vụ Pháo đội đến gặp tôi nhận công tác.
“Anh chỉ huy 1 toán gồm 7 người kể cả 1 binh sĩ truyền tin với máy PRC25. Di chuyển bộ, vượt cầu và đến phía Nam, bên trái có 1 trường học có lẽ bỏ trống lâu ngày; chiếm giữ, canh gác an ninh 2 bên đầu cầu và vị trí trường học. Pháo đội sẽ di chuyển sang ngay sau khi anh báo cáo bố trí an-ninh phòng thủ xong. Quân trang, quân dụng của 7 Pháo thủ này sẽ do Trung đội Công vụ bảo quản và đưa lên GMC.”
Thường vụ Pháo đội thi hành lệnh nhanh chóng cùng toàn Thám sát vị trí lên đường. Triệu tập Tri Thường, Kim Sơn, tôi nói: “Cơm nước nhanh, dọn dẹp lẹ, thay phiên trực gác để có thể ăn uống và sẵn sàng thế lên đường khi có lệnh.”
Nhờ Phú chỉ thị Thái Sơn tính yếu tố bắn yểm trợ cho Pháo đội rút lui nếu cần.
Không thể liên lạc được với Bộ Tư Lệnh nhẹ SĐ/TQLC/HQ, mất liên lạc với mọi đơn vị bạn từ trưa 19/3/75.
Với nhiệm vụ người chỉ huy một đơn vị nhỏ mà ở ngay tuyến đầu, nặng nề với súng đại bác, công tác dọn các kho đạn không thể thi hành. Trong lịch sử chiến trận chưa bao giờ Pháo binh lại đơn độc như tình hình Pháo đội B hiện nay.
May thay, quân Cộng sản Bắc Việt chưa xua quân vượt Thạch Hãn để truy đuổi chúng tôi. Chúng nó còn sợ bóng vía cứ tưởng rằng phòng tuyến Quảng Trị vẫn còn những chiến sĩ Cọp Biển anh hùng, từng cắm cờ Cổ Thành Đinh Công Tráng, từng tay đôi với xe tăng bọn chúng. Nếu chúng biết rõ tình hình lúc đó tại tuyến đầu Quảng Trị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chỉ có 1 Pháo đội với khoảng 90 tay súng. Từ Thạch Hãn đến Nam Cầu Vân Trình đường thênh thang rộng mở, thì bọn địch chỉ cần xử dụng 1 đơn vị cấp Tiểu đoàn là có thể đưa gia đình Bích Chiêu đi nghỉ phép dài hạn ở thế giới bên kia.
Phúc Yên và các Sĩ Quan trong Pháo đội lo âu và bàn tính mọi cách bảo toàn lực lượng. Nhưng anh em pháo thủ vẫn hoạt động bình thường vì họ chẳng biết gì về tình trạng nguy nan của đơn vị.
Mọi lệnh đưa xuống, các Trung đội, các khẩu đội, các ban trực thuộc đều nghiêm chỉnh thi hành.
Xin dừng ở đây để viết lời cám ơn anh em.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 21/3/7, Pháo đội B đã “sang sông”, tạm chiếm đóng tại sân trường học đổ nát, tọa lạc tại phía Nam cầu Đại Lộc. Chưa kịp làm hầm hồ phòng thủ, Pháo đội lại bị Pháo kích. Tôi nghĩ có Đề-lô của địch bám sát và trà trộn trong dân chúng địa phương.
Vài quả đạn đã bắn gần vị trí. Rơi ngay các thửa ruộng sũng nước làm tung toé nước lẫn bùn. Vài quả đạn địch bắn dài hơn.
Tiếng của Tri Thường gọi Thái Sơn phản pháo. Bên ngoài đài tác xạ, có Kim Sơn và tôi đang cùng anh em tìm chỗ khả dĩ có thể tránh đạn pháo kích, nhưng vẫn lo phòng thủ.
Có lẽ đại quân chưa xuất hiện, chỉ đơn vị nhỏ của địch Pháo kích chúng tôi bằng súng cối. Nhưng tôi thật nóng ruột. Mù mờ về tình hình bạn và địch. Phải chi còn liên lạc được với cấp chỉ huy thì đỡ biết chừng nào.
Bớt đạn pháo kích, tôi chạy nhanh vào đài tác xạ và nghĩ miên man. Tiếng nói vang lên từ loa khuếch đại của hệ thống truyền tin.
- Đà Lạt: Bích Chiêu đây Đà Lạt, nghe rõ trả lời.
- Âm thoại viên: Đà Lạt đây Bích Chiêu, tôi nghe Đà Lạt 5/5.
- Đà Lạt: Cho gặp Phúc Yên, thẩm quyền của bạn.
- Phúc Yên: Chào Đà Lạt, Phúc Yên nghe.
- Đà Lạt: Bạn bây giờ ở đâu? Sao không liên lạc báo cáo cho tôi?
Giọng nói của Thiếu Tá Nguyễn trọng Đạt khá gay gắt.
Tôi bình tĩnh trả lời: “Trình Thẩm Quyền, từ trưa 19/3/75 tôi cố liên lạc hoài không được với thẩm quyền và bất cứ đơn vị bạn nào”. Tôi đoán rằng Thiếu Tá Đạt thông cảm hoàn cảnh không sáng sủa gì của Pháo đội B.
Nên ông dịu giọng: “Thôi, gỡ loa đi, về nhà pháo (33.40 #33.41)”.
- Phúc Yên: Đáp nhận.
Tóm tắt cuộc điện đàm như sau:
1- BTL nhẹ SĐ do Đại tá Tư Lệnh phó Nguyễn Thành Trí trực tiếp chỉ huy tại Hương Điền, chỉ có 1 trung đội Viễn Thám canh gác bảo vệ.
Phòng 3 còn 1 vài Sĩ quan cấp nhỏ và số ít nhân viên. Trung tá Nguyễn văn Nhiều, Trưởng Phòng 4 và một số nhân viên trực thuộc còn ở lại. Pháo binh vỏn vẹn 4 thầy trò Thiếu Tá Đạt.
2- Kho đạn Hương Điền với hơn 20,000 đạn đại bác được phòng thủ và bảo quản bởi toán tiền trạm không hơn 15 người do Trung úy Phan Đông, Sĩ Quan Đạn dược, Tiểu đoàn 1 Pháo binh chỉ huy. Tại đây còn có 1 trung đội Công Binh TQLC? (Phan Đông hiện định cư tại Ohio).
Chi khu Hương Điền không biết rõ họ còn bao nhiêu quân nhân tại chỗ? Ôi, Tư Lệnh cả một chiến trường mà lực lượng phòng thủ mỏng đến thế hay sao? Tôi nghe mà thở dài ngao ngán.
3- Tiểu khu Quảng Trị đã về đến Huế (để thi hành nhiệm vụ gì?).
4- Lệnh cho Pháo đội B lui binh, không có bộ binh tác chiến bảo vệ đằng sau.:
Phải rút về cửa Thuận An khoảng trước sau 5 giờ chiều, không sớm cũng không muộn.
5- Thiếu Tá Đạt yêu cầu tôi báo cáo vị trí Pháo đội.
Tôi vì muốn dấu vị trí thật, nên báo cáo láo như sau: Gia đình Bích Chiêu phân tán, tôi cho một đứa con Bích Chiêu 3 ra ở riêng, buôn bán gần Chợ Biện; còn lại thì thầy trò tôi ở Điền Môn.
Thiếu Tá Đạt sốt ruột và nói: Sao giờ này còn ở đó? Chờ đến bao giờ mới về gần nơi đây? Tôi trả lời: Có giới chức nào cho lệnh gì đâu mà dám di chuyển?
Thiếu Tá Đạt là cấp chỉ huy đầu tiên của tôi vào thời gian tháng 8/1966 lúc tôi vừa đáo nhậm đơn vị sau khi tốt nghiệp khóa 21 Sĩ Quan Pháo Binh, Dục Mỹ, Nha Trang.
Ông ta hiểu tôi là “ưa liều lĩnh”, nhưng càng trải chiến trận, tôi càng thận trọng hơn trong mọi việc “xuất, sử,” tuy nhiên tôi chỉ làm những gì theo bổn phận, trách nhiệm, tuyệt đối chưa bao giờ “nói hay hơn làm” để vừa lòng cấp trên.
Bởi vậy tôi thường hay lận đận, khoá 21 SQ Pháo Binh phục vụ binh chủng TQLC tất cả 5 người thì 4 SQ kia lần lượt đảm nhận chức vụ Pháo đội trưởng từ năm 1970. Riêng tôi thăng từ Đề Lô cấp đại đội, tiến lên Đề Lô cấp Tiểu đoàn, rồi làm Sĩ Quan liên lạc Pháo binh cạnh các BCH Lữ Đoàn cho đến tháng giêng năm 1973. Nước cạn bèo dính đất, khoá 22, 23, 26, 2/68 đã là Pháo đội trưởng chả lẽ tôi cứ tiếp tục Sĩ Quan liên lạc, nên tháng 4/1973 cấp trên cũng giao cho tôi 1 Pháo đội tình trạng đang đà tuột dốc.
Được dịp “khảo sát khả năng lãnh đạo chỉ huy,” nên cấp trên chỉ định tôi cùng Pháo đội B ở lại “trần trụi” với chiến trường Quảng Trị bỏ ngỏ!!!
Cho nên Thiếu Tá Nguyễn trọng Đạt thương cho hoàn cảnh của chúng tôi.
Ông bỏ nhỏ: “Ráng mà đem gia dình Bravo về cửa Thuận An trước trời sập tối của ngày 21/3/75″.
Tôi đáp nhận. Chấm dứt liên lạc.
Tôi chỉ thị Pháo đội (-) các chi tiết lui binh.
Gọi Bích Chiêu 3 chờ đón, xe Jeep đưa 4 thầy trò tôi về gặp Thái Sơn.
Gặp anh em Trung đội 3/PĐ-B đóng gần Chợ Biện, tôi họp nhanh với Thái Sơn và Lương v. Phúc.
Cho 2 Sĩ Quan này biết kế hoạch triệt thoái và giờ giấc. Chúng tôi quay lại vị trí Pháo đội (-). Mới về đến gia đình Bích Chiêu, bước vào đài tác xạ, người trực truyền tin cho tôi biết Trung úy Phan Đông. Chỉ huy Tiền trạm Hương Điền chờ tôi trên hệ thống nhà Pháo (33.40).
Tôi vào máy và qua điện đàm, Phan Đông cho tôi biết phải mau chóng qua được Nam Cầu Đại Lộc, vì Công Binh TQLC có lịnh phá cầu. Tôi cám ơn Phan Đông nhưng không hề tiết lộ vị trí thật và chúng tôi cũng đã dự trù để ngăn chặn chiến xa địch nếu cần thì chính Pháo đội B sẽ giật xập cầu trước lúc lui binh. Bây giờ có anh em Công Binh làm công tác đó, càng khoẻ cho chúng tôi. Cám ơn bạn Phan Đông.
RÚT LUI VỀ THUẬN AN.
Khoảng gần 3 giờ chiều 21/3/75, tôi ra lệnh trung đội 1 do Trung đội trưởng Trung úy Tri Thường kéo đại bác, đạn dược, vũ khí, quân dụng rút trước.
Tôi nói khéo với Trung úy Phú để ông ta đi cùng Trung đội 1 rút lui trước. Ban chỉ huy Pháo đội và Trung đội 2/B cùng tất cả các ban rút sau. Về ngang Chợ Biện, nhập với Trung đội 3/B. Pháo đội chúng tôi cho xe ghé vào kho đạn Hương Điền đón toán tiền trạm của Trung úy Phan Đông.
Tôi chỉ bốc đầu đạn (mà cũng không hết) và quyết định bỏ mặc kho đạn Hương Điền. Sức kham không nổi. Tôi quyết định “uống thuốc liều”, tới đâu hay đó, tôi nghĩ: “giữa cái chết của đơn vị và cái án tù bất tuân thượng lệnh dành cho cá nhân mình, thì nên chọn cái nào, bên nào nặng, bên nào nhẹ?”
Đoàn xe về đến cửa Thuận An chừng độ 5 giờ chiều, tôi nói với Thái Sơn cho hạ càng súng đại bác, xe phân tán, phân chia các trung đội phòng thủ, nghỉ ngơi ăn uống. (Pháo Binh có thuốc bồi đạn đại bác, nên nấu nước chế gạo xấy, hay hâm nóng thịt hộp, nấu cà phê, pha trà, thậm chí nấu cơm rất nhanh.)
Tôi lái đến gặp sĩ quan chuyển vận Phòng 4/SĐ/TQLC và được cấp 1 phà quân sự lần lượt đưa toàn bộ Pháo đội gồm tất cả Pháo Thủ với xe kéo súng, xe jeep, quân dụng, vũ khí, 1 cấp số đạn đại bác…qua phía Nam cửa Thuận cũng phải 4 chuyến mới hoàn tất. Qua đến phía Nam, trời đã về chiều.
Tôi cho gọi Hậu Trạm Pháo đội B tiếp tế lương thực, nhiên liệu cho Pháo đội chuẩn bị kéo súng di chuyển đường bộ về Đà Nẵng, có thể sáng hôm sau 22/3/75.
Vặn Radio để nghe tin tức, rà mãi chẳng nghe đài phát thanh Huế phát sóng lên tiếng. Hơn 7 giờ 30 chiều, Trung sĩ Nguyễn văn Mới, Hậu trạm Pháo đội B gặp Pháo đội bằng 1 GMC, tuy có nhiên liệu nhưng đáp ứng rất ít! Lương thực hoàn toàn không. Anh ta chỉ kịp ghé chỗ quen mua tạm cho Pháo đội ít cà phê, đường, và thuốc lá.
Trung sĩ Mới cho biết: Hậu trạm các Tiểu đoàn kể cả Hậu trạm Tiểu đoàn 1 Pháo binh đã di chuyển về Đà Nẵng.
Hiện vài thầy trò Thượng sĩ Huỳnh Nghiệm lo dọn nốt quân dụng. Nếu họ di chuyển thì chỉ còn lại Hậu trạm Pháo đội B với 3 GMC trong dó 2 GMC hư hỏng không phụ tùng sửa chữa.
Tôi trấn an anh ta: “Nếu Pháo đội về Đà Nẵng, tôi cho liên lạc trước, toán hậu trạm của anh sẽ đón chúng tôi, trên đường chạy xuống phi trường Phú Bài, thứ gì có thể đem được thì đem, còn lại bỏ hết, kể cả 2 GMC hư hỏng. Không có gì phải lo lắng. Yên trí, Pháo đội không bỏ rơi các anh đâu!”.
Lệnh Trở Lại Chiến Trường: NHƯNG, lại có chữ NHƯNG. Đời qủa là rắc rối.
Người âm thoại viên tới, chào và nói: “Trình Đại úy, Thiếu Tá Đạt cần gặp”.
Tôi bước đến xe jeep có thiết trí máy PRC25 và gặp Thiếu Tá Đạt qua hệ thống vô tuyến. Ông cho tôi biết: Lệnh của Đại tá Trí là Phúc Yên phải quay lại ngay nhận lệnh; toàn thể Pháo đội kéo đại bác trở lại sau. Tôi thở dài ngao ngán. Nhưng Lệnh phải thi hành.
Cho mời Trung úy Phú, cựu Pháo đội phó Pháo đội B, hiện đang cùng Pháo đội ở lại Quảng Trị, (lý do tại sao thì chỉ Thiếu Tá Lạc biết).
Phú vừa tốt nghiệp khóa Pháo Binh Trung cấp. Đáng lẽ Phú xứng đáng giữ chức vụ Pháo đội trưởng bất cứ Pháo đội A, B hay C. Nhưng cấp trên lại giao cho một Sĩ Quan cùng khóa 26 Pháo Binh với Phú từ đơn vị khác thuyên chuyển về đảm nhận chức vụ Pháo đội trưởng.
Đời thường vẫn có cảnh: “Bụt nhà không linh thiêng” là thế đó.
Cá nhân Phúc Yên đôi ba lần đề nghị giao PĐ-B để Phú chỉ huy, đồng thời Phúc Yên đã làm đơn nộp xin thuyên chuyển xuất binh chủng TQLC.
Ngày nào còn phục vụ trong PB/TQLC thì sao chiếu mệnh là “sao quả tạ”.
Vì để tránh nguy hiểm đến với Phú. Từ ngày 16/3/75 đến hôm nay (21/3/75) tôi đề nghị Trung úy Phú chỉ nên ở trong Đài tác xạ. Giúp được gì tùy ý, tôi không muốn Phú lao ra ngoài nguy hiểm như những ngày còn quân số Pháo đội B.
Trung úy Phú gặp và hỏi tôi: “Đại úy cho gọi tôi có việc chi, tôi sẵn sàng”.
Làm như có lệnh trên, tôi nói: “Tiểu đoàn gửi công điện từ Đà Nẵng, yêu cầu Phú về Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh/TQLC. Bây giờ Phú đi cùng Trung sĩ Mới về Huế. Cố gắng tìm phương tiện nhanh nhất về Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ về đó sau”.
Phú nói: “Đại úy báo cáo với Tiểu đoàn, tôi ở lại cùng Pháo đội và sẽ cùng về Đà Nẵng một lượt”.
Tôi nói: “Phú ơi, bạn phải về Tiểu đoàn. Tôi không còn phương tiện liên lạc với họ. Tôi chỉ được Thiếu Tá Đạt chuyển lệnh”. Tôi phải nói dối để Phú rời vùng Pháo đội hành quân. Chúng tôi quay trở lại Quảng Trị với nhiệm vụ trì hoãn chiến ngăn sức tiến quân của địch. Đơn vị ở lại được xem như thành phần không có hy vọng trở về nguyên vẹn.
Phú buồn bã chào tôi và từ biệt Pháo đội, bắt tay những người đứng gần và thu xếp ba lô lên xe GMC cùng Trung sĩ Mới về Huế.
Bằng cách nào Phú về đến Đà Nẵng an toàn, tôi chưa hề hỏi lại Phú.
Quay sang Thái Sơn, tôi nói: “Sơn ơi, bây giờ tôi, Phương (âm thoại viên), Tài (cận vệ) và Thông (tài xế xe jeep) xuống phà trở lại trước. Bạn chỉ huy Pháo đội kéo súng xuống phà, quay lại sau, thứ tự ưu tiên: Trung đội 1, 2, Trung đội chỉ huy và Trung đội 3. Giữ liên lạc. Gần đến Hương Điền, tôi sẽ đón”. Tôi hạ giọng và nói nhỏ với Thái Sơn: “Tụi mình vào nơi gió cát xa trường làm một nhiệm vụ khó hoàn thành: Trì hoãn chiến”.
Thay lời kết:
Thái Sơn và các bạn Pháo thủ Pháo đội B thân mến, cám ơn các bạn đã sát cánh cùng tôi chu toàn nhiệm vụ khó khăn. Cá nhân tôi không có gì xuất sắc, nhưng tôi đã làm tròn lời nói với Pháo đội B khi tôi nhận nhiệm vụ chỉ huy: “Không bao giờ bỏ anh em để tháo chạy lấy thân, nếu khi rút lui, tôi sẽ đoạn hậu“.
Mong có dịp may gặp lại các bạn sau gần 30 năm một người một nơi.
MX Lưu-văn-Phúc
Washington State, USA (21-11-2003)
Kỷ niệm ngày Gia đình Thái Sơn đến Mỹ định cư.
Thân tặng Pháo thủ, Pháo đội B Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến.
Đặc biệt mến tặng Huỳnh Thái Sơn người đến Mỹ muộn màng (Ngày 21 tháng 11 năm 2003).